Xung đột Sudan: Không chỉ là cuộc chiến giành quyền lực

Thứ Sáu, 12/05/2023, 20:46

Chiến sự ở Sudan mang bản chất là một cuộc tranh giành quyền lực quyết liệt của hai vị tướng quân sự lão luyện, nhưng những tác động từ cuộc xung đột này được đánh giá là có thể ảnh hưởng đến bối cảnh an ninh ở khu vực Đông Phi vốn luôn bất ổn.

Mầm mống bi kịch

Sudan có lịch sử hiện đại phức tạp từ trước khi bất đồng giữa hai vị tướng quyền lực nhất quốc gia Đông Phi, tướng Abdel Fattah al-Burhan, chỉ huy lực lượng vũ trang Sudan (SAF) và tướng Mohamed Hamdan Dagalo, lãnh đạo nhóm bán quân sự Lực lượng Hỗ trợ Nhanh (RSF), biến thành cuộc xung đột vũ trang đẫm máu với thủ đô Khartoum là chiến trường chính.

a1.jpg -0
Xung đột ở Sudan bùng phát từ bất đồng quyền lực giữa hai tướng Burhan (trái) và Dagalo. Ảnh: Financial Times.

Một năm trước khi nước này giành độc lập từ Anh và Ai Cập năm 1956, cuộc nội chiến đầu tiên đã nổ ra và kéo dài tới 1972. Chính phủ ở Bắc Sudan, nơi cộng đồng người Arab và Hồi giáo chiếm đa số, chiến đấu chống lại lực lượng nổi dậy ở Nam Sudan với phần lớn cư dân theo Cơ đốc giáo. Cuộc xung đột đó kết thúc bằng hiệp ước ký kết ở Ethiopia. Nam Sudan được trao quyền tự trị. Tuy vậy, những bất đồng âm ỉ đã không được giải quyết triệt để. 10 năm sau, một cuộc nội chiến thứ hai bùng lên khi phong trào đòi độc lập cho Nam Sudan do ông John Garang lãnh đạo khởi xướng. Cuộc xung đột này kết thúc năm 2005 và Nam Sudan duy trì vị thế tự trị thêm 6 năm, sau đó được trưng cầu dân ý về khả năng ly khai. Năm 2011, Nam Sudan trưng cầu dân ý và chính thức tuyên bố độc lập.

Một cuộc chiến khác định hình bối cảnh Sudan và cũng là “mầm mống” của bi kịch hiện nay là xung đột ở vùng Darfur phía Tây Sudan từ năm 2003, khi các nhóm vũ trang đối lập nổi dậy chống chính phủ Sudan do Tổng thống Omar al-Bashir lãnh đạo, cáo buộc họ phân biệt đối xử với dân chúng không phải người Arab. Khartoum đáp trả bằng cách triển khai Janjaweed, lực lượng dân binh vũ trang Arab tấn công Darfur.

Theo BBC, tướng Dagalo, lãnh đạo RSF, chính là chỉ huy của nhánh chính trong Janjaweed. Janjaweed sau đó hợp nhất với Đơn vị Tình báo Biên giới, đến năm 2007 được đặt dưới quản lý của cơ quan tình báo Sudan, cuối cùng được Tổng thống Bashir giao cho tướng Dagalo chỉ huy năm 2013. Tướng Burhan, trong khi đó, là chỉ huy quân đội chính quy tại khu vực Darfur vào năm 2008. Khi cuộc đảo chính lật đổ ông Bashir diễn ra tháng 4/2019, ông Burhan là Tổng thanh tra quân đội và tướng cao cấp thứ ba của quân đội Sudan. Nỗ lực đảo chính đó được tướng Dagalo hậu thuẫn.

Không lâu sau, quân đội Sudan thành lập Hội đồng Quân sự Chuyển đổi (TMC) để lãnh đạo đất nước. Vì người biểu tình phản đối Bộ trưởng Quốc phòng thời Bashir lãnh đạo TMC, tướng Burhan vươn lên thành người đứng đầu chính quyền quân sự, ông Dagalo chấp nhận đứng sau. Vài tháng tiếp đó, áp lực quốc tế buộc quân đội Sudan chia sẻ quyền lực với lực lượng dân sự, dẫn tới việc thành lập Hội đồng Chủ quyền. Thủ tướng tạm quyền là ông Abdalla Hamdok. Tuy nhiên, quyền lực luôn là thứ khó chia sẻ, thỏa thuận 2019 đổ vỡ. Sau cuộc đảo chính lần hai năm 2021, ông Burhan phế truất Hamdok, trở lại làm lãnh đạo chính quyền quân sự. Tướng Dagalo đứng thứ hai.

Cả hai ông Burhan và Dagalo ngoài mặt bắt tay để duy trì quyền lực cho phe quân sự, hứa hẹn tạo điều kiện để Sudan tổ chức tổng tuyển cử trước cuối năm 2023 và khôi phục chính quyền dân sự. Nhưng trên thực tế, liên minh Dagalo - Burhan ngày càng rạn nứt khi hai ông tranh giành vai trò chủ chốt trong tổ chức bầu cử và vị thế hậu bầu cử, bao gồm kế hoạch sáp nhập RSF vào biên chế quân chính phủ. Ông Dagalo, người ngần ngại chuyển giao quyền chỉ huy RSF hùng mạnh, đã yêu cầu quá trình sáp nhập RSF vào SAF kéo dài một thập kỷ, nhưng tướng Burhan chỉ muốn hai năm. Cuối cùng, mâu thuẫn bùng nổ, ai cũng sợ bị bên kia “giải giáp”, xung đột nổ ra.

a2.jpg -0
Khói lửa bốc lên từ một khu vực ở thủ đô Khartoum. Ảnh: GettyImages.

Phương Tây có phần trách nhiệm?

Khói lửa bao trùm Khartoum đã dẫn đến một cuộc sơ tán cấp tập của cộng đồng quốc tế. Truyền thông Mỹ công bố những bản tin về việc Washington phải tính toán ra sao, cân nhắc kĩ lưỡng thế nào và sử dụng cả UAV để bảo vệ đoàn xe chuyển công dân rời Khartoum. Anh cũng đưa 1.573 người từ một sân bay ở phía Bắc Khartoum. Đức và Pháp đã di chuyển thêm 1.700 người bằng đường hàng không. Ít nhất 3.000 người khác mang nhiều quốc tịch được di tản từ Port Sudan đến Jeddah ở Arab Saudi…

Trong khi nỗ lực rút đi của phương Tây được đánh giá cao trong nước thì lại khiến người dân Sudan thất vọng. Trong những ngày đầu giao tranh, phương Tây rất quyết tâm kêu gọi ngừng bắn ở Sudan, với mục đích chính là để họ có thể sơ tán công dân an toàn. Khi hầu hết cơ quan ngoại giao vắng bóng, SAF và RSF không còn nhiều rào cản quốc tế để thực sự duy trì lệnh ngừng bắn tới chừng nào họ đạt được mục tiêu quyền lực. Sự rời đi đó còn đồng nghĩa rằng, các nỗ lực phân phối hàng cứu trợ tại Sudan bị đình chỉ vô thời hạn vì thiếu nhân lực và nguy cơ mất an ninh. Liên hợp quốc (LHQ) cho biết, gần 16 triệu người, tương đương 1/3 dân số Sudan cần viện trợ nhân đạo.

Bên cạnh đó, có ý kiến đánh giá, phương Tây phải chịu một phần trách nhiệm do quá trình thương lượng giữa hai vị tướng quyền lực sụp đổ thảm hại. Một số chuyên gia thậm chí chỉ trích các nước đã tập trung quá nhiều vào việc xoa dịu hai vị tướng, đối xử với họ không khác gì chính khách trong khi thực tế họ lên nắm quyền thông qua chính biến.

Cần nhắc lại rằng, Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) ở The Hague năm 2009 và 2010 đã ra lệnh bắt Tổng thống Bashir với cáo buộc tội ác chiến tranh, tội ác chống lại loài người và tội diệt chủng ở Darfur. Hai ông Burhan và Dagalo đều có vai trò nhất định trong cuộc xung đột Darfur. Tuy nhiên, khi quân đội tiến hành cuộc đảo chính quân sự lật đổ Tổng thống Bashir năm 2019, thay vì trừng phạt phe quân sự, Mỹ, Anh cùng với Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Arab Saudi (còn gọi là Bộ Tứ Sudan) đã ủng hộ các nhân vật quyền lực ngồi vào bàn đàm phán để đạt thỏa thuận về quá trình chuyển giao quyền lực từ quân đội sang chính quyền dân sự. Thỏa thuận này còn có sự góp sức của LHQ, Liên minh châu Phi (AU) và Liên minh châu Âu (EU).

Phương Tây phản đối Bashir và kết quả là 4 năm sau khi vị này mất quyền lực, tình hình Sudan đang diễn biến xấu đi. Ngày 3/5, Tổng thư ký LHQ Antonio Gutteres thừa nhận, “chúng ta đã thất bại” trong việc ngăn chặn chiến tranh bùng nổ ở Sudan.

Châu Phi trước mối nguy lớn

Xung đột hiện nay ở Sudan được mô tả là một cuộc tranh giành quyền lực của hai tướng Burhan - Dagalo và đang trên đà trở thành một cuộc nội chiến. Tuy nhiên, những tác động mà nó kéo theo rộng hơn quy mô quốc gia.

Sudan có diện tích lớn thứ ba châu Phi, nằm giữa sông Nile, chia sẻ biên giới với 7 quốc gia, nổi bật nhất là Ai Cập và Ethiopia. Trong suốt chiều dài lịch sử, người dân Ai Cập dựa vào sông Nile để tồn tại và phát triển. Do đó, nước này cực kỳ lo ngại khi Ethiopia xây dựng đập thủy điện khổng lồ ở đầu nguồn dòng sông. Quân đội Sudan được Ai Cập xem là đồng minh quan trọng trong nỗ lực kiềm chế Ethiopia. Nhiều khả năng Ai Cập sẽ không đứng yên nếu phe quân đội đối mặt nguy cơ thất thế.

Các quốc gia còn lại là Libya, Chad, Cộng hòa Trung Phi, Eritrea, và Nam Sudan có những mối lo và liên hệ riêng với các bên đối đầu ở Sudan. Theo Guardian, lãnh chúa Libya Khalifa Haftar, người mang tầm ảnh hưởng lớn ở Libya và Đông Phi, có quan hệ mật thiết với RSF. Ông này rất có thể không đứng ngoài nếu tình hình bất lợi cho RSF. Chad thì lại đang đối phó nguy cơ bất ổn xâm nhập. Quân đội Chad mới đây tước vũ khí của 320 chiến binh bán quân sự vượt qua biên giới, chưa kể hàng chục ngàn người tị nạn. Tổng thư ký LHQ Guterres ngày 3/5 thừa nhận ông lo ngại xung đột có thể kéo theo bất ổn ở Chad, Ethiopia và Nam Sudan. “Các quốc gia trong khu vực đang trong tiến trình hòa bình của riêng họ… Bất cứ xáo trộn nào đều rất nguy hiểm”, ông nói.

Một bên khác có quan hệ gần gũi với RSF là UAE. Theo AlJazeera, quyền lực của ông Dagalo được củng cố một phần nhờ ông này triển khai binh lính đến Yemen và sát cánh cùng lực lượng liên quân của Arab Saudi, UAE. Trong khi đó, Port Sudan, thủ phủ bang Biển Đỏ thuộc Sudan, có vị trí chiến lược đối với sự hiện diện quân sự của Nga ở Ấn Độ Dương. Nga từ lâu muốn xây dựng căn cứ hải quân tại cảng nước ấm này và đã đạt một thỏa thuận với chính quyền Sudan. Còn các nước phương Tây, bên cạnh việc thúc đẩy quá trình chuyển đổi quyền lực sang dân sự ở Sudan, cũng đang tăng cường các khoản đầu tư ở đây để cạnh tranh ảnh hưởng với Nga và Trung Quốc. Theo giới quan sát, vị thế chiến lược của Sudan rõ ràng khiến nhiều quốc gia sẵn sàng đóng vai trò trung gian hòa giải, nhưng chính yếu tố đó có thể khiến các nỗ lực đàm phán diễn ra phức tạp. 

Thái An
.
.