Mạng người không bằng chiếc xe?

Chủ Nhật, 20/05/2018, 08:36
Tại sao con người ta lại coi thường tính mạng, sức khoẻ không chỉ của chính mình mà còn của những người khác đến như thế?

Bạn Lê Đức Thiết, Cầu Giấy - HN, Bác Trần Lê Thanh (Phú Thọ) và một số độc giả: Thưa nhà báo, cách đây mấy hôm thôi đã xảy ra một vụ va chạm giao thông ở Hải Phòng giữa một phụ nữ đi xe ô tô và một nam sinh viên đi xe máy, sau đó, người phụ nữ này đã xuống xe rồi mắng chàng trai kia là "mạng người không quan trọng bằng chiếc xe". 

Khi nghe được câu nói đó tôi không khỏi sững sờ và bàng hoàng, mà càng đáng sợ hơn nữa là người phụ nữ này theo thông tin được xác nhận là Chánh văn phòng Đảng ủy khối kinh tế của thành phố Cảng. Tôi không hiểu tại sao người ta lại có thể thản nhiên thốt ra câu nói đó giữa chốn công cộng và trước mặt cả công an đang giải quyết sự việc. 

Hãy cho tôi biết nó có phải là một biểu hiện mang tính bản chất của một xã hội hay chỉ là một sự vụ đơn lẻ hy hữu, và nó có nói lên điều gì cho chúng ta về hiện trạng xã hội lúc này hay không? Xin cảm ơn Tòa soạn đã lắng nghe và chia sẻ với tôi về nỗi hoang mang này.

Vụ va chạm giao thông ở Hải Phòng giữa một phụ nữ đi xe ô tô và một nam sinh viên đi xe máy (hình ảnh cắt từ clip).

Nhà báo Tôn Minh: Kính chào độc giả, người đã gửi câu hỏi cùng nỗi trăn trở về trường hợp vừa rồi cũng như bạn đọc khắp cả nước.

Khi tôi biết được thông tin về sự việc và đọc các tường thuật từ cơ quan truyền thông đưa tin, bản thân tôi cũng hết sức phẫn nộ và không giấu nổi sự thất vọng đối với tình trạng về cách hành xử giữa con người với con người trong xã hội hiện nay, nhất là những người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan nhà nước với một thái độ không thể chấp nhận được.

Chúng ta chắc hẳn vẫn còn nhớ một phụ nữ với chức phó chủ tịch một quận ở Hà Nội đã đậu xe trái luật giao thông, khi bị người dân phản ánh đã lập tức có thái độ thách thức và dùng quyền lực để đe ép người dân đó, vụ việc đã khiến cho dư luận lên án mạnh mẽ và vị này đã phải chịu kỷ luật sau đó về hành vi của mình.

Không những thế, báo chí cũng đã đưa tin chủ tịch xã ở một tỉnh nọ và trưởng công an xã ở một tỉnh khác còn dẫn côn đồ đi đánh dân giữa thanh thiên bạch nhật. 

Trong đời thường, có nhiều vụ mà người va chạm giao thông còn nhảy xuống ẩu đả ngay giữa phố còn đang tấp nập người qua lại đến mức đổ máu, có người còn chết ngay tại chỗ.

Thầy cô còn bị phụ huynh bắt quỳ gối, thậm chí bị đấm đạp tại trường học đến mức phải đi cấp cứu. Bác sỹ thì bị người nhà bệnh nhân hành hung ngay tại bệnh viện. Rồi còn đó những vụ vác dao, súng để giải quyết mâu thuẫn giữa đường giữa chợ như chốn không người. Những sự việc này đã xảy ra liên tiếp ở nhiều nơi và khá thường xuyên, khiến tôi không thể thống kê hết được.

Và điều đó cho chúng ta thấy được một tình trạng bạo lực cả trong ngôn từ lẫn trong hành động đã trở nên phổ biến trong cách con người ta đối đãi với nhau trong cuộc sống hàng ngày của xã hội chúng ta hiện thời. 

Khi có quá nhiều sự việc có cùng tính chất, với mức độ ngày càng tăng lên và xảy ra vào cùng một khoảng thời gian thì ắt hẳn sẽ khiến chúng ta nhận ra một điều chắc chắn rằng, đó là bản tính của khá nhiều con người trong xã hội dung chứa nó chứ không còn là các trường hợp cá biệt hay là hiện tượng bề nổi nữa.

Tại sao con người ta lại coi thường tính mạng, sức khoẻ không chỉ của chính mình mà còn của những người khác đến như thế? Và đặc biệt trong đó có nhiều vụ việc lại bao gồm những người là cán bộ công quyền, tức những người đang trong chức phận phục vụ nhân dân mà phải là những người có phẩm cách tốt. 

Vậy phải chăng do luật pháp đã không đủ nghiêm minh để giải quyết và xử lý các sự việc dẫn đến là người ta không còn coi pháp luật là thứ để phân xử giữa người với người? Và còn gì nghiêm trọng hơn đặt ra tiếp theo?

Có cả tình trạng người có chức vụ, quyền hạn thích sử dụng quyền lực để giải quyết vấn đề một khi gặp tình huống hay rắc rối nào đó để đạt mục đích của mình và làm người khác e sợ? Đúng là câu chuyện đã không còn đơn giản nữa khi mà chúng ta thấy những sự việc bất thường đã hiển hiện một cách thường xuyên và ở rất nhiều nơi trong xã hội hiện nay.

Dư luận chưa hết bàng hoàng về sự vụ này đã tới bức xúc về sự việc khác. Chưa hết bất an về tình cảnh khiếp đảm kia lại đến hãi hùng về tình huống nọ.

"Mạng người không quan trọng bằng chiếc xe", câu nói đó cứ văng vẳng lên trong đầu tôi, khiến tôi phải tự đặt ra câu hỏi là: Người ta xem sinh mạng của người khác không bằng chỉ một chiếc xe, phương tiện tầm thường nhất trong cuộc sống tồn sinh, hóa ra tính mạng con người lại có một mức giá rẻ mạt đến vậy?

Người ta không những đã coi khinh cả pháp luật, mà còn rẻ rúng cả tính mạng con người, xem thường cả luân lý đạo nghĩa, vậy người phát ngôn câu nói đó thực sự chỉ còn biết đến những giá trị vật chất đến mức xem thường tất thảy mọi thứ khác?

Thế thì thử hỏi với chức vụ và quyền hạn người này đang có được thì họ sẽ hành xử thế nào trong công việc, với đồng nghiệp, với cấp trên, người dưới và cả với nhân dân? 

Những vụ hành xử côn đồ va chạm giao thông và cả trong bệnh viện cho chúng ta thấy được một tình trạng bạo lực cả trong ngôn từ lẫn trong hành động.

Bà ta đã tuyên ngôn cho xã hội thấy rằng, con người không khác gì cỏ rác, không xứng đáng bằng thứ vật chất có tính phương tiện đang phục vụ cho cuộc sống của bà ta, vậy thì với vị trí cùng quyền lực trong tay, bà ta sẽ sẵn sàng đem người khác ra xử tử nếu quyền lợi của mình bị đụng chạm tới?

Người này chắc hẳn sẽ sẵn sàng hy sinh những thứ thuộc về người khác nếu chẳng may lợi ích của bản thân bà bị xâm hại vào. Từ khi nào mà con người ta lại trở nên tồi tệ và tàn ác đến mức này, do trình độ, nhận thức hay cả nền tảng văn hoá thiếu hụt? 

Do căn bệnh lộng quyền mà bị không ai trừng trị và tâm lý đề cao vật chất lên trên hết mọi thứ khiến cho người ta đã biến thành những con người với tâm tính hung ác nhường ấy?

Thưa bạn đọc và những người quan tâm đến hiện tình đất nước, con người và xã hội, đến thời cuộc đầy nỗi nhức nhối hiện nay. 

Tôi cũng như các bạn, đều chứng kiến những thảm cảnh hết sức bi đát đang chất chồng lên mỗi ngày, khiến tôi chỉ còn biết lo lắng tột độ về ngày mai chúng ta có thể có cơ hội khả dĩ nào để trở nên tốt đẹp hơn không, con người có hài hoà và hiền thiện hơn không, không biết vòng xoáy này sẽ đưa chúng ta tới một chân trời tươi mới hay sẽ dần nhấn chìm chúng ta trong những suy thoái và tha hoá mỗi ngày thêm trầm trọng?

Nhưng dẫu gì, tôi vẫn luôn kỳ vọng vào bản tính tốt thiện của con người, như Tuân Tử đã nói: Nhân chi sơ tính bản thiện, để cùng các bạn chung tay xây dựng và vun đắp một cộng đồng tràn đầy tình người, hoà trong những điều chân mỹ, và Tổ quốc chúng ta sẽ được an yên trong sự thịnh vượng từng ngày, bắt đầu từ hôm nay.

Tôn Minh
.
.