Nếu trên làm gương, dưới không nịnh bợ
- Không để lọt vào Trung ương những người xu nịnh, chạy chọt, phe cánh…
- Xác minh người bè cánh, xu nịnh, chạy chọt là việc khó
Kính gửi báo An ninh thế giới Giữa tháng - Cuối tháng!
Có lẽ không riêng cá nhân tôi, mà rất nhiều người khác đều băn khoăn quanh một nội dung trong Đề án văn hoá công vụ mới được Thủ tướng Chính phủ thông qua. Đó là công chức không được nịnh bợ, lấy lòng cấp trên vì động cơ không trong sáng.
Điều đầu tiên tôi nghĩ đến, và xin nhấn mạnh chỉ là quan điểm cá nhân tôi, đó là điều này đã đánh thẳng vào một trong những thói hư tật xấu vốn có của con người tiểu nông Việt Nam.
Trong xã hội nông nghiệp ngày xưa, những quan niệm như "nhất thân nhì thế", "thấy sang bắt quàng làm họ"... thể hiện suy nghĩ có thật của một bộ phận người. Và từ suy nghĩ có thật ấy đã hình thành nên những chuỗi hành động có thật, đó là sự ve vãn, nịnh bợ, lấy lòng những người có quyền chức để hoặc tìm đường tiến thân, hoặc có chút bổng lộc mang về.
Hẳn nhiên, khi bày tỏ những suy nghĩ này tôi vẫn hiểu và luôn hiểu rằng văn hoá nông nghiệp có rất nhiều mặt ưu việt, nhưng tôi cho rằng nhìn vào những mặt trái của nó với tinh thần khắc phục nó, chứ không phải với tinh thần mỉa mai, phê phán là một điều nên làm.
Hiện nay, xã hội nông nghiệp - nông dân - nông thôn đang có xu thế dịch chuyển sang xã hội công nghiệp hoá - hiện đại hoá - đô thị hoá, nhưng những tàn tích cũ của đặc tính nông nghiệp dường như vẫn le lói đâu đó trong mỗi chúng ta, trong đó có chính tôi, người đang viết những dòng này.
Tôi rất đồng tình với một nhận xét của anh em Hoài Thanh - Hoài Chân trong cuốn "Thi nhân Việt Nam" rằng "trong mỗi người Việt Nam chúng ta có một người nhà quê".
Lời nhận xét này xuất hiện ở đầu thế kỷ 20 nhưng theo tôi, đến tận bây giờ vẫn đúng. Trở lại với vấn đề cụ thể là "xu nịnh cấp trên", có thể sòng phẳng nói với nhau rằng nó là điều vẫn đang xảy ra, ở những mức độ khác nhau, trong những hoàn cảnh khác nhau.
Trong nhiều trường hợp, biên giới giữa một lời khen thật lòng với một lời xu nịnh là rất mong manh. Ảnh: L.G. |
Hẳn nhiên, nó ít xảy ra ở những công ty nước ngoài, vì theo quan sát của tôi, những công ty nước ngoài có một văn hoá làm việc rất khác biệt.
Nó cũng ít xảy ra ở những công ty tư nhân, vì với những công ty tư nhân, một ông sếp mà dùng người "giỏi nịnh", chứ không dùng người "giỏi chuyên môn" thì ông sếp ấy chính là người trả giá đầu tiên. Công ty của ông sếp ấy sẽ xuống dốc, và đối diện với nguy cơ phá sản. Nói thẳng ra, biểu hiện nịnh bợ cấp trên với những động cơ không trong sáng thường chỉ xuất hiện trong những cơ quan, xí nghiệp nhà nước mà thôi.
Ở những cơ quan này, chúng ta không khó nhìn ra trường hợp những ông sếp dùng người đơn giản vì "giỏi nịnh", mà không quan tâm đến những tác động xấu mà những người "giỏi nịnh" gây ra. Đơn giản vì nếu cơ quan, xí nghiệp của họ thua lỗ thì đã có... ngân sách nhà nước lấp vào.
Chắc chắn là tôi không cẩu thả đến mức "vơ đũa cả nắm", nên tôi biết chắc chắn là không phải bất cứ cơ quan, xí nghiệp nhà nước nào cũng đều như vậy. Trong môi trường này, vẫn có những người giữ được lòng tự trọng và phẩm giá cá nhân, nhưng số những người như vậy, theo tôi không nhiều.
Vì vậy Đề án văn hoá công vụ có qui định nội dung cán bộ công chức không được nịnh bợ, theo tôi là rất đúng, rất trúng với những gì đang xay ra hiện nay. Đề án này được phê duyệt không phải ở cấp bộ, cấp tỉnh mà ở cấp Chính phủ - điều ấy cho thấy chúng ta đã nhận thức rõ được tính nghiêm trọng của vấn đề này.
Tuy nhiên, tôi lại băn khoăn ở chỗ: làm thế nào để xác minh chắc chắn được biểu hiện lấy lòng, nịnh bợ vì động cơ không trong sáng? Trong rất nhiều trường hợp, ranh giới giữa một lời khen thật lòng với một lời xu nịnh là rất mong manh.
Ngoài ra, ngay cả khi xác minh được biểu hiện nịnh bợ của một hoặc một nhóm công chức thì chúng ta có thể chế tài như thế nào hợp tình hợp lý?
Xin chân thành cảm ơn toà soạn!
Nguyễn Hữu Hòa (Đà Nẵng)
Kính thưa độc giả Nguyễn Hữu Hoà!
Điều đầu tiên chúng tôi muốn nói: đây là một đề án văn hoá, mà đã là đề án văn hoá thì mục đích cuối cùng của nó là để cải thiện, nâng cao văn hoá trong môi trường làm việc của cán bộ công chức hiện nay.
Phải đặt trong khuôn khổ của một đề án văn hoá, chứ không phải là một điều luật hay một bản nội quy mới thấy, việc đưa ra những biện pháp chế tài cụ thể nào đó mà độc giả đặt ra ở phần cuối bức thư là điều không đơn giản.
Theo cách hiểu của chúng tôi, nếu một cán bộ công chức vi phạm pháp luật thì sẽ bị chế tài bằng pháp luật. Nếu vi phạm nội quy thì sẽ bị xử phạt bằng khuôn khổ của nội quy.
Còn nếu vi phạm những quy định trong một đề án văn hoá thì trước hết là đã làm giảm đi, thậm chí là đánh mất luôn giá trị của mình trong mắt những người xung quanh. Mà đã làm giảm hoặc đánh mất giá trị của mình thì những người xung quanh rồi sẽ nhận diện được bản chất thật của mình, xa lánh mình.
Trong trường hợp đó, sự nhắc nhở của những bạn bè đồng nghiệp thân thiết và khả năng tự nhận thức, tự thay đổi bản thân có thể giúp người đó dần dần lấy lại những gì đã mất. Đánh vào văn hoá khác so với đánh vào nội quy hay đánh vào luật lệ là vì thế.
Độc giả sẽ hỏi, vậy thì tại sao phải đánh vào văn hoá? Vì rõ ràng là văn hoá cán bộ, công chức đang có nhiều mảng tối. Và khi mà ý thức tự giác của nhiều cán bộ, công chức là chưa cao thì việc xuất hiện một đề án đánh động vào "văn hoá", như một cách rung lên những hồi chuông thức tỉnh mọi người nhìn lại mình, nhìn lại những người quanh mình, rồi nhìn nhận, kiểm tra chéo lẫn nhau là một điều cần thiết.
Thực ra thì ngành nào, nghề nào cũng đã có những quy định đạo đức của riêng ngành ấy, nghề ấy.
Nhưng khi Chính phủ đưa ra một đề án công vụ nói chung, bao phủ các ngành, các nghề thì các cán bộ, công chức sẽ có thêm một áp lực, một sự nhắc nhở, để có thể nhìn nhận văn hoá ứng xử của mình một cách thường trực hơn.
Kính thưa độc giả, điều mà chúng tôi muốn trao đổi thêm ở đây không nằm ở việc công chức không được nịnh bợ cấp trên, mà còn nằm ở việc cấp trên cũng phải biết cách để cấp dưới không thể nịnh bợ mình.
Chúng tôi nảy ra suy nghĩ này khi nhớ đến câu chuyện thời nhà Trần được chép lại trong Đại Việt Sử ký toàn thư, rằng có người quen biết tới gặp vợ của Trần Thủ Độ, nhờ xin được làm chức "câu đương" - một chức nhỏ trong làng, chuyên lo việc bắt bớ.
Trần Thủ Độ gật đầu đồng ý, nhưng khi gặp người này liền ra một điều kiện: chức câu đương của ngươi do xin mà thành, không giống với tất cả những chức câu đương khác, vậy phải chặt một ngón chân của ngươi, để phân biệt với những người khác.
Đến lúc này thì "người đi xin chức" sợ quá, van xin khóc lóc hồi lâu mới được tha cho, và từ đấy không còn ai dám đi "cửa sau", nịnh nọt, xin chức Trần Thủ Độ nữa.
Mỗi lần nhớ lại câu chuyện này, chúng tôi lại đặt ra hai câu hỏi: nếu lần ấy Trần Thủ Độ không dứt khoát thì phải chăng sau cái người nịnh bợ, xin xỏ đầu tiên này, chắc chắn sẽ lại có nhiều người nịnh bợ xin xỏ tiếp theo? Và phải chẳng, chính vì Trần Thủ Độ đã dứt khoát như thế, nên rất nhiều người có bản tính cơ hội, bợ đỡ mới không dám đến gần?
Trái với những biểu hiện công chính của thái sư Trần Thủ Độ của những vị minh quân đầu thời Trần, những vị vua cuối nhà Trần lại có nhiều biểu hiện trọng dụng những kẻ gian thần bợ đỡ.
Chính vì thế mà ở thời ông Trần Dụ Tông - một ông vua bạc nhược, đam mê tửu sắc, Chu Văn An đã phải dâng "Thất trảm sớ", đề nghị chém 7 tên nịnh thần, để cứu lại triều chính. Bảy tên nịnh thần thời đó là ai? Bảy tên nịnh thần thời đó đã "lũng đoạn", làm mờ mắt Trần Dụ Tông như thế nào? Và Thất trảm sớ luận tội cụ thể như thế nào? Đấy là những câu hỏi mà ngay cả những người đương thời cũng không thể trả lời chắc chắn.
Nhưng có một điều chắc chắn, một ông vua thiếu liêm chính cộng hưởng với những bề tôi gian nịnh đã làm suy thoái quốc gia. Và những con người tiết tháo, giàu phẩm hạnh như Chu Văn An đã chọn cách từ quan về ở ẩn.
Thưa độc giả, chúng tôi đã quan sát và tin tưởng rằng, ở thời nào cũng luôn có những con người tiết tháo theo đúng hình mẫu của thầy Chu Văn An ngày xưa.
Nhưng chúng tôi đồng tình với độc giả là những con người như thế luôn ít hơn so với những kẻ sẵn sàng xu nịnh. Vấn đề là một ông vua anh minh - một cán bộ liêm chính - một ông sếp đàng hoàng sẽ biết cách nhận diện, xử trí, từ đó giúp những người tử tế tiếp tục phát huy những giá trị tử tế, còn những kẻ xu nịnh không có cơ hội bộc lộ biểu hiện xu nịnh của mình.
Tới đây, độc giả hẳn sẽ thắc mắc: phải chăng cần thêm những đề án văn hoá nhắm đến những nhà lãnh đạo - những ông sếp nữa? Thưa độc giả, chúng ta đã có Quy định số 101- QĐ/TW của Ban Bí thư về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp. Và như thế ở góc độ văn hoá, đã có những nhắc nhở với cả trên lẫn dưới.
Điều cần chờ đợi tiếp theo là xem cả trên lẫn dưới đều thực hiện những nhắc nhở (đã có) này như thế nào, để cải thiện môi trường văn hoá công vụ của chúng ta ở mức độ nào?
Xin chân thành cảm ơn độc giả!