"Cơn khát" công viên và khóa tu mùa hè

Thứ Ba, 11/07/2023, 10:55

Khi kỳ nghỉ dài nhất trong năm - nghỉ hè - là niềm hân hoan tột đỉnh của đám trẻ quanh năm vùi đầu vào sách vở bắt đầu cũng là lúc các phụ huynh phải đối mặt với nhiều nỗi lo mới. Ở thành phố chật chội như Hà Nội, không gian xanh bấy lâu nay vẫn luôn là "cơn khát" và đến chính chính quyền thành phố còn đang phải đau đầu để giải bài toán thiếu vườn hoa, công viên thì các phụ huynh sẽ vẫn phải vật vã tìm chỗ chơi cho con. Vì thế, mối lo của mùa hè này sẽ chẳng khác gì mùa hè trước...

1. Thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội hồi đầu năm nay cho biết, Hà Nội hiện có 63 công viên, vườn hoa phục vụ công ích do thành phố và UBND cấp huyện quản lý theo phân cấp. Ngoài ra, còn có các công viên, vườn hoa do các chủ đầu tư dự án các khu đô thị quản lý. Số lượng quá ít các không gian vui chơi công cộng cũng đã là điều đáng trăn trở, nhưng lo ngại hơn là trong số đó, không ít điểm đã bị "xẻ thịt" để kinh doanh. Có những công viên giữa lòng thành phố đã bị biến dạng thành những cái chợ với hổ lốn các loại dịch vụ.

dji0286_1679452280754326625805-1688964973381.jpg
Một nhà hàng tiệc cưới từng chình ình tồn tại ở Công viên Tuổi Trẻ.

Công viên Tuổi Trẻ, một không gian vui chơi rộng lớn được quy hoạch tới 26,4 ha, ban đầu có cả hồ nước lẫn cây xanh nhưng rồi đã bị "băm nát" bấy nhiêu năm qua chỉ là một ví dụ. Nhà hàng tiệc cưới, tiệm karaoke xập xình, quán trà đá nhếch nhác, bãi gửi xe nhốn nháo... cứ thế mọc lên, ngự trị trong công viên và chiếm giữ hầu như toàn bộ không gian lẽ ra dành cho vui chơi công cộng khiến cho dự án công viên bị biến dạng hoàn toàn. Đầu năm 2023, chính quyền thành phố Hà Nội đặt quyết tâm đến tháng 9 năm nay sẽ xử lý dứt điểm các tồn tại tại công viên Tuổi Trẻ.

Tại công viên Thống Nhất, bao nhiêu năm qua tồn tại tình trạng "bán vé quần dài, miễn vé quần đùi". Tức là người đi tập thể dục thì được vào cửa tự do còn khách tham quan thì phải mua vé. Trong khi đó, theo Sở Xây dựng Hà Nội, số tiền trả lương cho 22 nhân viên bán vé lớn gấp đôi số tiền "bán vé quần dài" thu được. Vậy mà nghịch lý ấy tồn tại rất nhiều năm và công viên Thống Nhất mới chỉ được hạ thấp hàng rào, mở cửa miễn phí cho người dân từ cuối năm 2022.

Trong kế hoạch mới nhất, UBND thành phố Hà Nội bày tỏ quyết tâm đeo đuổi mục tiêu cho đến năm 2025 sẽ cải tạo, nâng cấp, sửa chữa 45 công viên, vườn hoa để duy trì ổn định cảnh quan, phục vụ người dân, trong đó quận Ba Đình và quận Hoàn Kiếm, mỗi quận có 10 công viên, vườn hoa cần cải tạo, nâng cấp; tiếp đến là các quận Hoàng Mai, Hai Bà Trưng, Đống Đa...

Nhưng, đấy là chuyện của tương lai, còn bây giờ, khi không gian vui chơi công cộng vẫn còn quá ít ỏi thì đương nhiên, các hoạt động tự phát dành cho trẻ em hút khách. Khóa tu mùa hè dành cho trẻ em, có lẽ vì thế mà năm nào cũng hot. Tháng trước, khi "những trải nghiệm kinh hoàng" về khóa tu mùa hè của con trai tại chùa Cự Đà (Hà Nội) của chị Nguyễn Giang Như (thôn Yên Xá, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì) được đưa lên báo khiến nhiều phụ huynh ngỡ ngàng. Báo chí dẫn lời chính quyền địa phương cho biết, chùa thừa nhận có chuyện trong khóa tu, hai tu sinh xô xát dẫn tới việc phải tới bệnh viện khám. Đại đức trụ trì chùa Cự Đà xác nhận, chùa chủ quan nên không báo cho gia đình. Cũng theo báo chí, sau sự cố này, Đại đức trụ trì chùa Cự Đà khẳng định sẽ dừng tất cả các khóa tu mùa hè cho trẻ tại đây.

Nhưng, ngay cả ở thời điểm hiện tại, những khóa tu mùa hè, sẽ vẫn diễn ra, bất chấp sự cố ở chùa Cự Đà. Chỉ cần chịu khó quan sát trên những diễn đàn dành cho các bà mẹ là có thể nhận ra ngay sự phát triển nhanh chóng của mô hình khóa tu mùa hè. Nó ngày càng trở nên phổ biến và quy mô ngày càng lớn. Có những khóa lên tới vài trăm tu sinh, ở một vài ngôi chùa nổi tiếng, số lượng tu sinh có thể lên tới hàng nghìn. Nhiều bà mẹ để xin được cho con 1 suất đi tu mùa hè, thậm chí còn phải cậy nhờ. Có cầu thì ắt phải có cung, chứ ai mà cũng không chọn thì chắc các khóa tu mùa hè cho bọn trẻ tự nó sẽ trở thành dĩ vãng chứ không thể phát triển như hiện tại được. Thông tin từ cơ quan chức năng cho biết, chỉ riêng địa bàn Hà Nội, năm 2022, đã có 32 chùa tổ chức khóa tu mùa hè. Với 53 khóa tu, các chùa này đã thu hút được sự tham gia của 14.500 học sinh, sinh viên.

2. Sau sự cố ở chùa Cự Đà, Ban Tôn giáo Hà Nội rất nhanh chóng lập đoàn kiểm tra các khóa tu mùa hè. Theo đó, công tác quản lý của địa phương, các vấn đề an ninh trật tự, y tế, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm là những nội dung được kiểm tra tại một số chùa có tổ chức khóa tu mùa hè. Phải chăng, nếu "những trải nghiệm kinh hoàng" ở chùa Cự Đà không được lộ ra thì chưa chắc những vấn đề trọng yếu, liên quan đến sự an toàn về tính mạng, sức khỏe của các tu sinh đã được các cấp quản lý quan tâm.

Ai cũng biết, tất cả các ngôi chùa đều được thiết kế để trở thành không gian tâm linh, thực hành tôn giáo. Nhưng, khi trở thành ngôi nhà chung cho hàng trăm, thậm chí vài trăm tu sinh đến tu tập, ăn ở, sinh hoạt, liệu cơ sở vật chất đơn sơ có phù hợp? Một bếp ăn cho một lượng người khổng lồ, lại đa phần là các em nhỏ, nếu không được quản lý một cách chuyên nghiệp và chuẩn mực thì liệu có thể yên tâm với các vấn đề an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường? Đó là những câu hỏi mà nếu thực sự cẩn trọng thì các bậc cha mẹ nên tìm câu trả lời trước khi đăng ký cho con làm tu sinh. Và, cho dù sự cố tại chùa Cự Đà không nên nhìn theo cách cực đoan để phủ nhận sạch trơn những mặt tích cực của các khóa tu mùa hè nhưng rõ ràng đó là một chỉ báo cho thấy, hoạt động này cần phải được quản lý một cách chặt chẽ hơn, bài bản hơn bởi các cơ quan chức năng. Đồng thời, nó cũng chỉ ra một thực tế là bấy lâu nay các khóa tu mùa hè chỉ được coi là một hoạt động trải nghiệm giản đơn của bọn trẻ nên cả nhà chùa, phụ huynh và cơ quan chức năng đều có phần chủ quan.

Cũng cần nói thêm rằng, an toàn cho khóa tu không phải chỉ là chuyện nơi ăn, chốn ở trong chùa - những thứ đó có thể dễ đánh giá, nhiều khi chỉ cần bằng quan sát. Nhưng, an toàn cho bọn trẻ còn là sự phù hợp của chương trình được thiết kế, là độ chính xác của các nội dung bài giảng, là trình độ giảng giải của người đứng lớp tại các khóa tu. Tất cả những yếu tố đó đều rất cần được thẩm định bởi các cơ quan chuyên môn trước khi thực hành cho bọn trẻ.

Lựa chọn khóa tu mùa hè cho con sẽ là một lựa chọn tốt nếu như trải nghiệm làm tu sinh đảm bảo cho trẻ được an toàn vui chơi, học tập trong một không gian an lành theo mọi nghĩa. Cho con tham gia một hoặc nhiều khóa tu mùa hè, cha mẹ nào cũng muốn tốt cho con, muốn con được gieo mầm thiện, được học giáo lý từ bài giảng của các thầy chùa. Nhưng, cũng đừng kỳ vọng vào sự diệu kỳ của khóa tu và coi đó như một phương pháp giáo dục tốt nhất, nhanh nhất đối với mọi đứa trẻ, kể cả những đứa trẻ chưa ngoan. Bởi nhận thức là một quá trình và sản phẩm của giáo dục không thể nhanh như "mì ăn liền". Sự thay đổi tâm tính của một đứa trẻ cũng vậy, đó phải là kết quả của một hành trình giáo dục bài bản, lâu dài, bền bỉ và kiên cường, chứ không thể chỉ trong chốc lát. Và, để dạy con trẻ biết thiện lương thì có lẽ cha mẹ sẽ làm tốt hơn cả. Người xưa dạy, "thứ nhất là tu tại gia". Có thể dễ dàng nhận ra, đạo đức Phật giáo dường như đã gạt bỏ hoàn toàn những triết lý cao siêu, khó hiểu để trở về hòa nhập với cuộc sống trần thế hằng ngày. Hơn thế nữa, Đạo làm người được dạy không chỉ trong sách vở, kinh kệ mà hiện hữu ở trong chính đời sống thường nhật. Thử hỏi, những người làm cha mẹ mà ở nhà ngược đãi ông bà, đánh cãi chửi nhau còn ra đường thì không từ một thủ đoạn nào để lừa lọc, vơ vét cho đầy túi tham... sẽ dạy được gì cho những đứa trẻ về ân cha mẹ, về lòng hiếu thảo, từ bi, trung thực. Thế nên, nếu chúng ta đủ tử tế thì những đứa trẻ sẽ được học những bài học tử tế mỗi ngày.

Đã có nhiều nghiên cứu được công bố về mối quan hệ giữa hoạt động thể chất và sức khỏe tâm thần của học sinh chứng minh rằng, hoạt động thể chất không chỉ tốt cho sức khỏe thể chất mà còn tốt cho sức khỏe tâm thần và sự lành mạnh về cảm xúc. Tuy nhiên, ở trường, trong năm học, thời gian dành cho các hoạt động thể chất chiếm tỷ lệ thấp, thậm chí rất thấp so với thời gian học văn hóa. Vì thế, với bọn trẻ những tháng hè, khoảng thời gian được rời sách vở gần như duy nhất trong năm, thật là quý giá. Chùa là cơ sở thực hành tôn giáo, sự trầm mặc, thâm nghiêm, tĩnh lặng vốn thuộc về những nơi này. Vì thế, khóa tu mùa hè có thể phù hợp với những đứa trẻ thích hướng nội nhưng chưa chắc đã phù hợp với những bé thích hướng ngoại. Chọn cho con làm tu sinh hay đi bơi lội, đá bóng, múa, hát, tập nhảy hip hop... là quyết định mang tính cá nhân cần được tôn trọng, phù hợp với đứa trẻ này nhưng có thể sẽ không phù hợp với đứa trẻ khác. Tuy nhiên, những ngày này, sau sự cố chùa Cự Đà, thì nhóm chọn lựa hoạt động thể chất cho con lại bắt đầu băn khoăn với câu hỏi, vậy thì bọn trẻ sẽ "hướng ngoại ở đâu?". Lẽ vì, ngay tại Hà Nội, chính quyền thành phố cũng còn đang loay hoay giải bài toán thiếu công viên cây xanh và các điểm vui chơi công cộng. 

Đặng Huyền
.
.