1001 thủ đoạn của tội phạm ma tuý
Bơm tinh dầu ma túy vào thuốc lá, thuốc lá điện tử; pha chế, đóng ma túy trong những gói cà phê, trà thảo mộc, bao bì hấp dẫn hay ngụy trang trong kho xi măng hàng trăm tấn… là những thủ đoạn mới của tội phạm ma túy. Chính những thủ đoạn ngày càng tinh vi này đã khiến công tác phòng chống ma túy ngày càng khó khăn, phức tạp.
Dựng “nhà máy” bơm tinh dầu ma túy vào thuốc lá
Trào lưu sử dụng thuốc lá điện tử nở rộ vài năm gần đây, đặc biệt là trong giới trẻ, như một cách để thể hiện đẳng cấp. Để tăng độ phê, đồng thời tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng, các đối tượng đã pha trộn, tẩm ướp, bơm tinh dầu ma túy vào điếu thuốc. Những loại ma túy này ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thần kinh, gây suy giảm trí nhớ, mất trí, sử dụng lâu gây teo não.
Qua công tác nắm tình hình, Cục Cảnh sát ĐTTP về ma túy phát hiện nhiều bài quảng cáo và rao bán thuốc lá điện tử, thuốc lá điếu có chứa ma túy trên các trang mạng xã hội nên xác lập chuyên án đấu tranh.
Cầm đầu tổ chức tội phạm này là Lê Anh Thơ, 28 tuổi, trú tại Hoàng Mai, Hà Nội. Thơ lên mạng tìm kiếm công thức, sau đó qua mạng xã hội liên hệ với các đối tượng ở nước ngoài đặt mua cần sa tổng hợp, tinh dầu vị, hóa chất, các thiết bị của thuốc lá điện tử, ống thuốc lá sợi chuyển về kho tại Hà Nội thông qua các công ty vận chuyển.
Các đối tượng pha chế, tẩm ướp bằng cách bơm tinh dầu có ma túy vào đầu điếu thuốc lá điện tử, thuốc lá sợi, sau đó lắp ráp, chạy máy để thành thuốc lá điện tử, điếu thuốc lá sợi có chứa chất ma túy. Với mỗi loại, Thơ bào chế ra 3 vị khác nhau. Tẩm ướp ma túy xong, các đối tượng dán nhãn thuốc lá điện tử Ampire chill và thuốc lá điếu Dominix.
Toàn bộ bao bì, nhãn mác thuốc lá điện tử được Thơ đặt làm riêng, độc quyền, có cả chế độ bảo hành, đổi trả đối với các sản phẩm bị lỗi. Để tránh sự phát hiện của lực lượng chức năng, các đối tượng thường xuyên thay đổi kho xưởng.
Sau khi cho ra điếu thuốc thành phẩm, Thơ chỉ đạo đàn em đăng bài quảng cáo, livestream trên mạng xã hội nói là các sản phẩm này chứa chất kích thích nhưng không phải ma túy nhằm đánh lừa người sử dụng. Các đối tượng lập nhóm riêng và thường xuyên lọc người vào nhóm và cảnh giác nếu thấy dấu hiệu bị phát hiện thì xóa nhóm, xóa tài khoản ảo để lập tài khoản, nhóm mới hoạt động.
Nhận định các đối tượng vừa sản xuất xong lô hàng thuốc lá chứa ma túy, ngày 14/9/2023, Cục Cảnh sát ĐTTP về ma túy chủ trì phối hợp cùng các đơn vị bắt quả tang 4 đối tượng Đỗ Duy Lung, Lê Anh Đức, Hoàng Văn Quý, Phùng Quốc Việt đang có hành vi pha trộn, dùng xilanh tiêm tinh dầu chứa ma túy pha trộn vào thuốc lá điện tử “ampire chill” tại kho xưởng tại xã Phương Nhị, Thanh Trì, Hà Nội.
Tại hiện trường, cơ quan Công an thu giữ hơn 3.500 điếu thuốc lá thành phẩm đã được bơm tinh dầu có chứa chất ma túy, 5 can nhựa chứa 84 lít dung dịch ma túy, 1 máy bơm tinh dầu có pha trộn ma túy tổng hợp. Ngoài ra còn có gần 300 thùng carton chứa thiết bị lắp ráp thành hơn 10.000 điếu thuốc lá điện tử, 1 triệu vỏ điếu thuốc lá sợi cùng nhiều dung môi, hóa chất, nguyên vật liệu, linh kiện, phụ kiện, vỏ hộp, nhãn mác dùng vào việc sản xuất, đóng gói thuốc lá điện tử.
Ngoài ra, thu giữ gần 15.000 điếu thuốc lá điện tử chứa tinh dầu được Lê Anh Thơ nhập lậu từ nước ngoài về Việt Nam chờ bán ra thị trường. Cùng thời điểm trên, một tổ công tác bắt giữ và khám xét chỗ ở của Lê Anh Thơ, thu giữ nhiều máy móc, hóa chất, thuốc lá điện tử thành phẩm, vỏ các nhãn hiệu thuốc lá sợi cuốn và thuốc lá điện tử. Đến nay, cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án, khởi tố, tạm giam 6 bị can.
Nguỵ trang ma túy trong kho xi măng 100 tấn
Cuối tháng 11, Cục Cảnh sát ĐTTP về ma túy đã bắt tạm giam Nguyễn Thị Hoài, 31 tuổi, trú tại quận 1, TP Hồ Chí Minh; Thạch Hoàng Minh, 42 tuổi; Võ Thị Quỳnh Trang, 26 tuổi cùng 7 người khác để điều tra về hành vi “Sản xuất, vận chuyển trái phép chất ma túy”.
Từ đầu năm, các trinh sát phát hiện nhóm người này có biểu hiện chế biến, đóng gói ma túy “nước vui” quy mô lớn. Các loại phụ gia sản xuất từ nước ngoài được đưa về pha chế, đóng trong những gói cà phê, trà thảo mộc, bao bì hấp dẫn, bắt mắt... Cầm đầu đường dây này là Nguyễn Thị Hoài. Hoài từng làm DJ ở nước ngoài, chỉnh nhạc trong các bar, vũ trường nên tiếp cận, học được công thức pha chế ma túy “nước vui”. Khi về nước, Hoài tuyển chọn người, nhập các nguyên liệu để bào chế loại này. Thị trường tiêu thụ Hoài nhắm đến là các địa điểm vui chơi của giới trẻ như quán bar, vũ trường - nơi có nhiều người tò mò, thích tìm hiểu cảm giác lạ.
Để tránh bị phát hiện, Hoài chỉ mua bán qua mạng xã hội, giao dịch tiền bạc qua tài khoản ngân hàng, thuê các công ty vận chuyển đưa nguyên liệu, phụ gia, bao bì về đóng gói tại kho ở Sài Gòn. Nhóm này cũng thường xuyên thay đổi vị trí kho và nơi sản xuất. Cơ quan điều tra đã bắt 17 đối tượng, thu 217 kg ma túy tổng hợp các loại, hàng trăm vỏ bao bì, dụng cụ, phương tiện dùng để pha chế, đóng gói... Nếu số hàng hóa này trót lọt, có thể pha chế được khoảng 1 tấn ma túy “nước vui”.
Đầu tháng 8/2023, qua kênh hợp tác quốc tế, Cục Cảnh sát ĐTTP về ma túy nhận được thông tin có hai đối tượng người Đài Loan sang Việt Nam có ý định lợi dụng tàu đánh cá buôn lậu hàng hóa nghi là ma túy vận chuyển từ Việt Nam đi nước ngoài tiêu thụ qua tuyến đường biển. Sau khi xác minh thông tin, Cục Cảnh sát ĐTTP về ma túy đã triển khai lực lượng, làm rõ toàn bộ hành vi của các đối tượng trong đường dây. Đầu tháng 9/2023, 6 đối tượng trong đường dây nhập cảnh vào Việt Nam, đặt khách sạn, thuê xe, phiên dịch, thuê kho và mua 100 tấn xi măng tập kết tại kho hàng ở quận Hồng Bàng, Hải Phòng. Sau khi đảm bảo các điều kiện, các đối tượng xuất cảnh về Trung Quốc.
Thực tế, số xi măng trên chỉ dùng để nguỵ trang cho lô hàng ma túy hàng chục triệu USD, đang làm thủ tục xuất đi nước ngoài tiêu thụ qua đường biển. Ngày 20/9, hai đối tượng chính điều hành đường dây nhập cảnh vào Việt Nam và đi đến kho hàng tại Hải Phòng, chỉ đạo bốc dỡ các bao tải chứa ma túy cất giấu trong kho xi măng.
Sáng 22/9, Cục Cảnh sát ĐTTP về ma túy chủ trì, phối hợp cùng Công an các tỉnh, thành: Hà Nội, Hải Phòng, Thái Bình, Viện Khoa học hình sự Bộ Công an, Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Vụ 4 - Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Cục Điều tra chống buôn lậu - Tổng cục Hải quan, Đoàn Đặc nhiệm phòng, chống tội phạm ma túy số 1 - Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, Cục Hải quan TP Hải Phòng đồng loạt bắt các đối tượng liên quan và khám xét khẩn cấp các kho hàng. Tại kho hàng Công ty TNHH Tường Phát, quận Hồng Bàng, Hải Phòng, cơ quan điều tra thu giữ 30 bao tải không nhãn mác, mỗi bao khối lượng 25 kg, kết quả giám định 30 bao chứa ketamin, tổng khối lượng 750 kg. Ban Chuyên án bắt giữ Liêu Chí Hoài, 43 tuổi, quốc tịch Trung Quốc, đối tượng cầm đầu đường dây.
Từ tài liệu, chứng cứ thu thập được, Cục Cảnh sát ĐTTP về ma túy khám xét kho hàng tại Thái Bình - nơi các đối tượng thuê để cất giấu ma túy; đồng thời mời 5 đối tượng có liên quan về cơ quan điều tra để phối hợp làm rõ. Tiếp tục mở rộng vụ án, ngày 24/9 tại Hà Tĩnh, Cục Cảnh sát ĐTTP về ma túy phối hợp với Công an tỉnh Hà Tĩnh bắt giữ Phạm Duy Khánh, 35 tuổi ở Hà Tĩnh, lái xe khách. Khánh được thuê chở các bao tải chứa ma túy từ nước ngoài về Việt Nam. Khám xét xe, thu giữ 22 bao tải được giấu trong bình xăng giả và giường nằm của khách, cùng chủng loại với 30 bao tải thu giữ tại Hải Phòng. Kết quả giám định 22 bao là ma túy ketamin, khối lượng 550kg. Theo tính toán, sau khi nhận 22 bao ketamin, các đối tượng sẽ cất giấu 52 bao chứa 1,3 tấn ketamin lẫn trong các bao xi măng, vận chuyển bằng đường biển sang nước ngoài tiêu thụ.
Tại Cơ quan điều tra, Liêu Chí Hoài khai nhận cùng một số đối tượng thành lập công ty dược ở nước ngoài, sau đó lợi dụng mua tiền chất, hóa chất để sản xuất ma túy tổng hợp. Ma túy thành phẩm được vận chuyển về Việt Nam qua tuyến đường bộ tập kết ở Thái Bình, sau đó đưa Hải Phòng để xuất đi nước thứ ba. Trong 1 năm qua, công ty của các đối tượng đã được cấp phép nhập khẩu 64 loại tiền chất, hóa chất, dung môi với số lượng gần 9.000 tấn, trị giá hơn 5,7 triệu USD.