Vì sao Trung Quốc làm được những điều… không tưởng?

Thứ Tư, 15/05/2024, 15:06

Theo Cục Bảo vệ môi trường Bắc Kinh, hơn 10 năm trước, Bắc Kinh là một trong những thành phố “ô nhiễm nhất thế giới”. Để xóa bỏ ngôi vị này, từ 2013-2017, Bắc Kinh đã chi khoảng 161,5 tỷ USD để cải tạo môi trường - một con số không tưởng, bằng GDP hằng năm của những quốc gia trung bình. Nhờ vậy, bầu trời Bắc Kinh đã xanh trong trở lại, các chỉ số an toàn môi trường được bảo đảm. Không chỉ “hồi sinh” thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc còn thực hiện được nhiều dự án... không tưởng.

Vượt qua "ngày tận thế" ô nhiễm

2013 là năm xảy ra "ngày tận thế không khí" ở Bắc Kinh, khi tỷ lệ bụi mịn PM2.5 cao gấp 90 lần khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới. Thành phố thường xuyên bị phủ một lớp khói mù xám xịt, tạo không khí khó thở và độc hại. Khi Olympic mùa hè 2008 chuẩn bị diễn ra tại Bắc Kinh, các công trình xây dựng và nhà máy phát thải mạnh đã phải tạm dừng hoạt động, hàng triệu ô tô bị cấm lưu thông.

Chủ tịch Ủy ban Olympic quốc tế Jacques Rogge cho biết một số môn thi đấu có thể bị hoãn trước tình trạng môi trường ô nhiễm quá mức tại Bắc Kinh. Tuy rằng, mọi việc vẫn diễn ra trôi chảy và thế giới ấn tượng trước màn khai mạc hoành tráng của đạo diễn Trương Nghệ Mưu tại sân vận động Tổ chim nhưng chính quyền Bắc Kinh sau đó không ngồi yên, họ đã nỗ lực cùng sự hỗ trợ của chính quyền trung ương kéo giảm các chỉ số ô nhiễm.

anh 1.jpeg -0
Bầu trời Bắc Kinh dần trong xanh trở lại. Ảnh: Chinadaily.

Một trong những biện pháp hiệu quả là thay hệ thống sưởi than bằng năng lượng sạch, hệ thống này gây nhiều bụi mịn, thậm chí có thể thấy một lớp muội than bám trên thành cửa sổ vào mùa đông; Bắc Kinh cùng chính quyền 12 tỉnh, thành xung quanh trồng hàng chục tỷ cây xanh nhằm xây dựng “Vạn lý trường thành xanh” ngăn màn bụi từ những cơn bão cát tại sa mạc Gobi.

Đến nay, một thập niên sau “ngày tận thế” ô nhiễm, Bắc Kinh đã giành được thành quả lớn tuy chặng đường phía trước còn dài, mức PM2.5 vẫn còn cao hơn các thành phố phát triển trên thế giới. Nghiên cứu năm 2023 của Viện Chính sách năng lượng (EPIC) thuộc Đại học Chicago (Mỹ) cho thấy nhờ kéo giảm đáng kể nồng độ PM2.5, tuổi thọ của người dân Bắc Kinh có thể tăng thêm 4,6 năm.

Giảm gánh nặng học tập

Cũng giống như nhiều quốc gia, “học thêm” là một vấn nạn đeo bám nhiều thế hệ học trò đất nước 1,4 tỉ dân. Theo số liệu của Hiệp hội Giáo dục Trung Quốc, năm 2016, hơn 75% học sinh từ 6-18 tuổi ở nước này phải học thêm ngoài giờ học chính khóa và tỷ lệ này ngày càng tăng cao. Việc này tạo nên làn sóng ganh đua học tập với phí tổn khổng lồ cả về tiền bạc, thời gian và công sức đối với học sinh cũng như toàn xã hội; gây ra tình trạng cạnh tranh không công bằng trong giáo dục, nhiều gia đình nghèo phải vật lộn chi trả học phí. Sức ép học tập lớn cùng thời gian hạn hẹp khiến nhiều học sinh không còn thời gian dành cho thể thao, tập đàn, chơi cờ và các môn văn hóa, nghệ thuật khác.

Năm 2018, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đã chỉ trích việc dạy thêm "làm tăng gánh nặng tài chính lên học sinh và các gia đình", "phá vỡ trật tự giáo dục thông thường". Theo ông, "một ngành đòi hỏi sự tận tâm không thể bị biến thành ngành tìm kiếm lợi nhuận". Tháng 7/2021, Chính phủ Trung Quốc ban hành lệnh cấm dạy thêm vì mục đích lợi nhuận.

Theo lệnh này, nhiều lớp học vào những ngày cuối tuần và ngày nghỉ bị cấm; các công ty giáo dục bị cấm mở trung tâm mới và từ đầu năm 2022, tất cả hoạt động dạy thêm vì lợi nhuận sẽ bị cấm. Tháng 9 cùng năm, Trung Quốc bổ sung thông báo cấm gia sư tư nhân dạy học trực tuyến hoặc tại các địa điểm không đăng ký như nhà dân, khách sạn hay quán cà phê… Cuộc “trấn áp ngành dạy thêm” này được gọi là chiến dịch “Shuang Jian” (Giảm kép) - giảm bài tập về nhà và giảm dạy thêm, học thêm.

Lệnh cấm ngay lập tức gây ra sự thay đổi trên diện rộng. Trước đó, ngành dạy thêm ở Trung Quốc ước tính đạt trị giá 2.000 tỉ nhân dân tệ (hơn 7 triệu tỉ VNĐ) thu hút khoảng 10 triệu người, từ giảng dạy cho đến phục vụ. Các doanh nghiệp dạy thêm đồng loạt đóng cửa, giáo viên mất việc hàng loạt chỉ trong thời gian ngắn, gây ra tổn thất nhất thời khi các phụ huynh mất hàng tỉ nhân dân tệ vì không được hoàn lại tiền học phí đóng trước. Chính phủ Trung Quốc ra lệnh tất cả công ty dạy thêm thoát khỏi ngành này hoặc chuyển đổi sang công ty phi lợi nhuận trước cuối năm.

Tuy đa số ủng hộ nhưng không ít phụ huynh muốn con cái tiếp tục học thêm để cạnh tranh trong các kỳ thi quan trọng, từ đó hình thành thị trường “học chui” với quy mô nhỏ hơn nhiều. Cuối năm 2023, Bộ Giáo dục Trung Quốc tiếp tục ban hành văn bản mới có tên “Biện pháp tạm thời xử phạt hành chính đối với các hoạt động đào tạo ngoài nhà trường”, nhấn mạnh việc xử phạt nặng các tổ chức, cá nhân tiến hành đào tạo ngoài nhà trường trái quy định.

Siết thời gian chơi game của giới trẻ

Game là ngành công nghiệp giải trí khổng lồ tại Trung Quốc nhưng cũng đem lại hệ lụy khi làm nảy sinh căn bệnh mới của thời hiện đại, đó là chứng nghiện game. Tuy Trung Quốc có nhiều phòng khám kết hợp trị liệu cho người trẻ nghiện game nhưng tình trạng này không dứt được, kèm theo đó là tỷ lệ cận thị gia tăng. Bản thân Tencent, nhà phát hành games hàng đầu Trung Quốc và thế giới, cũng phải thông báo sẽ giới hạn thời gian đối với trẻ em chơi game di động “Honor of Kings”, sau khi nhận nhiều phản hồi tiêu cực từ giáo viên và phụ huynh.

Trung Quốc đã xem xét các biện pháp hạn chế trẻ em chơi game, tạm ngừng phê duyệt các tựa game mới trong vòng 9 tháng, thông qua luật giới hạn trẻ vị thành niên chơi game, chỉ còn 1,5 tiếng trong tuần và 3 tiếng vào cuối tuần, không được chơi trong khoảng từ 10 giờ tối đến 8 giờ sáng. Luật cũng giới hạn số tiền trẻ vị thành niên có thể bỏ ra để mua vật phẩm ảo trong game, chỉ có thể dao động từ 28-57 USD, tùy thuộc độ tuổi và buộc các công ty phát hành games phải thiết lập hệ thống xác định trẻ vị thành niên.

Cục Quản lý báo chí và xuất bản quốc gia tăng cường tần suất và cường độ tuần tra, nhằm đảm bảo thực hiện đúng theo giới hạn thời gian đã đặt ra. Cơ quan quản lý cũng tăng mức hình phạt đối với các công ty trò chơi vi phạm quy định. Đây là những biện pháp quyết liệt, gây “đau đớn” cho các nhà phát triển game tại quốc gia tỷ dân này. Cổ phiếu niêm yết tại thị trường chứng khoán Hong Kong của các nhà phát triển games Tencent và Baidu lập tức sụt giảm mạnh.

Năm 2022, Hiệp hội ngành công nghiệp Trò chơi điện tử của Trung Quốc khẳng định đã đạt được thành công ban đầu trong nhiệm vụ giảm chứng nghiện game ở trẻ em. Hơn 75% người chơi dưới 18 tuổi bị hạn chế thời gian chơi dưới 3 tiếng mỗi tuần; hơn 85% phụ huynh được khảo sát đồng ý với quy định hạn chế chơi game, theo báo cáo của Hiệp hội Xuất bản kỹ thuật số và âm thanh hình ảnh. Kèm theo kết quả đó là tổng doanh thu của thị trường game Trung Quốc sụt giảm 19,1%. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn là thị trường game lớn nhất thế giới.

“Phong sát”, thanh lọc nghệ sĩ

Nghệ sĩ vi phạm đạo đức, pháp luật sẽ bị cấm phát ngôn tạm thời trên mạng xã hội, nếu nặng sẽ bị cấm sóng vĩnh viễn, không được quay trở lại giới nghệ thuật như Trịnh Sảng, Triệu Vy, Đặng Luân... Không chỉ vậy, nghệ sĩ phải có trách nhiệm quản lý hoạt động của người hâm mộ, không được để xảy ra tình trạng fans quá khích gây ồn ào trên mạng xã hội.

anh 2.jpg -0
Thái Từ Khôn, Lộc Hàm là những nghệ sĩ nam có phong cách phi giới tính. Ảnh: Weibo.

Tháng 3/2022, Cơ quan quản lý Internet Trung Quốc (CAC) đã công bố lệnh "cấm toàn diện nghệ sĩ từng có scandal quay trở lại hoạt động nghệ thuật", những tài khoản mạng xã hội từng bị khóa hoặc xóa sẽ không được phép tái hoạt động khiến những người nổi tiếng từng bị "phong sát" hoàn toàn không còn cơ hội xuất hiện. Trung Quốc còn tăng cường kiểm soát không gian mạng đối với người hâm mộ trực tuyến để loại bỏ các tác động tiêu cực của văn hóa thần tượng. Các blogger hay hội, nhóm fans cuồng đều bị quản lý gắt gao, thậm chí bị xóa sổ nếu vi phạm quy định.

Làn sóng thanh lọc, chấn chỉnh Cbiz không chỉ đến từ cơ quan chức năng mà từ chính công chúng. Nhiều ngôi sao showbiz chịu sự tẩy chay, ghẻ lạnh của người hâm mộ, bị xóa tên khỏi các dự án phim từng tham gia, tước hết các giải thưởng, sự quay lưng của các nhãn hàng, mất cả sự nghiệp và đam mê bởi những bê bối đời tư, lối sống không lành mạnh.

Tổng cục Phát thanh và Truyền hình Trung Quốc (NRTA) đã tăng cường quản lý, chấn chỉnh những nội dung thiếu lành mạnh trong giới giải trí Trung Quốc; quyết chấm dứt những nội dung có tính chất "quái dị" về thị hiếu, như phong cách trang điểm đậm, ẻo lả, yểu điệu của các nam nghệ sĩ trên truyền hình do lo ngại sự phát triển mạnh mẽ của dòng phim “đam mỹ” hiện nay có thể tạo nên cuộc khủng hoảng nam tính xảy đến với thế hệ sau.

Đặng Giang
.
.