Những thánh âm của trái tim!

Thứ Ba, 20/10/2020, 07:29
Câu chuyện của em học sinh Ngô Văn Hiếu ở Trường THPT Thiệu Sơn 5 (Thanh Hoá) suốt 10 năm cõng người bạn Nguyễn Tất Minh (bị khuyết tật ở chân) đến trường thực sự đã làm lay động trái tim tôi. Một tình bạn trong sáng và tuyệt đẹp. Một ứng xử nhân hậu giữa một con người với một con người...


Kính gửi toà soạn báo ANTG GT – CT

Câu chuyện của em học sinh Ngô Văn Hiếu ở Trường THPT Thiệu Sơn 5 (Thanh Hoá) suốt 10 năm cõng người bạn Nguyễn Tất Minh (bị khuyết tật ở chân) đến trường thực sự đã làm lay động trái tim tôi. Một tình bạn trong sáng và tuyệt đẹp. Một ứng xử nhân hậu giữa một con người với một con người.

Tôi nghĩ rằng câu chuyện này không chỉ có ý nghĩa với cá nhân 2 em học sinh – 2 người bạn, mà còn có ý nghĩa với chính mỗi người chúng ta. Vì nếu thực sự là những người có lòng trắc ẩn thì tôi tin rằng câu chuyện này sẽ đánh thức những giá trị con người thiêng liêng trong sâu thẳm tâm hồn mỗi chúng ta. Thưa Toà soạn, tôi đã đủ trải nghiệm để hiểu rằng cuộc kế mưu sinh với những tương tác người – người luôn tiềm ẩn trong nó những tính chất phi lý thuyết.

Có thể chúng ta đã nghĩ về những điều tốt đẹp. Có thể chúng ta luôn dạy dỗ con cái mình những điều tốt đẹp. Thậm chí, vì một đòi hỏi nghề nghiệp nào đó mà chúng ta luôn phải rao giảng cho người khác về những điều tốt đẹp. Nhưng trong cuộc kế mưu sinh, khi những đụng chạm quyền lợi diễn ra thì trong rất nhiều trường hợp chúng ta hiểu rằng giữa lý thuyết và thực tế luôn có một khoảng cách xa vời vợi. Chúng ta vẫn nói “thương trường như chiến trường”.

Vậy thì phải sòng phẳng nói tiếp rằng, ở trên “thương trường”, trong rất nhiều trường hợp, dù có muốn duy trì những thứ giá trị đẹp đẽ như những lý thuyết mà chúng ta từng biết đến, từng tôn thờ cũng khó. Bởi thực tế thương trường – chiến trường có một quy luật khắc nghiệt đến phũ phàng: Tôi không “bắn” anh thì chỉ ngay khoảnh khắc sau anh sẽ “bắn” tôi. Thưa toà soạn, tôi đã gặp những người ở trên thương trường phải chịu những dằn vặt lớn về vấn đề này. Cho nên, giải pháp cuối cùng mà họ chọn là phải rút chân ra khỏi thương trường, sống một đời sống không toan tính.

Ở đây tôi muốn mở rộng phạm vi  để hiểu “thương trường” theo nghĩa rộng. Nó không đơn thuần là những cuộc chạy đua kinh doanh, không đơn thuần là việc doanh nghiệp này phải cạnh tranh quyết liệt với doanh nghiệp khác, mà là những tương tác của con người với chính đồng loại mình trong quá trình kiếm tìm lợi ích. Có thể những nhà lý thuyết học sẽ phản biện tôi. Tôi lường trước và chấp nhận điều đó. Nhưng tôi vẫn giữ một quan điểm thực tế, rõ ràng như vậy.

Điều tiếp theo tôi muốn nói đó là: Nhìn nhận mọi thứ một cách thực tế như vậy chúng ta sẽ thấy rằng, khi những câu chuyện đời sống giản dị và đẹp đẽ vang lên thì nó thực sự có ý nghĩa vô cùng. Có lẽ không riêng cá nhân tôi, mà rất nhiều người trong xã hội này sẽ cảm động đến trào nước mắt khi nghe câu chuyện về em học sinh Ngô Văn Hiếu suốt 10 năm cõng bạn đến trường, bất kể ngày mưa hay ngày nắng. Tôi không biết mình có đang quá lời không, nhưng nghĩ đi nghĩ lại tôi vẫn muốn tâm sự với toà soạn rằng, theo tôi câu chuyện này vang lên như một thánh âm.

Và thánh âm này làm thức tỉnh những giá trị tốt đẹp vốn đã bị đẩy lùi và ẩn nấp ở một góc sâu hút, tận cùng trong trái tim của những con người vốn đã bị trường đời vắt kiệt. Thưa toà soạn, có thể là toà soạn sẽ cười khi đọc những dòng tâm sự này của tôi. Vâng, tôi biết và lường trước. Nhưng bất chấp điều đó, tôi vẫn muốn được viết ra những điều mà trái tim mình đang ra mệnh lệnh.

Và cũng từ mệnh lệnh này, tôi muốn bàn đến một khía cạnh tiếp theo: em Ngô Văn Hiếu đã thiếu 0,25 điểm để thực hiện ước mơ trở thành sinh viên ngành Y đa khoa (Đại học Y Hà Nội). Tôi đã đọc rất kỹ phát biểu của các bên liên quan, và biết rõ ràng không có bất cứ quy định nào để Đại học Y xét tuyển đặc cách cho em. Xin nhắc lại là tôi biết rõ ràng điều ấy. Nhưng tôi nghĩ rằng một câu chuyện phi thường cần phải song hành với một quyết sách phi thường.

Tại sao chúng ta cứ máy móc vin vào quy chế, điều lệ vốn do chính mình tạo ra mà không dám nghĩ đến điều phi thường ấy? Giá mà chúng ta dám nghĩ và dám làm điều phi thường ấy thì tôi nghĩ rằng sức lan toả của câu chuyện đẹp đẽ này sẽ còn lớn hơn rất nhiều. Mà ngẫm cho cùng, xã hội chúng ta đang thiếu gì? Có lẽ nhiều người đồng tình nếu tôi nói cái thiếu lớn nhất của chúng ta bây giờ là sức lan toả của những điều tốt đẹp.

Thưa toà soạn, nhưng đây chỉ là góc nhìn cá nhân tôi. Và tôi vẫn đủ tỉnh táo để hiểu rằng góc nhìn cá nhân mình có thể không tránh khỏi phiến diện, một chiều. Do vậy tôi rất muốn nghe quan điểm của toà soạn về vấn đề này. Xin chân thành cảm ơn!

Tuyết Nam (Thanh Hóa)

Kính gửi độc giả Tuyết Nam!

Thật xúc động khi nhận được những dòng tâm sự lấp lánh ánh sáng của độc giả. Với những gì độc giả thể hiện chúng tôi cảm nhận rất rõ rằng câu chuyện của em học sinh Ngô Văn Hiếu thực sự đã chạm vào trái tim độc giả. Đấy là một điều hết sức đáng quý, vì nó một lần nữa cho thấy những giá trị đích thực trong đời sống này luôn có thể đi vào trái tim của mỗi chúng ta – một giống loài mà chỉ sống được khi trái tim còn đập.

Có một khía cạnh khác về em Ngô Văn Hiếu mà chúng tôi muốn bổ sung thêm: Em đã nhận được bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá tại Đại hội thi đua yêu nước diễn ra vào ngày 2-10 vừa qua. Chứng kiến điều này, chúng tôi còn nghĩ đến một điều: tình yêu nước của chúng ta đến từ đâu và được thể hiện bởi những phương thức nào? Hẳn nhiên mỗi người sẽ có một câu trả lời riêng, nhưng với tư cách là những người quan sát, chúng tôi cảm nhận được tình yêu nước qua việc hai người bạn đã lặng lẽ, âm thầm cõng nhau suốt 10 năm đến trường.

Tình yêu nước ở đây là tình yêu bè bạn. Tình yêu nước ở đây là tinh thần sẻ chia, làm tấm lòng sẵn sàng xả thân vì người khác. Tình yêu nước giản dị, đơn sơ mà thiêng liêng như thế! Và nói như thế để thấy rằng chúng tôi cũng hết sức xúc động với câu chuyện và những giá trị đẹp đẽ mà hai người bạn Ngô Văn Hiếu – Nguyễn Tất Minh mang lại cho mình.

Tuy nhiên nếu vì tất cả những cảm xúc này mà chúng ta cho rằng Ngô Văn Hiếu xứng đáng được đặc cách vào Đại học Y Hà Nội, bất chấp việc thiếu 0,25 điểm thì có thực sự thoả đáng không? Thứ nhất, chúng tôi tin rằng cũng có rất nhiều thí sinh trượt Đại học Y Hà Nội cũng vì thiếu 0,25 điểm như Ngô Văn Hiếu. Vậy thì những thí sinh này sẽ nghĩ gì nếu Hiếu được đặc cách, còn mình thì không? Thứ hai, với bản thân Ngô Văn Hiếu, em có thật sự cần đến sự đặc cách ấy hay không? Thưa độc giả, không đỗ Đại học Y Hà Nội nhưng Ngô Văn Hiếu vẫn đủ điểm vào Đại học Y Thái Bình.

Và Trường đại học Y Thái Bình cho biết sẵn sàng miễn toàn bộ học phí nếu em theo học. Chúng ta hãy nghe chính Ngô Văn Hiếu tâm sự với các nhà báo: “Nhận được thông tin từ Trường đại học Y Thái Bình, em cùng gia đình rất vui mừng, cảm ơn sự quan tâm, hỗ trợ của ban giám hiệu nhà trường. Sau khi gia đình bàn bạc, tham khảo nhiều ý kiến, em đã quyết định vào học tại Trường đại học Y Thái Bình vì em đủ điểm đậu trường này.

Ngày 10-10 tới đây em sẽ nộp hồ sơ vào trường, để ngày 15-10 sẽ nhập học” (Nguồn: Tuổi Trẻ TPHCM). Điều này có nghĩa là, không thể đậu trường Y Hà Nội, nhưng giấc mơ trở thành bác sĩ của Ngô Văn Hiếu vẫn vẹn nguyên. Một chút tiếc nuối có chăng nằm ở chỗ, không học ở Hà Nội, Hiếu sẽ không được tiếp tục gần gũi Nguyễn Tất Minh – người sẽ học ở Đại học Bách Khoa (Hà Nội).

Và thứ ba, mặc dù câu chuyện của Ngô Văn Hiếu là hết sức đẹp đẽ và xúc động, nhưng nếu vì vậy mà chúng ta “xé” quy chế, đặc cách cho em vào trường Y thì trong tương lai chúng ta rồi sẽ phải tiếp tục đặc cách cho bao nhiêu trường hợp nữa? Khi đó, quy chế, nguyên tắc, luật lệ có còn được đảm bảo trong một bối cảnh mà “tính pháp quyền” cần phải được nhấn mạnh hơn khi nào hết hay không?

Thưa độc giả Tuyết Nam, chúng tôi tin tưởng chắc chắn rằng từ Đại học Y Thái Bình, Ngô Văn Hiếu sẽ tiếp tục lớn lên, và sau này sẽ trở thành một lương y từ mẫu. Chúng tôi cũng tin tưởng chắc chắn rằng, bất chấp cuộc đời trái ngang thì những giá trị tốt đẹp thật sự rồi cũng đến lúc phát sáng và có thể lan tỏa những nguồn năng lượng trong lành nhất. Nếu không còn niềm tin đó, cuộc sống này rồi sẽ sụp đổ. Xin cảm ơn độc giả vì đã tin tưởng gửi những dòng tâm sự chân thành nhất đến chúng tôi. Hy vọng tiếp tục nhận được thư độc giả!

Vương Trọng Tín
.
.