Nỗi niềm bác sĩ trẻ tại tỉnh miền núi

Thứ Hai, 27/02/2017, 23:14
Nghề y có đặc thù phải thường xuyên đi học, luôn luôn trau dồi và tiếp cận những kiến thức y học hiện đại nên thu nhập của họ đôi khi chỉ “đủ tiền đi học thêm”.

1. “Một điều nhịn, chín điều lành”, quả thực câu nói của người xưa vẫn hiện hữu quanh chúng ta từ những bài học trên lớp, từ những lời răn dạy của người cha người mẹ để con cái nên người. Tưởng chừng ngôn từ ngắn gọn dễ hiểu ấy có thể dễ dàng bám rễ ăn sâu vào lòng người khi tỉ lệ học sinh được đến trường ngày một cao. 

Thế nhưng, mỗi ngày lướt qua một trang tin trên báo buổi sáng, chúng ta dễ dàng bắt gặp một bản tin nào đấy đại loại như: cướp, giết, hiếp. Và điều đáng buồn khi các vụ giết nhiều người xảy ra liên tiếp. Đôi lúc đọc một bản tin nào đó tôi bỗng thốt lên: “Con người bây giờ man rợ quá”. Lẽ dĩ nhiên, họ sẵn sàng đánh nhau, giết nhau chỉ vì những nguyên nhân hết sức vớ vẩn.

Sẽ không bất ngờ khi một bài báo đưa tin một người hiền lành bỗng nhiên rút dao đâm bạn tử vong. Hay đơn giản chỉ vì một cái nhìn mà gây nên án mạng…  

Và mới đây thôi, một “Lục Vân Tiên” ở tỉnh Bắc Ninh khi thấy vụ tai nạn giao thông đã giúp đưa người bị nạn đi cấp cứu phải nhập viện vì nhát dao oan nghiệt của người nhà nạn nhân trong vụ tai nạn. Đó là chuyện ngoài xã hội, còn ngay trong bệnh viện, nhân viên ngành y cũng lâm vào tình trạng đối mặt với bạo lực ngay từ phía đối tượng mà họ đang cứu chữa.

Quay trở lại với câu chuyện “ai bảo vệ nhân viên nghề y?”, câu chuyện bạo hành đang lan vào bệnh viện. Những lời miệt thị độc địa, những cái bạt tai, thậm chí đã có những trường hợp nhân viên ngành y đã ngã xuống khi đang cứu người. Và, chúng ta không còn bất ngờ khi một bản tin nào đó đăng với nội dung “nhân viên y tế bị hành hung”.

Đương nhiên, mọi câu chuyện hành hung đều có trăm vạn lý do để dẫn đến. Nhưng cuối cùng, nhân viên ngành y sẽ là người thiệt thòi nhất cả về tinh thần lẫn sức khoẻ. Tôi đã từng an ủi bạn mình hết lời vì cú sốc từ nắm đấm của người thân bệnh nhân, bạn không phản ứng mạnh, chỉ buồn thôi, tôi hiểu điều đó.

Bác sĩ trẻ khám bệnh miễn phí trong một chương trình tình nguyện ở vùng sâu, vùng xa tỉnh Gia Lai.

Một người bạn khác của tôi là bác sĩ chuyên khoa I (khoa ngoại) vừa có quyết định lớn trong cuộc đời và sự nghiệp của mình khi quyết định nghỉ việc tại một cơ sở nhà nước tại tỉnh Gia Lai sau nhiều năm cống hiến để bắt đầu cuộc đời mới tại một bệnh viện tư nhân ở TP Hồ Chí Minh. Đương nhiên, việc ra đi này chưa bao giờ là điều thanh thản với cái tâm của người thầy thuốc yêu nghề. 

Với anh ấy, việc quyết định nghỉ việc để đến một môi trường khác là một cuộc cách mạng trong cuộc đời. Tôi biết anh ấy không muốn viết câu chuyện của đời mình, nên xin mạn phép được giấu tên và chỉ nói lên một thực trạng buồn đang diễn ra trong ngành y ở tỉnh lẻ.

“Tôi học ngành Y, ngay câu chuyện học hành, điểm số ban đầu để vào trường là một điều không đơn giản. Sau 6 năm đại học chỉ mới là kiến thức ban đầu. Để có thể hành nghề độc lập, một bác sĩ phải học tập mải miết đến 9-10 năm. Quá trình học của một bác sĩ thì chẳng giống như các bạn sinh viên ngoài.

Thời gian của chúng tôi ngoài học trên giảng đường là phải vào bệnh viện để học thực hành, nghiên cứu kinh nghiệm của những người đi trước. Đã chấp nhận học nghề y thì đương nhiên phải chấp nhận cực khổ, cố sức cày để trở thành một bác sĩ thực thụ.

Là sinh viên ngành Y, là bác sĩ, nhân viên y tế ai cũng hiểu rằng ngành của chúng tôi đầy rẫy những hiểm nguy. Bao nhiêu thứ bệnh cũng từ mọi nơi chuyển về bệnh viện. Có những bệnh lây qua đường máu nếu sơ sảy một vết kim đâm nhiễm máu của bệnh nhân HIV, viêm gan C vô tình đâm vào tay, hay máu bắn vào mắt… 

Có những người âm thầm giấu vợ con chữa trị bằng biện pháp phơi nhiễm. Và đã có đồng nghiệp của tôi chẳng may nhiễm HIV từ một ca cấp cứu tai nạn giao thông”, bạn tôi kể.

Nhiều lúc ngồi chuyện phiếm cùng nhau, bạn tôi lại than. Than vì thu nhập thấp. Đơn cử như một bác sĩ mới ra trường mức lương khởi điểm tầm 3,5 triệu đồng. Nếu ở các khoa được phẫu thuật thì khi mổ chính được tầm 50-100 nghìn đồng (tùy ca bệnh), mổ phụ được 30-50 nghìn đồng, mà đâu phải bác sĩ nào cũng được mổ. Trực một đêm đến sáng hôm sau chỉ được 45 nghìn đồng.

Rõ rồi, bởi lẽ phi lý ở chỗ một bác sĩ có năng lực, trình độ chuyên môn cao nhưng thu nhập lại không đủ để nuôi vợ, nuôi con. Vậy làm sao tôi có thể yên tâm làm việc, hết mình vì người bệnh được. Đó là chưa kể quá trình làm việc luôn tiếp xúc trong môi trường nhiễm bệnh, nạn bạo hành của những người bệnh.

Đôi khi cái tâm của người bác sĩ muốn hết sức vì bệnh nhân để cứu chữa nhưng cũng không ít người vì thiếu thốn đã nảy sinh tiêu cực như nạn phong bì, nạn bắt tay với các nhà thuốc tư để hưởng hoa hồng. Và rõ ràng nhu cầu làm giàu chính đáng bằng chính năng lực thực sự thì ai cũng muốn.

2. Một cán bộ công tác lâu năm trong ngành y tỉnh Gia Lai nói với tôi rằng hiện nay trong ngành Y tế, mức lương của một bác sĩ mới ra trường tính theo mức lương của cử nhân (trình độ đại học nói chung), có hệ số 1 là 2,34. Cứ 3 năm được tăng lương một lần lên 0,33 thành hệ số 2 (2,67), rồi hệ số 3 (3,00)... Tối đa có 9 bậc lương (hệ số 9 là 4,98).

Ngoài mức lương cơ bản, các bác sĩ, nhân viên ngành y tuỳ theo công việc ví dụ như ở các khoa như khoa ngoại, khoa sản, cấp cứu còn hưởng tiền thủ thuật. Tuy nhiên, mức chi trả bảo hiểm theo ca phẫu thuật nên cũng chẳng được bao nhiêu. 

Quá lắm, mỗi tháng có thêm thu nhập từ tiền thủ thuật tầm khoảng 500 nghìn đồng. Nhưng có những trường hợp bác sĩ phẫu thuật tới vài tiếng đồng hồ, căng đầu, căng mắt, tê chân để thực hiện những ca phẫu thuật nhưng nhận được có khi chỉ 100 nghìn đồng. Ngoài ra, việc trực theo ca nếu trực nhiều thì mỗi tháng được tầm 500 ngàn đồng nữa.

Còn số đông đối với bác sĩ, nhân viên nghề y làm ở các khoa bình thường thì chỉ đơn thuần hưởng lương cơ bản. Chẳng có gì hơn ngoài đồng lương  nhà nước để chi trả cho cuộc sống thường ngày.

Hơn nữa, nghề y có đặc thù phải thường xuyên đi học, luôn luôn trau dồi và tiếp cận những kiến thức y học hiện đại nên thu nhập của họ đôi khi chỉ “đủ tiền đi học thêm”.

Đối với bác sĩ khi có sự cố xảy ra thì càng thê thảm, vì chưa có cơ chế nào bảo vệ bác sĩ nếu bệnh nhân gặp phải tai biến dù các nước tiên tiến cũng gặp. Đã có nhiều người phải vét hết tài sản để đền bù, mặc dù biết rằng mình chẳng sai trong trường hợp tai biến của bệnh nhân. Và có người đã bỏ nghề, thân bại danh liệt…

Một bác sĩ trẻ ở tỉnh tâm sự rằng, về công tác tại tỉnh được 2 năm, ngoài công việc thường ngày còn tham gia các buổi trực đêm hôm. Với thu nhập chỉ khoảng 4 triệu đồng một tháng.

Vì ở vùng quê nên khi làm ở bệnh viện đa khoa tỉnh nên phải ở trọ. Mỗi tháng trả tiền trọ hết 800 ngàn chưa kể tiền điện, nước, phí vệ sinh… Còn tiền ăn uống, bạn bè cưới hỏi… Tính đi tính lại chẳng dư được đồng nào. “Bởi vậy nên các bác sĩ như em phải chạy đôn chạy đáo để kiếm việc làm thêm ngoài giờ ở các cơ sở khám bệnh tư nhân”, vị bác sĩ trẻ kể.

Tôi nhớ, cuối năm vừa rồi tại kỳ họp HĐND tỉnh Gia Lai, khoá XI, bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Lịch - Chủ tịch HĐND - Bí thư Thị uỷ An Khê (người công tác nhiều năm trong ngành y của tỉnh Gia Lai) đã đau đáu nêu nên thực trạng tại các bệnh viện ở tỉnh Gia Lai liên quan đến tình trạng bác sĩ không chịu nổi áp lực công việc do quá tải và thường xuyên bị đe doạ, xúc phạm và cả bạo hành, nhất là trong xử lý cấp cứu đã chuyển công việc đến các địa phương khác.

Liên quan đến vấn đề này, bác sĩ Lịch cho biết thêm, trên địa bàn tỉnh có nhiều bác sĩ đã nghỉ việc để đến các bệnh viện lớn và bệnh viện tư để công tác. Lấy dẫn chứng từ Bệnh viện khu vực An Khê hiện ở quy mô bệnh viện hạng 3, thực trạng đã xuống cấp, quá tải, số lượng bác sĩ và bác sĩ chuyên môn cao đều thiếu. Việc tuyển chọn bác sĩ về làm việc tại địa phương ngày một khó khăn do họ "không mặn mà”.

3. Và tôi cũng tin rằng, không chỉ có mỗi bác sĩ trẻ ở Gia Lai vướng vào câu chuyện khó khăn tứ bề này, mà đâu đó ở nhiều địa phương khác cũng vậy. Chỉ có điều, dư luận vẫn thường nhìn vào bác sĩ ở một vài thành phố lớn mà lãng quên, hoặc cố tình không chịu hiểu những vất vả của các bác sĩ tỉnh lẻ như những người bạn mà tôi vừa nhắc, như những câu chuyện mà tôi biết, tôi chứng kiến và tôi vừa kể ra đây.

Biết đâu, những người bạn của tôi, những đồng nghiệp của bạn tôi chỉ mong dư luận có cái nhìn khoan dung hơn, xác đáng hơn và công tâm hơn về họ, những người vốn dĩ ít có cơ hội lên tiếng bảo vệ mình khi lâm vào tình huống, biến cố nào đó.

Tạ Vĩnh Yên
.
.