Bữa ăn như ân tình của phố!

Thứ Ba, 28/06/2016, 09:52
Gác lại cái bộn bề lo toan thường nhật của công việc giữa chốn phồn hoa đô thị, ngôi đình nhỏ ở phường An Phú, quận 2, TP HCM là địa chỉ cho sự sẻ chia của những tấm lòng. Nơi đó, không phân biệt địa vị xã hội hay sang hèn, lá lành đùm lá rách, lá rách đùm lá rách hơn. Bởi lẽ, khi những trái tim đồng cảm cùng nhịp đập về sự yêu thương thì không biên giới nào cho giới hạn của tình người.


1. Sáng tinh mơ đầu tuần mùa này, Sài Gòn tiết trời trở mình se lạnh lất phất mưa bay. Cạnh màu xám xịt khi cơn mưa chưa tạnh, lạnh buốt, giữa phố lại có địa điểm nhỏ ấm áp đến lạ thường. Nơi đó là ngôi đình nhỏ thuộc phường An Phú, quận 2, TP HCM. Trong sân đình một không khí náo nhiệt khác hẳn thời tiết lạnh lẽo bên ngoài. Những người phụ nữ trung niên ăn vận xộc xệnh có, chỉn chu có, ra ra vào vào, cười nói rôm rả quanh một chái bếp nhỏ xíu mặc cơn mưa.

Không ai phân công ai điều gì, không tranh giành, chẳng vội vàng, mỗi người một việc, trên gương mặt họ đều hiện lên điểm chung là nụ cười hoan hỉ cùng những giọt mồ hôi lăn dài trên trán. 

Nhóm thiện nguyện gồm 11 người phụ nữ chia nhau đảm trách thổi lửa, làm bếp để hoàn thành bữa cơm từ thiện. Khung cảnh người nhặt rau, người vo gạo, người rửa thịt… hệt như một đại gia đình đang chuẩn bị bữa tiệc. Nhưng không, đó là một bếp cơm. Bếp cơm của những người già neo đơn, người không còn sức lao động, trẻ em cơ nhỡ... cư ngụ trên địa bàn phường An Phú.

Vận bộ quần áo bạc màu của dân lao động nghèo, chị Trần Thị Loan (ngụ quận 9), đang loay hoay với mớ rau muống gần dăm kí lô. Chị kể, cô con gái độc nhất sau hôn nhân tan vỡ đã bỏ đi biệt tích để lại cho gia đình 3 đứa trẻ thơ. Sau đó một thời gian, con rể đi xa rồi không về. Bất hạnh chưa dừng lại, cách đây 7 năm, trong cơn bạo bệnh, chồng qua đời nên gia đình chìm ngập trong khó khăn. Nhưng thương cháu, chị vẫn làm thuê để các cháu đến trường.

Chị Gái - Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ phường tranh thủ lúc ít việc đến chung tay làm bếp.

Nghe phường An Phú mở bếp cơm từ thiện, chị lái xe máy vượt hàng chục cây số đến đăng ký xin làm tình nguyện viên. "Kể từ khi chị làm đến nay cũng được mấy tháng rồi. Làm từ thiện là ở tấm lòng. Mình nghèo, nhưng nhiều người còn nghèo hơn, khi tâm hồn thanh thản là được, em à", chị Loan kể.

Trong nhóm thiện nguyện, một người phụ nữ gầy guộc mang bên hông chiếc giỏ xách cũ kĩ, đi đi lại lại, mang rau củ vừa nhặt đi rửa. Đó là chị Trần Thị Loan (ngụ quận 9). Chị cho biết, sáng tinh mơ, chị bắt chuyến xe buýt đầu tiên qua quận 2 bán vé số. Trước kia buổi trưa, chị thường ngồi nghỉ ngơi ở đền An Phú. Sau nghe chương trình hay, chị xin vào giúp việc.

Vào những ngày Thứ 2, 4, 6, chị Loan dành cả buổi sáng để phụ giúp bếp núc. Đợi đến khi những phần cơm được trao hết, chị mới lại cầm xấp vé số trên tay vừa đi vừa nhoẻn miệng cười với người mua.

Gần 10 giờ, các "khách mời" của quán cơm đã lác đác có mặt để nhận quà, người đến nhận cơm là những cá nhân có hoàn cảnh éo le hay đặc biệt khó khăn. Nhận, gật đầu chào rồi tiếp tục đi để bon chen cho cuộc sống của chính họ. Khi các thực khách đã vắng dần, nhóm phụ nữ tình nguyện cũng chào nhau để đi làm công việc của chính mình.

Nắng lên cao, một vài chị trong nhóm vẫn đứng ở đình, bên cạnh hộp cơm cuối cùng như trông mong một điều gì đó. Bỗng đâu, một chiếc xe lăn từ xa ì ạch tiến vào sân đình. Trên xe, người đàn ông tật nguyền nở nụ cười cùng câu xin lỗi đã đến trễ vì đường hôm nay khó đi. Nhận cơm, chiếc xe lại quay đầu lăn bánh đi bán vé số mưu sinh trên con đường nhầy nhụa bởi trận mưa tối qua.

"Mỗi ngày nấu 140 suất. Trong đó 130 suất có tên trong danh sách nhận cơm từ trước. Còn lại là 10 suất dự phòng cho những "vị khách" đến bất ngờ", lời của người đại diện nhóm nấu ăn thiện nguyện này.

Chị Trần Thị Loan trao cơm cho một người nghèo đi bán vé số.

2. "Bí thư ơi, hết gạo rồi làm sao bây giờ? Liên hệ chủ tịch mượn tiền mua gạo lo cho người nghèo đi".

Đoạn đối thoại tưởng như chỉ có trong các kịch bản điện ảnh này lại là câu nói có thật của chị Võ Thị Gái - Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ phường An Phú với anh Trương Tuấn Kiệt - Bí thư Đảng ủy phường.

Số là, khi mới thành lập, số tiền hạn hẹp được góp bởi các thành viên của nhóm cứ vơi theo từng bữa ăn nên dần dần túng quẫn. Là người nhận việc lo đi chợ mua thực phẩm, chị Gái nhiều lần phải bỏ tiền túi để mua. Sau nhiều lần nợ, chị không biết phải thế nào. Chị nghĩ, những người nghèo trong danh sách nhận cơm vẫn sẽ đến điểm nhận chứ người ta đâu biết mình hết tiền mà nghỉ. 

Trăn trở, chị tâm sự cùng lãnh đạo phường, thì Bí thư Kiệt "chỉ thị", hãy liên hệ với Chủ tịch để mượn tiền ngân sách của phường. Bằng bất cứ giá nào cũng không được để bếp cơm không bén lửa.

Hơn 3 tháng đi vào hoạt động, thu hoạch được nhiều kết quả khả quan, thế nhưng khi nhớ về thời gian đã qua, chị Gái vẫn còn nhiều lo lắng. Chị kể, hằng ngày, thức dậy từ sáng sớm để đi chợ. Chiếc xe máy cũ kĩ bạc màu, ì ạch theo chị lăn ra các gian hàng để lựa chọn sản phẩm tươi ngon cho bếp ăn của người nghèo. Về đình, chị xắn tay áo vào giúp mọi người. Khi kim đồng hồ chỉ sang 7 giờ 30, chị mới chịu buông tay về phường để kịp giờ làm.

Bếp cơm từ thiện hoạt động được hơn một tháng, đó là quãng thời gian trong chị buồn vui lẫn lộn, cảm xúc tuôn trào vì niềm vui và sự lo toan song hành. Chị Gái nhớ lại, lúc mới thành lập, khó khăn tứ bề. Sau khi nhiều cán bộ nhất trí và được lãnh đạo phường hưởng ứng, cả nhóm bắt đầu đi thực tế từng hộ gia đình để xem hoàn cảnh. Sau đó lên kế hoạch, xét chỉ tiêu… Nhưng khi vừa xong lại phải lo về kinh phí, biết lấy đâu mà làm.

Tuy nhiên, với quyết tâm của cả tập thể, ngoài giờ làm việc, mọi người chạy xuôi chạy ngược vận động xin địa điểm nấu cơm. Thấy chương trình mang đậm tính nhân văn, đình An Phú đã cho mượn một bên hông để làm địa điểm. Vậy mà, niềm vui chưa tày gang thì nhóm lại nhận ra, có địa điểm rồi mà chưa có bếp thì đâu thể nấu ngoài trời.

Thế là, cán bộ trong phường lại rong ruổi khắp nơi để vận động các "Mạnh Thường Quân". May thay, sau cả tuần quần quật đầu tắt mặt tối, số tiền 35 triệu đồng nhận được từ những tấm lòng hảo tâm cũng đủ để xây dựng một bếp nhỏ. Và rồi, khó khăn lại ập đến, đã có bếp nhưng vẫn chưa thể nấu cơm được, vì vật dụng như chảo, xoong, ga... vẫn chưa có.

Bằng quyết tâm của mình, những cán bộ phường An Phú, sau giờ làm lại đi vận động những "Mạnh Thường Quân" hay những đoàn thể từ thiện trong vùng. Với nhiệt huyết và tấm lòng, sau hơn nửa tháng xây dựng, bếp ăn tình nghĩa đã dần hoàn thành theo ước nguyện.

Chị Trần Thị Loan trao cơm.

Nhớ lại buổi đi chợ đầu tiên, chị Gái cầm tiền, chân run run, hai tay mang những bịch đồ trĩu nặng mà tim đập liên hồi. Lúc ấy, trong đầu người phụ nữ này chỉ nghĩ về nụ cười móm mém yêu thương, những khuôn mặt già nua hay ánh mắt khắc khổ của những người nghèo trong xóm.

Khi được hỏi về kết quả của chương trình, đôi mắt bừng sáng, chị cho rằng những khó khăn đã vượt qua một nửa. Giờ đây bếp đã có nhiều nhóm tình nguyện giúp đỡ, các "Mạnh Thường Quân" trên địa bàn cũng đồng cảm nên có thể sẽ mở rộng chương trình, nhiều phần cơm sẽ tới tay người nghèo hơn nữa.

3. Không biết tự bao giờ, khi bàn về bếp ăn từ thiện thì những cán bộ phường An Phú đều xôm tụ khi mà họ đồng lòng. Từ lãnh đạo như Bí thư, Chủ tịch đến các nhân viên bình thường, hay thậm chí các anh dân quân tự vệ cũng hồ hởi tham gia một cách đầy nhiệt huyết.

Trò chuyện với tôi, chị Võ Thị Gái - Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ phường An Phú cho biết, trong thời gian tới, mọi người sẽ cố gắng để bữa ăn được nhân rộng hơn cho những người khó khăn còn lại. Thêm vào đó, ước mong của tất cả các thành viên là có các "Mạnh Thường Quân" hiểu và góp sức để bếp cơm người nghèo luôn đỏ lửa cả tuần.

Theo số liệu thống kê, phường An Phú có 8.523 hộ dân, trong đó hộ nghèo và cận nghèo rơi vào số cao nhất trên địa bàn thành phố. 160 hộ nghèo, chiếm tỉ lệ 1,94% và 102 hộ cận nghèo chiếm 1,24%.

"Chúng tôi, ai cũng xin tình nguyện tham gia đóng góp vào bếp ăn từ thiện để lo cho người dân không phân biệt cấp bậc hay gì cả. Ai rảnh thì tranh thủ qua giúp đỡ, vận động được bao nhiêu phần quà, thực phẩm, tiền… thì cứ kê khai để dành rồi dùng vào việc chăm lo bữa ăn cho người nghèo. Ngoài ra, khi đình An Phú có những chuyến hàng nhập về cần sức lực đàn ông trong phường, ai rảnh cũng tranh thủ ra xắn tay áo khuân vác giúp chị em phụ nữ cả. Vì người nghèo cả mà, bao giờ hết người nghèo thì chúng tôi sẽ tự tắt lửa bếp ăn thiện nguyện này", anh Trần Hoàn Long - Chủ tịch Mặt trận phường An Phú chia sẻ.

Kỳ Phương
.
.