Về bản chính Tuyên ngôn Độc lập
Bản Tuyên ngôn Độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc ngày 2/9/1945 tại Quảng trường Ba Đình là áng văn lập quốc vĩ đại, là văn kiện có giá trị cao về tư tưởng, lý luận của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tuyên ngôn trước toàn thế giới về kỷ nguyên độc lập của dân tộc Việt Nam, đồng thời thể hiện rõ thiện chí hòa bình và quyết tâm sắt đá của nhân dân ta quyết bảo vệ nền độc lập mới giành lại được sau hơn 80 năm phải sống dưới ách cai trị của thực dân xâm lược...
Nhưng, đến nay, hơn 70 năm trôi qua, chúng ta vẫn chưa tìm thấy bản gốc (bản thảo) bản Tuyên ngôn Độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc ngày 2/9/1945. Những văn bản Tuyên ngôn Độc lập được in đi, in lại nhiều lần trong sách, báo, tài liệu, hiện vật... đều có những điểm khác nhau, dù ít dù nhiều, và vì chưa tìm thấy được bản gốc nên chưa có căn cứ để đối chiếu, đi đến sự thống nhất.
Căn cứ 14 bản in đã tìm thấy những điểm khác nhau
Tạp chí Cộng sản số 9 năm 1990 có đăng bài “Tìm lại bản chính Tuyên ngôn Độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc ngày 2/9/1945” của tác giả Nguyễn Thành, nguyên Phó Giám đốc Bảo tàng Cách mạng Việt Nam, nay đã quá cố. Bài viết này sau đó được in lại trong cuốn sách “Về lịch sử văn hóa và bảo tàng” do Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia ấn hành, năm 2004. Trong bài viết của mình, tác giả Nguyễn Thành nhấn mạnh: “Một văn kiện lịch sử quan trọng như vậy, hầu như ai cũng đọc, cũng nghe, các trường phổ thông đều học, mà đặt vấn đề “Tìm lại bản chính Tuyên ngôn Độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc ngày 2/9/1945” thì kể cũng lạ. Phải chăng, văn bản in trong nhiều cuốn sách được in đi in lại nhiều lần, kể cả trong “Tuyển tập” và “Toàn tập Hồ Chí Minh”, đều không phải là bản chính? Xin trả lời: Đúng như vậy!”.
Khi đọc đến đoạn trên, tôi cũng cảm thấy lạ và tự hỏi vì sao lại có chuyện như vậy nhất là đối với một văn kiện lịch sử có giá trị là bảo vật quốc gia như Bản Tuyên ngôn Độc lập? Càng tìm hiễu kỹ hơn thì thấy rằng, bản gốc hay còn gọi là bản thảo Bản Tuyên ngôn Độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc trước quốc dân đồng bào ngày 2/9/1945, đến nay vẫn chưa được tìm thấy mặc dù “biết bao thế hệ cán bộ Bảo tàng Hồ Chí Minh đã dày công tìm kiếm, biết bao giả thiết được đặt ra, nhưng đến nay vẫn chưa có lời giải tin cậy”.
Theo tác giả Nguyễn Thành, sở dĩ có những điểm khác của những bản đã in là vì “chúng ta sửa nhiều lần quá. Càng sửa nhiều lần thì số điểm sửa chữa càng tăng lên và càng xa với bản chính”. Từ thực tế đó, ông đề nghị khôi phục lại bản chính Tuyên ngôn Độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc ngày 2/9/1945. Việc làm này có giá trị nhiều mặt, nó làm cơ sở tin cậy nghiên cứu lịch sử, chính trị, văn học, ngôn ngữ, giáo dục, cho trưng bày bảo tàng, cho tuyên truyền trong nước và quốc tế.
Trong bài viết, tác giả Nguyễn Thành đã căn cứ 14 bản in của các cơ quan có trách nhiệm của Đảng và Nhà nước và lời nói của Bác trước máy ghi âm năm 1955 để đối chiếu, so sánh nhằm tìm ra những chỗ khác nhau (dị bản) của Bản Tuyên ngôn Độc lập đã được in, gồm: (1) Sách mỏng, 4 trang, có bìa, do Chính phủ công bố ngày 3/9/1945; (2) Áp-phích do Chính phủ công bố ngày 3/9/1945; (3) Báo Cứu quốc số 36, ngày 5/9/1945; (4) Báo Cờ giải phóng số 16, ngày 12/9/1945; (5) Chặt xiềng, in lần đầu năm 1946 - NXB Sự thật, đã tái bản 4 lần; (6) Trần Dân Tiên: Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, NXB Sự thật và NXB Văn học in đi in lại nhiều lần; (7) Vì độc lập tự do, vì Chủ nghĩa xã hội - NXB Sự thật, 1970; (8) Văn kiện Đảng 1939-1945, xuất bản lần đầu 1963, tái bản 1977; (9) Hồ Chí Minh: Tuyển tập - NXB Sự thật, 1960; (10) Tạp chí Học tập, số 8, 1973; (11) Tuyên ngôn Độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Phạm Văn Đồng giới thiệu - NXB Sự thật, 1975; (12) Hồ Chí Minh: Tuyển tập - NXB Sự thật, 1980, tập 1; (13) Hồ Chí Minh: Toàn tập - NXB Sự thật, 1983, tập 3; (14) Hồ Chí Minh: Toàn tập - NXB Sự thật, 1984, tập 4.
Theo ông, nhìn chung có 4 thời kỳ văn bản bị sửa chữa, tất cả 22 điểm. Cũng theo tác giả Nguyễn Thành, ngay năm 1945, giữa sách mỏng và áp-phích sai nhau 1 điểm, Báo Cứu quốc khác 4 điểm so với sách mỏng; Báo Cờ giải phóng khác sách mỏng 3 điểm nhưng lại khác Báo Cứu quốc 4 điểm, trong tổng số 22 điểm. Bản in trong “Tuyển tập Hồ Chí Minh”, xuất bản năm 1960, sửa nhiều nhất là 12 điểm trên tổng số 22 điểm. Bản in trong Văn kiện Đảng 1939-1945, xuất bản năm 1963, sửa 1 chữ so với bản in trong “Tuyển tập Hồ Chí Minh”, xuất bản năm 1960. Bản in trong Tạp chí Học tập số 8, 1973, sửa 3 chữ so với bản in trong “Tuyển tập Hồ Chí Minh”, xuất bản năm 1960.
Trên cơ sở nghiên cứu, phân tích các văn bản đã dẫn, tác giả Nguyễn Thành cho rằng, cuốn sách mỏng công bố ngày 3/9/1945 là có giá trị văn bản gốc hơn cả. Và, ông đề nghị “Nhà nước nên ban hành quyết định sử dụng chính thức một văn bản Tuyên ngôn Độc lập, từ nay về sau in lại phải đúng như thế, dịch ra tiếng nước ngoài phải lấy bản đó làm căn cứ, không nên tùy tiện lấy bản nào để in lại cũng được, như nhiều năm qua đã làm”.
Cần theo bản “Hồ Chí Minh Toàn tập”, tập 4, xuất bản lần thứ 3
Bài viết của tác giả Nguyễn Thành đến nay đã hơn 30 năm và những đề nghị của ông vẫn chưa được cấp có thẩm quyền xem xét một cách đầy đủ.
Cũng liên quan đến vấn đề này, trong cuốn sách “Tuyên ngôn độc lập, giá trị dân tộc và thời đại” do NXB Lý luận chính trị ấn hành năm 2015 có bài “Thông tin từ một số Bản Tuyên ngôn Độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh được phát hành vào tháng 9/1945” của tác giả Đỗ Thị Thu Hằng (Bảo tàng Hồ Chí Minh), bà Hằng cho rằng: “Về tài liệu quý giá này (bản gốc do Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc ngày 2/9/1945-NV), hiện Bảo tàng Hồ Chí Minh không có bản gốc, nhưng có nhiều bản in ở các dạng khác nhau. Nếu tính từng cá thể (1 đơn vị tư liệu), có hơn 10 cá thể khác nhau. Nếu đem phân loại có 5-7 dạng bản in các loại”. Sau khi phân tích về hình thức, nội dung của 4 bản in Tuyên ngôn Độc lập hiện có trong kho cơ sở Bảo tàng Hồ Chí Minh, tác giả Đỗ Thị Thu Hằng đề nghị: “Trong điều kiện chưa tìm được bản gốc (bản chính thức) chúng ta lấy bản in trong “Hồ Chí Minh Toàn tập” là chính thức, bởi do một hội đồng thực hiện và đã được nghiên cứu kỹ lưỡng, sửa chữa, chỉnh lý và tiếp thu tất cả những nội dung của các bản in năm 1945 trên nguyên tắc tôn trọng những bản in đầu tiên, tránh tư duy biên soạn, sữa chữa tùy tiện theo ý kiến riêng của mình. Việc sử dụng những bản in sau này đều phải rất thận trọng, bởi vì khâu biên tập thường chỉ do một cá nhân được phân công chịu trách nhiệm. Tuy về cơ bản vẫn đảm bảo đúng nội dung nhưng cũng có một vài chi tiết sai không thể bỏ qua được”.
Để có sự đối chiếu sát thực hơn về Bản Tuyên ngôn Độc lập, tôi đã tìm đọc “Hồ Chí Minh Toàn tập”, tập 4 (1945-1946), xuất bản lần thứ 3, NXB Chính trị Quốc gia-Sự thật, năm 2011, là bộ sách được in gần đây nhất. Mở đầu tập 4, Hội đồng xuất bản đã in “Tuyên ngôn độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”. Theo lời biên tập, “Bản Tuyên ngôn độc lập này, chúng tôi lấy nguồn từ Báo Cứu quốc, số 36, ngày 5/9/1945. Các lần xuất bản trước được lấy nguồn từ bản sao băng ghi âm của Viện Hồ Chí Minh”. Lần theo cách làm của tác giả Nguyễn Thành, tôi đối chiếu bản trên Báo Cứu quốc, số 36, ngày 5/9/1945 với bản sách mỏng, 4 trang, có bìa, do Chính phủ công bố ngày 3/9/1945 thì thấy rằng sự khác nhau gần như không đáng kể, ví như bản sách mỏng là “tính mạng”, bản Báo Cứu quốc “tính mệnh”... Nhưng, có một điểm khác rất đáng chú ý là, bản sách mỏng viết: “Nước Việt Nam có quyền tự do và độc lập...”, còn Báo Cứu quốc thì: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập...”.
Đã 78 năm kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình, đất nước đã có những thay đổi to lớn về mọi mặt, nhưng Bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1945 vẫn mang một sức sống trường tồn và có tính thời sự sâu sắc. Song, để “áng văn lập quốc vĩ đại” ấy được thống nhất cả về nội dung và hình thức, không ai được phép tùy tiện lấy bản nào để in cũng được như nhiều năm qua chúng ta đã làm. Thiết nghĩ, lời đề nghị của cố tác giả Nguyễn Thành từ cách nay hơn 30 năm cũng nên được xem xét: “Đề nghị Đảng, Nhà nước nên ban hành quyết định sử dụng chính thức một văn bản Tuyên ngôn Độc lập, từ nay về sau in lại phải đúng như thế, dịch ra nước ngoài phải lấy bản đó làm căn cứ”. Tức là, từ nay chúng ta in lại Bản Tuyên ngôn Độc lập và tuyên truyền, giới thiệu, học tập, nghiên cứu cần lấy bản đã được in trong “Hồ Chí Minh Toàn tập”, tập 4 (1945-1946), xuất bản lần thứ 3, NXB Chính trị Quốc gia-Sự thật, năm 2011.
Về vấn đề bản gốc Bản Tuyên ngôn Độc lập, ngày 18/8/2023, tôi đã liên hệ qua điện thoại với TS Vũ Mạnh Hà, Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh. TS Vũ Mạnh Hà cho biết, đến nay bản gốc Bản Tuyên ngôn Độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh trịnh trọng đọc trước quốc dân đồng bào ngày 2/9/1945 vẫn chưa được tìm thấy, mặc dù bao năm qua các thế hệ cán bộ bảo tàng đã nỗ lực rất nhiều trong việc này. Và, cho đến hôm nay vẫn đang miệt mài tìm kiếm.