Vua xử kiện thế nào?

Thứ Sáu, 30/12/2022, 09:21

Thời phong kiến, vua là nơi  tập trung mọi quyền lực nên mọi việc đều do vua quyết. Trước khi phân quyền cho các cơ quan tư pháp như Bộ Hình, Đại lý tự…, vua trực tiếp xử án.

Theo quy chế của các triều đại phong kiến Trung Quốc, có chức Tư Khấu coi về hình phạt, kiện tụng. Nhưng, ở nước ta, các triều vua không đặt ra chức này.

Khi nước Đại Cồ Việt bắt đầu xây nền tự chủ, sử sách cho biết, năm 971, hoàng đế Đinh Tiên Hoàng bắt đầu quy định cấp bậc văn võ, tăng đạo, hàng văn có Nguyễn Bặc làm Định quốc công, hàng võ có Lê Hoàn làm Thập đạo tướng quân thì có thêm Lưu Cơ làm giữ chức Đô Hộ phủ sĩ sư, tức chức quan coi việc hình án trong cả nước. Tuy nhiên, sử cũ không ghi chi tiết các vụ xử án của chức quan này, mà vẫn chép chi tiết việc các vị vua trực tiếp xử án hay thi hành hình phạt. Cụ thể, như khi chép về Vua Lê Ngọa Triều, “Đại Việt sử ký toàn thư” cho biết do tính hiếu sát, nhà vua thường sai đem những người bị tội tử đem hành hình bằng những cách ghê rợn như quấn cỏ tranh đốt hoặc để tên kép hát người Tống xẻo thịt bằng dao cùn, hay trói tội nhân vào mạn thuyền chạy dưới sông có nhiều rắn... Nói chung, luật pháp thời đó đều còn sơ khai, sinh hoạt triều đình vẫn còn nhiều nét hoang dã, chưa có quy củ.

Vua xử kiện thế nào? -0
Tranh vẽ các quan nhà Nguyễn hành lễ tại hoàng thành Huế xưa. Ảnh: ST.

Sau khi Vua Lý Thái Tổ lên ngôi, “Toàn thư” cho biết, những việc đầu tiên nhà vua làm là: “Đại xá cho thiên hạ, lấy năm sau làm niên hiệu Thuận Thiên năm đầu. Đốt giềng lưới, bãi ngục tụng, xuống chiếu từ nay ai có việc tranh kiện cho đến triều tâu bày, vua thân xét quyết”.

Không chỉ trực tiếp xử kiện, vua nhà Lý còn giao việc này cho thái tử. Đó là chuyện năm 1040, sau khi Vua Lý Thái Tông sắc phong Đông cung thái tử Lý Nhật Tôn làm Khai Hoàng vương 7 năm trước, đến mùa hạ năm này, vua xuống chiếu từ nay trở đi phàm nhân dân trong nước ai có việc kiện tụng gì, đều giao cho Khai Hoàng vương xử đoán rồi tâu lên, lại cho lấy điện Quảng Vũ làm nơi vương xử kiện.

Bàn luận về sự điều hành này của Vua Lý Thái Tông, nhà sử học Ngô Sĩ Liên viết rằng: “Chức việc của thái tử, ngoài việc thăm hỏi hầu cơm vua ra, khi ở lại giữ nước thì gọi là Giám quốc, khi đem quân đi thì gọi là Phủ quân, có thế mà thôi, chưa nghe thấy sai xử kiện bao giờ. Phàm xử kiện là việc của Hữu ty. Thái Tông sai Khai Hoàng vương làm việc đó không phải là chức phận của thái tử, lại lấy điện Quảng Vũ làm nơi vương xử kiện là không đúng chỗ”.

Dù vậy, cách làm của Vua Lý Thái Tông cũng là biện pháp giáo dục hợp lý để sau này, thái tử thuận tiện trong việc trị quốc. Vua Lý Thái Tông cũng là vị vua đặt dấu ấn quan trọng trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật của nước ta thời phong kiến. Đó là vào tháng 10 năm 1042, nhà vua cho ban bành bộ “Hình thư”. Theo chính sử, trước đó, việc kiện tụng trong nước phiền nhiễu, quan lại giữ luật pháp câu nệ luật văn, cốt làm cho khắc nghiệt, thậm chí có người bị oan uổng quá đáng. Vua lấy làm thương xót, sai trung thư san định luật lệnh, châm chước cho thích dụng với thời thế, chia ra môn loại, biên thành điều khoản, làm thành sách “Hình thư” của một triều đại, để cho người xem dễ hiểu. Sách làm xong, xuống chiếu ban hành, dân lấy làm tiện. Đến đây phép xử án được bằng thẳng rõ ràng, cho nên nhà vua mới cho mới đổi niên hiệu là Minh Đạo và đúc tiền Minh Đạo để ghi dấu ấn.

“Toàn thư” chép rằng, tháng 4 năm 1064, Vua Lý Thánh Tông ngự ở điện Thiên Khánh xử kiện. Khi ấy công chúa Động Thiên đứng hầu bên cạnh, vua chỉ vào công chúa, bảo ngục lại rằng: "Ta yêu con ta cũng như lòng ta làm cha mẹ dân. Dân không hiểu biết mà mắc vào hình pháp, trẫm rất thương xót, từ nay về sau, không cứ gì tội nặng hay nhẹ đều nhất luật khoan giảm". Phải đến tháng 4 năm 1122, Vua Lý Nhân Tông mới bổ dụng cho bọn Lý Phụng 20 người làm ngục lại, để xét việc kiện tụng của dân gian.

Sang thời Trần, việc phân quyền diễn ra khá chi tiết, công việc triều chính đã có Tể tướng, Hành khiển chịu trách nhiệm, việc xử kiện ít khi lên đến vua. Trong triều có thẩm hình viện chuyên xét xử việc hình ngục, sau đó là Viện đăng văn kiểm pháp, đều do các đại thần phụ trách. Đến năm 1332, Nguyễn Trung Ngạn phụ trách Viện Đăng văn kiểm pháp lại lập ra thêm nhà bình doãn xử án.

Các vua Trần cũng rất quan tâm đến việc xử án. Như Vua Trần Anh Tông thường hỏi kiểm pháp quan Đoàn Khung về các điển lệ cũ, mà Khung đều dẫn được án cũ làm chứng, có khi dẫn nhiều đến 5-6 án, khiến nhà vua phải khen ông là người thông minh, nhớ lâu. Đặc biệt, thời Trần, khi chưa hài lòng với việc xử án của quan ở dưới, người dân vẫn có thể kiện lên vua, như trong sự kiện năm 1280, khi em vị cận thần Đỗ Khắc Chung là Đỗ Thiên Thư kiện nhau với người, tình lý đều trái mà án chưa được thi hành, người kia đón xa giá để kêu bày. Vua Trần Nhân Tông hỏi quan xử kiện. Khi viên quan đó trả lời rằng "Án xử đã xong, nhưng hình như quan thoái thác không chịu chuẩn định đó thôi". Nhà vua biết ngay sự tình, nói rằng: "Đó là do sợ mà né tránh Khắc Chung đấy". Lập tức, dù đang trên đường đi, vua vẫn sai Chánh chưởng nội thư hỏa (như Chánh văn phòng của nhà vua - chức này đều là hoạn quan) là Trần Hùng Thao kiêm chức Kiểm pháp quan để chuẩn định, thì Đỗ Thiên Thư quả thực là trái, nên bắt ông này phải thi hành bản án. Cũng từ đó, các vị hoạn quan bắt đầu được phân công việc kiểm pháp, mục đích là để giữ sự khách quan.

Bình luận về sự kiện này, sử thần Ngô Sĩ Liên phê bình rằng: “Người kiện có điều oan uổng mà được dễ dàng kêu bày, hình quan để chậm án, không thấy có lời trách hỏi, hoạn quan nội thần lạm cử làm pháp quan, vua làm việc này có 3 lầm lỗi kèm theo”. Tuy nhiên sử quan này cũng khen rằng: “Như vậy thì dân tình được thấu lên trên. Việc cai trị kẻ dưới thà sai để khoan thứ để cho án kiện đọng lại được xử ngay, cũng thấy được lòng trung hậu của vua”.

Theo chính sử để lại thì có nhiều vụ án lớn, có sự chỉ đạo của vua Trần quyết định đến bản án. “Đại Việt sử ký toàn thư” kể rằng trong vụ án Nhân Huệ vương Trần Khánh Dư bị phát giác thông dâm với công chúa Thiên Thụy, là vợ chưa cưới của Hưng Vũ vương Trần Quốc Nghiễn (con trai Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn), Vua Trần Thánh Tông đã ra lệnh xử Trần Khánh Dư hình phạt dùng roi đánh đến chết.

Tuy nhiên, nhà vua lại ngầm hạ lệnh cho lính đánh chúc đầu gông xuống, nhờ thế mà qua 100 roi, vị vương này vẫn sống, vì thời đó có luật tội nhân nếu sau khi bị đánh 100 roi mà không chết nghĩa là trời tha, do đó Trần Khánh Dư thoát chết để về Chí Linh làm nghề bán than rồi sau này trở lại làm phó tướng cho Hưng Đạo vương và lập công lớn trong chiến dịch đánh tan quân Nguyên xâm lược nước ta lần thứ 3, cuối năm 1287. Năm Hưng Long thứ tư đời Trần Anh Tông (1296), khi biết quan thượng phẩm Nguyễn Hưng đánh bạc, vua đã ra lệnh "đánh chết" và lần này vị quan không phải người tôn thất này bị đánh chết thật, khiến Ngô Sĩ Liên sau này khen rằng “pháp luật thời Trần cấm đánh bạc nghiêm đến vậy”.

Sang thời Lê, Vua Lê Thái Tông lên ngôi khi mới 11 tuổi, nhưng đã trực tiếp tham gia xử đoán những vụ án quan trọng. Như ngay trong năm Thiệu Bình thứ nhất, nhà vua đã tuyên xử tử tên trộm ngày là Trình Đường, dù các quan tâu rằng tội này chưa đến mức phải giết. Hoặc, khi tên đầu bếp ở Thái miếu là Nguyễn Chú vì tội mua hiếp giá rẻ hàng hóa ở chợ, nhà vua trẻ này cũng tuyên xử hắn 80 trượng, thích chữ vào gáy, đồ làm binh phường voi, lại còn rao 3 ngày cho mọi người biết.

Do đó, có thể tin rằng lệnh chỉ ban hành tháng 7 năm đó cho các địa phương về việc cấm khiếu kiện vượt cấp chính là ý của nhà vua. Lệnh chỉ viết: “Từ nay, quân hay dân nếu có vụ kiện nhỏ thì tới chỗ xã quan của xã mình mà trình bày, xã quan không giải quyết được mới lên huyện, huyện không giải quyết được mới lần lượt lên lộ, lên phủ, phủ không không giải quyết được thì bấy giờ được tâu lên. Các vụ kiện ruộng đất cũng thế. Các quan xét xử phải giữ phép công bằng, không được nhận đút lót mà làm sai, để có người bị oan uổng. Các vụ kiện lớn thì mới cho tâu thẳng lên".

Hoặc, khi nghe tin nhiều đại thần sai quân lính làm nhà cửa lớn cho riêng mình, vị vua trẻ này cũng sai người đích thân điều tra. Chính nhà vua ra lệnh tịch thu 15 lạng vàng, 100 lạng bạc tiền lời mà Tổng quản tiền quân Lê Thụ đã sai người nhà buôn bán vụng trộm với nước ngoài. Lê Thụ còn bị hặc tội là dám cưới vợ lẽ trong thời gian triều đình đang để tang Vua Lê Thái Tổ, nhưng Vua Thái Tông thương Thụ là bậc huân thần, chỉ ra lệnh cho người thiếp của Thụ là Trình thị phải rút khỏi hộ tịch nhà ông ta, cho chuộc lại làm người ngoài.

Còn trẻ nhưng Lê Thái Tông đã tỏ ra là vị vua chín chắn và nhân ái. Khi có 7 tên ăn trộm can tội tái phạm, đều còn ít tuổi, nhưng theo luật đều đáng xử chém, nhà vua đã tham vấn Thừa chỉ Nguyễn Trãi, cuối cùng chỉ xử chém 2 tên, còn lại thì xử đi đày.

Thời Trần, triều đình đã có Bộ Hình, còn sang đến thời Lê, phải đến thời Lê Nghi Dân mới lập đủ 6 bộ và đến thời Lê Thánh Tông quy định chức năng của từng bộ mới được rõ ràng. Lê Thánh Tông là vị vua tập trung quyền lực cao nhất, tuy vậy vẫn có những sự việc, vụ án được đích thân nhà vua xử lý. Như năm 1462, khi Nguyễn Sư Hồi và Trịnh Lý phạm tội, nhà vua dụ bảo các quan trong triều rằng: “Sư Hồi vì có công trung hưng cùng với cha là Nguyễn Xí có công lớn trong buổi khai quốc nên tha cho tội chết; còn như bọn Trịnh Lý thì triều thần các ngươi cùng bàn xử”. Để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, nhà vua cũng chỉ đạo rằng, các việc kiện tụng tranh nhau, đã từng được xét xử đúng lẽ thì không được cưỡng tranh nữa. 

Lê Tiên Long
.
.