Sân khấu truyền thống với bài toán ứng dụng công nghệ 4.0
Cách mạng công nghệ 4.0 với sự bùng nổ của hàng loạt công nghệ ứng dụng mới tác động tới mọi mặt của đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội. Đứng trước thách thức cạnh tranh ngày càng lớn, những người làm sân khấu truyền thống đã tích cực ứng dụng công nghệ để tạo nên sự đổi mới, đột phá về mọi mặt. Những để sân khấu thực sự phát huy được tiềm năng trong công nghiệp văn hóa còn nhiều điều phải làm...
Sân khấu chuyển mình nhờ công nghệ
Đó là điều mà nhiều nhà nghiên cứu, chuyên gia có mặt tại Hội thảo khoa học “Ứng dụng công nghệ 4.0 vào lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn – thực trạng và giải pháp” vừa được Viện Văn hóa, Nghệ thuật, Thể thao và Du lịch Việt Nam tổ chức. Sự chủ động trong ứng dụng công nghệ, từ việc bán vé online, livestream, sử dụng công nghệ từ ánh sáng, âm thanh, màn hình Led và màn hình Gauze, video mapping và thực tế ảo (VR), thực tế tăng cường (AR), trình chiếu đa phương tiện… mở ra không gian sáng tạo vô hạn cho các nghệ sĩ, giúp họ thể hiện các ý tưởng sáng tạo một cách độc đáo và khác biệt. Đồng thời mở rộng không gian tiếp cận khán giả, đặc biệt là người trẻ.

Theo NSND Triệu Trung Kiên, Giám đốc Nhà hát cải lương Việt Nam, nếu như trước đây, không gian, thời gian sân khấu được diễn tả thông qua tấm phông hậu được họa sỹ thiết kế mỹ thuật vẽ trên chất liệu vải và hoàn toàn là hình ảnh tĩnh. Giờ đây, với việc sử dụng màn hình Led, Projector, họa sĩ sẽ thiết kế các hình ảnh chân thực hơn, hình thức đa dạng phong phú hơn và là hình ảnh động. Một số vở diễn của Nhà hát từ năm 2013 sử dụng khói lạnh và màn hình led như “Chuyện tình Khau Vai”, “Mai Hắc Đế” đến những vở diễn gần đây như “Nợ nước non”, “Cánh cửa khép hờ” tiếp tục đều sử dụng công nghệ này.
Các công nghệ màn hình Led, màn chiếu Projector, khói lạnh góp phần khiến cho tác phẩm đẹp hơn, kỳ thú hơn, tạo nhiều cảm quan mới mẻ cũng như sức hấp dẫn cho khán giả. Nhà hát cải lương Hà Nội thực hiện dự án không làm ngắt quãng thời gian cảm thụ của khán giả trong khi thay cảnh bằng cách để diễn viên diễn tiếp trên màn hình. Việc diễn xuất của diễn viên kết hợp chặt chẽ với màn hình, đôi khi tương tác với những tình huống được chiếu trên màn hình đã thực sự tạo ra được hiệu quả thẩm mỹ cao như các vở kịch múa, nhạc kịch gần đây.
Ở sân khấu TP Hồ Chí Minh, theo nghiên cứu của nghệ sĩ Trịnh Kim Chi và đồng nghiệp thì một số đơn vị có bước tiến đáng kể trong việc ứng dụng công nghệ hiện đại nhằm tạo hiệu ứng thị giác mạnh mẽ và đổi mới trải nghiệm khán giả. Ví dụ như trong vở diễn “Âm binh” (NSƯT Cao Đức Xuân Hồng đạo diễn) của Nhà hát sân khấu Thế giới trẻ sử dụng chuyển cảnh bằng màn chiếu tranh cát. Hay, Nhà hát kịch TP Hồ Chí Minh với vở “Cuộc hành trình tìm bức chân dung” (đạo diễn Hoàng Tân) đã sử dụng màn hình Led và màn hình Gauze và hiệu ứng 4D để tái hiện không gian chiến tranh và tự nhiên sinh động.
Vở kịch hợp tác Việt – Hàn “Ông già và biển cả” (NSƯT Công Ninh đạo diễn) áp dụng công nghệ XR (thực tế mở rộng), màn hình Led đa phương tiện và cảm biến tương tác, tạo nên một sân khấu thực tế ảo sống động. Vở “San hô đỏ” (đạo diễn: NSND Trần Ngọc Giàu) của Nhà hát Trần Hữu Trang đã ứng dụng trình chiếu màn hình Led và màn hình Gauze để tái hiện không gian, bối cảnh biển và hình ảnh chiến sĩ hải quân, tăng cường hiệu quả truyền cảm. Nhiều vở diễn của sân khấu kịch và cải lương của sân khấu Sen Việt đã đạt nhiều huy chương Vàng, Bạc tại các kỳ Liên hoan sân khấu như “Tổ quốc nơi cuối con đường”, “Vương quyền”, “Tây Sơn nữ tướng”, “Truyền tích Cổ Loa xưa”…
Sự chuyển dịch của các loại hình nghệ thuật biểu diễn – từ sân khấu truyền thống đến nền tảng kỹ thuật số. Nhiều vở diễn như “Lôi Vũ”, “Lão hà tiện” và “Hamlet” của Nhà hát Kịch Việt Nam đã được phát hành tên Youtube, Facebook, giúp khán giả tiếp tục thưởng thức nghệ thuật sân khấu dù ở nơi đâu. Sự thay đổi này mở ra những cơ hội mới trong cận khán giả, đa dạng hóa hình thức biểu đạt. Sân khấu trực tuyến với các buổi livetreams vở cải lương, kịch nói của Nhà hát Trần Hữu Trang, Nhà hát kịch Việt Nam hay của một số nhóm nghệ sĩ độc lập thường thu hút từ vài nghìn đến hàng trăm nghìn lượt xem.
Ngoài ra, việc số hóa nghệ thuật sân khấu giúp bảo tồn nghệ thuật truyền thống. Sự phát triển của công nghệ ghi hình, lưu trữ video chất lượng cao, cùng với các nền tảng trực tuyến cho phép các vở kịch, cải lương, tuồng chèo được số hóa, lưu trữ và phát lại một cách dễ dàng.
Khó khăn muôn nẻo…
Theo Thạc sĩ Lương Thanh Thủy (Viện Văn hóa, Nghệ thuật, Thể thao và Du lịch Việt Nam) trong kỷ nguyên số, công nghệ đang trở thành một yếu tố quan trọng trong việc đổi mới và phát triển nghệ thuật biểu diễn. Trên thế giới, Nhật Bản là một trong những đất nước tiên phong trong việc đưa công nghệ vào các lĩnh vực nghệ thuật truyền thống. Tại đây, AI được sử dụng để phân tích thị hiếu công chúng, gợi ý chủ đề hoặc trực tiếp sáng tác âm nhạc, biên đạo múa và xây dựng kịch bản. Vở kịch không lời “GEAR” ở Kyoto dùng chiếu hình, laser và đèn led để tái hiện khung cảnh tương lai, đồng thời biến khán giả thành một phần của sân khấu...

Ở Việt Nam, các nghệ sĩ sân khấu đã tích cực, chủ động trong việc ứng dụng công nghệ 4.0 trong làm nghề. Tuy nhiên, còn vướng nhiều khó khăn cần giải quyết. NSND Lê Tuấn Cường, Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam cho biết thiết bị âm thanh, ánh sáng của Nhà hát tại rạp Kim Mã đều đã quá cũ trên 10 năm chưa được bổ sung, không tiếp cận được với công nghệ ứng dụng mới… Số lượng đèn kỹ thuật hiện đại không có; chất lượng âm thanh do thời gian sử dụng quá lâu đã cháy hỏng rất nhiều và thiếu tính đồng bộ nên hiệu quả trong các chương trình biểu diễn của nhà hát hiện nay còn nhiều hạn chế.
Không chỉ ở Nhà hát chèo Việt Nam, đây cũng là tình trạng chung nhiều nhà hát truyền thống ở các địa phương như Nhà hát chèo Hải Dương, Hưng Yên, Thái Nguyên…Trang thiết bị không được bổ sung kịp thời, phải chờ có đợt theo gói được phê duyệt nên nhiều lúc Nhà hát phải mua sắm nhỏ lẻ như loa công suất, đèn, trang trí để phục vụ biểu diễn tức thời, nên thiếu tính đồng bộ, hiệu quả chưa cao.
Thực trạng cũng tương tự ở Nhà hát Cải lương Việt Nam: sân khấu nhỏ, lượng ghế ít, trang thiết bị âm thanh chỉ đáp ứng được cho công tác luyện tập, không đủ điều kiện tổ chức biểu diễn, bán vé đón khán giả vào xem. Toàn bộ cơ sở vật chất cũ kỹ, lạc hậu được xây dựng từ nhiều chục năm trước đây. Hệ thống âm thanh hiện tại của Nhà hát Tuổi trẻ chủ yếu vẫn là thiết bị từ những năm 2000 đến 2010, nhiều thiết bị đã xuống cấp, công suất và chất lượng không còn đáp ứng yêu cầu của các chương trình lớn. Nhà hát không có máy chiếu công suất cao hoặc công nghệ mapping 3D – những công cụ đang ngày càng phổ biến trong sân khấu hiện đại do chi phí trang bị vượt quá khả năng đáp ứng. Việc sử dụng công nghệ tương tác như AR/VR, sân khấu ảo (virtual stage) hay phát trực tuyến cũng chưa thể triển khai do thiếu hạ tầng kỹ thuật phù hợp…
Một điểm chung ở sân khấu truyền thống hiện nay là các chuyên gia âm thanh, ánh sáng hầu như được đào tạo cách đây trên dưới 20 năm nên việc tiếp cận với những công nghệ mới còn bỡ ngỡ, dẫn đến vận hành trang thiết bị âm thanh, ánh sáng không đạt được hiệu quả mong muốn. Đơn cử như 10 năm trước, Nhà hát chèo Việt Nam nhận được hệ thống trang thiết bị và âm thanh do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp nhưng khi vận hành thì hoàn toàn bất cập. Nhà hát đã phải mời kỹ sư âm thanh ở bên ngoài vào hướng dẫn cho kỹ thuật viên vận hành trang thiết bị mới của Nhà hát.
Trong khi, chi phí mua sắm thiết bị quá cao, nhiều thủ tục tạo ra khó khăn, trong việc đầu tư trang thiết bị. Một số vở diễn đòi hỏi hiệu ứng âm thanh đa chiều, âm nhạc điện tử, hoặc hòa âm phức tạp thường phải thuê thiết bị bên ngoài, gây tốn kém chi phí và thiếu chủ động trong dàn dựng. Sự thiếu đồng bộ trong các thiết bị không khai thác được tối đa công năng thiết bị, hoặc cháy hỏng. NSND Lê Tuấn Cường ví von: “Sự thiếu đồng bộ của trang thiết bị giống như có đầu bếp giỏi nhưng nguyên liệu thực phẩm cũ hỏng nên món ăn dở”. Sự thiếu kết hợp giữa đơn vị biểu diễn, trường đào tạo và cơ quan quản lý cũng tạo ra những khó khăn về nhân lực đáp ứng công nghệ cao.
Như vậy, với các loại hình nghệ thuật truyền thống, việc áp dụng các công nghệ hiện đại là việc cần làm nhưng để hiệu quả cần phải giải quyết dứt điểm những khó khăn trên. Sự kết hợp hài hòa giữa công nghệ hiện đại và bản sắc truyền thống là hướng đi bền vững cho nghệ thuật biểu diễn trong thời đại số.