Người Việt hôm nay cần gì?

Chữa bệnh cảm tính

Thứ Bảy, 03/07/2021, 12:40
Buột miệng thì: “Cái mặt dễ ghét”, nặng hơn thì: “nói chung là cái mặt không chơi được”, nhẹ dạ thì: “nghe nói cũng kinh lắm”..., những câu tương tự như thế này, đã là người Việt ai cũng có lúc buột ra, nhẹ thì là nói hoặc hơn nữa là ghét không chơi thật.

Sự cảm tính của người Việt, vốn đã được cổ súy từ những phương ngữ, thành ngữ kiểu “trông mặt mà bắt hình dong” rồi, ngày hôm nay lại có vẻ như được kích hoạt bởi mạng xã hội càng khiến người ta trở nên thiếu lý tính trong không chỉ với quan hệ con người mà ngay cả trong nhiều ứng xử cộng đồng, thậm chí trong cách tư duy về những chuyện lớn hơn như quản trị xã hội.

Triết học cần được đưa vào dạy ở phổ thông, năng lực phản biện cần được khuyến khích. Ảnh: L.G.

Mặt tốt của sự cảm tính là tình cảm. Người Việt tình cảm, điều này không cần phải chứng minh. Sự tình cảm này có lẽ vừa bắt nguồn từ đặc tính của một dân tộc có lịch sử chiến tranh liên miên vừa bắt nguồn từ xã hội Nho giáo. Nhạy cảm với nỗi buồn, thương kẻ yếu, dễ mủn lòng trước hoàn cảnh éo le, dễ động lòng trắc ẩn trước người mà mình nghĩ là kém hơn - xã hội Việt nam được xây dựng và chi phối nhiều xung quanh hai chữ tình cảm này.

Nhiều năm về trước, người nông dân Việt Nam sẻ cửa sẻ nhà, nhường bát cơm ngon, nhường gian nhà tốt để lùi ra hiên, ra chái cho người thành phố sơ tán dù chẳng ai bắt ép họ. Tính hiếu khách, thương người đã khiến họ làm điều này một cách tận tụy hơn là nghĩa vụ đơn thuần. Cũng tương tự, ngày hôm nay người thành phố cứ nghe đến giải cứu nông sản hay bão lũ sập nhà là ùn ùn đổ nhau đi cứu trợ. Nhiều người bản thân không dư dả gì nhưng không ngại móc hầu bao ra chia sẻ. Tất cả, đều vì tình cảm. Thương người khó hơn mình - lòng trắc ẩn tự thức dậy mà không cần lý trí kêu gọi và dẫn đường.

Ấy thế mà cũng những con người có gốc nông thôn đó, ra thành phố đi làm đôi khi lại không ngại ngần mà xúi nhau nhảy việc liên miên để lấy mấy bộ quần áo phát không và “lấy tháng lương tết xong rồi phắn”. Cũng những người thành phố ấy đi chợ mặc cả từng đồng dù vẫn là mua của nông dân, cũng chả ngại ngần khi buông lời “bọn nhà quê”, “lũ nửa mùa”. Lúc không có gì để thương cảm nhau, lúc không có cảm giác ai đó yếu hơn mình, lòng trắc ẩn lại xếp sang một góc, nhường chỗ cho sự chao chát. Lúc ấy sự cảm tính về nguy cơ bị bắt nạt hoặc qua mặt sẽ thôi thúc một bản năng khác trỗi dậy để chống trả.

Cảm tính - có lẽ là một trong những tính cách hạn chế khó nhìn thấy của người Việt. Yêu ghét không cần lý lẽ, không cần sự minh triết, đem cảm tính ra ứng đối trong nhiều hoàn cảnh lẽ ra cần sự tỉnh táo của lý trí để cân nhắc, là rào cản để người Việt trở nên minh tuệ hơn, khoa học hơn. Tôi nghĩ vậy.

Cảm tính có lẽ là một trong những tính cách hạn chế khó nhìn thấy. Ảnh: L.G.

Thử điểm lại những sự kiện gần đây nhất về cái gọi là cảm tính của người Việt. Việc gần nhất là từ thiện. Xuất phát từ tình cảm, thấy người đói thì mình thương, thế là ùn ùn đổ tiền cho người mà mình tin cậy bất chấp người đó có kinh nghiệm và khả năng quản lý công việc cứu trợ hay không. Khi thấy xảy ra lỗi lại ồn ào quy chụp, lên án những chuyện không liên quan đến lỗi. Đám đông ồn ào bị kích động đến không còn lý lẽ, hoàn toàn để sự cảm tính dẫn dắt. Đáng tiếc, xúc cảm mù lòa ấy thường tác động ngược, những người bị phá hủy bởi những tình cảm ban đầu là tích cực sau hóa thành tiêu cực, lại chính là đám đông cảm tính.

Nhiều chuyện lớn hơn là những cuộc tẩy chay nhãn hàng, tẩy chay cá nhân chỉ vì những tin thiếu xác thực, những sự việc thiếu tính kiểm chứng. Việc tẩy chay ấy vì quá cảm tính nên cũng thường không bền bỉ, chẳng có lý lẽ, tự ồn rồi lại tự lắng và thường không thay đổi được cục diện nào

Xã hội cảm tính là cái nôi tốt nhất cho những tin đồn, những cuộc sát phạt trên mạng và những cơn lên đồng tập thể. Càng cảm tính, càng thiếu minh triết thì việc đúng sai hầu như thuộc vào xúc cảm, không cần lý lẽ và hiểu biết và vì thế - tính tích cực thường ít.

Nếu như mặt tốt là tình cảm - khiến xã hội Việt Nam ấm áp bao nhiêu thì sự cảm tính khiến nó mất đi sự lý tính cần thiết để hành xử theo cách trưởng thành bấy nhiêu. Chính sự thiếu trưởng thành ấy - với tôi - là một rào cản khá lớn để con người ứng xử thông minh hơn với nhau và với chính bản thân mình, khiến xã hội minh mẫn hơn và dành năng lượng cho những việc có tính bền vững.

Tất nhiên, cảm tính là xúc cảm hồn nhiên không cần trau dồi như lý tính. Không cần đầu óc phân tích, không cần kiểm chứng thông tin, không cần cân nhắc đến tính bền vững của sự việc nên sự hồn nhiên sẽ luôn là thái độ của đám đông. Nó thường mang lại giá trị ở việc có tính giản dị, tức thời nhưng để đi đường dài, hồn nhiên cảm tính thường ít mang lại kết quả.

Nhìn vào nhiều phong trào xã hội ở Việt Nam cũng như cách sống của cộng đồng người Việt, rất ít phong trào xã hội có tính bền vững. Sự hồn nhiên cảm tính giống như cú hích để khởi động nhưng lại thiếu đi sự minh triết để từ cú hích động lực ấy đi tiếp con đường. Sự cảm tính này có lẽ xuất phát phần nào từ nền tảng của năng lực tư duy khi tính minh triết được xây dựng từ năng lực phản biện không được khuyến khích. Những môn như triết học - nền tảng để tạo nên năng lực ấy - trong trường học còn được dạy và học một cách sơ sài nên kết quả chỉ có vậy.

Ngày hôm nay, nhìn vào cách mà các dân tộc khác đi ra thế giới, từ văn hóa đến kinh tế đều thấy một sự tính toán chiến lược khá bài bản dù chỉ là các cá nhân hay một nhóm người. Cộng đồng sinh viên Nhật Bản tạo nên hình ảnh của mình tại Paris một cách khá đồng bộ và độc đáo. Cộng đồng sinh viên Trung Quốc luôn biết cách tự bảo vệ và thu hút sự chú ý có tính tích cực để xóa đi mặc cảm thiên kiến chính trị. Cộng đồng Hàn Quốc chọn cách thể hiện trẻ trung, hiện đại của một đất nước đã trở nên hùng mạnh. Ngay cả người Tây Tạng cũng đã không còn hồn nhiên thể hiện sự hiền hậu của người Phật giáo, thay vào đó là hình ảnh của một dân tộc bền bỉ và giàu văn hóa. 

Người Việt, luôn được đánh giá thông minh thì lại hồn hậu nghe nhạc Hàn, uống trà sữa trân châu Đài Loan và nếu mở nhà hàng, sẽ vẫn đi theo con đường gần như muôn thuở là bún bò, nem phở - nghĩa là vẫn hồn nhiên trên con đường cũ. Vì đã là hồn nhiên cảm tính, thì mỗi người một tính mà đi, nên để tập hợp sức mạnh tạo nên hình ảnh là khó, hoặc khó bền.

Tôi luôn nghĩ nếu lòng trắc ẩn của người Việt là điều cần được bảo tồn thì sự cảm tính có lẽ lại là điều cần thay đổi.

Thay đổi một cách có hệ thống, có điểm tựa.

Triết học cần được đưa vào dạy ở phổ thông, năng lực phản biện cần được khuyến khích. Sự cảm tính cần được coi là một đặc tính dân tộc không mạnh.

Chỉ khi người ta biết rất rõ vì sao mình có ý kiến này, vì sao mình ủng hộ hay phản đối việc kia, vì sao mình cất lời để nói về việc này mà không làm tiếng vọng cho những ý kiến khác, khi ấy sự cảm tính mới nhường chỗ cho những lý lẽ minh tuệ.

Nhìn ra thế giới, dân tộc nào mà tính triết học trong đời sống cao, thường phát triển một cách bền vững. Thiếu nền tảng lý lẽ, chỉ dựa trên xúc cảm của cái “tôi cảm thấy” mà không màng quan tâm tới cái “tôi tìm hiểu thấy và đúc kết được” thì thật khó mà trưởng thành.

Người Việt đã vượt qua nhiều khó khăn của một quốc gia bộn bề thăng trầm, giờ đến lúc cần được trưởng thành.

Tôi nghĩ vậy.

Nguyễn Mỹ Linh (Viết từ Paris, Pháp)
.
.