Vị “trưởng bối” bất tử của Hồng quân

Thứ Năm, 17/11/2022, 10:49

Tên ông không có trong danh sách các nguyên soái xuyên suốt chiều dài lịch sử của Hồng quân Liên Xô. Thế nhưng, danh tiếng cũng như tầm ảnh hưởng của  Mikhail Vasilyevich Frunze lại không hề thua kém bất cứ nhà tư tưởng quân sự kiệt xuất nào, trong cả quân sử Liên Xô nói chung lẫn quân sử nước Nga nói riêng.

Ông thực sự là một trong những “người anh cả của Hồng quân”, một “cây cột chống trời” trong những thời khắc quan trọng nhất, bảo vệ thành quả Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại giữa bốn bề bão táp.

Giữa muôn trùng vây

Tròn 105 năm trước, ngay sau “Mười ngày rung chuyển thế giới”, nước Nga Xôviết non trẻ lập tức rơi vào một tình thế thù trong giặc ngoài cực kỳ khó khăn.

Vị “trưởng bối” bất tử của Hồng quân -0
Bậc “khai quốc công thần” với những cống hiến tận tụy từ trước Cách mạng Tháng 10 vĩ đại.

Chính phủ Nga - do lãnh tụ vĩ đại Vladimir Ilich Lenin lãnh đạo - ban hành “Sắc lệnh về hòa bình” song song với việc ký hòa ước Brest-Litovsk cùng những kẻ thù thuộc khối Liên minh Trung tâm (có nghĩa là đưa nước Nga Xôviết rút khỏi Đệ nhất Thế chiến đang diễn ra). Và do đó, các cường quốc khối Entente (Đồng minh) đồng loạt đưa quân vào lãnh thổ nước Nga, chính thức tiến hành các hoạt động can thiệp quân sự, nhằm “bóp nát” chính quyền Bolshevik, đưa nước Nga trở lại cuộc chiến nếu có thể, hay chí ít là bảo vệ (hoặc khuếch trương thêm) các lợi ích cốt lõi của mình trên những miền đất mênh mông của Đế quốc Nga Sa hoàng vừa sụp đổ.

Cùng lúc, lực lượng Bạch vệ - khái niệm dùng để chỉ chung những nhóm vũ trang bảo hoàng hoặc chống Bolshevik – cũng tập hợp lực lượng, liên kết chặt chẽ với các thế lực nước ngoài, tiến đánh chính quyền Xôviết từ mọi phía.

Trong số đó, có thực lực và thanh thế hùng hậu nhất, phải kể tới cánh quân Bạch vệ của Đô đốc Aleksandr Vasiliyevich Kolchak. Đến tháng 3/1919, phạm vi lãnh thổ mà Kolchak nắm quyền kiểm soát lên tới 300.000 km2, kéo dài từ Kazan đến tận dãy Urals và miền Siberia, với khoảng 7 triệu dân.

Giai đoạn mà quân đội của Kolchak tiến lên như sóng trào, Mikhail Frunze bắt đầu chứng tỏ được khả năng quân sự, khi tổ chức đội Cận Vệ Đỏ quân số 2.000 người bảo vệ Moskva. Đến tháng 1/1919, theo trang Russiapedia, ông được bổ nhiệm làm Tư lệnh Tập đoàn quân số 4 thuộc Phương diện quân phía Đông của Hồng quân.

Tháng 3/1919, ông lại được điều chuyển làm Tư lệnh Tập đoàn quân phía Nam thuộc Phương diện quân phía Đông, trực tiếp chỉ huy các cuộc phản kích vào thế trận quân Kolchak. Với tài thao lược của Frunze, tình thế nhanh chóng thay đổi, và Kolchak bị đánh bại, phải rút lui khỏi “bản doanh” Omsk. Nhờ chiến công này, Frunze được tin tưởng giao nhiệm vụ chỉ huy toàn bộ mặt trận phía Đông. Tháng 7/1919, ông tiếp tục giải phóng miền Bắc và miền Trung dãy Urals, truy quét tàn quân Bạch vệ ra tận Trung Á.

Vị “trưởng bối” bất tử của Hồng quân -0
Tượng đài Mikhail Frunze.

Thừa thắng ruổi dài, tháng 11/1920, đội quân của Frunze tiếp tục đánh bật một tướng soái Bạch vệ cao cấp khác là Wrangel khỏi lãnh thổ nước Nga, giành lại bán đảo Crimea. Ngay sau đó, ông tiêu diệt hai lực lượng cát cứ của N.I.Makhno và S.V.Petliura, củng cố chính quyền Xôviết tại Ukraine.

Ngày cuộc chiến đấu bảo vệ thành quả Cách Mạng Tháng Mười vĩ đại ấy khép lại bằng chiến thắng oanh liệt dành cho Hồng quân công nông sau những quãng thời gian “nghìn cân treo sợi tóc”, Mikhail Frunze nổi lên như một vị “khai quốc công thần”, một trong những nhà chỉ huy quân sự ưu tú nhất.

Song, tên ông không có trong danh sách “phong soái” của Hồng quân. Đơn giản là bởi: 10 năm trước ngày quân hàm cao quý đó lần đầu xuất hiện, để gắn lên cầu vai của những người đồng đội lừng lẫy như K.Y.Voroshilov, S.M.Budiony hay M.I.Toukhachevsky… thì Frunze đã ra đi, khi mới tròn 40 tuổi, sau một cuộc phẫu thuật thất bại (31/10/1925).

“Vì đây là nhiệm vụ”

Như điều được kể lại sau này trong cuốn “Vinh quang và bi kịch: Stalin – một chân dung chính trị”, dù bị mắc chứng loét dạ dày mãn tính, Frunze vẫn không định phẫu thuật mà tỏ ra ưa thích các liệu pháp điều trị truyền thống. Song, hai nhà lãnh đạo cao cấp là Stalin và Mikoyan đều đích thân tới thăm, đồng thời yêu cầu Frunze lên bàn mổ.

Do đó, Frunze viết thư cho vợ: “Hiện giờ anh cảm thấy hoàn toàn khỏe mạnh, và chuyện nghĩ đến một cuộc phẫu thuật thật sự là buồn cười. Tuy nhiên, đại diện của Ðảng đã đến, và đã giao cho anh nhiệm vụ (là phải mổ)”. Ông chấp hành nhiệm vụ, như đã từng chấp hành rất nhiều nhiệm vụ mà Ðảng Cộng sản Liên Xô giao phó cho mình, trong suốt cả cuộc đời hoạt động. Nhưng, đó cũng chính là nhiệm vụ cuối cùng của ông.

Frunze sinh ra ở một thị trấn nhỏ miền nam đế quốc Nga sa hoàng, nay thuộc Kyrgystan, trong một gia đình trung lưu. Ông được học hành tử tế, và đã đến tận Saint Petersburg để theo học đại học, năm 1904. Ở đó, tiếp cận với những luồng tư tưởng mới, ông gia nhập đảng Công nhân Xã hội Dân chủ Nga. Khi nội bộ đảng phân chia thành hai phái Bolsevik và Melsevik, Frunze lựa chọn đi theo V.I.Lenin.

Vị “trưởng bối” bất tử của Hồng quân -0
Nhà tư tưởng quân sự ưu tú.

Năm 1905, Frunze tổ chức những cuộc đình công lớn của công nhân dệt ở Shuya và Ivanovo. Cách mạng bị đàn áp, Frunze bị bắt năm 1907, bị kết án tử hình, nhưng giảm xuống khổ sai chung thân, bị đày đến Siberia – điều giúp ông sau này rất nhiều trong cuộc chiến đấu với Kolchak. Sau 10 năm, ông vượt ngục thành công.

Cách mạng Tháng Hai 1917, Frunze lãnh đạo lực lượng vũ trang nhân dân tại Minsk, đồng thời nhận cương vị Chủ tịch Xôviết tại Belarus. Sau đó, ông tới Moskva, tham gia lãnh đạo nhân dân giành quyền kiểm soát thành phố, góp phần tạo điều kiện để cuộc Cách mạng Tháng Mười rung chuyển thế giới được diễn ra với cơ hội thành công lớn nhất. Khi những phát pháo hiệu được bắn ra từ chiến hạm Rạng Ðông, bên bờ sông Neva, Frunze chính là một trong những nhà lãnh đạo chủ chốt của cách mạng. Ðể rồi, ông lại gấp rút sang Ukraine, xây dựng Hồng quân tại đây, nhằm chống lại cả âm mưu thôn tính của các nước láng giềng phía tây, các nhóm Bạch vệ lẫn các phần tử dân tộc ly khai cực đoan.

Có thể nói, binh nghiệp, với Frunze, cũng chỉ là một nhiệm vụ, như bất cứ nhiệm vụ nào mà ông được giao phó. Ông khẳng định: “Hồng quân được tạo ra bởi liên minh công nông, và được lãnh đạo bởi ý chí của giai cấp lao động. Ý chí đó phải được thực thi bởi một Ðảng Cộng sản thống nhất”. Đây chính là quan điểm xuyên suốt mà ông dành gần như cả cuộc đời để cống hiến và phụng sự. Sau này, điều đó Frunze phát triển và cụ thể hóa vào lĩnh vực quân sự, thành “Học thuyết quân sự thống nhất” dành cho Hồng quân, với tôn chỉ: “Tất cả những gì chúng ta làm đều phải phù hợp với lý tưởng cách mạng!”.

Frunze, thực tế, không chỉ là một “tướng quân” mà còn là một nhà chính trị. Ông được đánh giá là rất có tầm nhìn, rất linh hoạt về các chính sách cũng như phương thức thi hành các chính sách; bên cạnh sự quả cảm và khôn ngoan trên chiến trường. Và đôi khi, thí dụ như trong chiến dịch Trung Á, sự “uyển chuyển” của ông đối với những lực lượng đối địch (vốn mang những tính chất đặc thù) cũng khiến các nhà lãnh đạo cấp trên của ông đặt ra những lời chất vấn.

Song, cuối cùng, vượt qua tất cả, lòng trung thành cũng như khí chất kiên trung của người chiến sĩ cách mạng lão thành ấy vẫn được tôn vinh, trường tồn và bất diệt. Tên ông – Mikhail Frunze – vẫn còn in trên bia tưởng niệm ở tường Điện Kremlin. Cái tên ấy được đặt cho một trong những học viện quân sự nổi tiếng nhất của Hồng quân Liên Xô, và từng là tên của một thành phố, của không ít viện bảo tàng, của những ga tàu điện ngầm, những con phố… trên khắp Liên bang Xôviết. 

*Trang nghiên cứu Britanica của phương Tây đánh giá: “Frunze khẳng định: Hình thức thành lập quân đội của Liên Xô phải xuất phát trực tiếp từ tính cách mạng và tính giai cấp của nhà nước Xôviết. Ông đã giúp đặt nền tảng cho một bộ máy quân sự Liên Xô thời bình lâu dài và hiệu quả, bằng cách giới thiệu nghĩa vụ quân sự bắt buộc trong thời bình, cũng như bằng cách tiêu chuẩn hóa các đội hình, diễn tập và quân phục của quân đội….”.

* Với những “quân công” hiển hách trong cuộc chiến đấu chống quân Bạch vệ, không có gì ngạc nhiên khi Frunze trở thành thành viên Ban Chấp hành Trung ương Ðảng Bolsevik (Ðảng Cộng sản Liên Xô sau này) từ năm 1921. Ba năm sau, ông trở thành thành viên Bộ Chính trị, rồi Chủ tịch Hội đồng Quân sự Cách mạng (chức danh tương đương Bộ trưởng Quốc phòng hiện tại). Nếu không ra đi bất ngờ như thế, tên tuổi Frunze có lẽ sẽ còn gắn liền với những vị trí quan trọng hơn nữa.

Đông Thư
.
.