15.600 tỷ và chính sách với mạng xã hội
15.600 tỷ đồng là khoản thuế mà các sàn thương mại điện tử đã nộp, trong đó có cả khoản thu từ thương mại điện tử trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, TikTok... Con số này vừa được Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc thông báo trên diễn đàn Quốc hội.
Nghe thì có vẻ là một tín hiệu rất đáng mừng nhưng trên thực tế, có thể nói 15.600 tỷ đó vẫn còn nhỏ xíu so với những trách nhiệm thuế mà các nền tảng mạng xã hội cần phải thực hiện khi hoạt động kinh doanh trên môi trường mạng ở Việt Nam.
1. Thật tình cờ, ở đúng thời điểm họp Quốc hội, với phát biểu của Bộ trưởng Thông tin - Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đại ý là "cần dùng công nghệ để quản lý công nghệ", có thông tin được đưa ra là ở Indonesia, chính phủ của họ cảnh báo có thể sẽ chặn mạng xã hội X (Twitter cũ) nếu đăng tải nội dung người lớn. Đây là động thái được đưa ra khi X cho phép người dùng hiển thị nội dung liên quan đến chủ đề tình dục miễn là được gắn nhãn và không hiển thị ở vị trí nổi bật. Cảnh báo trên là một động thái bảo vệ người dùng của một quốc gia có dân số trên 270 triệu, một thị trường tiềm năng lớn, hứa hẹn nhiều doanh thu béo bở đối với các ông lớn công nghệ hiện nay.
Việt Nam cũng là một thị trường tương tự Indonesia, thậm chí còn có nhiều tiềm năng hơn do không phải là một quốc gia bị chi phối bởi một tôn giáo duy nhất với nhiều ràng buộc khắt khe về giới luật. Và, câu chuyện 15.600 tỷ đồng tiền thuế thu được từ hoạt động thương mại điện tử kể trên chưa lột tả được hết phần chìm của tảng "doanh thu" các ông lớn công nghệ đang khai thác ở Việt Nam mà trong đó, nổi bật nhất, cơ bản nhất, cốt lõi nhất chính là hoạt động quảng cáo.
Hãy thử mở một video bất kỳ trên Facebook, YouTube..., chúng ta sẽ nhận thấy chỉ sau một khoảng thời gian ngắn theo dõi, sẽ có quảng cáo được lồng vào, bắt buộc người dùng phải xem quảng cáo đó ít nhất trong vòng chục giây. Còn nếu muốn xem không quảng cáo, mời đăng ký tài khoản YouTube premium với phí thu định kỳ là 259.000 đồng/6 tháng hoặc 479.000 đồng/năm. Khoản doanh thu này đã được khai báo và nộp thuế ở Việt Nam hay chưa thì vẫn còn là một câu hỏi bỏ ngỏ thực sự.
Sự thay đổi của môi trường số đã làm biến đổi công nghiệp quảng cáo trên thế giới rất nhiều. Google và Facebook không chỉ là hai ông lớn công nghệ đơn thuần nữa mà họ là hai đại lý quảng cáo sừng sỏ nhất, hoạt động đúng kiểu một mình một chợ nhờ vào số lượng người dùng phổ cập toàn cầu của mình. Nhưng, tính đến lúc này, các ông lớn kể trên vẫn chưa chịu mở văn phòng đại diện ở rất nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Lý do rất đơn giản: nghĩa vụ thuế và nghĩa vụ quản lý kiểm soát nội dung.
Năm 2016, một loạt quốc gia EU và Anh đã có động thái mạnh đối với Google khi tuyên bố tạm thời cấm một loạt nhãn hàng nội địa được phép quảng cáo trên các nội dung của YouTube. Áp lực mà các chính phủ này đưa ra đối với Google là ông lớn công nghệ này cần phải kiểm soát chặt các nội dung bẩn trên YouTube, nhất là các nội dung mang tính thù địch, kích động, gây chia rẽ, tin giả... Cú cấm tạm thời ấy đã là một đòn nặng nề khi chỉ trong vòng vài tháng, doanh thu của YouTube ở EU và Anh sụt giảm cả chục tỷ bảng Anh. Và, một khi bị đánh vào bầu sữa, Google đã phải thỏa hiệp. Họ đã phải tuân thủ nghiêm ngặt hơn các quy định về kiểm duyệt nội dung ở các quốc gia và vùng lãnh thổ châu Âu này.
Thực tế, các chính phủ hiện nay đều nhìn nhận mạng xã hội ở cả hai phía nguy và cơ. Cơ hội phát triển xúc tiến thương mại, cơ hội quảng bá truyền thông, cơ hội tuyên truyền là rất lớn nhưng mối nguy từ những nội dung bẩn cũng không nhỏ chút nào. Chính vì thế, mỗi chính phủ đều có một đối sách phù hợp với tình hình xã hội riêng của quốc gia mình để đưa ra các đòi hỏi thiết thực đối với Google hay Facebook. Thậm chí, với những quốc gia có tiềm lực công nghệ và có thị trường ở tầm vóc lớn như Trung Quốc, mạng xã hội nước ngoài còn bị ngăn chặn để dễ dàng kiểm soát các nội dung cũng như tránh để thất thoát các khoản thu cơ bản như thuế.
2. Việt Nam là một thị trường đông dân, với lượng người dùng mạng xã hội rất lớn. Một điều khá lạ lẫm là một khi người dùng đưa nội dung nào đó mà bộ lọc đầy máy móc của các trang mạng xã hội này cho rằng "đi ngược lại lợi ích cộng đồng", các nền tảng ấy sẽ tự động xóa nội dung hoặc thậm chí ngăn chặn tài khoản chỉ trong nháy mắt. Đa số, bộ lọc của họ hoạt động rất hữu hiệu và đưa ra phán quyết đúng nhưng cũng không ít trường hợp phán quyết của họ là sai hoàn toàn.
Điển hình như gần đây, một nữ ca sĩ thính phòng ở phía Bắc có đăng đoạn video ghi hình trực tiếp cô hát một bản aria cổ điển cùng dàn nhạc, Facebook đã lầm lẫn, tưởng rằng đó là bản ghi âm của nghệ sĩ nước ngoài và đưa cảnh báo xóa nội dung. Phải mất mấy lần khiếu nại, Facebook mới "trả lại sự trong sạch" cho tài khoản của cô. Hay ở trường hợp khác, YouTube cũng thường xuyên "đánh gậy" sai các sản phẩm được đăng tải, bất chấp việc người đăng tải chính là nhạc sĩ sáng tác ra tác phẩm đó cũng như là người đầu tư cho bản ghi âm đó.
Trong khi đó, có rất nhiều nội dung bẩn, thậm chí có tính chống phá tình hình an ninh, trật tự của Việt Nam lại được các nền tảng kể trên để tồn tại một cách nghiễm nhiên. Đơn cử như trường hợp gần nhất là các video của Angela Phương Trinh chẳng hạn. Rõ ràng, các nội dung của cô này có tính kích động chia rẽ tôn giáo, có tính chất tạo thù địch trong tôn giáo và nó vi phạm nghiêm trọng chính cái gọi là tiêu chuẩn cộng đồng mà Facebook đề ra. Thậm chí, cơ quan chức năng còn thẩm tra và mời Angela Phương Trinh lên làm việc và xử lý. Vậy mà Facebook vẫn coi đó là "nội dung không bẩn" và có thể nói, chính họ đã và đang làm vấy bẩn môi trường mạng xã hội, nơi mà rất nhiều đại biểu Quốc hội đã đưa ra ý kiến về việc người dùng cần phải được bảo vệ trong kỳ họp Quốc hội vừa rồi.
Rõ ràng, Việt Nam rất cần một chính sách cụ thể đối với các nền tảng mạng xã hội, kể cả việc các nền tảng ấy vẫn chưa mở văn phòng đại diện ở nước ta. Họ cần gì ở Việt Nam, chúng ta cần xác định rõ điểm này để đưa ra đối sách cụ thể nhất, hữu dụng nhất. Thực chất, một thị trường 100 triệu dân là miếng bánh béo bở vô cùng. Chỉ cần Việt Nam có chính sách "cấm các nhãn hàng quảng cáo chèn vào các video nội dung bẩn", theo như cách EU và Anh từng làm trước đây, đảm bảo chỉ sau một vài tháng, chính các ông lớn công nghệ sẽ phải đàm phán và đưa ra những đề nghị phù hợp. Thậm chí, kể cả phương án cảnh báo chặn vĩnh viễn, như cách Indonesia đang tạo áp lực với trang X, cũng không nên loại trừ.
Không có Facebook, người dùng Việt Nam có thể sẽ cảm thấy trống vắng thời gian đầu nhưng chắc chắn cái gì lâu dài cũng thành quen. Và, người dùng cũng đâu chỉ có một mình Facebook, X, Instagram... để tham gia mạng xã hội. Chẳng qua, cái gì quen thuộc và phổ cập thì họ sử dụng mà thôi và chính các ông lớn công nghệ đang ỷ trên lợi thế thói quen này để chưa đáp ứng các yêu cầu cần phải thực hiện khi tham gia hoạt động kinh doanh ở Việt Nam mà thôi.
Nếu như chúng ta có một chính sách chặt chẽ, chắc chắn không gian mạng xã hội ở Việt Nam sẽ sạch sẽ hơn rất nhiều và chắc chắn, khoản thuế thu được từ mạng xã hội sẽ không chỉ dừng lại ở con số 15.600 tỷ đồng và chỉ từ hoạt động thương mại điện tử đơn thuần. Cần phải để các ông lớn công nghệ hiểu rằng, nếu họ muốn khai thác thị trường Việt Nam, họ cần phải "chơi theo cách của người Việt" chứ không phải giương cao lá cờ "tự do" đầy lập lờ và trốn tránh những trách nhiệm mà chính họ chứ không phải ai khác, phải là người đảm nhận.