Nỗi cô đơn của giới trẻ Trung Quốc: Tìm hạnh phúc trong vỏ kén

Thứ Ba, 07/05/2019, 11:02
Hiện nay đứng trước nguy cơ già hóa dân số, Trung Quốc đã áp dụng chính sách cho phép những ông bố bà mẹ là con một có thể sinh hai con, tiến tới cho phép toàn dân sinh hai con. Nhưng trước mắt, những đứa con một vẫn đang là nạn nhân của nỗi cô đơn tập thể.


Từ chuyện trả tiền để được khen 5-10 phút…

Cách đây mấy năm, trên một diễn đàn thuộc hàng đầu Trung Quốc tên là Douban, một số cư dân mạng lập ra một nhóm (group) có tên là "Nhóm biểu dương lẫn nhau", hoạt động rất đơn giản: bất kì ai đăng lên vấn đề gì, các thành viên khác đều sẽ lên dùng mọi cách để khen ngợi. Hiện tại, số thành viên tham gia nhóm đã lên đến chục vạn!

Một bài đăng vào cuối năm 2016: "Hôm nay, tôi lại lãng phí một ngày." Lập tức bên dưới là những bình luận "mát ruột" hết cỡ: "Đó là vì bạn cho thế giới một ngày để ngắm nhìn bạn, để hiểu bạn".

Không lâu sau, trên ứng dụng mạng xã hội Wechat, sinh viên các trường đại học đua nhau lập ra những nhóm "khen ngợi" gọi là kuakua-qun. Đáng chú ý là, "quân chủ lực" bao gồm sinh viên của ba trường danh tiếng bậc nhất: Đại học Thanh Hoa, Đại học Bắc Kinh (Bắc Kinh) và Đại học Phúc Đán (Thượng Hải).

Cũng chẳng bao lâu sau, đã có những người nhanh chóng nắm bắt lấy cơ hội kinh doanh này: các nhóm bắt đầu thu tiền.

Quy trình là nạp tiền, sau đó tài khoản Wechat của người nạp tiền sẽ được kéo vào nhóm kuakua-qun, tùy theo số tiền nạp mà được hưởng các dịch vụ "khen" khác nhau: 50 tệ được khen 5 phút, một số lời khen là copy chỗ khác vào; 80 tệ khen 5 phút, đảm bảo lời khen được "sáng tác" tại chỗ; 100 tệ khen 5 phút, ngoài khen ra còn đảm bảo được nói chuyện, trả lời bình luận; nạp nhiều hơn nữa đương nhiên sẽ được các "cao thủ" miệng lưỡi vào khen như một minh tinh. 

Những "cao thủ" làm việc chăm chỉ mỗi tháng có thể thu nhập hàng vạn tệ (10.000 tệ, khoảng hơn 30 triệu tiền Việt).

Nhân viên KFC sau giờ làm.

…Đến trả tiền cho thần tượng "live stream"

Chẳng khó để tìm được một ứng dụng live stream (truyền hình nội dung trực tiếp) dành cho điện thoại tại Trung Quốc. Những kênh trực tiếp nổi bật nhất, không khó đoán, là những kênh của các cô gái trẻ xinh đẹp. Đây đó cũng có những nội dung tương đối sâu sắc, nhưng đa phần nội dung đều chỉ là ca hát, nói chuyện.

Người xem nếu cảm thấy hài lòng, thì có thể "thưởng" cho người làm nội dung một ít tiền. Các cô gái streamer có thể căn cứ vào số tiền thưởng để tăng thêm tương tác, như nói chuyện nhiều hơn với người thưởng nhiều, nhưng rất hiếm khi có trường hợp kết bạn thực sự và gặp riêng ngoài đời. 

Chính phủ Trung Quốc cũng có những quy định, thành văn và bất thành văn, không cho phép nội dung truyền hình trực tiếp vi phạm đến thuần phong mĩ tục hay tuyên truyền những nội dung ảnh hưởng tới nhà nước.

Đa số người xem chỉ đơn giản là theo dõi, và bỏ ít tiền ra để được nói chuyện vài câu. Cũng có những người chi ra số tiền rất lớn, như vụ một cậu bé học sinh đã lấy tiền hưu trí của ông nội để đem cho cô gái streamer.

Đến cả những thú vui nho nhỏ không mất tiền...

Xem video với tràn ngập những lời bình luận bay kín màn hình, đó không phải là cách mà thế giới này xem Youtube, nhưng đó là cách giới trẻ Trung Quốc xem đủ mọi thể loại: video, trực tiếp, hay đơn giản là truyện tranh trên mạng. Những lời bình đó được gọi là "danmu" - "đạn mạc" - một lớp chữ bắn ra như đạn.

Có những trang tương đối "lịch sự" chỉ cho danmu chạy phía trên hoặc phía dưới màn hình, nhưng cũng có những trang cho chạy danmu đến kín màn hình, đủ để không nhìn thấy nội dung video nữa. Họ có lí do để làm thế: rất nhiều người trẻ thích thú với danmu, thậm chí không quan tâm đến video, họ cần bình luận, cần tương tác, cần người nói chuyện, đơn giản là vậy!

Nỗi cô đơn tập thể

Những hiện tượng thú vị trên thể hiện một sự thật không mấy thú vị: nỗi cô đơn tập thể đang ngày một tăng thêm. Rất nhiều người trẻ tại Trung Quốc đang dành phần lớn thời gian để giao tiếp với người khác thông qua môi trường trung gian - mạng Internet.

Thậm chí họ chấp nhận bỏ tiền để được giao tiếp với người lạ, chấp nhận nghe những lời cảm ơn hời hợt của một streamer không quen biết nào đó, chấp nhận nghe những lời khen có cánh (mà họ thừa hiểu chỉ để kiếm tiền) trong vòng vài phút. 

Nhiều người cần một sự giải tỏa tâm lí nhất thời, nhưng cũng nhiều người chìm đắm trong thế giới giao tiếp giả tạo đó, để quên đi "thế giới thật" ngoài kia - một thế giới mà họ không định vị được bản thân. Cái gì đã làm nên nỗi cô đơn tập thể đó?

Trong một buổi tối, tôi cùng vài người bạn nước ngoài rủ nhau đi ăn lẩu băng chuyền tại một nhà hàng bình dân ở Thượng Hải, sau khi đóng tiền, mỗi người có một bếp lẩu con con, đồ ăn chạy theo băng chuyền, thực khách tự do gắp cho vào nồi lẩu nhỏ của mình, khá giống với sushi băng chuyền của Nhật. 

Chúng tôi nhanh chóng phát hiện ra ngồi cạnh mình là một cô gái trẻ đi ăn lẩu một mình. Trong khi chúng tôi vừa ăn uống vừa nói chuyện cười đùa, cô gái trẻ đã ăn xong và rời đi, một bạn trẻ khác lại tới ngồi vào vị trí đó, cũng một mình.

Ở Thượng Hải, không khó để bắt gặp những bữa ăn một mình như thế, có khi là những người trẻ còn mặc nguyên bộ complet ăn vội vã miếng bánh hamburger, có khi là những người từ tốn ngồi ăn lẩu. 

Nghe đâu có trang mạng xếp hạng vui về các mức độ cô đơn, trong đó "ăn nhanh một mình" được xếp hạng 2, còn "ăn lẩu một mình" được tăng lên tận hàng 5 (số lớn hơn là mức độ cao hơn), có lẽ vì "lẩu" trong quan niệm của người Trung Quốc vẫn là món ăn của đại gia đình.

Nhiều người trẻ sau khi tốt nghiệp rơi vào trạng thái cô đơn. Họ phải rời xa trường học và bạn bè, không còn kí túc xá, không còn bạn cùng lớp, một mình ở lại bươn chải trong thành phố xa lạ, áp lực công việc và cuộc sống đè nặng. Môi trường cạnh tranh ở các thành phố lớn của Trung Quốc ngày càng khốc liệt, sinh hoạt phí và tiền phòng đắt đỏ, thật dễ hiểu khi nhiều người trẻ luôn cảm thấy áp lực.

Chỉ đến tối, họ mới bật được máy tính hoặc điện thoại lên để tạm thời chìm vào một thế giới khác, một nơi chỉ có nội dung giải trí, những cuộc trò chuyện, những lời khen ngợi; cho dù phải bỏ tiền để được vào thiên đường giả tạm đó.

Một nguyên nhân sâu xa hơn là, người trẻ tại Trung Quốc không được chuẩn bị cho sự cô đơn. Thế hệ hiện nay ở Trung Quốc không đơn thuần là "thế hệ con một" nữa, mà bố mẹ của họ cũng là con một. 

Đôi bạn trẻ chụp ảnh check-in tại quán lẩu ở Thượng Hải. Ảnh: L.G.

Một gia đình có 4 ông bà và 2 bố mẹ cùng chăm sóc một đứa trẻ. Mỗi kì nhập học ở Thượng Hải, chẳng khó để bắt gặp cảnh tượng bố dắt tay, mẹ kéo va li cho một cô một cậu nào đó vào trường đại học.

Chính sách con một của Trung Quốc tạo nên những "tiểu hoàng đế", từ nhỏ làm trung tâm của gia đình, đương nhiên đến khi đối mặt với xã hội, họ không được chuẩn bị tâm thế để chịu đựng cô đơn. 

Hiện nay đứng trước nguy cơ già hóa dân số, Trung Quốc đã áp dụng chính sách cho phép những ông bố bà mẹ là con một có thể sinh hai con, tiến tới cho phép toàn dân sinh hai con. Nhưng trước mắt, những đứa con một vẫn đang là nạn nhân của nỗi cô đơn tập thể.

Văn hóa phương Đông nói chung, Trung Quốc nói riêng, khác với phương Tây ở chỗ là dạy người ta đối diện với cô đơn. Nếu văn hóa thương nghiệp phương Tây luôn đi theo xu hướng hòa nhập sòng phẳng với xã hội, thì văn hóa phương Đông dạy người ta cách đứng ngoài thế cục để quan sát thế cục, đồng thời biết đối thoại với nội tâm của bản thân.

Đạo Lão nói "vô vi", thuận theo tự nhiên; Nho gia giảng "thận độc", ngay cả lúc ở một mình cũng phải thận trọng sửa mình; Phật giáo dạy "vô ngã", quên đi bản thân, không còn nghĩ bản thân là trung tâm nữa, thì mới loại bỏ được phiền não. Các bậc trí giả xưa tìm đến những thú vui "một mình" như thư pháp, hội họa, chơi đàn, thưởng trà, đọc sách, ngâm thơ… tất cả nhằm đối thoại được với nội tâm.

Ngày nay giới trẻ Trung Quốc không phải đã hết những thú vui đó, nhưng rõ ràng đó không phải những cái thú dành cho đa số giới cổ cồn trắng ngồi văn phòng. Những thú vui đó ngày càng xa xỉ, không phải vì tiền (chắc chắn không cần nhiều hơn số tiền họ đổ vào live stream hay kuakua-qun), mà xa xỉ về thời gian.

Trung Quốc đang trên con đường đẩy nhanh những tiến bộ khoa học kĩ thuật, hướng tới nền kinh tế bền vững, củng cố địa vị của mình, chính phủ kêu gọi toàn dân nỗ lực lao động, các tập đoàn lớn không ngừng tuyển dụng những nguồn nhân lực chất lượng cao bằng những lời mời gọi hấp dẫn.

Trong khi đó, nỗi cô đơn tập thể và cảnh tượng tìm kiếm hạnh phúc trong vỏ kén vẫn diễn ra hàng ngày, ở mọi ngóc ngách có kết nối Internet.

Lê Huy Hoàng (ghi chép ở Thượng Hải)
.
.