60 và bao nhiêu nữa?
“Chỉ chưa đầy 5 ngày, ở Kon Tum đã có hơn 60 trận động đất, tần suất ngày càng dày đặc” là một trong những dòng tin được đăng tải trên báo chí hôm 1/8/2024. Và, tính cho tới ngày 5/8, động đất vẫn chưa chấm dứt. Chỉ nội trong buổi sáng ngày 5/8 thôi, đã có 4 trận động đất tại địa phương này. Tuy mức độ đều được đánh giá ở cấp độ rủi ro thiên tai cấp 0 nhưng chúng không khỏi khiến chúng ta phải suy ngẫm rất nhiều.
Khi những vụ động đất diễn ra liên tiếp ở Kon Tum, đặc biệt là ở huyện Kon Plông, vào giai đoạn cuối tháng 7/2024, nhiều người đã cảm thấy điều gì đó thật sự bất thường. Động đất thực ra không phải là chuyện quá hiếm hoi ở Việt Nam xưa nay, nhưng động đất với mật độ dày đặc như thế thì dường như là chưa bao giờ có. Và, lục lại thông tin, cách đây hơn 1 năm, vào khoảng tháng 2/2023, tin tức về động đất ở Kon Tum và Tây Bắc cũng đã được đưa ra. Điều gì khiến động đất bỗng nhiên xảy ra thường xuyên đến vậy?
Trước tiên, chúng ta cần phải tự trấn an nhau trước qua ý kiến chuyên gia cái đã. Tiến sĩ Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu đã thông tin rất kịp thời khi tình trạng động đất xảy ra. Theo ông, động đất kích thích là nguyên nhân gây ra trận động đất mạnh 5 độ ở Kon Plông ngày 28/7 và các trận động đất khác ở Kon Tum. Và, động đất kích thích là do hoạt động của con người như xây dựng các hồ chứa, đập thủy điện, khai thác mỏ, vụ nổ hạt nhân... Ông cũng cho biết, theo các nghiên cứu sơ bộ, dự báo động đất ở Kon Tum vẫn sẽ tiếp diễn trong thời gian tới, nhưng khó có khả năng lớn hơn 5,5 độ. Như vậy, nguyên nhân gần như đã rõ.
Cũng từ những thông tin của Viện Vật lý địa cầu, trong khoảng thời gian từ năm 1903 cho tới năm 2020, ở Kon Tum chỉ xảy ra chừng 30 trận động đất có mức độ tối đa là 3,9 độ richter. Nhưng, từ đầu tháng 4/2024 tới nay thôi, đã có hàng trăm trận động đất ở Kon Tum với mức độ lớn nhất là 5 độ richter xảy ra sáng hôm 29/7. Sự biến động nào dưới thềm lục địa, đứt gãy nào đã tạo ra những thay đổi thế kỷ như thế? Các câu hỏi đó đều mơ hồ với người thường như chúng ta và chỉ có thể được trả lời bởi các chuyên gia, sau những số liệu quan trắc kỹ lưỡng và lâu dài. Nhưng, có một điều chúng ta có thể trả lời được. Khi chúng đã được chính chuyên gia nêu ra lý do là do động đất kích thích, với các nguyên nhân vô cùng nhân tạo, chúng ta mù mờ hiểu ra dường như có mối liên hệ giữa phát triển thủy điện ồ ạt khoảng 20 năm trở lại đây và những biến động địa chất bất thường này.
Theo một nhà đầu tư uy tín chuyên về điện gió, thực tế, việc phát triển thủy điện ở Việt Nam nhiều năm qua, gần như chỉ có những dự án của EVN và PVN là chuẩn chỉ mà thôi. Còn lại, các dự án vừa và nhỏ, có công suất từ 10-50 MW, được tư nhân hoặc địa phương đầu tư, đã và vẫn là nhức nhối của nhiều địa phương suốt bao nhiêu năm qua. Theo ước tính, khu vực Kon Tum hiện có hơn 20 nhà máy thủy điện cỡ vừa và nhỏ mà hơn 3/4 số nhà máy đó được xây dựng trong khoảng chục năm trở lại đây. Đó là một số lượng rất lớn, chiếm gần 1/4 tổng số thủy điện hiện có tại Tây Nguyên (88 nhà máy).
Một địa phương có diện tích 9.677 km2 mà có tới ngần ấy nhà máy thủy điện. Việc xây hồ chứa, đập xả, nắn dòng chảy chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới địa chất rất lớn. Thêm vào đó, hơn một nửa số thủy điện ở Kon Tum mới được xây dựng từ 2015 tới nay. Và, với những rung lắc đang xảy ra trước mắt như thế, liệu thông tin báo chí có đủ đánh thức lương tri của những người có trách nhiệm khi được trình ký vào những tờ giấy cấp phép xây dựng công trình thủy điện trong tương lai không?
Kon Tum, hay Tây Nguyên nói chung, không phải là điểm nóng duy nhất về thủy điện trong cả nước. Với những trận động đất cũng xảy ra thường xuyên hơn ở Tây Bắc thời gian qua, chúng ta hãy thử kiểm kê có bao nhiêu thủy điện lớn và nhỏ ở vùng đất này. 118 nhà máy thủy điện nhỏ và vừa là con số tính đến hôm nay và con số ấy có đủ khiến chúng ta bàng hoàng chưa?
Còn nhớ, để xây dựng những công trình thủy điện tạo nên những thay đổi bước ngoặt cho đời sống như Yaly, Sesan, nhà đầu tư đã dày công nghiên cứu rất kỹ, với nhiều kịch bản được xét đến. Tất cả những hệ quả mang lại, cả tích cực lẫn tiêu cực, đối với dân sinh đều được cân đong đo đếm kỹ lưỡng. Mục tiêu lợi nhuận không phải là mục tiêu chính ở đó mà hai chữ “dân sinh” mới là quan trọng nhất. So sánh lợi ích dân chúng nhận được trước và sau khi hình thành dự án như thế nào? Tác động tích cực từ nền kinh tế đối với dân sinh ra sao? Tất cả đều được mổ xẻ trước khi nhát cuốc đầu tiên xẻ đất làm công trình. Và, đó đều là những công trình của Nhà nước, gánh trên vai mục tiêu quốc gia. Còn những công trình thủy điện vừa và nhỏ hiện nay thì sao? Bao nhiêu phần trăm trong số đó đã bắt đầu từ những tính toán vì xã hội đi kèm với mục tiêu lợi nhuận đơn thuần? Chúng ta không dám võ đoán để trả lời. Nhưng, những vấn đề phát sinh từ điện, từ đất rừng cho điện và cả những thứ để đổi lấy điện được mổ xẻ nhiều năm qua hẳn có liên quan.
Từ câu chuyện ấy, một chuyện cũ cũng nên được khơi gợi lại. Cách đây nhiều năm, khi cơn sốt thủy điện bắt đầu, đã có không ít những “ý kiến chuyên gia mạng xã hội” lên tiếng phản bác các đề xuất về điện hạt nhân, điện gió, điện mặt trời, nhiệt điện... Những chuyên gia ấy là ai? Họ là những người “lĩnh vực nào cũng chém gió nhưng chẳng có chuyên môn cụ thể ở lĩnh vực nào”. Ngay cả việc cho rằng nhiệt điện là lạc hậu cũng đã cho thấy cái thiếu hiểu biết của họ rồi. Họ lên tiếng chống lại những đề xuất kia, nhưng với thủy điện thì lại không (!?). Và, hôm nay, họ đang ở đâu? Phần đông im lặng trước những độ richter được đăng tải. Có một số không phải nhỏ đã hoặc đang vướng vào lao lý. Họ có hay không những liên quan riêng tư với những chủ đầu tư thủy điện nhỏ và vừa, những người sẵn sàng có thể san phẳng một cánh rừng, cho nổ bay một quả đồi chỉ để phục vụ một mục tiêu duy nhất: lợi nhuận.
Mà, nghịch lý thay, lợi nhuận từ điện không phải đã có. Chuyện than lỗ khi đầu tư điện; chuyện yêu sách được hòa mạng lưới của EVN bất chấp thực tiễn dự án thủy điện chưa qua được vòng gửi xe với những tiêu chuẩn được đề ra theo đúng khung pháp lý và chuẩn chất lượng quốc gia... vẫn như cơm bữa. Thấy lỗ mà vẫn làm, ấy là vì lý do gì? Câu trả lời này, chỉ có chính họ, đối diện với mình trong gương, mới có thể trả lời trung thực nhất mà thôi.
60 trận động đất trong 5 ngày và hàng trăm trận động đất kể từ đầu tháng 4/2024 tới nay là con số không nhỏ. Nhưng, sẽ còn bao nhiêu cơn địa chấn xảy ra nữa, nhất là khi kết quả quan trắc của Viện Vật lý địa cầu cho thấy trong tương lai sẽ còn xảy ra động đất nữa. Nhưng, câu hỏi bao nhiêu kể trên không đáng quan tâm bằng câu hỏi bao nhiêu khác. Ấy là sẽ còn bao nhiêu dự án thủy điện nhỏ và vừa như trên còn được phê duyệt mà thiếu đi các đánh giá tác động môi trường với cơ sở khoa học đáng tin cậy?
Để trả lời cho câu hỏi bao nhiêu này, sẽ còn cần một câu trả lời khác, cũng mang hai chữ bao nhiêu. Chỉ cần con số bao nhiêu cá nhân liên quan đến bao nhiêu dự án thủy điện vừa và nhỏ sẽ được đưa ra pháp luật để chịu trách nhiệm, chắc chắn sẽ có một răn đe đủ để tương lai không còn những dự án đầu tư một cách thiếu cẩn trọng, thiếu cân nhắc và thậm chí còn có thể liên quan đến cái gọi là “lợi ích nhóm”.