Người mẹ nuôi có tấm lòng Bồ tát

Chủ Nhật, 20/03/2016, 16:12
Chỉ duy một lần gặp gỡ ba đứa trẻ bơ vơ khi đi làm công tác xã hội, bà Đặng Thị Thanh Bình (58 tuổi, trú tại khu 6, phường Hải Yên, TP Móng Cái, Quảng Ninh) đã không thôi bị ám ảnh. Ba đứa trẻ đang tuổi ăn tuổi lớn nhưng chưa một lần biết mặt cha, mẹ lại vướng vào lao lý.


Ngày đó, bà cùng với một cán bộ khác của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội được công an mời đến giám sát việc đưa các cháu vào Trung tâm bảo trợ trẻ em. Chúng đã khóc và van xin cho chúng được ở lại đây chờ mẹ mãn hạn tù. 

Qua một đêm không ngủ vì xót xa cho hoàn cảnh đáng thương của chúng, bà Bình quyết định nhận giám hộ và mang bọn trẻ về cưu mang. Giờ đây, dù không được sống gần mẹ nhưng những đứa trẻ ấy thật may mắn vẫn đang được bao bọc bởi tấm lòng Bồ tát của người mẹ nuôi nhân hậu.

Ba chị em mỗi người một họ

Trong một lá thư gửi bà Đặng Thị Thanh Bình từ trại giam Hoàng Tiến (Hải Dương), phạm nhân Nguyễn Thị Liên đã viết: “Nếu không có chị dang tay giúp đỡ, em không biết các con của em sẽ sống thế nào, tương lai chúng sẽ ra sao. Giờ đây, khi biết chắc các con mình đang được chị đùm bọc, cháu An còn được học hành em mừng lắm. Em biết, nói cảm ơn chị bao nhiêu cũng không là đủ…”.

Chứng kiến cuộc gặp gỡ của phạm nhân Nguyễn Thị Liên với ba đứa con của mình nơi trại giam những ai có mặt đều không cầm được nước mắt. Người mẹ tội lỗi ôm chầm từng đứa con, vuốt tóc, sờ nắn khuôn mặt chúng cứ như thể đây là một giấc mơ. Đấy chính là lần đầu tiên sau gần một năm vào trại, phạm nhân Liên được gặp lại những đứa con của mình. Người cho chị Liên cái ân huệ ấy lại là một người đàn bà mà chị không hề quen biết.

Phạm nhân Nguyễn Thị Liên sinh ra và lớn lên trong một ngôi làng nhỏ thuộc thành phố Hải Phòng. Nhà nghèo, quãng đời cơ cực đã qua luôn làm Liên thấy hoảng sợ. Muốn thoát khỏi cảnh bần hàn, Liên quyết định rời nhà sang đất Quảng Ninh làm ăn. Đổi đời đâu chưa thấy, Liên liên tiếp bập vào những cuộc tình chóng vánh. Cuộc tình nào đi qua cũng để lại dấu ấn bằng việc ba đứa con thơ lần lượt ra đời. Ba đứa trẻ với ba người bố khác nhau nhưng cùng có một điểm chung là chưa một lần được biết bố mình là ai.

Một mình nơi đất khách quê người với ba đứa con nhỏ dại, nhiều lúc chị Liên muốn gục ngã. Bốn mẹ con phải thuê một gian nhà tạm bợ ở phường Ka Long (Móng Cái) để làm nơi tá túc. Sống trong nghèo khổ, thiếu thốn trăm bề nên những đứa con của chị chưa một lần được đi học. Ngày ngày chúng quanh quẩn bên mẹ, phụ mẹ bán hàng nước. Vất vả nhưng nhiều lúc các con của chị vẫn phải chịu cảnh bữa đói bữa no. Túng thì làm liều, Liên quyết định mua ma túy về bán lẻ cho các con nghiện để kiếm lời. Sau vài lần trót lọt, số tiền kiếm được nhiều lên trông thấy, lợi nhuận đã làm Liên mờ mắt.

Dù chị em Vân Anh không ở cùng nhà nhưng ngày ngày bà Bình vẫn ra thăm và động viên ba người con nuôi của mình.

Ngày 9-8-2009, tại khu vực Đồn 3, phường Hải Hòa, thành phố Móng Cái, chị mua 7 tép ma túy với giá 50.000 đồng/tép của một thanh niên mà chị chưa bao giờ gặp. Đúng 2 ngày sau, vào khoảng 21 giờ, Liên đang ở nhà trọ (tổ 2, Phường Ka Long, thành phố Móng Cái, Quảng Ninh) thì có một người tên Voòng đến hỏi mua 1 gói ma túy.

Trong lúc đưa cho Voòng gói ma túy và thu về 100.000 đồng thì chị bị lực lượng Cảnh sát Điều tra tội phạm về ma túy, CATP Móng Cái ập vào, bắt giữ. Vụ án nhanh chóng được điều tra. Trước lời khai và chứng cứ về hành vi phạm tội, Nguyễn Thị Liên đã bị tuyên án 8 năm tù giam về tội mua bán trái phép chất ma túy.

Bị bắt vào trại, chị Liên không lo cho mình mà chỉ thương ba con thơ dại. Những ngày đầu trong trại giam, lòng chị lúc nào cũng như lửa đốt. Chị luôn thấy mình mắc tội với các con vì chị chỉ biết sinh chúng ra mà không cho chúng được cuộc sống bình yên như bao đứa trẻ khác. Chỉ đến khi chị nghe tin có một người đàn bà tốt bụng đã nhận cưu mang các con của mình, chị mới an lòng.

Nặng lòng với những đứa trẻ bất hạnh

Khi nhận được giấy của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thông báo về hoàn cảnh các con của chị Nguyễn Thị Liên, bà Bình đã cùng một cán bộ khác và công an đến nhà động viên ba cháu vào Trung tâm bảo trợ trẻ em. Nhưng hôm đó, cả ba đứa trẻ đã khóc và nhất quyết không chịu đi, chúng bảo sẽ ở đây rau cháo qua ngày để đợi mẹ về.

Hình ảnh ba đứa trẻ bơ vơ không có ai nương tựa cứ ám ảnh bà Bình suốt cả đêm hôm đó. Nếu không có người giám hộ, nhận đỡ đầu thì chắc chắn cả ba đứa trẻ đều phải vào trung tâm. Sáng hôm sau, bà Bình chia sẻ nỗi niềm trăn trở của mình cho người đồng nghiệp, đồng thời cũng là phó phòng nơi bà làm việc và được cô ấy rất đồng tình.

Về nhà, bà nói ý định của mình với chồng và các con, bà không ngờ mình được ủng hộ hết lòng. Ngay sau đó bà đã quay trở lại nhà chị em Vân Anh và nói với các cháu rằng mình sẽ nhận giám hộ và mang ba chị em Vân Anh về nhà cưu mang. Nghe tin đó, cả ba đứa nhỏ đã lao vào ôm chầm người phụ nữ xa lạ.

“Việc đầu tiên khi nhận giám hộ các cháu là tôi phải đi làm giấy khai sinh cho chúng. Cả ba đứa lớn lên hoang dã, không có một giấy tờ tùy thân nào. Mỗi đứa trẻ lại mang một họ khác nhau. Chị cả là Trịnh Vân Anh, chị thứ hai là Nguyễn Hồng Nhung và cháu út là Hoàng Minh An. Lúc làm giấy khai sinh, tôi đã lấy họ của Liên làm họ cho cả ba đứa con của cô ấy” – bà Bình nhớ lại.

Để có tiền cưu mang những đứa trẻ bất hạnh, bà Bình phải đi trông trẻ thuê.

Thời gian chị Liên bị bắt, Vân Anh lúc đó chuẩn bị bước sang tuổi 16, Hồng Nhung 14 tuổi còn Minh An 9 tuổi. Cả ba chị em đều chưa một lần được cắp sách tới trường. Tuổi thơ của chúng là những tháng ngày rong ruổi bán hàng chợ đêm cùng với mẹ.

Không muốn Minh An phải chịu cảnh thất học như hai người chị của mình nên bà Bình tất tả đi xin học cho cháu. Bà đã làm đơn gửi đến Trường Tiểu học Ka Long xin với ban giám hiệu nhà trường cho An được đi học. Khi An được đi học rồi bà Bình lại tiếp tục viết đơn trình bày hoàn cảnh của An để nhà trường tạo điều kiện miễn giảm học phí cho An. Bà khoe: “An học rất sáng dạ. Mặc dù đi học muộn nhưng cháu rất chăm chỉ học hành và năm nào cũng đạt học sinh tiên tiến. Biết được điều này mẹ bọn trẻ mừng lắm”.

Vân Anh là chị cả, đang đến tuổi cập kê, đã bắt đầu có những rung cảm đầu đời. Dù không có mẹ ở bên để tâm sự nhưng Vân Anh luôn có “mẹ” Bình lúc nào cũng sẵn sàng lắng nghe và chia sẻ.

“Nó buồn cũng khóc với tôi, vui cũng khoe với tôi. Lúc nào tôi cũng coi cháu như con gái của mình. Ở cái tuổi đa sầu đa cảm này nếu không có người lớn làm chỗ dựa, các cháu sẽ rất dễ mắc sai lầm. Lúc nào tôi cũng bảo Vân Anh, con quý mến, yêu thương một ai đó bác không cấm nhưng đừng làm điều gì dại dột. Con phải sống mẫu mực để làm gương cho các em” – bà Bình hiền hậu kể về cô con gái nuôi Vân Anh.

Khi mẹ chưa bị bắt, Vân Anh và Hồng Nhung phụ giúp mẹ bán quán. Đến khi mẹ vào trại giam, hai chị em vẫn muốn giữ lại cái quán nhỏ ấy để đợi mẹ về. Ngày ngày Minh An đi học còn hai chị ra chợ thành phố Móng Cái bán quán, tối lại về ở nhà mẹ nuôi. Một thời gian sau, chính quyền không cho bán hàng ban ngày, hai chị em Vân Anh phải chuyển sang bán quán đêm.

Việc đi lại cũng vì thế mà trở nên bất tiện. Vân Anh đã xin với mẹ nuôi cho ba chị em được ra gần chợ Móng Cái thuê một căn phòng để tiện việc buôn bán. Thấy thế cũng hợp lý nên bà Bình đồng ý. Bà lại lùng sục đi tìm nhà cho ba chị em Vân Anh. Mặc dù trên danh nghĩa, ba chị em Vân Anh không còn ở chung với gia đình mẹ nuôi nhưng ngày nào bà Bình cũng thu xếp ra thăm và bảo ban các cháu.

Bà bảo: “Bất kể lúc nào chúng cần gọi đến tôi, tôi đều có mặt. Có đêm Vân Anh hốt hoảng gọi tôi, nó nói là Nhung bị làm sao ấy, đau bụng quằn quại đã hàng tiếng rồi chưa đỡ. Tôi vội vàng phi xe ra thì mới biết chỉ là cháu đau bụng do đến ngày đến tháng. Lúc đó tôi nghĩ xót xa cho bọn trẻ lắm, muốn làm được gì nhiều hơn thế để giúp đỡ chúng”.

Cùng thời gian nhận làm giám hộ cho 3 chị em Vân Anh, bà Bình còn nhận nuôi một cô gái tật nguyền, mồ côi cả cha lẫn mẹ.

Thời gian ấy là tháng 10–2012, bà kể: “Hồi đó tôi đi làm công tác xã hội, xuống phát quà cho bố con cháu Mạc Thị Hà. Lúc đó bố của cháu còn sống nhưng rất yếu. Sau này bố cháu Hà mất rồi, nhà chỉ còn mình cháu bơ vơ. Bữa ăn hằng ngày đều do các thành viên của hội phụ nữ thôn thay phiên nhau mang tới. Chuyện ăn uống đã đành nhưng còn những lúc ốm đau bệnh tật Hà biết dựa vào ai. Cứ nghĩ thế tôi lại thấy xót xa cho cháu quá. Một lần nữa tôi lại đánh liều chia sẻ với gia đình mong muốn được đưa cháu Hà về nhà cưu mang. Cũng may, chồng và các con tôi không phản đối”.

Để nuôi một người bị thiểu năng trí tuệ và tứ chi teo tóp không phải là việc dễ đối với bà Bình. Bởi lẽ, từ khi nghỉ hưu năm 2014, bà vẫn phải đi trông trẻ thuê để kiếm thêm thu nhập. Tiền đó, bà Bình để dành nuôi Hà và thỉnh thoảng dẫn ba chị em Vân Anh vào trại giam thăm mẹ.

Năm nay, dịp Tết bà Bình cũng định đưa chị em Vân Anh đi thăm mẹ nhưng vì điều kiện khó khăn nên bà chưa sắp xếp được. Bà buồn rầu nói về cái sự lỡ hẹn của mình: “Biết là chị em chúng nó buồn đấy. Tết nhất ai chả muốn gặp người thân nhưng vì điều kiện chưa cho phép tôi đành phải động viên các cháu ra Tết bằng giá nào cũng đưa các cháu vào trại giam thăm mẹ”.

Từ ngày nhận giám hộ chị em Vân Anh, năm nào bà Bình cũng cố gắng đưa các cháu vào thăm mẹ 2 lần. Bà muốn chị em Vân Anh không có cảm giác đơn độc vì thiếu tình yêu thương của mẹ. Bà cũng muốn chị Liên mỗi khi nhìn thấy các con sẽ có thêm động lực, cải tạo thật tốt để gia đình bé nhỏ của họ sớm được đoàn viên.

Phong Anh
.
.