Xung đột Ukraine “nắn” dòng chảy vũ khí toàn cầu
Cuộc xung đột ở Ukraine và tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu khiến các doanh nghiệp quốc phòng hàng đầu thế giới chật vật gia tăng sản lượng để đáp ứng nhu cầu mua sắm tăng cao. Thực tế đó kích thích xu hướng tăng cường ngành công nghiệp quốc phòng nội địa ở nhiều quốc gia, cũng đồng thời tạo ra cơ hội cho các nhà sản xuất vũ khí mới nổi.
Doanh nghiệp Mỹ - Nga vất vả "trả đơn"
Nhu cầu mua sắm vũ khí trên toàn cầu gia tăng nhanh chóng sau khi xung đột ở Ukraine nổ ra tháng 2/2022. Bên cạnh việc mua sắm để tăng cường năng lực quân sự nội địa, nhiều quốc gia phương Tây đã chi hàng tỉ USD đặt hàng khí tài quân sự để viện trợ Kiev và bù đắp phần thiếu hụt (do đã tạm xuất kho để sớm đưa ra chiến trường ở Ukraine). Tuy nhiên, theo báo cáo mới được công bố ngày 4/12 bởi Viện Nghiên cứu Hòa bình Stockholm (SIPRI), top 100 công ty quốc phòng hàng đầu thế giới thu về 597 tỉ USD tiền bán vũ khí và các dịch vụ liên quan trong năm 2022, giảm 3,5% so với năm trước đó.
"Doanh thu suy giảm là động thái bất ngờ. Nó cho thấy các công ty quốc phòng không kịp mở rộng dây chuyền sản xuất để đáp ứng nhu cầu tăng vọt thời gian qua", nhà nghiên cứu cao cấp Diego Lopes da Silva tại SIPRI nêu quan điểm.
Vũ khí là loại hàng hóa đặc thù cần nhiều thời gian để sản xuất và xử lý thủ tục giấy tờ. Dù nhận được các đơn đặt hàng mới, nhiều công ty Mỹ không thể tăng đáng kể năng suất do thiếu lao động, chi phí tăng và gián đoạn chuỗi cung ứng một phần do tình hình COVID-19, phần còn lại do tác động từ chính cuộc xung đột ở Ukraine. Báo cáo của SIPRI chỉ ra rằng, doanh số của các tập đoàn vũ khí Mỹ giảm 7,9% và vẫn chiếm 51% tổng nguồn thu từ bán vũ khí trên toàn cầu, với 42 nhà sản xuất nằm trong nhóm 100 doanh nghiệp quốc phòng lớn nhất. "Các tập đoàn quốc phòng Mỹ đặc biệt dễ tổn thương bởi gián đoạn chuỗi cung ứng, vì hệ thống vũ khí của họ rất phức tạp và đòi hỏi nhiều thành phần từ nhiều nguồn cung khác nhau. Mọi gián đoạn đều tác động nghiêm trọng đến chuỗi cung ứng này", ông Da Silva nhận định.
Tuy nhiên, SIPRI tin tưởng doanh số vũ khí các công ty Mỹ sẽ cải thiện trong năm 2023 và các năm tiếp theo, khi các đơn hàng mới đặt được bàn giao. Phần lớn vũ khí Mỹ viện trợ Ukraine do Washington tự sản xuất nên sẽ thúc đẩy ngành công nghiệp quốc phòng tại Mỹ. "Nhu cầu vũ khí đang tăng. Số lượng đơn đặt hàng, cũng như khí tài đang sản xuất và chờ bàn giao tăng rất mạnh", chuyên gia Da Silva nói thêm.
Trong khi đó, 2 tập đoàn Nga là Rostec (đứng thứ 10 trong Top 100) và Tập đoàn đóng tàu Thống nhất (thứ 36) ghi nhận sụt giảm 12% nguồn thu so với năm trước, xuống 20,8 tỉ USD. Một số chuyên gia tin rằng, doanh thu của Nga giảm do tác động của các lệnh trừng phạt và Moscow không nhập đủ linh kiện cần thiết. Ngoài ra, do tiêu hao trong chiến dịch Ukraine, các doanh nghiệp Nga đang cấp tập sản xuất để đáp ứng nhu cầu nội địa, vốn có giá bán thấp hơn xuất khẩu. Tổng thống Vladimir Putin cuối năm ngoái nói rằng các tập đoàn quốc phòng Nga đang cải thiện tính năng vũ khí dựa trên kinh nghiệm chiến đấu thực tế ở Ukraine, đồng thời hối thúc giới chức công nghiệp quốc phòng tập trung giải quyết những tồn đọng về kỹ thuật và tài chính nhằm tăng tốc độ bàn giao vũ khí cho quân đội.
Tuy vậy, SIPRI thừa nhận họ không thể đánh giá toàn diện sự phát triển doanh thu của Nga vì chỉ 2 nhà sản xuất vũ khí chính của Nga được đưa vào danh sách. "Gã khổng lồ" Almaz-Antey hay Tập đoàn Vũ khí tên lửa chiến thuật (KTRV) không được SIPRI thống kê. Almaz-Antey là nhà sản xuất chính các hệ thống tên lửa phòng không S-400, S-500, tên lửa hành trình, radar và máy bay không người lái (UAV) hàng đầu của Nga. SIPRI nhận định, các công ty Nga hạn chế cung cấp thông tin một phần do tình hình Ukraine và tác động của các lệnh trừng phạt do phương Tây áp đặt.
Về phía các nước Liên minh châu Âu (EU), doanh thu từ vũ khí của 26 công ty trong top 100 có trụ sở tại châu Âu tăng 0,9%, đạt 121 tỉ USD vào năm 2022. Theo SIPRI, nhiều nước châu Âu đã cam kết tăng chi tiêu quân sự để đối phó xung đột Nga - Ukraine. Một số quốc gia đã xây dựng ngân sách quốc phòng đến năm 2030 và phần lớn các nước NATO cam kết đạt mục tiêu tăng chi quốc phòng lên 2% GDP.
Nhiều nhà sản xuất vũ khí EU đã tận dụng cơ hội để gia tăng thị phần, ví dụ như Công ty PGZ của Ba Lan đã tăng doanh thu lên 14% và "được hưởng lợi từ chương trình hiện đại hóa quân sự mà nước này đang theo đuổi". Báo cáo của SIPRI tiết lộ, doanh thu của 4 công ty quốc phòng Đức trong top 100 năm 2022 lên tới 9,1 tỉ USD, tăng 1,1% so với năm 2021. Công ty Đức duy nhất sụt giảm là ThyssenKrupp, có doanh thu giảm 16% xuống còn 1,9 tỉ USD do giao được ít tàu chiến hơn năm trước. Thứ tự các công ty Đức trong bảng xếp hạng top 100 là Rheinmetall ở vị trí thứ 28, ThyssenKrupp ở vị trí thứ 62, Hensoldt ở vị trí thứ 69 và Diehl ở vị trí thứ 93.
Những "tay chơi" mới trỗi dậy
Chiến sự ở Ukraine cho thấy mức độ tiêu hao vũ khí khổng lồ nếu xung đột nổ ra giữa các quốc gia có nền quốc phòng mạnh, nhất là về đạn pháo, xe bọc thép, máy bay không người lái (UAV) và tên lửa. Từ đầu năm 2022, các quốc gia phương Tây đều rất chú trọng sản xuất "bơm" vũ khí sang Ukraine và đáp ứng nhu cầu nội địa, khiến các đơn đặt hàng nước ngoài phải mất nhiều năm mới có thể bàn giao. Thực tế đó đã kích thích xu hướng tăng cường ngành công nghiệp quốc phòng nội địa ở nhiều quốc gia, cũng đồng thời tạo ra cơ hội cho các nhà sản xuất vũ khí mới nổi.
Theo SIPRI, các nhà sản xuất vũ khí từ Châu Á và Châu Đại Dương đã tăng doanh thu 3,1% và trong năm thứ hai liên tiếp, vượt xa các đối thủ châu Âu về tổng doanh thu hàng năm, trong đó, chỉ riêng các công ty châu Á đã thu về khoản doanh thu lên đến 134 tỉ USD. Xiao Liang, nhà nghiên cứu của SIPRI về chi tiêu quân sự và sản xuất vũ khí, cho biết: "Các công ty từ Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản được hưởng lợi từ các khoản đầu tư liên tục của nhà nước vào việc làm hiện đại hóa năng lượng vũ trang". Ông nói thêm: "Các nhà cung cấp linh kiện cũng đến từ nội địa. Hầu hết nhu cầu là để đáp ứng cho quân đội của chính họ. Điều này giúp các nước này giảm thiểu tác động của sự gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu".
Báo cáo mới nhất của SIPRI cho thấy mức tăng trưởng doanh thu cao nhất được ghi nhận tại Trung Đông, khi những tập đoàn vũ khí tại đây thu về 17,9 tỉ USD, tăng 11% so với cùng kỳ. Các công ty Thổ Nhĩ Kỳ, nổi bật là hãng chế tạo máy bay không người lái (UAV) Baykar, ghi nhận tăng trưởng doanh số tới 94%. SIPRI nhận định, các công ty trong khu vực này hưởng lợi từ việc chuyên môn hóa các sản phẩm ít phức tạp về công nghệ hơn. Họ đang ở vị thế có thể "tăng sản lượng nhanh hơn để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng. Với câu chuyện của Baykar, công ty này "nổi lên như cồn" khi những chiếc UAV Bayraktar-TB2 mà hãng này chế tạo liên tiếp "lập công" trong giai đoạn đầu cuộc chiến ở Ukraine và trong cuộc xung đột Nagorno-Karabakh trước đó.
Ở châu Á, Hàn Quốc đứng thứ 9 trong danh sách các nước xuất khẩu vũ khí lớn nhất giai đoạn 2018-2022. Quốc gia châu Á này có 4 công ty lọt Top 100, đứng đầu là Hanwha Aerospace (xếp thứ 48) với doanh thu 2,8 tỉ USD. Theo nghiên cứu của NH Research & Securities, Hanwha Aerospace chiếm 55% thị phần xuất khẩu pháo tự hành toàn cầu. Dù sụt giảm một chút so với doanh thu năm trước đó, nhưng Washington Post trích một báo cáo khác của SIPRI ghi nhận Seoul vẫn có mức tăng thu vũ khí nhanh nhất thế giới. Riêng năm 2022, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết nước này bán lượng vũ khí trị giá 17 tỉ USD, cao hơn 2 lần năm 2021. Trong số đó, khoảng 14,5 tỉ USD đến từ việc bán vũ khí cho Ba Lan, trong thỏa thuận cung cấp tới 672 pháo tự hành Thunder K9; 288 bệ phóng pháo phản lực đa năng Chunmoo 239; và 48 chiếc Golden Eagle fa-50, máy bay chiến đấu thế hệ thứ tư giá rẻ.
Nhà nghiên cứu Tom Waldwyn của Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS, London) nhận định: Thành công của Hàn Quốc trong lĩnh vực kinh doanh vũ khí đến từ chi phí cạnh tranh, vũ khí chất lượng cao và giao hàng rất nhanh chóng. Ngoài Ba Lan, Hàn Quốc đã đạt được loạt hợp đồng khác với nhiều quốc gia ở châu Á, Trung Đông và Đông Âu.