Voi chiến  ở Ấn Độ thời cổ đại

Thứ Sáu, 01/03/2024, 08:52

Thời cổ và trung đại (3.000 trước Công nguyên (TCN) đến 1.900 CN), voi chiến đã có một vai trò quan trọng trong nhiều trận đánh lớn trên thế giới, đặc biệt là ở Ấn Độ. Đây là đất nước có nhiều loài voi bản địa mang tên “voi Ấn Độ”, từ đó nghề săn voi, thuần dưỡng voi xuất hiện rất sớm, khoảng 2000 TCN. Ấn Độ là nước đầu tiên trên thế giới dùng voi chiến từ thế kỷ 10 TCN.

Tục săn bắt và huấn luyện voi

Để tiết kiệm thời gian và công của, người Ấn không săn bắt, thuần dưỡng rồi huấn luyện voi nhà mà chú trọng đi bắt voi rừng đã trưởng thành (từ 20 tuổi trở lên), chủ yếu là voi đực có dáng cao, ngà lớn, tính hung hãn để huấn luyện ngay chúng thành voi chiến. Voi thiện chiến nhất là ở tuổi 40.

Người Ấn có nhiều cách săn bắt voi, trong đó một cách là dùng voi cái bẫy voi đực. Họ đào một cái rãnh hình tròn rộng khoảng 1m, sâu khoảng 0,7m quanh một khoảnh đất, bắc qua rãnh một cái cầu phủ đầy đất và lá cây đủ chắc chắn để voi đi qua. Giữa khoảnh đất đó để một hay vài con voi cái đã được huấn luyện bài bản và được uống một loại cây thuốc đặc biệt. Tiếng kêu và hương vị đặc biệt của voi cái sẽ thu hút voi đực tìm đến khi đêm xuống. Khi voi đực gặp voi cái, người ta dỡ cây cầu, voi đực bị giam và bỏ đói ở đó cho đến khi mệt lả. Cuối cùng, chiếc cầu đã được bắc lại, voi đực bị buộc dây vào cổ và theo voi cái đi về trại...

Voi chiến  ở Ấn Độ thời cổ đại -0
Voi chiến Ấn Độ trong một trận chiến.

Để duy trì số lượng voi chiến cần thiết, triều đình lập các đội quân bảo vệ các khu rừng có nhiều voi, ngăn chặn việc giết voi ăn thịt, lấy ngà của dân, đồng thời tạo điều kiện cho họ săn bắt voi cho triều đình.

Tại một số nơi, các khu rừng có voi thuộc về nhà vua. Việc săn bắt, huấn luyện voi chiến là độc quyền của hoàng gia. Điều khiển voi chiến là một trong những kỹ năng quan trọng nhất được dạy ở các trường quân sự. Vua và các hoàng tử cũng được huấn luyện bài bản kỹ năng đó.

Người huấn luyện voi trước hết phải làm cho voi quen dần với việc bị điều khiển bằng gậy tre, mũi tên, câu liêm. Những con bướng bỉnh bị trừng phạt bằng cách bị bỏ đói hay đánh đập, sau đó được dạy cách làm theo mệnh lệnh của chủ với sự giúp đỡ của các con voi chiến đã thành thục.

Mặt khác, phần quan trọng nhất của việc huấn luyện voi chiến là tạo ra mối quan hệ tin tưởng lẫn nhau giữa nài voi và voi. Nài voi là người có thể bảo ban được voi, và khi voi biết người điều khiển chúng bị giết, chúng có thể giận dữ phát điên. Voi cần cảm thấy phải nghe lời người và có tính đồng đội với các con voi khác. Cuối cùng, quản tượng chỉ dùng lời nói để ra lệnh cho voi.

Tiếp đó voi được huấn luyện cách di chuyển theo đội hình, cách tấn công quân địch bằng  dùng chân dẫm lên người địch, dùng ngà phanh thây địch, dùng vòi tóm người hay ngựa địch, thậm chí dùng vòi tung lao về phía địch.

Do tầm quan trọng  của voi chiến, những người huấn luyện và điều khiển voi giỏi có địa vị và uy tín cao trong xã hội Ấn Độ.

Đội quân voi chiến

Ở Ấn Độ cổ đại, ban đầu một đội quân gồm 4 binh chủng: bộ binh, kỵ binh, tượng binh và xa binh, sau xa binh bị bãi bỏ, chỉ còn 3 binh chủng đầu, trong đó tượng binh có vị trí số 1. Tượng binh bao gồm cả voi dùng để tham chiến và voi dùng để vận tải quân lương, vũ khí. Ngoài tham chiến trực tiếp, voi chiến còn được dùng trong việc mở đường hành quân, che chắn đội hình, phá tan thành lũy quân địch.

Các vị vua Ấn xưa rất coi trọng voi chiến, có vị còn nói một đội quân không voi chiến chẳng khác gì một khu rừng không có voi, một đất nước không vua, một đội quân dũng cảm không có vũ khí.

Một vị vua đặt tên cho con voi chiến yêu thích của mình là “Chúa tể của loài voi”, coi nó là trái tim bên ngoài của mình, là tinh lực thoát ra từ cơ thể mình, là chiến hữu của mình và là con vật kiếp sau của mình. Một học giả coi voi chiến là một pháo đài di động, so sánh màu da đen và sức mạnh của voi với một thành lũy thép.

Thực tế, từ thế kỷ 6 TCN, tất cả các vị vua Ấn đều có một đội voi chiến để thực hiện các chiến dịch quân sự của họ. Số lượng voi chiến của một vị vua làm tăng uy tín của ông ta và khiến các kẻ thù kinh sợ và thần phục.

Tương truyền, vua Chandragupta Maurya (321-297 TCN) người sáng lập đế quốc Maurya lớn nhất ở Nam Á thời cổ đại, vào lúc cường thịnh nhất có trong tay một đội quân gồm 600.000 bộ binh, 30.000 kỵ binh, 8.000 xa binh và 9.000 tượng binh. Đế quốc này đạt tới thời hoàng kim dưới thời vua Ashoka, người luôn dùng voi trong các cuộc chinh chiến. Đội quân của đế quốc Pala (750 - 1161) nổi tiếng vì có nhiều đoàn voi chiến, nhiều nhất tới 50.000 con.  Một vị vua thế kỷ 12 cho rằng, các tướng lĩnh phải giỏi cả cưỡi ngựa lẫn cưỡi voi.

Trên chiến trường, voi chiến được bố trí thành một hàng hay một khối cùng đội hình chung do tướng chỉ huy quyết định. Các tướng lĩnh thường cưỡi voi để có tầm nhìn bao quát chiến trường.

Vai trò chính của voi chiến

Vai trò chính của voi chiến là xông thẳng vào và phá vỡ đội hình địch, dẫm đạp quân địch, xua đuổi ngựa địch, dẫm nát xe địch, tạo ra sự rối loạn, kinh hãi cho địch. Voi chiến có sức công phá lớn khi chúng xuất hiện bất ngờ hoặc trước các đội quân không có voi chiến.

Khi ra trận, voi chiến được trang bị áo giáp, vải choàng, chuông. Trên lưng voi có thể có từ 3-7 chiến binh đứng. Nếu có 3 thì cả 3 đều mang cung tên, 2 người bắn phía trước và 1 người bắn từ phía sau; nếu có  7 thì 2  mang câu liêm, 2 mang cung tên, 2 mang kiếm và 1 mang lao và cờ hiệu. Các chiến binh đứng trong một chiếc thùng gỗ lớn trên lưng voi.

Thực tế, voi không phải là một sát thủ bẩm sinh. Vì thế voi chiến cần được kích thích bằng cách uống rượu gạo hòa với hạt tiêu và ma túy. Vòi của chúng còn được quết màu đỏ từ nước ép quả dâu chín để chúng tưởng là máu khiến chúng trở nên hiếu chiến hơn. Đôi khi, cổ chúng được đeo một cái chuông lớn để tiếng chuông vang lên kích động chúng khi chạy.

Triều Chalukya (thế kỷ 6-12) nổi tiếng với việc dùng voi chiến say rượu do các chiến binh cũng say rượu điều khiển nhằm tận dụng bản năng hung dữ của voi trong việc tấn công ồ ạt gây hoảng loạn và tàn sát bộ binh đối phương.

Voi chiến cũng được coi là một dạng chiến lợi phẩm quí giá. Một số nước còn dùng voi chiến làm quà tặng hay vật bồi thường để cầu hòa hay chấm dứt chiến tranh.

Nhược điểm của voi chiến

Dù đã được huấn luyện, voi chiến vẫn không thể kiểm soát được khi chúng bị thương nặng hay bị chọc tức. Khi đó, chúng gây hại hơn là làm lợi. Chúng có thể quay sang dẫm đạp quân mình, chạy lung tung, thậm chí đưa tướng chỉ huy ra khỏi chiến trường khiến quân sĩ tưởng tướng bỏ chạy liền tháo chạy theo.

Một ví dụ điển hình là trong trận chiến Hydaspes năm 326 TCN giữa quân Ấn do vua Piros chỉ huy với quân Macedoan do Alexander Đại Đế chỉ huy, vua Piros đã điều 200 voi chiến lên tuyến đầu phía trước để che chắn cho quân bộ. Nhà vua ngồi trên con voi to lớn nhất để chỉ huy. Nhưng Alexander Đại Đế lại tập trung quân đánh mạnh vào các binh chủng hai mạn sườn. Khi bộ binh, kỵ binh, xa binh dần tan tác, các con voi chiến bị thương nổi cơn dẫm đạp bất cứ người nào chúng thấy, phần lớn lại là quân Ấn. Cuối cùng, vua Piros cũng bị thương và bị bắt cùng con voi của mình.

Một khi voi quay sang tàn sát quân mình, quản tượng phải dùng dùi hay kiếm chặt đứt tủy sống trên đầu voi để voi chết nhanh nhất.

Thực tế, khi ngồi cao trên lưng voi, vua hay tướng chỉ huy cũng dễ bị quân địch nhắm tới. Việc họ bị giết hay bị rơi khỏi mình voi sẽ tạo ra sự hoảng loạn trong quân và làm thế trận đảo ngược.

Tại Ấn Độ, trong suốt thời cổ đại cho đến thời trung đại, việc quá chú trọng voi chiến đã dẫn đến tình trạng phụ thuộc nặng nề vào loài vật 4 chân khổng lồ này. Đến thế kỷ 17-18, voi chiến Ấn đã trở nên bất lực trước bộ binh và pháo binh châu Âu. Vai trò của voi chiến dần giảm sút khi vai trò của quân cưỡi ngựa bắn cung, bắn súng, pháo binh tăng lên. Từ năm 1800, người Ấn không dùng voi chiến nữa.

Tạ Đức
.
.