Để những cái "lý" không lạnh lùng, máy móc...

Thứ Tư, 14/08/2019, 16:08
Tất cả những hành động nảy sinh từ sự "độc quyền trong trẻo" của những đứa trẻ đều phải được nhìn nhận ở nhiều góc độ, cả "lý" lẫn "tình", thay vì chỉ áp vào nó một cái "lý" khô khan, lạnh lùng nào đấy.

Kính gửi Toà soạn báo An ninh thế giới Giữa tháng - Cuối tháng!

Mấy hôm nay tôi cứ băn khoăn mãi về một tấm ảnh "gây sốt" trên mạng xã hội về việc một chiến sĩ CSCĐ đã lấy một ngón tay đưa vào miệng một cậu bé với mong muốn là cậu bé không bị "nuốt lưỡi" trong một tình huống khẩn cấp trên sân Thiên Trường, trong trận đấu giữa CLB Nam Định và CLB Hoàng Anh Gia Lai vào chiều ngày 4-8. 

Chắc các anh/chị trong toà soạn cũng biết câu chuyện này rồi, nhưng tôi vẫn xin nhắc lại là nó diễn ra vào khoảng phút thứ 70 của trận đấu, khi giữa khán đài chật ních và ngột ngạt, một cậu bé đột nhiên lên cơn co giật, ngất xỉu và có dấu hiệu "nuốt lưỡi". 

Thế nên cậu bé đã nhanh chóng được đưa xuống đường piste để 2 chiến sĩ CSCĐ đưa ra xe cấp cứu, và một chiến sĩ đã đưa tay vào miệng cậu bé như tôi đã kể ở trên.

Băn khoăn của tôi nằm ở chỗ, khi bức ảnh này mới xuất hiện trên mạng xã hội thì rất nhiều ý kiến đánh giá nó là một bức ảnh thể hiện rõ tinh thần trách nhiệm và hành xử nhân văn của chiến sĩ CSCĐ. 

Nhiều người còn cho rằng đấy là một trong những hình ảnh điển hình của lòng tốt, có sức rung động lớn lao, và đánh vào lòng trắc ẩn trong mỗi con người chúng ta. Cá nhân tôi hoàn toàn đồng ý với đánh giá này. Nhưng sau đó lại xuất hiện ý kiến đánh giá rằng đưa tay vào miệng một cậu bé đang lên cơn co giật không phải là một cách ứng xử hợp lý. 

Ý kiến này dẫn lời của các bác sĩ cho biết hiện tượng "nuốt lưỡi" thực ra chỉ là một quan điểm dân gian, chứ hoàn toàn không đúng về mặt y khoa. Một người bị co giật khó gây ra "nuốt lưỡi" và khó diễn ra tình trạng cắn mạnh vào lưỡi. 

Do vậy nếu cho tay vào miệng nạn nhân thì vừa khiến nạn nhân khó thở vừa có nguy cơ bị cắn mạnh vào tay, gây nguy hiểm cho mình. Từ những nhận định này, luồng dư luận này không đánh giá cao hành động của chiến sĩ CSCĐ như luồng dư luận đầu tiên.

Thực tình, tôi đã nhìn đi nhìn lại bức ảnh, và thấy chiến sĩ CSCĐ đã nhăn mặt lại vì đau đớn. Chính vì vậy, khi gặp luồng dư luận đầu tiên, tôi lập tức đồng cảm và chia sẻ. Nhưng nghĩ đi nghĩ lại bằng lý trí của mình, tôi cũng thấy luồng dư luận thứ hai không hoàn toàn vô lý. Vậy theo Toà soạn, trong trường hợp này cần phải có một nhận thức như thế nào cho chuẩn xác?

Mà không chỉ trong riêng trường hợp này, rất nhiều những câu chuyện, những sự kiện, những bức ảnh, những đoạn video trên báo mạng thời gian gần đây thường xuyên đẩy những người tiếp cận thông tin như chúng tôi vào tình trạng rất khó phân biệt đúng - sai như thế. 

Có thể với quý toà soạn, đây chỉ là một câu chuyện nhỏ, một vấn đề nhỏ, nhưng ít nhất với cá nhân tôi, nó lại là một vấn đề lớn, liên quan đến phương pháp luận về nhận thức. Rất mong được lắng nghe kiến giải của quý toà soạn. Xin chân thành cảm ơn.

Hoàng Đức Anh (TP Hồ Chí Minh)

Kính gửi độc giả Hoàng Đức Anh!

Chúng tôi rất hiểu nỗi băn khoăn của độc giả khi tiếp cận thông tin trên Internet và cả những luồng dư luận đánh giá khác nhau, thậm chí là trái ngược nhau trên mạng xã hội. 

Không chỉ độc giả, nhiều độc giả khác cũng đã từng gửi thư cho chúng tôi, bày tỏ nỗi băn khoăn tương tự, và hôm nay, nhân tiện nhận được bức thư của độc giả, chúng tôi cũng muốn một lần trình bày rõ ràng, cặn kẽ quan điểm của mình.

Thứ nhất, trong câu chuyện mà độc giả đề cập, phải khẳng định ngay những nhận định của bác sĩ và các chuyên gia y tế là chính xác. Không ai có quyền chỉ dẫn người khác cách thức, phương thức cấp cứu một nạn nhân hơn các chuyên gia y tế. 

Thành thử, qua câu chuyện này, chúng ta cũng đã được bổ sung thêm những kiến thức về y tế, đặc biệt là trong trường hợp cấp cứu những người bệnh "co giật", có biểu hiện "nuốt lưỡi" như những gì đã diễn ra với một em nhỏ trên sân Thiên Trường.

Thứ hai, sau khi khẳng định rõ ràng về mặt y tế thì chúng ta lại phải trả lời rõ ràng một câu hỏi khác: việc không thực hiện chính xác một yêu cầu y tế có khiến một hành động - một hình ảnh mà trước đó được đông đảo dư luận đánh giá là "rất đẹp" của một chiến sĩ CSCĐ bớt đẹp đi không? 

Chúng tôi xin được trả lời ngay là không! Bởi chúng ta không thể lấy những "căn cứ luận về y tế" để bác bỏ giá trị về tinh thần trách nhiệm và lòng tốt (nếu có thể nói như vậy) của một con người. 

Ở thời điểm thấy một chú bé lên cơn "co giật", mà theo quan điểm của dân gian là rất dễ có nguy cơ "nuốt lưỡi" thì hành động cho tay vào miệng chú bé, cố gắng chịu đau để giúp chú bé không "nuốt lưỡi" là hành động của một con người có ý thức trách nhiệm với công việc của mình, và ở một góc độ nào đó, như đánh giá của dư luận xã hội, có thể coi đấy là một hành động của lòng tốt. 

Ở thời điểm căng thẳng ấy, những người không có kiến thức  bài bản về y tế rất khó có thể làm đúng, làm chuẩn, làm chính xác những gì mà các chuyên gia y tế chỉ dẫn.

Thứ ba, ở góc độ khái quát, chúng tôi nghĩ rằng đánh giá một sự việc - một hành động bằng góc độ lý trí là hoàn toàn chính xác, nhưng lại phải đặt cái lý trí ấy vào trong hoàn cảnh của câu chuyện. Có như vậy nó mới là một cái "lý" thấu "tình", chứ không phải là những cái "lý" lạnh lùng, khô khan, thậm chí ở một góc độ nào đó còn có màu sắc của sự tàn nhẫn.

Câu chuyện này làm chúng tôi sực nhớ đến một câu chuyện khác cũng gây xôn xao trên cộng đồng mạng, và cũng có những đánh giá rất trái ngược nhau. Đó là câu chuyện của cậu bé Vì Quyết Chiến - 13 tuổi, đã đạp xe 100km từ Sơn La về Hà Nội để thăm em đang nằm viện hồi tháng 3 năm nay. 

Một nửa dư luận cho rằng đấy là một câu chuyện xúc động về tình anh em, và cái hành trình 100km mà Vì Quốc Chiến đã đi là hành trình của tình thương yêu bản năng, to lớn. Nhưng ngay sau đó một nửa dư luận khác lại chỉ trích hành trình ấy, vì cho rằng một cậu bé đi 100km trên một chiếc xe đạp là quá nguy hiểm.

Phải nói ngay, xét ở góc độ lý trí, hành trình ấy quả nhiên là nguy hiểm. Và bất luận những ai có nhận thức bình thường cũng không thể cổ suý cho một em nhỏ đi trên hành trình ấy. Nhưng nếu vì cái "lý" ấy mà quay ra chỉ trích một cậu bé thì theo chúng tôi đấy lại là một cái "lý" không thấu "tình". 

Đừng nói đến những cậu bé khác, ngay cả với bản thân Vì Quyết Chiến, nếu vì một lý do nào đó mà cậu muốn một mình đi xe đạp trên một cung đường dài 100km thêm lần nữa thì đấy chắc chắn là một ý định phải ngăn cản đến cùng. 

Đơn giản vì nó quá nguy hiểm. Nhưng nhìn lại hành trình mà Vì Quyết Chiến đã đi, trong bối cảnh một nỗi nhớ bản năng có thể đang trào dâng mãnh liệt trong lòng một cậu bé thì nó lại là một hành trình cần phải được nhìn nhận bằng con mắt khác. 

Dường như mọi đứa trẻ trên cuộc đời này đều có một thứ độc quyền mà sau này người lớn luôn luôn tiếc nuối, đó là "độc quyền trong trẻo". 

Thành thử tất cả những hành động nảy sinh từ sự "độc quyền trong trẻo" của những đứa trẻ đều phải được nhìn nhận ở nhiều góc độ, cả "lý" lẫn "tình", thay vì chỉ áp vào nó một cái "lý" khô khan, lạnh lùng nào đấy.

Trở lại với tấm ảnh và câu chuyện xúc động về chiến sĩ CSCĐ đã cho ngón tay mình vào miệng một chú bé "co giật" với mong muốn chú bé đó không bị "nuốt lưỡi", chúng tôi tin rằng sau khi câu chuyện này được phân tích bởi các chuyên gia y tế, từ nay trở đi, nếu gặp tình huống tương tự, chiến sĩ CSCĐ này sẽ làm khác. 

Nhưng ở trong tình huống cụ thể đã diễn ra, với những gì mình đã làm và với những gì mọi người đã thấy, theo chúng tôi, chiến sĩ CSCĐ này đã thực sự để lại một hình ảnh đẹp, với rất nhiều ý nghĩa và giá trị nhân văn của nó.

Mà trong xã hội chúng ta hôm nay, bắt gặp thêm một biểu hiện nhân văn, chúng ta lại thấy lòng mình ấm thêm một chút.

Xin chân thành cảm ơn độc giả!

Vương Trọng Tín
.
.