Để không còn "sân sau"

Thứ Ba, 11/12/2018, 18:27
Trước đây chúng ta vẫn loáng thoáng nghe đến tình trạng "ô, dù", ám chỉ những người vốn được che chắn, bảo vệ bởi những nhân vật quyền lực nào đó, thì bây giờ lại là câu chuyện "sân sau" ám chỉ một cú bắt tay ngầm, đôi bên cùng có lợi.

Kính gửi Báo An ninh thế giới Giữa tháng - Cuối tháng!

Suốt những ngày qua, tôi đã nghiền ngẫm và thấy rất tâm đắc với phát biểu thẳng thắn của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, rằng: "Có ông, 14-15 cái sân sau, đừng nói Thủ tướng không biết!".

Với một quan chức, một nhà lãnh đạo, "sân trước" là cái sân chính, là cái sân mà tất cả đều có thể nhìn vào để xem xét, đánh giá và giám sát. Làm tốt nhiệm vụ của mình ở "sân trước" đã là một đòi hỏi rất khó khăn rồi. 

Thế mà còn có tới 14-15 cái "sân sau", cái sân bí mật rút ra không biết bao nhiêu tài nguyên của "sân trước", cái sân giúp cho lợi ích của một nhóm người phồng to lên, còn lợi ích của "sân trước" bị teo tóp lại thì quả là đáng sợ. 

Nghe những phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tôi chợt nhớ lại câu chuyện về một vị lãnh đạo rất to của Bộ Giao thông Vận tải trước đây, người mà chỉ vừa về hưu được vài chục ngày là đã ngồi vào vị trí cố vấn của một doanh nghiệp lúc đó vốn đang thi công một công trình khá lớn.

Nó khiến cho người quan sát không thể không đặt ra những dấu hỏi: vậy thì khi đương chức, vị lãnh đạo này liệu có tạo ra những lợi thế đặc biệt cho doanh nghiệp này hoạt động, trong một lĩnh vực hoàn toàn do mình quản lý hay không? 

Và ngay cả khi về hưu để trở thành một "ông cố vấn" thì doanh nghiệp của "ông cố vấn" vẫn sẽ tiếp tục hưởng lợi như thế nào từ những chính sách, những bản hợp đồng mà trước đó, khi còn làm lãnh đạo của Bộ, "ông cố vấn" từng góp phần tạo ra? 

Và nếu như những nhà quản lý của một Bộ, một tỉnh cứ trở thành những "ông cố vấn" công khai hay bí mật cho những doanh nghiệp bên ngoài thì Bộ ấy, tỉnh ấy có thể tạo ra những sự thất thoát khủng khiếp như thế nào? 

Bây giờ, khi một gói thầu nhà nước nào đó bắt đầu được mở ra, những người hiểu chuyện đều đã xì xào về việc doanh nghiệp này, doanh nghiệp kia chắc chắn sẽ trúng thầu, không hẳn vì đó là những doanh nghiệp hoạt động uy tín và chất lượng, mà đơn giản chỉ vì nó là "sân sau" của ông này, ông kia. Mà nói như Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, có những ông có tới 14 - 15 cái sân sau thì ôi thôi...

Kính thưa quý báo, tôi tin rằng một khi Thủ tướng của chúng ta đã công khai "điểm huyệt" thì vấn nạn "sân sau" rồi sẽ được giải quyết. Nhất định phải giải quyết thì hiệu quả thực sự mới được thiết lập và sự công bằng của cuộc chơi mới được trả lại như nó lẽ ra phải thế. 

Nhưng tôi vẫn phân vân ở chỗ, chúng ta phải sử dụng những công cụ, những phương pháp như thế nào để có thể giải quyết vấn đề một cách tận cùng? 

Và rằng, thời gian giải quyết một vấn đề tồn tại rất lâu và rất phức tạp như vậy là bao lâu? Rất mong nhận được câu trả lời từ quý báo, dù cá nhân tôi hiểu đấy không phải là một câu trả lời dễ dàng.

Nguyễn Tuấn Anh (Ninh Bình)

Với quyết tâm làm trong sạch hóa bộ máy của Đảng và Chính phủ, với phát biểu hết sức mạnh mẽ mới đây của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, chúng ta cùng hy vọng vấn nạn “sân sau” sẽ được giải quyết đến cùng. (Ảnh: Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa IV)

Kính gửi độc giả Nguyễn Tuấn Anh!

Chúng tôi tin rằng, không riêng bạn, mà rất nhiều người cũng có chung sự đồng cảm và trăn trở quanh phát biểu hết sức mạnh mẽ và thẳng thắn của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về vấn nạn "sân sau". 

Nghe phát biểu này, nếu bạn nghĩ ngay đến câu chuyện của một cựu lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải thì chúng tôi cũng nghĩ ngay đến câu chuyện gần đây của bà Phan Thị Mỹ Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai. 

Ai dè, từ năm 2008, khi còn làm Giám đốc Sở Công thương, bà Phan Thị Mỹ Thanh vẫn tham gia điều hành công ty TNHH Cường Hưng. Mà công ty TNHH Cường Hưng lại là công ty do chính chồng bà làm cổ đông sáng lập và Chủ tịch HĐTV. 

Thế nên bà Mỹ Thanh mới lấy tiền ngân sách để hỗ trợ dự án BOT của công ty chồng mình. Trong câu chuyện này, chúng ta thấy "sân trước" - "sân sau" là quá rõ, quá lộ và quá ngang nhiên. 

Nhưng chúng ta lại thấy một điều nhức nhối hơn là toàn bộ câu chuyện "quá rõ - quá lộ - quá ngang nhiên" vẫn có thể diễn ra êm đềm trong suốt một thập kỷ, cho đến trước khi Ủy ban Kiểm tra Trung ương vào cuộc. Tại sao lại có một sự thực như đùa ấy?

Có thể vì tâm lý nể nang, ngại ngần, khiến cho không có nhiều người địa phương dám công khai đứng lên tố cáo. Có thể vì từ lãnh đạo đến các thuộc cấp trong một địa phương, một bộ ban ngành, vì một lý do nào đó tạo nên những vòng tròn thông tin khép kín, người bên ngoài rất khó xâm nhập vào. Và cũng có thể tất cả là do "lợi ích nhóm", mà hiểu nôm na là ở trong nhóm ai cũng được "ăn", thậm chí là "ăn đậm", nên ai cũng im lặng như ai. 

Chúng tôi rất tâm đắc với nhận định của Tiến sĩ, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong về vấn đề này: "Sân sau thể hiện cao nhất lợi ích của một số cán bộ coi việc tham gia hệ thống lãnh đạo như là một cửa kinh doanh, đặc biệt đối với những người bỏ tiền ra để "chi phí đầu vào" thì khi vào cuộc, có vị trí, có quyền thì chắc chắn tìm mọi cách để tham nhũng, hoàn vốn, làm lời rồi sau đó mới thực hiện nghĩa vụ của mình. 

Tình trạng này tạo nguy cơ "ngưu tầm ngưu", và sau vài vòng quay nhiệm kỳ như vậy là một xu hướng rất nguy hiểm, đó là cán bộ đó ngày càng thấp dần về trình độ, vô nguyên tắc, vô trách nhiệm, tạo ra tình trạng tư nhân hóa ngầm, thất thoát tài sản công, biến các doanh nghiệp nhà nước, biến đất công, tài sản công thành đất của tư nhân theo đúng nghĩa; được nhân danh, được bảo vệ bởi hệ thống đáng lẽ cần phải dùng để bảo vệ lợi ích quốc gia. 

Tình trạng này cũng tạo ra sự suy thoái, đổi màu trong hệ thống quản lý, thậm chí tạo ra sự nhân danh rất nguy hiểm, đó là lợi ích của quốc gia, của Đảng, Nhà nước trở thành một bệ đỡ cho lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm dựa vào, thậm chí làm rỗng cũng như gây ra nguy cơ lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân vượt cả lợi ích quốc gia" (Trả lời phỏng vấn báo Điện tử VOV). 

Một lần khác, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng nhận xét rất thẳng thắn về vấn đề này: "Thậm chí nhiều lãnh đạo tỉnh có cả doanh nghiệp sân sau đặt trụ sở ngay tại nhà mình, không nghĩ phát triển cho tỉnh mà chỉ nghĩ đi xin Trung ương, được dự án nào thì nghĩ cách tạo lợi ích cá nhân hoặc lợi ích nhóm, ủng hộ tùy tiện nhà thầu này, nhà thầu kia..." (Trả lời phỏng vấn báo Điện tử Vietnamnet)

Thưa độc giả Nguyễn Tuấn Anh, tới đây thì chúng tôi xin đề cập tới câu hỏi độc giả đặt ra trong bức thư của mình, rằng phải làm gì để tấn công vào "sân sau", triệt tiêu "sân sau", để bảo vệ đến cùng lợi ích quốc gia? 

Theo chúng tôi, điều quan trọng nhất nằm ở chỗ phải tạo ra những cơ chế hoạt động khiến cho lãnh đạo một Bộ, một ngành, một địa phương không thể dễ dàng tự tung tự tác như trước nữa. 

Nhìn nhận như vậy, chúng tôi thấy sự ra đời mới đây của Ủy ban quản lý vốn nhà nước, mà giới quan sát hay gọi nôm na là "siêu ủy ban", là cực kỳ quan trọng. "siêu ủy ban" sẽ bảo toàn, phát triển vốn Nhà nước tại 19 tập đoàn, tổng công ty hoạt động trong các lĩnh vực trọng yếu của nền kinh tế như: điện, xăng, viễn thông... 

"Siêu ủy ban" sẽ giám sát thường trực khối tài sản nhà nước tại các doanh nghiệp, xem nó có hiệu quả không, có nguy cơ thất thoát không, từ đó đề ra những biện pháp can thiệp kịp thời. 

Với sự ra đời của "siêu ủy ban", các Bộ, các tỉnh sẽ không thể vừa ra chính sách cho một lĩnh vực lại vừa quản lý các doanh nghiệp có vốn nhà nước, hoạt động trong những lĩnh vực này. 

Nói cách khác, các bộ chuyên ngành sẽ không thể "vừa đá bóng - vừa thổi còi" như trước nữa. Mà đã không thể "vừa đá bóng - vừa thổi còi" thì cũng không thể dễ dàng tạo ra những sân sau như trước nữa. 

Hẳn nhiên, vẫn phải đợi thêm thời gian để trả lời một cách chính xác về tính hiệu quả của "siêu ủy ban", nhưng ở góc độ nguyên lý việc xóa bỏ tình trạng "vừa đá bóng - vừa thổi còi" ở các Bộ, các tỉnh rõ ràng là một thay đổi bước ngoặt, tấn công trực diện vào vấn nạn "sân sau".

Một công cụ nữa cần nhắc đến đó chính là Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi), trong đó không những quy định "người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, quản lý, điều hành các doanh nghiệp tư nhân", mà còn quy định người có chức vụ, quyền hạn cũng không được để người thân của mình kinh doanh trong những lĩnh vực mà mình trực tiếp thực hiện việc quản lý nhà nước. Đấy rõ ràng là những quy định cần thiết đánh vào vấn nạn "sân sau". 

Thưa độc giả, nếu trước đây chúng ta vẫn loáng thoáng nghe đến tình trạng "ô, dù", ám chỉ những người vốn được che chắn, bảo vệ bởi những nhân vật quyền lực nào đó, thì bây giờ lại là câu chuyện "sân sau" ám chỉ một cú bắt tay ngầm, cả đôi bên cùng có lợi. "Sân sau" vì thế phức tạp hơn "ô dù", tạo ra những quan hệ lợi ích màu mỡ và khăng khít hơn "ô dù". 

Nhưng với quyết tâm làm trong sạch hóa bộ máy của Đảng và Chính phủ, với phát biểu hết sức mạnh mẽ mới đây của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, chúng ta cùng hy vọng vấn nạn nguy hiểm này sẽ được giải quyết đến cùng.

Vương Trọng Tín
.
.