Vua Minh Mạng và những vụ xử án hối lộ lớn

Thứ Hai, 12/06/2023, 20:49

Luật hình nước ta thời nào cũng đều nghiêm trị các hành vi hối lộ. Các bộ luật hình sự của triều Lê, triều Nguyễn như Luật Hồng Đức, Luật Gia Long đều xử đến mức giảo (treo cổ) hay trảm (xử chém) với những hành vi nhận hối lộ nghiêm trọng.

Như trong “Quốc triều hình luật” (hay còn gọi là Luật Hồng Đức hay “Lê triều hình luật”) thời Lê sơ, Điều 138 có quy định: Quan ty làm trái pháp luật mà ăn hối lộ từ 1 đến 9 quan tiền thì xử tội biếm hay bãi chức, từ 10 đến 19 quan thì xử tội đồ hay lưu (đày đi xa), từ 20 quan trở lên thì xử tội chém.

Vua Minh Mạng và những vụ xử án hối lộ lớn -0
Một phiên xử án thời xưa. (Ảnh chỉ có tính chất minh họa)

Bộ hình luật triều Nguyễn, “Hoàng Việt luật lệ”, hay còn gọi là Luật Gia Long cũng có tới 9 điều về các tội hối lộ (từ Điều 312 đến 320). Điều luật về quan lại phạm tội ăn đút lót ghi rằng: “Người có ăn lương nhà nước (người được lương mỗi tháng 1 thạch trở lên) lạm dụng luật pháp ăn đút lót của nhiều chủ, buộc tội chung nhận của người mắc tội mà xử cong luật quẹo pháp, nhận tiền của một người thì phạt trọn việc đó. Như nhận tiền của 10 người một lúc, việc đổ bể, tính chung một chỗ, xử trọn một tội. Còn tội phạm 2 việc trở lên, một chủ trước bị phát giác và xử tội, tội sau bị phát giác nhẹ hơn, cũng bị xử. Nhận từ 1 lượng (bạc) trở xuống phạt 70 trượng, 1 đến 5 lượng phạt 80 trượng, 10 lượng phạt 90 trượng, 10 đến 15 lượng phạt 100 trượng... 80 lượng đúng, phạt treo cổ”.

Luật Gia Long cũng xử những trường hợp các quan án nhận hối lộ nhưng xử án không lạm dụng luật pháp như sau: “Ăn đút lót của nhiều chủ, tính chung xử tội theo nửa số đó. Tuy có nhận tiền của người nhưng không xử cong quẹo, song nhận cùng lúc tiền của 10 chủ, việc đổ bể, tính gộp chung xử phân nửa tội, một chủ cũng xử phân nửa tội. 1 lượng trở xuống phạt 60 trượng, 1 lượng đến 10 lượng, phạt 70 trượng, 20 lượng phạt 80 trượng, 30 lượng phạt 90 trượng, 40 lượng phạt trăm trượng... 120 lượng trở lên treo cổ”.

Trong thời Vua Nguyễn Thánh Tổ (thường được gọi qua niên hiệu là Minh Mạng) trị vì, rất nhiều vụ hối lộ bị xử lý, trong đó có những viên quan đứng đầu các bộ, hay các trấn (sau này đổi thành tỉnh).

Điển hình như năm Minh Mạng thứ 9 (1828), viên Tả Tham tri Bộ Hộ, lĩnh Hộ tào Bắc Thành - chức vụ quản lý toàn bộ các vấn đề tài chính, ngân sách ở miền Bắc nước ta thời đó - là Trần Nhật Vĩnh, có tội phải hạ ngục.

Theo bộ sử triều Nguyễn “Đại Nam thực lục”, Trần Nhật Vĩnh trước ở Gia Định, được Tổng trấn Lê Văn Duyệt tin dùng, cậy thế ăn của đút, thậm chí cướp vợ người, dỡ nhà, chiếm đoạt tài sản của người, người ta sợ hắn tàn ngược không dám tố giác. Khi Vĩnh được chuyển đi nơi khác chưa đầy một tháng, nhân dân nộp đơn kiện rất nhiều. Lê Văn Duyệt thụ lý tất cả, khiến “già trẻ ai cũng reo mừng”. Lê Văn Duyệt đem việc tham nhũng của Vĩnh tâu lên, giải Vĩnh về để đối chất và xin vua phái quan từ kinh đô về hội xét, đồng thời ông cũng làm tờ tâu nhận tội mình tin dùng phải người bậy, xin giao bộ nghị xử.

Vua Minh Mạng phê rằng: "Duyệt trung thành có thừa, mà thiếu sáng suốt, đã vì kẻ gian lừa phỉnh, đem lòng tin cậy thì vua cha ở trên đã nhắc bảo cũng vẫn mê không biết, nữa là liêu thuộc, có ai sửa chữa cho được”. Sau đó, nhà vua lập tức phái Chủ sự Bộ Hình cùng Cai đội Cẩm y đem người đến Bắc Thành, tuyên chỉ cách chức Vĩnh, bắt trói đem về kinh đợi tội, đồng thời có dụ tha lỗi cho Lê Văn Duyệt vì tin dùng kẻ không xứng chức.

Sau đó, vua giao cho các quan Bắc Thành xét rõ ràng vụ án để tâu lên. Án này được đệ lên Bộ Hình bàn lại, Bộ Hình xét tội, xin chém ngay. Vua bảo bầy tôi rằng: “Tội Vĩnh nặng quá pháp luật, xử chết cũng chưa đủ tội. Đáng lý giao về thành mà chém để tạ tội với nhân dân. Nhưng, vì đường xa cách trở hoặc xảy ra việc gì, nên chém ngay ở chợ Đông ở kinh đô rồi đưa đầu đến Gia Định bêu”. Hữu ty tịch biên nhà Vĩnh được hơn 128.000 quan tiền. Đồng thời, Trấn thủ thành Phiên An là Phạm Văn Châu, nguyên Cai bạ là Nguyễn Bá Uông, Thiêm sự quyền nhiếp Hiệp trấn là Ngô Đức Chính, đều vì liên can với Vĩnh mà bị cách chức cả.

Ngoài ra, vụ án này còn dính líu tới nhiều viên quan khác, nên mùa xuân năm sau (1830), triều đình xét thấy viên Thượng thư Bộ Lại là Trần Lợi Trinh từng tư túi nhận giữ tài sản do Trần Nhật Vĩnh gửi, nên phải cách chức. Lợi Trinh sợ tội, phát bệnh cấp mà chết, vua nghĩ đến công lao ông ta trong việc đánh giặc năm trước, đặc ân giáng hàm Tham tri (tức từ cấp bộ trưởng giáng xuống cấp thứ trưởng) và chiếu phẩm trật này để cấp tiền tuất cho ông ta.

Cũng năm Minh Mạng thứ 10 (1829), hai viên quan đầu tỉnh Thanh Hóa vì nhận hối lộ ở mức 20 - 40 lạng bạc mà cũng bị xử tội rất nặng. Đó là viên Trấn thủ Thanh Hóa là Lê Văn Hiếu và Hiệp trấn là Đoàn Viết Nguyên (tương đương chủ tịch và phó chủ tịch tỉnh ngày nay). Vụ án xuất phát từ việc trấn Thanh Hóa tổ chức đấu giá về thuế cửa quan và bến đò. Người lĩnh thầu tư túi hối lộ cho người thiếp của Lê Văn Hiếu 20 lạng bạc và người con của Đoàn Viết Nguyên 40 lạng bạc. Sau khi xong việc lại có quà tạ, bọn Hiếu đều nhận, chỉ một mình Tham hiệp Tôn Thất Lương từ chối, không nhận. Khi việc phát giác, vua sai Lang trung Nguyễn Văn Thắng, Thừa chỉ Trương Phúc Cương đi tra xét. Khi án thành, Bộ Hình xin xử Hiếu tội cách chức, Nguyên phải tội đồ (làm lao dịch trong quân đội).

Vua đặc ân giáng Hiếu từ cấp Nhị phẩm xuống mức Chánh thất phẩm thiên hộ, phát đi hiệu lực ở đài Điện Hải; Nguyên bị cách chức, phát đi hiệu lực ở Nghệ An. Còn Tôn Thất Lương do giữ liêm khiết, được vua xuống dụ khen ngợi thưởng cho sa và đoạn đều 3 cuốn nhỏ, lụa màu 10 tấm, để khuyến khích người làm quan thanh bạch. 

Vua Minh Mạng cũng đặc biệt lưu ý các biện pháp để ngăn chặn lực lượng thị vệ (như cảnh sát của triều đình) ăn hối lộ và bẻ cong pháp luật. Mùa xuân năm Minh Mạng thứ 4 (1823), vua có chỉ rằng: “Từ nay thị vệ ra ngoài dám nhận quà cáp của người thì chiếu luật “bất uổng pháp” (tức là có ăn hối lộ của người, nhưng phân xử đúng đắn không trái phép), tình trạng xử phạt nặng hơn thêm 1 bậc. Nếu cưỡng bách và dọa nạt thì chiếu luật “uổng pháp” (tức ăn hối lộ mà xử đoán trái phép) để xử nặng hơn 1 bậc”.

Tháng Giêng năm Minh Mạng thứ 14 (1833), Thị vệ Hoàng Văn Tường và Lê Quang Chúng khi được sai đi công cán ở Gia Định, đã nhận ăn hối lộ do bọn gian thương ở thành này khấn khứa, rồi vì chúng mà xin việc. Việc ấy phát giác, vua bảo rằng: "Đối với bọn thị vệ từ trước đến giờ, ta vẫn nhiều lần răn bảo, thế mà lũ Hoàng Văn Tường còn dám tham lam, mắt không trông thấy pháp luật, tuy tang vật chưa đến tay, nhưng bẻ cong pháp luật mà xoay xỏa mưu toan, thật rất đáng ghét! Vậy, buộc phải trừng trị nghiêm ngặt để răn kẻ khác sau này”. Sau đó, Hoàng Văn Tường và Lê Quang Chúng đều xử tội giảo giam hậu, đợi đến sau mùa thu sẽ xử quyết.

Năm 1829, một viên quan cấp thứ trưởng là Thự tả Tham tri Bộ Hộ là Lý Văn Phức cũng bị bỏ ngục vì ăn hối lộ 100 lạng bạc của các nhà buôn ở Bắc Thành để xin hộ họ việc lĩnh trưng thuế cửa quan. Việc bị phát giác, giao xuống Bộ Hình tra xét. Đến khi án thành, vua nói: “Phức nhờ ơn nước, chức vị đến Tham tri. Sao không nghĩ giữ mình trong sạch, lại uổng pháp mà nhận hối lộ, làm việc mờ ám, mất lương tâm, tội là tự mình làm nên, bắt tội giảo giam hậu”. Lý Văn Phức sau được phái đi hiệu lực ở đường biển (tức làm công sai trên thuyền của nhà nước).

Một viên võ quan cao cấp vì ăn hối lộ cũng bị xử nặng, đó là viên Thống chế Kinh tượng (như tư lệnh lực lượng tượng binh) là Phạm Văn Điển vì ăn hối lộ mưu lợi riêng, bị lính các vệ kiện. Năm 1830, sự việc bị đem ra xử, vua hạ lệnh cách chức trước, tịch thu gia sản, giao Bộ Hình tra xét. Đến lúc án thành, Điển bị xử tội đồ. Vua Minh Mạng bảo Nội các rằng: "Phạm Văn Điển mình làm quan cao, không biết lo giữ mình trong sạch, vâng theo phép công, lại tham tang trái phép, lẽ ra phải trị nặng. Nhưng, ta nghĩ Điển năm xưa đánh giặc cũng có chút khó nhọc, vậy gia ơn miễn tội đồ, phát đi hiệu lực ở đài Trấn Hải. Gia sản đáng giá hơn 8.600 quan tiền, lấy một nửa sung công, còn một nửa trả lại để nuôi tuổi già”.

Một viên quan xuất thân khoa bảng là Án sát Hưng Yên, năm 1834 bị tố cáo ăn hối lộ, cũng bị cách chức. Vụ này, sử triều Nguyễn ghi nguyên là do Nguyễn Trữ nhẹ dạ nghe những kẻ lại dịch, bỏ bớt lời cung của một tội phạm. Việc này bị quyền lĩnh Tuần phủ Hưng Yên là Phan Bá Đạt nêu lên để tham hặc. Khi án dâng lên, vua giao Bộ Hình xét án. Bộ Hình tâu nên khép vào tội đồ. Vua thấy không có tang chứng ăn hối lộ, đặc cách cho đổi làm tội đánh 100 trượng, cách chức, phát vãng đi Cao Bằng làm lính, hiệu lực chuộc tội.

Khi đó, có viên Thị lang Nội các là Thân Văn Quyền tâu trước mặt vua rằng: “Trữ là tiến sĩ xuất thân, nhân tài đáng tiếc, xin cho giảm tội xuống bậc thấp nhất”. Vua nổi giận, định chém Quyền, sau sai xiềng lại giam vào ngục, rồi xuống dụ rằng: “Nguyễn Trữ theo đường khoa cử ra làm quan, mà lại cả nghe bọn nha lại mọt dân, ăn hối lộ, tha giặc cướp để lụy cho dân thường. Trữ được cách chức làm lính, đã là được hưởng ân điển khoan hồng rồi. Nay Thân Văn Quyền lại dám ở nơi đền bệ tôn nghiêm, đài ngự sử la liệt, nói bừa những giọng ngu tối ngông cuồng, nhằm cầu ơn, chuốc huệ, làm người ta rất đỗi căm giận! Nguyễn Trữ buông tha giặc, làm hại dân, có gì đáng tiếc? Chẳng lẽ hễ tiến sĩ phạm tội thì đừng xét hay sao?”.

Lê Tiên Long
.
.