Chuyện ít biết về những “công nhân khoa học” lang thang
- Nơi cư trú
- Người Việt ở nước ngoài là bộ phận máu thịt không tách rời của cộng đồng dân tộc
- Cô con gái nuôi người Việt của nhà bác học Stephen Hawking
Tốt nghiệp tiến sĩ về quản trị kinh doanh tại Đại học Văn hóa Trung Hoa, Đài Loan, năm 2017. Hướng nghiên cứu của TS. Hiệp bao gồm: thương mại hóa trong giáo dục, đo lường khoa học...
Bên cạnh kinh nghiệm nghiên cứu, TS. Hiệp còn là một cây viết thường xuyên xuất hiện trong các báo, tạp chí trong và ngoài nước về các vấn đề khoa học và giáo dục. Năm 2013, TS. Hiệp đã từng nhận giải khuyến khích Giải thưởng Báo chí dành cho các nước đang phát triển tại châu Á (DAJA), do Viện Nghiên cứu thuộc Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB).
1. Tôi vừa gặp và ăn tối với K. nhân dịp anh tranh thủ về thăm nhà sau khi kết thúc hợp đồng tại một viện nghiên cứu uy tín ở một nước phát triển và chuẩn bị lên đường sang một nước phát triển khác để đảm nhận công việc mới, cũng trong môi trường học thuật.
K. là một cựu học sinh giỏi quốc gia, một sinh viên xuất sắc ngành kỹ thuật tại một đại học lớn trong nước.
Sau khi tốt nghiệp đại học, K. giành học bổng thạc sĩ, rồi tiến sĩ tại nước ngoài, ở lại làm việc gần 10 năm cho đến tận bây giờ. Hành trang của một nhà khoa học đang ở độ tuổi chín nhất của sự nghiệp (K. gần 40 tuổi) là gần 20 bài nghiên cứu đăng trên các tạp chí khoa học hàng đầu thế giới của ngành mà nếu ở Việt Nam, có lẽ, anh đã trở thành nhân vật của truyền thông.
Nhưng K. nói với tôi, tài sản quý nhất của anh không phải là mấy công trình khoa học kia mà là gia đình với người vợ hiền và 2 đứa con nhỏ.
Tôi vô cùng thán phục vợ K., một cô gái Hà Nội, vốn có công việc rất tốt ở Việt Nam đã chấp nhận bỏ tất cả sự nghiệp, bố mẹ, để theo chồng, một chàng trai tỉnh lẻ, chả có gì đặc biệt ngoài tình yêu khoa học vô bờ bến, lang thang đất khách hơn 10 năm, để chấp nhận làm “bà nội trợ”, làm “hậu phương” cho chồng tập trung nghiên cứu.
2. Trong mắt người Việt nói chung, K. là một hình mẫu thành đạt lý tưởng: là nhà khoa học làm việc cả 10 năm tại viện nghiên cứu ở một nước tiên tiến; có các công trình đăng tại tạp chí hàng đầu, vợ đẹp, con xinh; có thẻ cư trú dài hạn tại nước ngoài...
Nhưng bản thân K. thì không nghĩ thế, suốt bữa ăn, anh thể hiện rõ là mình đang rất băn khoăn: băn khoăn về công việc sắp tới, băn khoăn về sự tiếp tục hy sinh của vợ, băn khoăn về việc 2 đứa con lại phải thích nghi với môi trường mới và nhất là băn khoăn liệu có nên về Việt Nam sinh sống trong tương lai không?
Cánh cửa biên chế đang đóng dần với những tiến sỹ trên toàn thế giới. |
3. Mặc dù là người khác ngành nhưng cũng là người nghiên cứu, đặc biệt lại chuyên nghiên cứu về giáo dục đại học (tức là có thể nói K. là đối tượng nghiên cứu của tôi), tôi hoàn toàn thấu hiểu sự băn khoăn của anh. K. không nói ra nhưng tôi đoán, việc anh bất ngờ gọi tôi ra gặp riêng cũng là để chia sẻ băn khoăn của mình và chờ đợi từ tôi những góp ý.
Trong thâm tâm tôi nhận định, việc chuyển nước làm việc lần này của K. có phần là bước “đi ngang” hoặc “thụt lùi” cho sự nghiệp của anh. Với tiềm lực chuyên môn như vậy (tôi biết K. rất xuất sắc), đáng ra anh đã tìm được một vị trí biên chế chính thức tại viện cũ của anh.
Nhiều người có hồ sơ khoa học không bằng đã làm được điều trên. Còn K., có thể do không may mắn hoặc vì một lý do nào đó, đã không làm được.
4. Có một biên chế chính thức và thường là kèm theo việc bổ nhiệm chức danh phó giáo sư, là ước mong của rất nhiều nhà khoa học trẻ trên thế giới.
Điều này đặc biệt khó khăn trong điều kiện hiện nay tại bối cảnh mà thị trường nhân lực khoa học, cầu (từ phía các trường đại học, viện nghiên cứu) đang ít hơn nhiều so với cung (số lượng tiến sĩ mới tốt nghiệp).
Chính phủ nhiều nước trên thế giới, kể cả các nước phát triển đều đang triệt để áp dụng các kế hoạch thắt chặt chi tiêu, giảm đầu tư cho giáo dục đại học. Biên chế, điều kiện tiên quyết để nhà khoa học có thể yên tâm công tác, trở thành điều vô cùng xa xỉ.
Một bài báo trên Life Science Network cho thấy hiện nay ở Đức, chỉ có khoảng 6% người có bằng tiến sĩ có thể kiếm được việc dài hạn (biên chế); con số tương ứng tại Bỉ còn tệ hơn, chỉ là 3%. Những con số này là quá khiêm tốn so với tỷ lệ tương ứng cách đây 30-40 năm (khoảng 41%).
5. Luật chơi của thế giới khoa học còn khốc liệt ở chỗ, với những người không thể vào được biên chế, nguy cơ cao là họ sẽ phải đổi chỗ làm việc liên tục. Các hợp đồng thường chỉ kéo dài 1-2 năm và khi hết hợp đồng, Khoa/Viện không còn ngân sách thì nhà khoa học buộc phải chuyển chỗ làm.
Tại một số nơi, chính sách còn khắt khe đến mức, các trường yêu cầu một nhà khoa học chỉ được ký tối đa 2 hợp đồng ngắn hạn (thường tương đương khoảng 2-6 năm); sau đó, nếu không vào được biên chế thì sẽ buộc phải chuyển đi chỗ khác ngay cả khi Khoa/Viện có ngân sách.
Nguyên nhân là bởi, trong trường hợp này, người ta muốn tạo cơ hội cho nhiều người khác nhau. Những người như K., giới nghiên cứu về giáo dục chúng tôi gọi là: “những công nhân khoa học lang thang” (contingent academic workers).
Gọi là “lang thang” là bởi họ liên tục phải chuyển công tác giữa trường này đến trường khác, giữa nước này đến nước khác. Gọi họ là “công nhân khoa học” là vì thay vì “nhà khoa học” là bởi chức danh chuyên môn của họ chỉ là hậu tiến sĩ (post-doc) hay nghiên cứu viên (research fellow), tức là những vị trí khiêm tốn, thường là phải làm thuê cho một giáo sư nào đó và hẳn nhiên chưa có dự án nghiên cứu lớn do mình chủ trì.
6. Tôi nói với K. “anh vẫn may mắn chán vì anh còn có vợ con đi theo”. K. đồng ý và kể về một câu chuyện anh mới đọc được trên báo về một cặp mà cả vợ và chồng đều là các “công nhân khoa học lang thang”.
Cặp đôi này lấy nhau 10 năm nhưng hầu như chỉ được ở với nhau những dịp nghỉ lễ bởi mỗi người ở một thành phố khác nhau. Và đến giờ thì họ vẫn chưa có con. Nhưng suy cho cùng thì cặp đôi đó cũng vẫn may mắn hơn nhiều người khác, bởi họ đồng cảnh ngộ và thông cảm cho nhau.
Trường hợp của một “công nhân khoa học lang thang” được giáo sư Jonathan Katz (Đại học Washington, Mỹ), thuật lại cách đây hơn 10 năm cho thấy, anh thậm chí đã bị vợ (một người làm ngành khác và muốn ổn định) bỏ chỉ vì phải lang thang theo anh quá nhiều nơi.
Nhưng xét kỹ hơn, có lẽ anh “công nhân khoa học” bị vợ bỏ này vẫn chưa phải trường hợp bi kịch nhất nếu so với câu chuyện một tiến sĩ người Singapore, tốt nghiệp đại học hàng đầu ở Mỹ, đã đi làm post-doc vài năm, rốt cuộc không kiếm được việc và chấp nhận về quê hành nghề lái taxi.
7. K. và một số “công nhân khoa học lang thang” là những người nhất quyết “bám” vào các trường đại học tên tuổi và các nước phát triển. Một nhóm khác thì lựa chọn các nước mới nổi làm điểm đến.
Ví dụ, đã có rất nhiều nhà khoa học phương Tây chọn các nước Trung Đông (như Qatar hay UAE) là điểm đến khi các nước này đẩy mạnh phát triển giáo dục đại học và đầu tư lớn cho khoa học - công nghệ.
Tại các nước này, ngay cả khi không kiếm được biên chế, các “công nhân khoa học” này ít nhất cũng còn có được một cái lợi là mức lương hậu hĩnh hơn là ở các nước phát triển.
Một nhóm khác thì đành chấp nhận đổi nghề; tất nhiên vẫn là những nghề lao động trí óc như kỹ sư (đối với những người thuộc ngành kỹ thuật) hay quản lý (đối với những người thuộc ngành quản lý, kinh doanh, kinh tế...).
Cũng theo bài báo trên Live Science Network, thống kê tại Vương quốc Anh cho thấy, có đến 95% người có bằng tiến sĩ tại các ngành STEM (Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán) không làm việc tiếp ở các trường/viện nghiên cứu, mà chuyển sang khu vực công nghiệp/tư nhân - nơi thường chỉ yêu cầu trình độ cử nhân hoặc thạc sỹ.
Trong thế giới khoa học, những người không thể vào được biên chế, thường phải đổi chỗ làm việc liên tục. |
8. Quay trở lại với K., tôi thực sự bất ngờ khi anh nói sắp tới, lương đi làm của anh, trừ thuế, trừ thuê nhà, chi tiêu cả gia đình 4 người thì mỗi tháng anh sẽ tiết kiệm được khoảng 300-500 euro. Khoản tiền đó thực sự là không nhiều và sẽ khiến anh không dám về thăm Việt Nam thường xuyên trong giai đoạn sắp tới.
Tôi gợi ý: “Hay là anh tìm cách về Việt Nam. Điều kiện làm việc ở Việt Nam giờ cũng tốt hơn rồi. K. ngập ngừng nói: “Còn vợ, còn bọn nhỏ thì sao?”.
Quả thực, đây là vấn đề khó! Anh có thể về làm việc và hòa nhập với cuộc sống tại Việt Nam nhưng vợ anh, như đã nói ở trên, làm bà nội trợ quá lâu, khó bắt nhịp lại cuộc sống ngay trên quê hương.
Còn con anh - 2 Việt kiều với vốn tiếng Việt lơ lớ - làm sao có thể hòa nhập với nền giáo dục trong nước, hoàn toàn khác với những gì chúng đã được hưởng những năm qua (tôi biết K. sẽ không đủ kinh tế để gửi con học trường quốc tế ở Việt Nam).
Nghĩ đến đây, tôi lại nhớ đến lời giáo sư Teresa Ju, một người Mỹ, gốc Đài (sau gần 30 năm sinh sống ở Mỹ, quyết định về lại Đài Loan từ giữa những năm 2000).
Là người sang Việt Nam làm việc nhiều lần, giáo sư Ju có lần nhận xét làm tôi kinh ngạc “các bạn có quá nhiều chương trình trải thảm đỏ mời nhân tài không để làm gì cả”.
Theo giáo sư Ju, kinh nghiệm của Đài Loan là cứ phát triển kinh tế thật tốt, xã hội thật văn minh thì người tài, bao gồm cả kiều bào lẫn người nước ngoài sẽ tự khắc trở về làm việc. Đối chiếu với trường hợp của K., tôi mới hiểu là giáo sư Ju nói đúng.
Có thể Việt Nam sẽ có một vài chương trình đặc biệt, một dự án đặc biệt mời được K. về nhưng xã hội Việt Nam, lối sống Việt Nam liệu có dang tay đón chào vợ con anh?
9.Năm nay K. đã gần 40 tuổi, hết thúc hợp đồng tại nơi anh sắp sang làm việc, khi đó anh sẽ khoảng ngoài 42 hay 44 tuổi gì đó. Tôi không dám chắc là khi đó anh sẽ kiếm được công việc biên chế để được ổn định ở nước ngoài hay không.
K. là đại diện tiêu biểu của một nhóm người làm việc trong giới hàn lâm, chưa đủ giỏi để trở thành phó giáo sư, giáo sư có biên chế ở nước ngoài nhưng cũng không quá kém để buộc phải về nước luôn sau khi học xong tiến sĩ (như tôi chẳng hạn).
Tôi hỏi “lang thang mãi thế, anh có nản không?”. Anh trả lời “đến đời con tớ sẽ hết cảnh này”.
K. nói đúng, dù sao 2 đứa nhỏ của anh, ít nhất đã có quốc tịch nước ngoài và sẽ không khó để tiếp cận môi trường giáo dục tốt trên thế giới - điều mà con tôi (vả cả gia đình tôi nữa) sẽ phải “chiến đấu” cật lực nếu muốn đạt được điều tương tự.