Ngược chiều cơn đau

Thứ Hai, 15/04/2019, 19:14
Nhà văn Victor Hugo từng nói: "Chết chẳng là gì. Không sống mới đáng sợ". Đó cũng là một chân lý với những nhà văn, nhà thơ mà tôi đã gặp trong bệnh viện, họ đang điều trị căn bệnh ung thư quái ác để giành giật từng giây cho sự sống của mình. 

Và ở đó, trong những bức tường mà sự sống đang tạm tính bằng giới hạn phía trước, những câu thơ về niềm tin vẫn lóe lên, như một sợi dây vô hình níu thời gian quay trở lại...

Nhà thơ Vũ Từ Trang vừa trở về từ bệnh viện, sau một thời gian nằm hóa trị. Cơ thể dù rất mệt, song dường như tinh thần lạc quan của nhà thơ không hề bị lung lạc. Anh nói đùa, thực ra, không nên nói nhiều về bệnh tật. 

Nghe oải lắm. Oải là oải cho người đọc, người nghe. Ai chả muốn lắng nghe một điều tốt đẹp. Chứ bản thân những người trong cuộc thì quá quen rồi. Xét cho cùng, khi đi đến nhiều bệnh viện, mới thấy, càng ngày càng thấy bệnh K, nay là bệnh phổ thông, rộng khắp. 

Nói như nhà văn Tô Hải Vân, một nhà văn có tài, người từng chiến đấu với K ròng rã 5 năm, và mới mất hồi tết vừa rồi thì “Lũ chúng mình dính K, không khác gì đi ngoài đường, chả may bị con chim trên trời ỉa một bãi vào đầu. Không may ai, người ấy chịu!”. 

Hay như nhà thơ Lê Đình Cánh: “Những người bị bệnh K, là chấp nhận trường kỳ kháng chiến. Nhưng, nhất định... thất bại!”. Nhà thơ Lê Đình Cánh, cùng chữa K tại cùng bệnh viện, hàng tháng vẫn gặp nhau khi điều trị. Kiên trì chiến đấu với ung thư 6 năm, nhưng ông đã chấp nhận “thất bại”. Tháng trước, ông đã về với tiên tổ.

Nguyễn Phan Hách - Nguyễn Trọng Tạo - Vũ Từ Trang.

Nhà thơ Vũ Từ Trang tên thật là Vũ Công Đình, quê ở Trang Liệt, Đồng Quang, Từ Sơn, Bắc Ninh. Chính vì thế nên anh lấy mấy chữ đầu của thôn mình, huyện mình ghép thành bút danh Vũ Từ Trang. 

Anh học trường kiến trúc, nhưng rồi đam mê nghiệp viết, nên ngay khi duyên tình cờ đi học xong khóa 6 (1973-1974) Trường Bồi dưỡng viết văn do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức, anh đã quyết tâm theo đuổi nghiệp văn chương. 

Anh từng làm việc ở Bộ Xây dựng, rồi làm phóng viên và nghiên cứu nghề cổ đất Việt để được đi đến các vùng miền của đất nước viết về những gì mình thích. Khi ấy, một số kiến trúc sư bạn anh từng hỏi liệu quyết định ấy có hồ đồ không? Anh chỉ cười thầm, chẳng minh chứng điều gì, chỉ quyết tâm dấn thân vào con đường văn chương, chữ nghĩa.

Nhà thơ Vũ Từ Trang tâm sự, xưa nay, anh là con người của công việc và những rong ruổi đến các vùng miền để viết bài về các làng nghề, nên chả bao giờ bị ốm. 

Năm 2017, đầu năm anh bỗng thấy khối u nổi lên ở đáy ngực trái. Vào bệnh viện khám, xét nghiệm, sinh thiết tế bào. Kết luận bị ung thư. Anh chưa tin, đi khám và xét nghiệm 3 bệnh viện khác. Cũng chung kết luận. Vậy chấp nhận chiến đấu với nó. 

Trong ròng rã cả năm trời là những tháng ngày chữa bệnh miệt mài, đến đầu 2018 sức khỏe ổn định, anh được trở về cuộc sống bình thường, nhưng rồi đến cuối năm 2018, bệnh tái phát. Đã chấp nhận hóa trị 11 kỳ. Hóa trị, là truyền hóa chất cực độc vào cơ thể. 20% hóa chất tiêu diệt tế bào ác tính. 80% hóa chất diệt tế bào lành tính. Quân ta, quân địch đều tổn thương. Chất lượng sống giảm sút. 

Hóa trị là chấp nhận bị rụng tóc, hai lần trọc đầu. Anh gặp bạn bè vẫn nói vui, khối người phải mất tiền thuê cạo, để có đầu trọc. Mình không mất tiền cạo, hóa chất vặt trụi tóc như vặt lông gà.

Là một nhà báo, nhà thơ, anh đầy nhạy cảm trước cuộc đời. Anh bảo, bị bệnh, phải vái tứ phương, đi qua mấy bệnh viện chữa K, thấy nhiều cháu bé vài tuổi, đã phải hóa trị trọc đầu. Khi ấy, thấy thơ ca thương cảm chả giúp ích gì cho những bệnh nhân còn quá trẻ, mà cái chết đã báo trước. 

Nhưng rồi những câu thơ cứ tuôn ra: "Lúc chào đời, bé bỏng sinh linh con được mẹ truyền sự sống/ bằng sợi nhau nối liền cuống rốn/ mẹ chắt lọc bao tinh túy, bổ dưỡng từ thân thể mẹ cho con/ gạt hết đắng cay, mẹ dành ngọt ngào/ con lớn lên từ sợi dây nhau yêu thương của mẹ/ Nay con lâm bệnh/ mẹ không còn để che chở cho con/ sự sống của con lại được nối với dây truyền hóa trị/ thuốc đắng dã tật/ thân thể con mong manh nuốt từng dòng thuốc độc/ cái độc ác, tối tăm này có cứu được đời con?/ sao nó ngược với dây truyền ngọt ngào của mẹ thương con (Dây nối).

"Tin sự sống của cây, để cưỡng lại cái chết"

Đó là một câu thơ mà nhà thơ Vũ Từ Trang đã làm trong bài thơ Cây mới nhất của anh. Rồi anh cho tôi xem bức ảnh trong điện thoại. Anh bảo, mấy năm trước, cùng nhau sang chơi nhà sàn của nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo bên sông Hồng.  

Bốc lên, ba anh em chụp tấm ảnh kỷ niệm. Ấy là Nguyễn Phan Hách, bên trái; Nguyễn Trọng Tạo đứng giữa; Vũ Từ Trang bên phải. Thế quái nào,  rồi cả ba cùng dính K. 

Cho tới nay, Nguyễn Trọng Tạo đã đi. Hiện đang điều trị cùng bệnh viện, chỉ khác phòng, có lúc Nguyễn Phan Hách thảng thốt hỏi: "Còn tớ với Trang, ai sẽ đi sau Nguyễn Trọng Tạo đây?". 

Nhà thơ Nguyễn Phan Hách cũng đang hóa trị cho căn bệnh ung thư đại tràng. Nhà thơ của những áng thơ nổi tiếng đã được các nhạc sĩ phổ nhạc thành công như Làng quan họ quê tôi, Hoa sữa một thời hào hoa, nay nói về tật bệnh, anh bảo, lệt bệt lắm, buồn thì có buồn thật nhưng phải chiến đấu thôi, làm gì còn cách nào khác để chống chọi lại nó.

Nhà thơ Nguyễn Phan Hách tên thật là Nguyễn Xuân Hách, là một anh giáo dạy học ở huyện miền núi Lục Nam (nay thuộc Bắc Giang) nhưng do “cảm nắng” cô học trò xinh đẹp họ Phan nên ông đã ghép họ của cô gái vào bút danh của mình, sau này thành tên Nguyễn Phan Hách. 

Sau này khi về thủ đô, công tác tại Báo Văn nghệ, thì cảm nắng mối tình với cô sinh viên đang theo học hát quan họ ở độ tuổi mười sáu trăng tròn.

Những hẹn hò của hai người đã giúp hồn thơ thi nhân sáng tác được bài thơ Làng quan họ mà sau này đã được Nguyễn Trọng Tạo phổ nhạc thành bài hát Làng quan họ quê tôi như là một "đặc sản" của miền Kinh Bắc: "Làng quan họ quê tôi, tháng giêng mùa hát hội...". 

Sau Làng quan họ, bài thơ Hoa sữa với những câu thơ mượt mà đã được nhạc sĩ Hồng Đăng phổ nhạc, trở thành một ca khúc hát về mối tình đầu đẹp nhất của những đôi trai gái yêu thương: “Chỉ mùa thu tròn vẹn nhớ thương/ Hương hoa sữa cứ trở về mỗi độ/ Hương của mối tình đầu nhắc nhở/ Có hai người xưa đã yêu nhau”.

Bây giờ, trước những cơn đau, hỏi nhà thơ Nguyễn Phan Hách về những kỷ niệm, những ký ức, ông nhìn xa xăm, rồi mỉm cười, bảo, cơ thể cứ luội dần đi, nhưng kỳ lạ lắm, trái tim thì luôn thổn thức và lúc tỉnh táo, là nghĩ đến viết, nghĩ đến thơ ca. Chỉ có điều, tuổi thì đã cao, sức thì đã yếu, lực bất tòng tâm. Dù biết phải nỗ lực để mà trở về nhưng mà thực sự là cũng tùy vào từng lúc, từng thời điểm. 

Bìa cuốn tiểu thuyết “Cuồng phong” của nhà thơ Nguyễn Phan Hách.

Như nhà văn Tô Hải Vân, khi cùng điều trị bệnh, anh kêu là buồn quá. Rồi Tô Hải Vân viết một mạch 3 tiểu thuyết. Cả 3 cuốn đều hay. Văn chương đề cập vấn đề xã hội đương đại. Bút pháp mới mẻ. 

Được giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Nhà văn Hà Nội. Còn nhà thơ Vũ Từ Trang, anh bảo, may là đi chữa bệnh, có thời gian, để anh viết xong cuốn tiểu thuyết Và khép rồi lại mở. Viết dở dang từ mấy năm trước. Cuốn sách viết về những thân phận người ở quê anh, trong quá trình đổi mới. Khi viết thấy thích. Viết xong như người tụt hơi. 

Ngoài ra, anh vẫn viết chân dung văn học, cộng tác với  các báo. Xong một giai đoạn xạ trị, anh lại được về nhà, anh đang tập hợp bản thảo, tập chân dung thứ 4, tên sách Phận người trôi nổi. 

Nhà thơ Vũ Từ Trang bảo, khi còn khỏe mạnh, anh có thói quen chơi và giao du với các nhà văn cao tuổi lớp trước. Lý do đơn giản lắm, là vì anh trân trọng các cụ. Học được sự bình tĩnh của các cụ trước sự đời. Văn chương xét cho cùng, đi đến tận ngóc ngách là con người. Văn chương, trước bệnh tật, nhiều khi thấy mơ hồ. Nhưng nếu không có văn chương, chắc bệnh tật nó lại hành hạ hơn.

Cuộc đời vốn dĩ là vậy, sống và chết, âm dương cách biệt đôi khi mỏng và nhẹ như một sợi tơ. Nhưng mỗi nhà văn, nhà thơ, trước tất cả, họ có cây bút làm bạn và câu chữ để gieo rắc trên cánh đồng hy vọng.

Nhà thơ Vũ Từ Trang đã có hàng chục câu thơ nói về niềm hy vọng như vậy để được trở về là chính mình của những đam mê dù biết rằng, mọi sự có lẽ đã được cao xanh an bài: "Cấu trúc anh là những câu thơ chênh vênh ngược dốc/ rồi bỗng chốc, biết buông tất cả/ những xe cộ, cửa nhà, cả danh hão đẩu đâu/ anh như con lạc đà được cởi ách gánh nặng tai ương/ bỗng thành tia nắng non/ thành đám mây nhẹ thênh ban sớm/ thành hơi đất nhu mì/ một giọt sương trong veo không đợi ánh mắt người"...

Trần Hoàng Thiên Kim
.
.