Thôi đừng định hướng nghề nghiệp nữa
- Đưa năng lực ngoại ngữ vào chuẩn nghề nghiệp giáo viên phổ thông
- Bồi dưỡng chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp cho người làm báo trẻ
- “Thực hiện ước mơ” - sân chơi định hướng nghề nghiệp của học sinh
Tôi không hoàn toàn đồng ý với nhận định này bởi nghề nghiệp, suy cho cùng, chỉ là cái vỏ. Cái lõi là kỹ năng. Và nếu thực sự có gì cần định hướng thì sinh viên ngày nay cần phải được định hướng kỹ năng cần chuẩn bị để sau khi ra trường có thể sử dụng trong công việc chứ không phải là định hướng nghề nghiệp.
Thực vậy, nghề nghiệp là cái thay đổi trong khi kỹ năng mới là cái bất biến. Xin thử lấy ví dụ với nghề bán hàng. Một cách truyền thống, khi nói đến bán hàng, ta sẽ hình dung ra một người bán đứng trước một quầy hàng đề bán hàng cho từng khách một. Đây có lẽ là hình thức bán hàng cổ xưa đã có từ hàng nghìn năm nay.
Trong bối cảnh này, kỹ năng cần có của người bán hàng là: “giao tiếp 1-1”. Một cách bán hàng truyền thống khác mà chúng ta rất hay thấy trên phim ảnh (Việt Nam hoặc Trung Quốc) là một nhóm người (thường là ở chợ) tụ tập vào xem múa võ và sau khi múa xong bài võ, người múa võ hoặc người đi cùng sẽ giới thiệu, bán một sản phẩm nào đó (ví dụ thuốc bổ).
Trong trường hợp này, cũng là người bán nhưng họ lại cần thêm 2 kỹ năng khác: “gây chú ý” và “nói trước đám đông”. Đó là chuyện bán hàng của ngày xưa, còn ngày nay, bán hàng phức tạp hơn nhiều.
Nghề thẩm rượu dựa trên các kỹ năng mới mà tách ra khỏi nghề quản gia, tạo ra nghề nghiệp mới. |
Ở các khóa đào tạo về MBA (thạc sĩ quản trị kinh doanh) trên khắp thế giới, các môn học/nội dung học liên quan đến bán hàng như marketing, quảng cáo, thương mại điện tử... luôn là các môn học được nhà trường đầu tư nhiều nhất; cũng như thu hút được nhiều học viên nhất.
Các kỹ năng bán hàng ngày nay đã trở nên quá đa dạng và phức tạp. Bán hàng online, bán hàng offline, bán hàng có sử dụng công nghệ, bán hàng doanh nghiệp (B2B), bán hàng cho khách lẻ (B2C) rõ ràng đòi hỏi những kỹ năng hoàn toàn khác nhau.
Xin lấy thêm một ví dụ nữa về một nghề cũng cổ xưa không kém nghề bán hàng, đó là nghề “nhà giáo”. Một người Mỹ gốc Việt rất nổi tiếng mà nêu ra ở đây, chúng ta sẽ thấy quen thuộc ngay, đó là nhà văn Thanh Việt, người đạt giải Pulitzer danh giá năm 2016.
Nhưng không phải ai cũng biết, nghề chính của anh Thanh Việt là nhà giáo. Anh hiện là giáo sư Đại học Nam California, chuyên ngành Anh - Mỹ và dân tộc học.
Một người khác, cũng là nhà giáo, cũng ở Mỹ và là người Việt (chứ không phải là người Mỹ gốc Việt) mà tôi quen là GS. NQH (vì lý do riêng tư, xin giấu tên thật), chuyên ngành khoa học máy tính. Cách đây mấy năm, anh NQH có nói với chúng tôi dự kiến sẽ chuyển về California để làm cho khu vực công nghiệp, tức là làm kỹ sư.
GS. Thanh Việt và GS. NQH đều là nhà giáo nhưng thực tế, mỗi anh lại có những kỹ năng khác nhau hoàn toàn: anh Thanh Việt là giáo sư về khoa học xã hội, kỹ năng giỏi nhất của anh có lẽ là viết. Vì vậy, khi không làm nhà giáo, anh là nhà văn. Anh NQH là giáo sư về khoa học máy tính, kỹ năng giỏi nhất của anh có lẽ là tính toán.
Vì vậy, khi không làm giáo sư, anh là kỹ sư. Trong trường hợp này, cái vỏ là cái mác nhà giáo, là cái dễ biến đổi, còn kỹ năng cốt lõi của 2 anh là cái bất biến và nếu không dùng ở nghề này thì 2 anh Thanh Việt và NQH sẽ dùng ở nghề khác.
Câu chuyện của GS. Thanh Việt và GS. NQH cho ta gợi ý về phương án giải quyết đối với những lời cảnh báo chúng ta thường hay phải nghe trong thời gian gần đây, đó là: “Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, nhiều nghề hiện tại có thể sẽ biến mất trong tương lai vì bị máy móc làm thay hết”.
Kết quả thống kê của Bộ Lao động Mỹ cho biết lắp ráp cơ khí và... |
Ví dụ, một bài báo gần đây trên tạp chí Forbes, dẫn kết quả thống kê của Bộ Lao động Mỹ cho biết nghề lắp ráp cơ khí và cắm hoa nằm trong danh mục các nghề có thể biến mất trong tương lai.
Không biết những người đang làm nghề lắp ráp cơ khí và cắm hoa khi nghe tin này thì có cảm thấy “u ám” hay không, nhưng chúng tôi hoàn toàn tin rằng, những người khéo léo, lại có hiểu biết về kỹ thuật (như lắp ráp cơ khí) hay có trình độ về thẩm mỹ (như cắm hoa) thì sẽ không khó để chuyển nghề khác, bởi những kỹ năng họ có chắc chắn vẫn luôn cần cho xã hội, dù ở bất kỳ thời điểm nào.
Đôi khi, có những kỹ năng mới lại góp phần tạo ra nghề nghiệp mới. Xin lấy ví dụ về một nghề đã có ở phương Tây từ thế kỷ XIV, nhưng dường như vẫn còn khá mới mẻ với Việt Nam hiện nay, đó là nghề thẩm rượu (sommelier).
Trong các gia đình quý tộc tại châu Âu trước kia, việc lo thức ăn, đồ uống cho gia đình hằng ngày là việc của người quản gia. Trong bữa ăn hằng ngày, rượu vang là thức uống không thể thiếu.
Đầu tiên thì người quản gia lo hết việc này nhưng theo thời gian, việc lo chuẩn bị rượu vang trở nên phức tạp hơn khi mà ngày càng có nhiều loại rượu mới ra đời và món nào hợp với loại rượu nào cũng là một vấn đề đau đầu.
Hơn thế nữa, không phải năm nào rượu cũng ngon, lại có những dòng rượu khan hiếm, buộc người ta phải có hiểu biết và quan hệ để tìm nguồn nhập phù hợp.
Dần dà, nghề thẩm rượu ra đời, tách khỏi nghề quản gia, dựa trên các kỹ năng như thử rượu, nếm rượu, kết hợp rượu với đồ ăn và tìm kiếm nguồn cung cấp (rượu).
Ngày nay thì nghề thẩm rượu đã trở thành một nghề phổ biến, nhiều nhà hàng sẽ không được gọi là nhà hàng sang trọng nếu thiếu đi 1-2 biên chế cho vị trí thẩm rượu.
Thống kê công bố trên Businessinsider năm 2015 cho biết, một chuyên gia thẩm rượu cấp cao, ở độ tuổi khoảng 30 có thể kiếm được 150.000 USD/năm, tương đương thu nhập của 1 giáo sư đại học.
Quay trở lại hàm ý từ đầu bài, rằng chúng ta cần phải “định hướng kỹ năng” cho sinh viên chứ không phải nghề nghiệp. Vậy câu hỏi đặt ra là cần định hướng kỹ năng như thế nào? Và cần làm gì để người học thụ đắc được kỹ năng một cách hiệu quả? Đây có lẽ là những câu hỏi quá lớn mà trong khuôn khổ bài viết này, xin chỉ nêu ra một vài ý chính:
- Một là, thông tin phải đầy đủ. Những kênh thông tin tin cậy và cập nhật đầy đủ mô tả kỹ lưỡng các kỹ năng, cũng như nghề nghiệp tương ứng với nó là điều mà chúng ta chưa có ở Việt Nam. Các doanh nghiệp thường xuyên than phiền về việc sinh viên ra trường không đáp ứng được yêu cầu công việc.
Nhưng chưa bao giờ chúng ta thấy được một doanh nghiệp hay các hiệp hội nghề nghiệp nào đưa ra được một báo cáo cụ thể xem thực sự họ có những yêu cầu cụ thể như thế nào về kỹ năng mà người lao động cần có và khoảng cách giữa sinh viên hiện tại so với những yêu cầu đó.
Những kênh thông tin như vậy chắc chắn sẽ cực kỳ hữu ích. Con người ta thường sẽ có quyết định sai (chọn sai trường, sai ngành học, sai kỹ năng cần chuẩn bị) khi không có hoặc bị thiếu thông tin; chứ không hẳn là vì bị định hướng sai.
- Hai là, việc xây dựng các chương trình đào tạo trong nhà trường cần phải gắn liền với các kỹ năng cụ thể mà sinh viên, sau 4 năm học (và chia nhỏ hơn là từng năm học, từng kỳ học, từng môn học và thậm chí là từng buổi học) sẽ được kỳ vọng sẽ được trang bị những kỹ năng cụ thể gì? Và kỹ năng này sẽ làm nền tảng cho các kỹ năng tiếp theo ra sao?
Đây thực tế là nhiệm vụ của bộ phận phát triển chương trình tại các trường đại học, một bộ phận mà phần lớn các đại học tiên tiến trên thế giới đều có; trong khi ở Việt Nam, về cơ bản vẫn khoán gọn cho đội ngũ giảng viên - những người phần đông không được đào tạo về phát triển chương trình và vì vậy, quen dạy những gì mình biết, mình thích thay vì dạy với mục tiêu trang bị kỹ năng cho người học.
- Cuối cùng, chúng ta cần một chính sách linh động hơn nhằm hỗ trợ người học trong việc lựa chọn sai và giúp họ sửa sai. Ở tuổi 17-18 thật khó bắt một học sinh trung học có lựa chọn đúng về ngành học (và kéo theo là kỹ năng sẽ học cũng như nghề nghiệp tương lại).
... cắm hoa nằm trong danh mục các nghề có thể biến mất trong tương lai. Ảnh: L.G. |
Các em chọn nhầm trường, nhầm ngành là chuyện bình thường, nhưng rất nhiều em đã phải cố gắng học nốt tại một trường, ngành học mà em không yêu, không thích (rất tiếc các em chỉ phát hiện ra điều này khi đã nhập học); các em không được phép chuyển ngành học giữa chừng và được công nhận tín chỉ (thực tế là các kỹ năng đã được trang bị) khi chuyển sang ngành khác (ví dụ một em sinh viên ngành hóa không thể chuyển ngang sang ngành môi trường với các môn học được công nhận tương đương).
Thực tế vấn đề này, hoàn toàn nằm trong tay các nhà hoạch định chính sách, việc sửa quy định linh động hơn không phải là việc quá khó.
Phạm Hiệp tốt nghiệp tiến sĩ về quản trị kinh doanh tại Đại học Văn hóa Trung Hoa, Đài Loan, năm 2017. Năm 2013, Phạm Hiệp từng nhận giải khuyến khích Giải thưởng báo chí dành cho các nước đang phát triển tại châu Á (DAJA).
Từ năm 2017, cùng một số đồng nghiệp, Phạm Hiệp khởi xướng dự án Mạng lưới các nhà khoa học xã hội và nhân văn Việt Nam (NVSSH) hướng đến mục tiêu phổ biến các kiến thức cập nhật về khoa học xã hội nhân văn từ các tạp chí khoa học chuyên ngành tới đại chúng. |