Zama-nơi Hannibal cúi đầu

Thứ Bảy, 15/10/2022, 10:54

Là một trong những tên tuổi vĩ đại nhất lịch sử quân sự hoàn cầu, nhưng trong thời đại của mình, Hannibal Barca cũng không thể là danh tướng bất khả chiến bại. Zama - trận đánh kết thúc cuộc Chiến tranh Punic lần thứ hai - là nơi ông bắt buộc phải rời khỏi đỉnh cao, cũng là minh chứng hùng hồn cho một mệnh đề bất hủ: Thắng bại trong chiến tranh, xét cho cùng, còn phụ thuộc vào rất nhiều vận động ở cách xa chiến địa.

Thảm bại

Cũng thật khó có thể hình dung, ở Zama (một thị trấn Bắc Phi, nay thuộc lãnh thổ Tunisia) năm 202 trước Công nguyên ấy, quân đội Carthage dưới sự chỉ huy của đích thân Hannibal lại có thể bị đánh bại một cách toàn diện như vậy. Một kết quả trái ngược với trận Cannae lừng lẫy từng khắc sâu tên ông vào quân sử thế giới, nơi đoàn viễn chinh dưới tay ông trở thành nỗi kinh hoàng đối với mọi quân đoàn La Mã.

scipioafricanus8.png -0
Scipio Africanus - người không chỉ chiến thắng trên chiến trường.

Diễn biến của trận đánh này không hề phức tạp, và có thể dễ dàng được trang nghiên cứu uy tín Britanica tóm tắt: Khi hai đội quân tiếp cận nhau, người Carthage tung 80 con voi của họ vào hàng ngũ bộ binh La Mã, nhưng bầy voi đã sớm bị phân tán bằng nhiều cách, và bị vô hiệu hóa. Sự thất bại đoàn tượng binh có thể được giải thích bởi ba yếu tố, trong đó hai yếu tố đầu tiên đã được (các thư tịch) ghi nhận đầy đủ, và có vai trò quan trọng nhất. Đầu tiên, những con voi không được huấn luyện tốt. Và thứ hai, tác động mạnh mẽ hơn tới kết quả trận đánh, Scipio đã bố trí các đơn vị bộ binh nhỏ, linh hoạt, được luyện tập kỹ trong việc chia cắt và dẫn dụ đàn voi địch vào những địa hình bất lợi. Cuối cùng, những tiếng hét lớn và tiếng kèn chói tai của người La Mã có thể đã khiến không ít thớt voi hoảng sợ, và quay lại tấn công chính bộ binh Carthage,  gây ra hỗn loạn trong hàng trận của các tân binh mà Hannibal mới chiêu mộ, còn chưa kịp rèn giũa.

Kỵ binh của Scipio, sau đó, công kích kỵ binh Carthage ở cả hai cánh, đánh bại họ, ép họ trốn chạy, để rồi bị truy kích bởi lực lượng Numidian - đồng minh Bắc Phi của La Mã chống lại ách thống trị Carthage. Kế tiếp, các quân đoàn bộ binh La Mã xung phong, đánh nát hai tuyến phòng thủ ở giữa trận của bộ binh Carthage. Tuyến cuối cùng, bao gồm các cựu binh dày sương dạn gió thân cận của Hannibal từ chiến dịch Ý (218-203 TCN) lừng danh, vẫn đứng vững. Song, vào thời điểm quan trọng đó, kỵ binh Numidian của Masinissa đã quay trở và đánh vu hồi vào phía sau hàng trận Carthage, tạo nên một thế hợp công khủng khiếp. Khoảng 20.000 người Carthage đã chết trong trận chiến, và có lẽ 20.000 người bị bắt, trong khi người La Mã mất khoảng 1.500 người.

Scipio - ngôi sao vụt sáng

Nếu phải chọn ra một cá nhân đóng vai trò quyết định trong chiến thắng này của La Mã, hiển nhiên, cái tên ấy sẽ là Scipio (hay một cách đầy đủ: Scipio Africanus Già, để phân biệt với cháu của ông sau này là Scipio Trẻ).

Scipio không phải là địch thủ nào quá lạ lẫm đối với Hannibal. Đó chính là người đã đánh tan các cánh quân Carthage do các em trai của Hannibal chỉ huy chiếm cứ Hispania (tức là bán đảo Iberia), trong những năm cuối Hannibal bận tung hoành trên đất Ý mà không đạt được thành tựu cụ thể nào.

Và không ai khác, Scipio cũng chính là người đề ra sách lược: Vượt Địa Trung Hải, đánh thẳng vào đất căn bản của Carthage, uy hiếp mãnh liệt đường tiếp quân và hậu cần (vốn đã cực kỳ khó khăn) cho đoàn quân viễn chinh mà Hanibal dẫn dắt. Chính vì cú đòn hiểm hóc này, năm 203 TCN, sau gần 15 năm uy hiếp chính quốc của La Mã, Hannibal Barca đã buộc phải xuống thuyền, trở về cứu viện cho quê nhà Carthage.

Về tới nơi, nói như sử gia cổ điển Polybius,  Hannibal đã "làm tất cả những gì có thể, trên tư cách là một thống soái, đặc biệt là chuyện xem xét các lợi thế mà quân La Mã nắm giữ". Hannibal quay trở lại châu Phi với đội quân bản bộ kỳ cựu 12.000 người, và nhanh chóng huy động được tổng cộng 37.000 quân, để bảo vệ Carthage trước áp lực từ La Mã.

Tuy nhiên, Scipio cũng không ngồi yên. Ông gấp rút tiến quân về phía sông Bagradas, nhưng quan trọng hơn, kể từ trước khi đặt chân đến Bắc Phi, ông đã xây dựng được một cục diện hoàn toàn có lợi nhằm cô lập Carthage, khi thiết lập được những mối quan hệ đồng minh then chốt với các bộ tộc Numidian bản xứ.

Lúc còn nắm quyền ở Hispania, Scipio đã có vài chuyến thăm đến "bản doanh" của các thủ lĩnh Numidian, như Syphax và Massinissa. Syphax không bị lung lạc và vẫn phục vụ Carthage, nhưng Massinissa thì ngả về La Mã. Bởi vậy, khi hội quân ở gần đô thành Carthage,  Scipio có quân số tương đương với Hannibal (khoảng 40.000 người), nhưng 6.100 kỵ binh của ông do Massinissa và tướng quân La Mã Gaius Laelius chỉ huy lại vượt trội hơn hẳn kỵ binh Carthage, cả về số lượng lẫn sự huấn luyện thuần thục.

Một cách ngắn gọn, Hannibal đã trở về quá muộn, và cũng đến chiến trường Zama quá muộn, để ngăn cản Scipio hợp quân với Massinissa. Các ghi chép cổ cũng cho biết rằng trước trận chiến, vào năm 202 TCN, Hannibal và Scipio đã gặp riêng. Có thể vì Hannibal nhận thức rằng điều kiện chiến đấu không có lợi cho mình, nên hy vọng có thể thương lượng nhằm đạt được một thỏa thuận.

Ngược lại, Scipio cũng có thể tò mò muốn gặp mặt Hannibal, nhưng nhất quyết từ chối các điều khoản được đề xuất. Ông nói rằng Carthage đã phá vỡ thỏa thuận đình chiến trước đây, sau Cuộc chiến tranh Punic lần thứ nhất, và sẽ phải đối mặt với hậu quả. Britanica dẫn nguồn thư tịch cổ cho biết: Hannibal đã nói với Scipio, "Tôi là những gì nhiều năm trước ở Trasimene và Cannae (những chiến công vang dội nhất của ông trong quá khứ), còn bạn là của ngày hôm nay". Scipio được cho là đã trả lời: "Hãy chuẩn bị chiến đấu, Carthage, vì các ông không thể được dung thứ".

Scipio, người được bầu làm Chấp chính quan La Mã ở tuổi 31 ngay từ năm 205 TCN, dường như đã nắm rõ thế tất thắng của mình trước một danh tướng huyền thoại như Hannibal Barca, để tỏ ra tự tin như vậy. Và ngược lại, có lẽ Hannibal cũng hiểu rõ nhiệm vụ trước mắt mình gian nan đến mức độ nào.

alchetron-battle-of-zama.png -0
Tượng binh Carthage bị vô hiệu hóa.

Sau những làn bụi mờ chiến địa

Ở Zama, quân đội của Hannibal bị buộc phải chiến đấu tại địa điểm mà Scipio lựa chọn - một khu vực bằng phẳng thích hợp với việc điều động kỵ binh (gồm cả trọng kỵ La Mã và khinh kỵ Numidian), những binh chủng mà Scipio hiển nhiên là nắm phần ưu thế. Điều đau đớn là khi rút khỏi đất Ý, do không có phương tiện chuyên chở, Hannibal buộc phải để lại (hay đúng hơn là giết chết) phần lớn số ngựa chiến của mình. Rộng hơn, trên bản đồ địa chính trị, tại Bắc Phi lúc ấy, Carthage bị bao vây và cô lập bởi một liên minh La Mã - Numidian.

Sâu xa hơn, chỉ riêng việc Hannibal không thu được lợi ích gì thiết thực sau 15 năm gối gió nằm sương và buộc phải trở về cứu viện cho cố quốc, bất chấp những chiến công hiển hách trên đất Ý, có lẽ cũng đã khắc họa rõ điểm giới hạn của các khả năng quân sự thuần túy, cũng như vai trò quyết định hơn nhiều của quốc lực, ngoại giao, chính trị… Cho đến khi trận Zama diễn ra, Carthage thực tế đã mất hết các vùng lãnh thổ bên kia Địa Trung Hải mà Hannibal khổ công giành được, kể cả Hispania lẫn các bến cảng phía nam bán đảo Italia. Sự đứt đoạn về hậu cần do đường tiếp liệu quá dài đã trói chặt thiên tài chiến thuật của Hannibal, khiến ông không bao giờ đủ tiềm lực tung một đòn sấm sét quyết định để có thể kết liễu La Mã, kể cả khi đã hoàn toàn chiếm thượng phong. Đó là một bài học kinh điển, một lời nhắc nhở cho mọi thế hệ tướng lĩnh tiếp nối  trong quân sử nhân loại, kể cả đến thời điểm hiện tại.

Và sau trận Zama - một trong những cuộc giao phong quan trọng nhất lịch sử châu Âu cổ đại, tình thế của Carthage còn trở nên bi đát hơn nữa. Scipio bắt họ phải thiêu hủy công khai 100 thuyền chiến, và phải cống nạp khoản bồi thường chiến phí là 1 vạn đồng talent trong vòng 50 năm - một sự vắt kiệt sinh lực. Trong khi đó, Hannibal Barca không còn cơ hội cầm quân. Bảy năm sau trận Zama, La Mã đòi Carthage phải giao nộp Hannibal, và ông buộc phải lên đường lưu vong.

La Mã, từ Zama, xác lập vị thế độc tôn tại Địa Trung Hải. Năm 146 TCN, Chiến tranh Punic lần thứ ba, La Mã hủy diệt Carthage - vốn đã không còn khả năng phục hồi, san đô thành ấy thành bình địa, và rắc muối lên những đống tro tàn… 

* "Góp mặt trong đoàn quân chiến thắng của Scipio ở Zama, có không ít những người cựu binh La Mã đã từng phải chịu thất bại nhục nhã trước Hannibal Barca tại trận Cannae. Do đó, họ chiến đấu với cả tinh thần phục hận, với mong muốn không bỏ lỡ cơ hội một lần nữa chứng minh những giá trị cá nhân của mình, trên tư cách chiến binh.

* "Nhờ chiến công Zama, Scipio được Viện Nguyên lão La Mã tặng danh hiệu Africanus (Người chinh phục châu Phi), và danh hiệu này gắn liền với dòng họ của ông như một thứ vinh dự thế tập. Tuy vậy, trong những năm cuối đời, Scipio cũng gặp nhiều trở ngại trên chính trường, khi phải chịu những cáo buộc vô căn cứ về tham nhũng và phản bội.

Đông Thiên
.
.