20 tỷ là nhiều hay ít?

Thứ Sáu, 26/04/2024, 08:13

Liên hoan phim Quốc tế TP Hồ Chí Minh 2024 đã khép lại và bên cạnh những khen chê, có những câu hỏi được đặt ra xoay quanh một tuần sự kiện là “Kinh phí tổ chức là bao nhiêu?” và “Có cần dùng đến 20 tỷ ngân sách nhà nước?”.

Liên hoan phim (LHP) Quốc tế TP Hồ Chí Minh 2024 (HIFF) diễn ra trong 8 ngày, từ 6 - 13/4 là một phần của chiến lược phát triển văn hóa TP Hồ Chí Minh nói chung và điện ảnh TP Hồ Chí Minh nói riêng, HIFF được kỳ vọng "sẽ đưa TP Hồ Chí Minh trở thành Thành phố điện ảnh (Film City), gia nhập mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO, và sẽ là một sự kiện có thể quảng bá hình ảnh, văn hóa và du lịch của TP Hồ Chí Minh để trở thành một điểm đến hấp dẫn về văn hóa và đầu tư”. HIFF đã khép lại và bên cạnh những khen chê, có những câu hỏi được đặt ra xoay quanh một tuần sự kiện là “Kinh phí tổ chức là bao nhiêu?” và “Có cần dùng đến 20 tỷ ngân sách nhà nước?”.

1. Trước khi diễn ra lễ bế mạc HIFF 2024, đã có những thắc mắc được đặt ra với ban rổ chức khi có nhiều phóng viên không có điều kiện được tác nghiệp và họ đều cho rằng khâu tổ chức chưa được chu toàn. Tất nhiên, làm sự kiện, mà lại là sự kiện lớn, rất khó có thể tránh được sai sót. Bản thân ban tổ chức (BTC) cũng rất cầu thị khi đăng đàn và thừa nhận những sơ suất của mình trong khâu truyền thông. Và bên cạnh đó, cũng có một thông tin khác được chia sẻ. Đó chính là tổng chi phí cho HIFF 2024. 80 tỷ là con số được công bố mà trong số đó, có 20 tỷ là ngân sách nhà nước còn phần còn lại là nguồn xã hội hóa.

anh 1.jpeg -0
Lễ khai mạc Liên hoan phim HIFF 2024.

80 tỷ đồng, khoảng 3,2 triệu USD, để tổ chức một LHP quốc tế thật ra không phải là một con số lớn, nếu không nói là còn khiêm tốn. Song, quốc tế cũng có nhiều kiểu quốc tế. Nếu mác quốc tế gắn với những ngôi sao Hollywood hàng đầu thì đúng là 80 tỷ chỉ là “muỗi” mà thôi. Còn với mức độ quốc tế của HIFF 2024, 80 tỷ có thể là một con số mà BTC sẽ có lãi (?).

Nếu BTC HIFF 2024 có lãi sau sự kiện, thực sự đó là một điểm tích cực đáng mừng cho họ với kỳ vọng họ có thể đặt ra một tiêu chuẩn cho các liên hoan tương tự trong nước. Nhưng sẽ rất lấn cấn nếu thực sự có lãi mà trong cái lãi ấy lại có 20 tỷ ngân sách nhà nước. Xem ra, cái lãi (nếu có) này quả thật rất khó chấp nhận được. Vậy thì phải đành hi vọng là BTC HIFF 2024 không có lãi, một hi vọng hơi “ác” nhưng suy cho cùng lại đúng với hoàn cảnh của nước nhà. Và một khi BTC còn chưa công khai, minh bạch thu- chi thì mọi ước đoán lãi - lỗ ở đây đều chủ quan hết.

Nhưng, có thể dựa trên các sự kiện, số suất chiếu của HIFF 2024 để khái toán áng chừng chi phí. Với mức áng chừng đó, chúng ta so sánh với tổng đầu tư 80 tỷ và xét xem 20 tỷ ngân sách kia đã được sử dụng như thế nào.

Với tổng cộng hơn 170 suất chiếu trong một tuần (chính xác là 173 suất, bao gồm cả phim ngắn), như vậy, có thể áng chừng được chi phí tiền thuê rạp chiếu. Với mức giá thấp nhất hiện nay cho suất chiếu đầu giờ sáng sớm, phòng chiếu rẻ nhất cũng 4 triệu đồng. Còn nếu tính trên phòng chiếu lớn nhất (200 ghế) và xác định giá thuê ngang giá mua trọn toàn bộ vé (150.000 đồng/vé) thì một phòng chiếu sẽ có giá 30 triệu đồng/suất. Tính ở mức giá cao nhất này, tổng chi cho việc thuê rạp cho 173 suất chiếu của HIFF 2024 sẽ là 5,2 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo tiết lộ của một chủ rạp, ở HIFF 2024, các rạp chiếu không lấy tiền thuê rạp mà ngược lại còn phải… trả tiền thuê phim cho BTC (?).

Ngoài các suất chiếu, HIFF 2024 còn những sự kiện bên lề nữa mà nổi bật là các lễ khai mạc, bế mạc; 2 buổi trình chiếu ánh sáng ở Nhà hát Thành phố (kinh phí được tiết lộ khoảng 1 tỷ đồng/buổi đã bao gồm cả nội dung sáng tạo); sân khấu ca nhạc ở phố đi bộ cho đêm nhạc “Music in Film”; các cuộc thi nhỏ; các tọa đàm nhỏ; hội chợ phim cùng với các hoạt động Công viên phim ở Thủ Đức. Sơ sơ, tính chi phí cho show ca nhạc ngoài trời khoảng 4 tỷ đồng; Lễ khai mạc, bế mạc khoảng 6 tỷ; Công viên phim khoảng 10 tỷ đồng; Hội chợ phim cùng các hạng mục lặt vặt khác khoảng 15 tỷ nữa… thì tổng chi phí áng chừng khoảng 42 tỷ đồng.

Tất cả các khái toán ấy thực chất còn vẫn rất “rộng tay” nếu so sánh với những sự kiện lớn khác. Nếu kể thêm lượng khách mời của 60 phim tham dự, mỗi phim 4 khách mời (đạo diễn, nam chính, nữ chính, quay phim chính hoặc biên kịch) và chi phí cho mỗi khách mời là 100 triệu cho 1 tuần, tổng khái tính cho chi phí HIFF 2024 sẽ vào khoảng gần 60 tỷ đồng (tính luôn cả khoản thuê rạp đắt nhất như ở trên).

Các khái toán kể trên đều được dựa trên cơ sở các sự kiện tương tự, ở giá thị trường. Trong khi đó, HIFF 2024 có lợi thế là sự kiện của nhà nước nên các nhà thầu cũng luôn nới tay với phương châm phục vụ và hỗ trợ là chính. Nếu so sánh, trước HIFF 2024 chừng 1 tháng, cũng có 1 sự kiện nhà nước được tổ chức ở phố đi bộ trung tâm TP Hồ Chí Minh và sân khấu ca nhạc đêm gala của sự kiện ấy cũng chỉ hết có 400 triệu đồng bao gồm cả thù lao nghệ sĩ lẫn thuê thiết bị, kỹ sư âm thanh ánh sáng. Tất nhiên, mỗi sự kiện sẽ có đặc thù riêng nên có mức chi phí khác nhau song không thể khác một cách quá mức được.

Bây giờ, câu hỏi chính mới nên được mở ra. Một khi đã vận động đủ từ nguồn xã hội hóa để thực hiện một sự kiện như HIFF 2024 thì có cần tốn thêm 20 tỷ ngân sách không? Dĩ nhiên, nếu BTC HIFF 2024 minh bạch các khoản chi bằng chứng từ và cho thấy tổng chi phí thực tế là ở mức từ 80 tỷ trở lên thì câu hỏi này sẽ không còn cần thiết nữa. Thay vào đó sẽ là câu hỏi “liệu các khoản chi có thỏa đáng và đúng với tiêu chuẩn thị trường hay chưa?”.

2. Nhiều năm nay, nhiều địa phương trong cả nước đều theo đuổi các lễ hội, liên hoan nhằm thúc đẩy kinh tế, dịch vụ trong vùng. Tuy nhiên, chỉ một số ít địa phương đã thực hiện thực sự hiệu quả với việc kêu gọi xã hội hóa 100%. Xã hội hóa được hay không, tất cả nằm ở trong nội dung, ý nghĩa, mục đích, trường khán giả của sự kiện. Các chi tiết kể trên càng giàu sức hút, tính hấp dẫn đối với nhà tài trợ càng lớn. Ngược lại, tất cả sẽ chỉ trở thành một cuộc “mua pháo đốt cho vui tai” không hơn không kém.

2.jpg -0
Sân khấu diễn ra lễ khai mạc buổi chiếu phim ngoài trời tại công viên bờ sông Sài Gòn.

Tuy nhiên, việc xã hội hóa các sự kiện nhà nước không hẳn là quá khó khăn. Điều kiện thuận lợi nhất chính là nhà nước cho chủ trương, chính sách để các sự kiện kiểu này diễn ra suôn sẻ và nhiều cơ hội thành công hơn hẳn các sự kiện tương tự. Một ví dụ mà chúng ta nên học hỏi chính là vở opera kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt - Nhật. Ngành ngoại giao, văn hóa hai nước chỉ mở hành lang tạo điều kiện và doanh nghiệp được chỉ định thực hiện phải chịu trách nhiệm 100% chi phí đầu tư, đúng theo kiểu lời ăn - lỗ chịu và quan trọng nhất là phải tuân thủ các yêu cầu tối thiểu về nội dung. Nhìn vào sự kiện ấy, đối chiếu với một sự kiện xã hội hóa cực thành công bấy lâu nay là “lễ hội pháo hoa Đà Nẵng”, chúng ta hoàn toàn có thể so sánh với HIFF 2024 vừa diễn ra.

Với một thành phố hàng đầu của cả nước như TP Hồ Chí Minh, việc chi 20 tỷ để quảng bá địa phương không phải là số tiền quá lớn, nếu còn không nói là quá ít. Nhưng chi ngân sách thì phải tính tới hiệu quả thu lại có xứng đáng hay không. TP Hồ Chí Minh rất muốn, và rất cần, phát triển văn hóa, nghệ thuật nên việc mở ra một LHP quốc tế là việc đã được nung nấu từ rất lâu rồi. Song, văn hóa và nghệ thuật TP Hồ Chí Minh không chỉ có điện ảnh. Hãy đơn cử bằng việc các sinh viên khoa Lý luận - sáng tác của Nhạc viện Thành phố hiện nay đang chạy bạc mặt để kiếm đủ ít nhất 100 triệu cho việc đầu tư vào bản giao hưởng tốt nghiệp của mình và nhìn vào khoản ngân sách 20 tỷ mới được đầu tư vào một HIFF 2024 không hề tạo tiếng vang, chúng ta sẽ nhận thấy độ lãng phí đã đạt đến mức nào.

Điều đó càng khiến những người quan tâm tới đời sống văn hóa nghệ thuật của TP Hồ Chí Minh đau đáu hơn khi toàn bộ HIFF 2024 được giao cho 2 đơn vị, một của nhà nước (là Trung tâm Ca nhạc nhẹ thành phố) và một công ty tư nhân (Vietfest) thực hiện. Nói thẳng, tư nhân sẽ không tham gia vào những dự án như thế này nếu như họ không được lợi. Và thêm một câu hỏi nữa cũng nên được trả lời thỏa đáng là “Sự tham gia của Vietfest có qua đấu thầu công khai hay không?”.

Nếu câu hỏi kể trên được trả lời rằng “chính Vietfest là đơn vị đã vận động được 60 tỷ tài trợ nên không cần qua đấu thầu nữa” thì mọi khúc mắc có lẽ cũng sẽ được giải tỏa. Như vậy, chứng tỏ HIFF 2024 đã được xã hội hóa rất tốt. Song, như đã nói ở trên, để giải tỏa đến tận cùng, chúng ta cũng vẫn đành phải mong là họ đã lỗ, hoặc chỉ hòa vốn, ở dự án HIFF 2024 này bởi nếu BTC mà có lãi, và mức lãi lại nằm đúng ở khoảng ngân sách nhà nước chi ra thì quả thật là bất nhẫn quá.

20 tỷ không phải là một con số quá lớn. Nhưng 20 tỷ cũng không nhỏ bởi nó có thể làm được rất nhiều việc nhằm bồi dưỡng và thúc đẩy văn hóa nghệ thuật TP Hồ Chí Minh. Nhưng kể cả 20 tỷ có là một số tiền không lớn đi nữa, tiêu 20 tỷ ngân sách nhà nước như thế nào và vào việc gì lại là một chuyện không nhỏ chút nào.

Tất nhiên, mọi khái toán ở trên đều chỉ là suy luận từ kinh nghiệm riêng mà thôi. Để minh định nó, chỉ có thể là BTC HIFF 2024 cùng các cơ quan hữu trách của TP Hồ Chí Minh mới có thể thực hiện được. 

Hà Quang Minh
.
.