1001 lý do khiến bóng đá Olympic không hấp dẫn bằng World Cup và EURO

Thứ Sáu, 16/08/2024, 10:16

Môn bóng đá nam xuất hiện tại Olympic từ rất sớm và được coi là một trong những môn thể thao cơ bản của Thế vận hội mùa hè. Tuy nhiên, chưa bao giờ các trận đấu tại Olympic thu hút sự quan tâm của người hâm mộ như World Cup hay EURO. Có rất nhiều lý do dẫn đến nghịch lý này.

Khi môn thể thao vua bị ghẻ lạnh

Bóng đá được xem là môn thể thao vua ở hầu hết quốc gia trên thế giới. World Cup, EURO là những ngày hội bóng đá quốc tế được hàng tỷ người chờ đợi và theo dõi. Cả hai giải đấu này đều diễn ra theo chu kỳ 4 năm một lần. Olympic cũng vậy, nhưng bóng đá không phải môn thể thao được yêu thích tại đây.

anh 1.jpg -0
Messi tham dự Olympic 2008 khi chưa là ngôi sao lớn ở Barcelona.

Có rất nhiều lý do dẫn đến điều tưởng như là nghịch lý này. Đầu tiên, bạn cần ngược dòng lịch sử để tìm hiểu sự phát triển của môn bóng đá ở Olympic. Bóng đá được đưa vào Thế vận hội mùa hè với tư cách là môn thể thao thi đấu của nam, ngoại trừ năm 1896 (Thế vận hội đầu tiên) và năm 1932.

Thực tế, bóng đá đã xuất hiện ở Olympic 1896 nhưng không được chính thức hóa. Còn tại Olympic 1932, do Liên đoàn Bóng đá thế giới (FIFA) muốn tập trung quảng bá giải đấu mới: World Cup. Sau vòng chung kết đầu tiên diễn ra vào năm 1930, World Cup dần dần trở thành giải đấu quốc tế danh giá nhất, quy tụ các ngôi sao lớn nhất trên toàn thế giới tranh tài.

Không ai khác, chính FIFA nhận ra sự xung đột giữa Olympic và World Cup. Với bất cứ vận động viên nào, giành huy chương tại Olympic luôn là niềm vinh dự, tự hào cực lớn. Nếu FIFA không đưa ra hạn chế, Olympic sẽ trở thành World Cup thu nhỏ nhưng hứa hẹn chất lượng và sự cạnh tranh lớn hơn nhiều lần nếu không bị hạn chế. Lý do vì Olympic luôn có số đội tham dự ít hơn.

Cho đến tận bây giờ, môn bóng đá nam ở Olympic cũng chỉ có tổng cộng 16 đội tuyển thi đấu, bằng 1/2 so với World Cup. Trong khi World Cup ngày càng mở rộng thì Olympic không có dấu hiệu sẽ tăng số đội tham dự trong tương lai. Đây là điều dễ hiểu, bởi lẽ số lượng thành viên của các đội bóng đá rất nhiều. Áp lực cho nước chủ nhà sẽ tăng mạnh nếu Olympic dành cho 32 đội tuyển tranh tài.

Nếu FIFA không kết hợp cùng Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) đưa ra các giới hạn đặc biệt - đáng kể nhất là giới hạn tuổi, các đoàn thể thao rất có thể sẽ mang đội tuyển quốc gia mạnh nhất của họ đến tranh huy chương. Khi đó, môn bóng đá sẽ trở thành Olympic phiên bản khắc nghiệt gấp nhiều lần hơn, và rất có thể sẽ thu hút toàn bộ sự chú ý của người hâm mộ. World Cup không còn là ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh. Đó là điều mà IOC cũng không hề mong muốn.

Đừng quên, khẩu hiệu của Olympic là "Nhanh hơn, cao hơn, mạnh hơn". So với các môn thể thao chính khác như điền kinh, bơi lội, boxing, cử tạ, đua thuyền… bóng đá không tạo ra cảm giác rõ nét về những yếu tố này. Chưa kể, môn bóng đá chỉ có 1 bộ huy chương cho nam, 1 bộ huy chương cho nữ. IOC vì thế không muốn môn thể thao vua "chiếm sóng" trong khi các cuộc đấu khác đều khắc nghiệt, mức độ cạnh tranh rộng hơn và xứng đáng được quan tâm nhiều hơn.

"Vòng kim cô" của FIFA

Ít ai biết rằng các cầu thủ chuyên nghiệp không được tham gia Olympic cho đến Los Angeles 1984. Ở giai đoạn này, FIFA đã định hình thành công World Cup là giải đấu lớn nhất hành tinh và nới rộng dần các giới hạn, nhưng họ vẫn có cách để Olympic không thể vượt mặt World Cup. Cụ thể, các quốc gia từ châu Âu và Nam Mỹ chỉ được phép lựa chọn những cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp chưa từng chơi ở World Cup.

Vào những năm 1990, đã có sự thay đổi theo hướng các quy tắc tuyển chọn vẫn tồn tại cho đến ngày nay: đội hình tham gia giải đấu nam phải bao gồm các cầu thủ dưới 23 tuổi, với tối đa 3 cầu thủ quá tuổi. Do đó, giải đấu nam tiếp tục chiếm không gian kỳ lạ trong thế giới bóng đá, không hoàn toàn không có uy tín hay sức mạnh ngôi sao cá nhân, nhưng về cơ bản là một cuộc thi dành cho thanh thiếu niên được tôn vinh.

Dần dần, người hâm mộ cũng quen với việc bóng đá nam chỉ là môn thể thao phụ ở Olympic. Vì các quy định của FIFA, các đội tuyển gần như không thể mang đến giải đấu đội hình mạnh nhất. Ngoài giới hạn tuổi (thông thường từ 23 tuổi trở xuống), các đội tuyển còn gặp vấn đề lớn khi Olympic không được công nhận là giải đấu chính thức thuộc hệ thống của FIFA, đồng nghĩa với việc họ không có quyền triệu tập bất cứ cầu thủ nào như khi tham dự World Cup, EURO hay Copa America.

Chủ nhà Pháp từng hy vọng gọi Kylian Mbappe cho Olympic Paris 2024. Argentina từng được đồn đoán sẽ triệu tập Lionel Messi. Nhưng cả hai đều vắng mặt sau EURO 2024 và Copa America 2024.

"Lần cuối cùng tôi phải nhận nhiều lời từ chối như vậy là ở trường đại học", HLV đội tuyển U23 Pháp Thierry Henry chua chát thừa nhận khi được hỏi về quá trình tuyển chọn đội hình sơ bộ.

Không chỉ Thierry Henry, hầu hết các HLV khác đều rơi vào tình cảnh tương tự. Chelsea đã thẳng thừng ngăn chặn Enzo Fernandez và Mykhailo Mudryk đại diện cho Argentina và Ukraine ở Olympic Paris 2024.

Theo lịch trình, Olympic luôn diễn ra vào mùa hè trùng với EURO, và đôi khi bao gồm cả Copa America. Để tránh xung đột, Thế vận hội thường diễn ra muộn hơn - và gần sát với ngày khai mạc mùa giải mới ở các quốc gia châu Âu. Việc tham dự Olympic có thể khiến các ngôi sao phải thi đấu suốt 1 năm mà không được nghỉ ngơi và dẫn đến những hậu quả khó lường.

Trường hợp mới nhất và chắc chắn sẽ được nhắc mãi về sau là Pedri của Barcelona. Sau mùa giải ra mắt Barcelona đẹp như mơ, Pedri đã thi đấu cho cả Tây Ban Nha ở EURO 2021 và U23 Tây Ban Nha ở Tokyo. Tính tổng cộng, anh ra sân 68 trận đấu trong vòng 1 năm, trung bình cứ hơn 5 ngày đá 1 trận. Với mật độ "kinh hoàng" đó, Pedri nhanh chóng dính chấn thương gân kheo khi trở lại Barcelona và bỏ lỡ gần như toàn bộ mùa giải 2021-2022. Tiền vệ này vật lộn trong thời gian dài để tìm lại phong độ.

Không CLB nào muốn cầu thủ của họ rơi vào tình cảnh tương tự như Pedri. Do đó, các cầu thủ trẻ tham dự Olympic hầu hết cũng không phải ngôi sao tiềm năng sáng giá ở CLB, và đương nhiên không nhiều danh tiếng. Đơn cử như U23 Pháp. Không chỉ bỏ lỡ Mbappe, U23 Pháp còn không thể gọi các tài năng trẻ như Warren Zaire-Emery và Bradley Barcola vì PSG từ chối nhả người.

Đó là lý do tại sao môn bóng đá nam ở Olympic Paris 2024 đang đi đến hồi kết nhưng không có tên tuổi nào trở thành hiện tượng và tăng vọt giá trị chuyển nhượng như ở World Cup, EURO.

Ngôi sao lớn cũng không thể tạo hiệu ứng lớn

Thực tế, không thiếu những cái tên ngôi sao xuất hiện ở Olympic kể từ khi giới hạn độ tuổi được đưa ra vào năm 1992. Messi và Neymar đứng đầu danh sách những cầu thủ được công nhận trên toàn cầu đã giành được Huy chương vàng Olympic, trong đó có Angel Di Maria, Carlos Tevez, Dani Alves, Samuel Eto'o, Jay-Jay Okocha và Guardiola.

anh 3.jpg -0
Các HLV phải quen với việc không thể gọi cầu thủ ưng ý dự Olympic.

Nhiều ngôi sao lớn khác từng giành huy chương bạc như Thiago Silva , Ronaldinho, Andrea Pirlo, Xavi, Carles Puyol, Ivan Zamorano, Javier Zanetti, Ronaldo Nazario, Rivaldo và Roberto Carlos.

Nhưng, điểm mấu chốt nằm ở chỗ các ngôi sao này không thường xuất hiện cùng nhau. Nếu không ở cùng đội tuyển, họ nhiều khả năng sẽ tham dự các kỳ Olympic khác nhau với tư cách cầu thủ quá tuổi. Vì thế, hiệu ứng họ tạo ra khá mờ nhạt. Chưa kể, những cái tên như Messi đến Olympic ở giai đoạn đầu sự nghiệp, khi họ chưa trở thành siêu sao có lượng người hâm mộ khổng lồ trên toàn cầu.

Bóng đá nam là "ngoại lệ" duy nhất

Bóng đá nam là môn thể thao tập thể duy nhất phải chịu hạn chế tại Olympic. Các môn thể thao khác như bóng rổ, bóng chuyền đều có thể quy tụ các vận động viên giỏi nhất tranh tài. Ngay nội dung dành cho nữ của bóng đá cũng vậy.

Sự so sánh gần nhất về mặt Olympic với bóng đá là bóng rổ, nơi không có chính sách tham gia tương tự và không có giới hạn độ tuổi khi tuyển chọn. Kể từ khi “Dream Team” của Mỹ đánh dấu sự ra mắt của các cầu thủ NBA tại Thế vận hội năm 1992, nội dung bóng rổ nam đã có sự góp mặt của tỷ lệ lớn các cầu thủ từ giải đấu mạnh nhất thế giới. Bóng rổ Olympic giờ đây thường được đánh giá cao hơn FIBA World Cup.

Đội hình 12 cầu thủ của đội tuyển bóng rổ nam Mỹ tham dự Olympic Paris 2024 được cho là đội hình mạnh nhất kể từ Dream Team 1992, với sự góp mặt của các siêu sao kỳ cựu LeBron James, Stephen Curry, Kevin Durant, cựu cầu thủ xuất sắc nhất (MVP) NBA Joel Embiid và Jayson Tatum, người vào chung kết NBA.

Đối thủ cạnh tranh Huy chương vàng lớn nhất của Mỹ sẽ là đội Serbia do cầu thủ ba lần đạt danh hiệu MVP NBA Nikola Jokic dẫn đầu, đội Canada do hậu vệ Shai Gilgeous-Alexander, cầu thủ được bầu chọn là All-NBA First Team, và đội Pháp có cầu thủ phòng ngự xuất sắc nhất năm của NBA Rudy Gobert và tân binh xuất sắc nhất năm của NBA Victor Wembanyama.

Tóm lại, những cầu thủ bóng rổ xuất sắc nhất đã có mặt tại Paris mà không lo ngại nhiều về việc sự tham gia của họ sẽ ảnh hưởng thế nào đến mùa giải NBA 2024-2025, bắt đầu vào tháng 10.

Trần Thành
.
.