171 tỷ: Minh bạch và thuyết âm mưu

Thứ Năm, 11/04/2024, 13:45

Ngày 1/4, đoàn công tác của Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã làm việc với Tỉnh ủy Đồng Nai về vụ việc bà Nguyễn Thị Giang Hương, Chủ tịch UBND huyện Nhơn Trạch bị lừa đảo lấy đi hơn 171 tỷ đồng trong tài khoản. Con số 171 tỷ đồng này cũng là một con số biết nói, thông qua những hành động kịp thời của Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

1. Phải thừa nhận, khi thông tin về việc một chủ tịch huyện bị lừa hơn 171 tỷ đồng được công bố, đã có rất nhiều bàn luận xã hội xoay quanh con số này. Và, ở giữa thời đại mạng xã hội vốn dĩ mạnh ai nấy nói này, đi kèm với bàn luận luôn là một thứ “đặc sản” khó chịu: thuyết âm mưu. Một khi đã là âm mưu theo giả thuyết đầy tính chủ quan, tác động tiêu cực của nó đối với môi trường thông tin là rất lớn. Đối phó với những thuyết âm mưu, thực tế, chỉ có một cách duy nhất: công khai và minh bạch.

Vì thế, việc Ủy ban Kiểm tra Trung ương lập tức triển khai đoàn công tác về làm việc với Tỉnh ủy Đồng Nai rõ ràng là một động thái kịp thời, có sức thuyết phục để bình ổn dư luận, tránh những bàn tán quá đà, thậm chí là cả những bình luận bôi nhọ gây kích động. Một chủ tịch huyện không chỉ đơn thuần là một quan chức chính quyền mà bên cạnh đó còn là một đảng viên. Và, so với thu nhập của một đảng viên, một chủ tịch huyện, con số 17 tỷ là một gia tài lớn, đủ sức để quần chúng phải đặt dấu hỏi rồi huống hồ là một mức thiệt hại lên tới gấp 10 lần. 171 tỷ sẽ khiến nhiều câu hỏi thắc mắc được đặt ra và chỉ có việc tổ chức kiểm tra kịp thời mới là cách để giải quyết những thắc mắc đó rốt ráo nhất.

171 tỷ: Minh bạch và thuyết âm mưu -0
Hiện các cơ quan chức năng đã vào cuộc để làm rõ vụ việc này.

Nếu đúng là 171 tỷ kia đến từ huy động từ đông đảo người ruột thịt, họ hàng thân thích, bạn bè nhằm mục đích “hỗ trợ” cho chủ thể đã mắc mưu theo đúng kịch bản mà bọn lừa đảo đã vạch ra, một kết luận rõ ràng, công khai của Ủy ban Kiểm tra Trung ương sẽ góp phần trả lại uy tín cho một cán bộ, đảng viên đang nằm trong vòng xoáy nghi ngờ của dư luận cũng như đang là tâm điểm của vô vàn thuyết âm mưu được vẽ ra không chỉ nhắm vào một cá nhân mà còn nhắm vào cả một bộ máy, một hệ thống.

Ngược lại, nếu Ủy ban Kiểm tra Trung ương phát hiện ra sai phạm của một cán bộ, đảng viên trong quá trình người đó tích lũy được 171 tỷ đồng, chắc chắn các sai phạm cũng sẽ được công bố, người mắc sai phạm cũng sẽ bị xử lý không chỉ ở mặt Đảng, chính quyền mà thậm chí có thể bị xử lý hình sự theo đúng tinh thần mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng phát biểu. Việc xử lý vi phạm (nếu có) này cũng sẽ làm an lòng dân, củng cố hơn niềm tin của người dân vào Đảng và chính quyền. Nói chung, kết quả kiểm tra đi theo hướng nào chăng nữa, đó có thể được xem là một biểu hiện của minh bạch, công khai, những yếu tố tiên quyết tạo nên nền tảng một xã hội văn minh.

2. Thật ra, câu chuyện 171 tỷ kể trên chỉ là một ví dụ mà thôi. Những ai quan tâm, theo dõi sát sao tình hình thời sự trong nước nhiều năm qua đều biết hoạt động của Ủy ban Kiểm tra Trung ương bận rộn như thế nào. Có những vụ việc cũng bắt nguồn từ dư luận (dù là rất nhỏ) và để nhằm mục đích xây dựng niềm tin trong quần chúng, Ủy ban Kiểm tra Trung ương nói riêng và các cơ quan chấp pháp nói chung đã nhanh chóng vào cuộc để đi đến tận cùng chân tướng sự việc và công khai trước dư luận. Và, không chỉ có những vụ việc gây xì xào trong quần chúng mới cần tới sự công khai, minh bạch này. Hoạt động kiểm kê tài sản cán bộ đã và đang bắt đầu trở nên thường xuyên hơn, đúng theo tinh thần của Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018.

Nếu vào Cổng thông tin điện tử Chính phủ, ở mục “Xây dựng chính sách, pháp luật”, chúng ta cũng sẽ bắt gặp nhiều hỏi-đáp liên quan đến hoạt động này được đăng tải công khai. Một trong những hỏi-đáp như thế cũng đã nhấn mạnh rằng, theo tinh thần của Điều 35 trong Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018, không chỉ cán bộ, công chức phải kê khai mọi biến động tài sản hằng năm mà ngay cả vợ, chồng hoặc con cái vị thành niên của họ cũng nằm trong diện phải kê khai. Đó chính là một trách nhiệm cần phải được thực thi và trách nhiệm đó cũng là để hướng tới sự công khai, minh bạch nhằm tạo dựng niềm tin trong dân cũng như dẹp tan các thuyết âm mưu chỉ nhằm mục đích làm xáo trộn đời sống xã hội.

Trong năm 2023 vừa rồi, việc tích hợp các thông tin tài khoản ngân hàng, số thẻ bảo hiểm xã hội vào căn cước công dân có gắn chip cũng đã bắt đầu được xúc tiến. Đây là một hành động thiết thực bởi nó chính là công cụ để kiểm tra nhằm đối chiếu với các kê khai tự giác. Tích hợp các dữ kiện kể trên vào căn cước công dân thực ra mới chỉ là lớp áo mà thôi, cốt lõi bên trong chính là thống nhất các dữ liệu của từng công dân để có thể giám sát các nguồn thu nhập chưa rõ nguồn gốc. Những hoạt động này vốn dĩ đã phổ biến ở nhiều nước tiên tiến và do điều kiện kinh tế, khoa học kỹ thuật, Việt Nam mới chỉ cố gắng bắt kịp ở những năm gần đây. Nó sẽ góp phần tạo dựng một xã hội, một nền kinh tế lành mạnh có thể hạn chế được rất nhiều vấn nạn như trốn thuế, rửa tiền v.v... và v.v... Song hành với việc dân cư đã dần quen thuộc với hoạt động thanh toán không cần dùng tiền mặt trong mấy năm qua, chắc chắn, trong một tương lai sớm, các hoạt động thu nhập, thuế... sẽ trở nên minh bạch, rõ ràng.

Nhắc đến căn cước công dân, nhắc đến thuyết âm mưu, không thể không nói đến những bàn luận đầy tính tiêu cực, thậm chí có hàm chứa cả sự ngấm ngầm chống phá xoay quanh dự thảo Luật Căn cước vừa rồi. Ý nghĩa của việc sửa đổi từ “Căn cước công dân” sang “Căn cước” đã bị bóp méo đi và ví von nó giống như là một trò vô bổ, mất thời gian. Những người đưa ra các luận điệu như thế đều không hề quan tâm tới tính nhân văn đằng sau nó. Căn cước công dân vốn dĩ là khái niệm chỉ áp dụng cho những người có quyền công dân Việt Nam mà thôi. Sửa đổi tên gọi Luật Căn cước thể hiện rõ tính khoa học, vừa bao quát phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của luật, vừa phù hợp với xu hướng quản lý xã hội số. Việc đổi tên thẻ căn cước công dân thành thẻ căn cước cũng giúp công tác quản lý nhà nước khoa học hơn, phục vụ công cuộc chuyển đổi số, kinh tế số, xã hội số; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi tham gia các hoạt động xã hội, giao dịch về hành chính, dân sự.

Đặc biệt, điểm mới quan trọng khác của Luật Căn cước so với Luật Căn cước công dân là lần đầu tiên quy định về giấy chứng nhận căn cước. Giấy này cấp cho người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch đang sinh sống liên tục từ 6 tháng trở lên tại đơn vị hành chính cấp xã hoặc đơn vị hành chính cấp huyện nơi không tổ chức đơn vị hành chính cấp xã; có giá trị chứng minh về căn cước để thực hiện các giao dịch trên lãnh thổ Việt Nam.

Đến đây, chúng ta chắc đã nhận thấy những nguy hại của một xã hội đầy rẫy các thuyết âm mưu lớn đến mức nào. Trong bối cảnh như thế, nhu cầu minh bạch, công khai lại càng cấp bách hơn. Thực hiện các hành động mang lại sự minh bạch, tính công khai, các cơ quan Đảng và chính quyền sẽ tạo được điểm tựa thông tin và điểm tựa niềm tin rất lớn. Chắc chắn, những kết luận cuối cùng của cơ quan kiểm tra sẽ luôn là nguồn kiểm chứng đáng tin cậy nhất, có sức thuyết phục mạnh mẽ nhất đủ để mỗi người dân đủ sức chống lại các thuyết âm mưu được đặt ra với mục đích chống phá và gây bất ổn trong cộng đồng.

Sớm thôi, vụ 171 tỷ ở Nhơn Trạch sẽ được minh bạch. Và, đó sẽ là một trường hợp tiêu biểu, như một dạng “án lệ” để sau này, bất kỳ quan chức ở ngành nào, địa phương nào bỗng dưng gắn với một số tiền “khủng” nào đều hiểu rõ ràng chắc chắn các cơ quan chức năng có thẩm quyền sẽ vào cuộc ngay lập tức vì một dư luận, vì một xã hội văn minh thực sự.

Hà Quang Minh
.
.