Khi trái tim con người biết đau đớn và nổi giận

Thứ Ba, 28/02/2017, 18:40
Cho dù mỗi chúng ta tự thầm cho mình quyền bào chữa cho nền giáo dục Việt Nam thì chúng ta cũng phải đau lòng thừa nhận rằng: nền giáo dục của chúng ta chưa bao giờ lại thất vọng như bây giờ.

Anh Lê Trần Nam, Từ Liêm, Hà Nội, cùng một số độc giả: Thưa nhà báo, câu chuyện ở Trường Nam Trung Yên vừa mới đây làm chúng tôi thực sự hoang mang và suy nghĩ. 

Việc bà Tạ Thị Bích Ngọc, hiệu trưởng trường Nam Trung Yên nói dối về việc không biết học sinh của mình bị ôtô chở bà đâm gãy chân và tiếp nối là hàng loạt các hành vi đổ lỗi, dàn dựng,… nhằm chối tội của bà, cùng những sự đồng lõa bao che của một số người khác đang gây nên phẫn nộ trong công luận.

Chúng tôi tạm chưa bàn đến việc cá nhân bà Ngọc trong hàng loạt nỗ lực tìm mọi cách dàn dựng bắt cả tập thể giáo viên và học sinh dối trá và bắt các đồng nghiệp phải viết tâm thư để giữ ghế cho mình? Mà ở đây, chúng tôi đang muốn chờ được nghe, được thấy câu trả lời từ những người quản lý.

Chuyện ở trường Nam Trung Yên có thể chưa phải là hiện tượng phổ biến trong môi trường giáo dục, hy vọng thế. Nhưng cùng với những câu chuyện đầy đau lòng trong thời gian qua trong môi trường giáo dục không trở thành một “giá trị” phổ quát thì theo chúng tôi, Bộ Giáo dục Đào tạo không thể lặng im.

Cho đến giờ phút chúng tôi viết thư này (ngày 20-2-2017, tức là hơn 2 tháng kể từ khi xảy ra vụ việc, từ 1-12-2016), và ngay cả khi ông Chủ tịch TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã yêu cầu đình chỉ công tác của hiệu trưởng, thì ngoài việc chính bản thân bà hiệu trưởng chưa hề có một thái độ thừa nhận và biểu hiện xin lỗi nào, cũng chưa hề có một người đứng đầu ngành giáo dục và đào tạo nào chính thức nhìn nhận và lên tiếng. 

Liệu có tiếp tục một kịch bản quen thuộc lại diễn lại: bao che bưng bít rồi cho “chìm xuồng”, sau đó bà lại tiếp tục được điều chuyển sang cương vị mới tương đương hoặc cao hơn, như với trường hợp bà Ngọc trước đây, và như một loạt các trường hợp khác trong bộ máy công quyền của chúng ta hiện nay?

Giáo dục là căn cốt, là gốc của xã hội, là rường cột của quốc gia, vậy mà ung nhọt đã chồi lên từ đây, và thậm chí được bảo kê dung dưỡng từ đây thì quả là vô phương cứu chữa? Chúng tôi muốn được nghe ý kiến của nhà báo ạ.

Minh họa: Lê Phương.

Nhà báo Minh Đức: Thưa anh Lê Trần Nam và bạn đọc,

Điều đầu tiên tôi muốn nói là: ở thời nào và ở quốc gia nào, muốn biết quốc gia ấy thịnh suy ra sao chỉ cần nhìn vào nền giáo dục của quốc gia ấy. Lúc này đây, cho dù mỗi chúng ta tự thầm cho mình quyền bào chữa cho nền giáo dục Việt Nam thì chúng ta cũng phải đau lòng thừa nhận rằng: nền giáo dục của chúng ta chưa bao giờ lại thất vọng như bây giờ. Nhưng hơn cả sự thất vọng là sự hoảng hốt khi chúng ta phải chứng kiến những gì đang xảy ra trong không ít những mái trường của chúng ta. 

Tôi đã đọc một bài báo nói đến 3 ngôi nhà của đất nước chúng ta. Ba ngôi nhà này là ba thành trì “tử thủ” để bảo vệ nhân tính. Đó là Nhà trường, Nhà chùa và Nhà của mỗi chúng ta. Nếu ba ngôi Nhà này bị đe dọa thì cả xã hội bị đe dọa. Và thực tế chứng minh một cách đầy chứng cứ rằng: cả ba ngôi Nhà này của chúng ta đã và đang bị tấn công dồn dập và bị vỡ nhiều mảng. Điều gì tồi tệ nhất đang xảy ra trong không ít ngôi nhà Việt Nam? Đó là sự bất hiếu.

Điều gì tồi tệ nhất đang xảy ra trong không ít ngôi chùa ở Việt Nam? Đó là những lời khấn cầu cho danh lợi. Và điều gì tồi tệ nhất đang xảy ra trong không ít mái trường ở Việt Nam? Đó là sự vô cảm. Tại sao trong một đất nước mà trước kia tinh thần “tôn sư trọng đạo” thì thiêng liêng đến như thế. 

Còn ngày nay, mối quan hệ thầy trò trong nhà trường lại trở thành thách thức lớn và đầy lo sợ như thế? Sự thách thức và nỗi lo sợ này đến từ đâu? Tôi xin trả lời: 1% đến từ học sinh và 99% đến từ nhà trường.

Cách đây chừng một năm, cộng đồng mạng truyền nhau một clip. Có gì “giật gân” trong clip ấy? Không phải một clip sex, không phải một clip về người ngoài hành tinh, không phải clip về một “ngôi sao” làng giải trí bị lộ... hàng... mà chỉ là một clip về học sinh và giáo viên một trường học ở nước nào đó tôi không nhớ rõ  làm “nghi lễ” chào đón một con vịt mẹ với những chú vịt con trở về hồ nước sau khi bầy vịt con đã lớn. Tôi đã xem đi xem lại nhiều lần clip này và tôi thực sự xúc động. Sau sự xúc động ấy là sự xấu hổ.

Nhìn đàn vịt tự tin và tự nhiên đi giữa hai hàng học sinh và giáo viên và tôi hiểu rằng: Những con vịt đã cảm nhận được NHÂN TÍNH từ những con người quanh chúng. Khi một con người biết yêu thiên nhiên thì mới có khả năng yêu một con người.

Thưa các bạn, GIÁO DỤC là gì? Mục đích tối thượng của giáo dục là làm ra NHÂN TÍNH.

Lại nhớ cảnh thầy cô tát học sinh, bắt học sinh liếm ghế, giam học sinh vào kho cho đến chết, mua dâm học sinh, bán điểm, bán bằng cho học sinh.... mà báo chí trong gần 20 năm qua đã đưa. Lại nhớ cảnh học sinh đánh đập một bạn học và quay clip rồi đưa lên mạng như một trò tiêu khiển giống như một bầy linh cẩu cắn xé một con linh dương.

Thưa các bạn, sự tồi tệ nhất của GIÁO DỤC là gì? Là làm ra những kẻ vô cảm và độc ác.

Thưa các bạn, sự thất bại của một đất nước là gì? Là đẻ ra một nền giáo dục vô cảm.

Những câu hỏi và câu trả lời ở trên không chỉ của riêng tôi mà là của biết bao người trong những ngày này khi họ chứng kiến sự việc ở trường Nam Trung Yên. Nếu cô hiệu trưởng một lần phá bỏ những qui định của chính cô ký hoặc ủy quyền cho người khác ký là để xe chạy vào khuôn viên nhà trường có lẽ chúng ta bỏ qua cho dù hành vi ấy bắt đầu cho thấy dấu hiệu của những hành vi nghiêm trọng tiếp theo nếu hành vi đó không bị cảnh báo. 

Hơn thế nữa, nếu cô hiệu trưởng thấy xe làm một học sinh bị tai nạn mà bỏ đi để cho cấp dưới của mình ở lại thì có lẽ những người chứng kiến chỉ thấy gờn gợn một điều gì đó cho dù cấp độ nghiêm trọng của hành vi bỏ đi khi một đứa trẻ gặp nạn đã tăng lên đáng kể.

Nhưng khi biết đứa trẻ bị tai nạn và dư luận lên tiếng thì cô giáo ấy đã ném con bài vô cảm cuối cùng xuống trước xã hội. Cô đã không những không nhận lỗi mà còn tìm mọi cách trốn tránh và kéo theo cả một tập thể giáo viên đứng ra bao che tội lỗi của cô. Lúc này, hành vi vô cảm và vô trách nhiệm ấy không chỉ tồn tại trong trái tim của một cá nhân mà lan rộng ra cả một cộng đồng cho dù ở phạm vi lớn nhỏ nào đó. Nó cho thấy sự vô cảm và vô trách nhiệm và những thái độ thất vọng khác đang trở thành một nạn dịch.

Anh Lê Trần Nam hỏi: “Liệu có tiếp tục một kịch bản quen thuộc lại diễn lại: bao che bưng bít rồi cho “chìm xuồng”, sau đó bà lại tiếp tục được điều chuyển sang cương vị mới tương đương hoặc cao hơn, như với trường hợp bà Ngọc trước đây, và như một loạt các trường hợp khác trong bộ máy công quyền của chúng ta hiện nay?”. Một câu hỏi đau đớn. Nhưng nó đau đớn hơn nhiều lần là câu hỏi này đã được hỏi từ rất nhiều năm về trước và bây giờ lại vẫn câu hỏi ấy. Nghĩa là sự thay đổi đến quá chậm.

Nhưng tôi tin rằng sự vụ này sẽ được làm sáng tỏ khi ông Chủ tịch TP Hà Nội đã đề nghị đình chỉ công tác của cô hiệu trưởng, khi Đảng và Nhà nước đã và đang làm sáng tỏ một số người có chức vị cao đã có những việc làm sai trái trong quản lý nhà nước như một số trường hợp ở Bộ Công Thương.

Và theo tin mới nhất chúng tôi vừa nhận được, đã có những tín hiệu tích cực chính thức đầu tiên từ phía cơ quan chủ quản, đó là Quyết định cách chức Hiệu trưởng Tạ Thị Bích Ngọc và Hiệu phó Nguyễn Thị Hương đã được thông báo tại Trường Tiểu học Nam Trung Yên trong sáng 21-2. 

Và cũng trong cùng ngày, Chủ tịch UBND Quận Cầu Giấy, trao nhiệm vụ cho Bà Nguyễn Thanh Tịnh, Phó Phòng Giáo dục quận, kiêm nhiệm quản lý điều hành chung và là chủ tài khoản Trường tiểu học Nam Trung Yên từ ngày 21-2-2017.

Anh Lê Trần Nam lại hỏi: “Giáo dục là căn cốt, là gốc của xã hội, là rường cột của quốc gia, vậy mà ung nhọt đã chồi lên từ đây, và thậm chí được bảo kê dung dưỡng từ đây thì quả là vô phương cứu chữa?”.

Thưa anh Lê Trần Nam và bạn đọc, chúng ta quá thất vọng về những sự vụ như vậy nói riêng trong ngành giáo dục. Nhưng chúng ta sẽ tìm ra cách cứu chữa. Chính tiếng kêu đau đớn và đầy trách nhiệm của chúng ta là vị thuốc đầu tiên trong thang thuốc tổng hợp để cứu chữa nền giáo dục.

Bởi trong sự vụ này, có biết bao các thầy cô cảm thấy xấu hổ và nổi giận về đồng nghiệp của mình. Dân tộc chúng ta đã từng đứng trước những thách thức khó khăn hơn vạn lần nhưng vẫn tìm được con đường đi qua những thách thức ấy. Khi trái tim con người biết đau đớn và nổi giận thì trí tuệ con người được mở ra.

Xin cám ơn tấm lòng của anh và của bạn đọc trước những gì đang đe dọa tương lai của đất nước mình.

Minh Đức
.
.