Úc “chạy đua” vũ khí hoá AI

Thứ Hai, 29/07/2024, 08:25

Mỗi bên tham chiến tại Ukraine hiện đang triển khai vài chục hệ thống vũ khí không người lái khác nhau. Ukraine có mẫu máy bay tự hành Drone 40. Đây là loại drone "cảm tử" có trọng lượng chỉ 300g, có thể được phóng bằng tay hay bằng súng phóng lựu 40mm.

Điều đặc biệt là Drone 40 không cần người điều khiển, binh lính chỉ cần chỉ định trước mục tiêu rồi thiết bị sẽ tự động bay đến đó. DefendTex, công ty sản xuất Drone 40, chỉ là một trong số nhiều doanh nghiệp quốc phòng Úc đang chạy đua phát triển vũ khí tự hành sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI).

Cuộc chạy đua

Từ hơn hai thập kỷ trở lại đây, vũ khí điều khiển từ xa đã trở nên phổ biến hơn, quan trọng hơn rất nhiều trên chiến trường hiện đại. Công nghệ sản xuất máy bay không người lái, robot dò mìn, v.v... đã đạt được những bước tiến vượt bậc. Tuy vậy drone vẫn chưa thể thay thế hoàn toàn được con người.

Chuyên gia quốc phòng Paul Scharre viết trong cuốn "Army of None" về vũ khí điều khiển từ xa rằng: "Nhiều người từng nghĩ rằng có thể dùng drone để bù đắp những lỗ hổng trong lực lượng nhưng mọi khâu từ điều khiển đến bảo dưỡng drone đều do con người làm. Một tiểu đội bộ binh tại Ukraine vẫn chỉ có từng đấy người, chỉ khác ở chỗ có vài ba người lính trong đơn vị được phân công mang drone bên người".

Úc “chạy đua” vũ khí hoá AI -0
Không quân Úc đang chờ đợi mẫu Boeing MQ-28 Ghost Bat.

Những loại tên lửa chống tăng hay tên lửa đối không có khả năng tự ngắm bắn và tự điều trình quỹ đạo không phải điều gì mới mẻ. Quân đội các nước đang chạy đua nhằm "thu nhỏ" khả năng tự dẫn của tên lửa để lắp đặt được trên các mẫu drone nhỏ gọn. Hai ví dụ tiêu biểu đang được sử dụng trong thực chiến là model Lancet-3 của Nga và mẫu Switchblade 300. Cả hai đều là drone "cảm tử" chuyên dùng để tấn công xe tăng và các mục tiêu cố định, thay thế cho những loại bom bay truyền thống.

Quân đội nhiều quốc gia lại có tầm nhìn xa hơn. Họ muốn phát triển những loại vũ khí tự hành 100% nhờ vào trí tuệ nhân tạo (AI). Có hai lý do thúc đẩy họ làm việc này. Thứ nhất, quân số của nhiều nước đã suy giảm đến mức nghiêm trọng do tỷ lệ sinh thấp, bị khối tư nhân cạnh tranh người lao động, người trẻ không còn thiết tha với binh nghiệp. Thứ hai, cuộc chiến ở Ukraine đã cho thấy chiến tranh đã trở lại mô hình "tĩnh", hai bên đào chiến hào rồi tìm cách tiến từng bước. Tỷ lệ binh lính thiệt mạng đã tăng vọt, và rất ít quân đội quốc gia đủ nguồn nhân lực để chịu được mức tổn thất đấy.

Vì vậy không có gì lạ khi Úc đang là một trong những quốc gia năng động nhất trong lĩnh vực "vũ khí hóa" AI. Từ năm 2017, Bộ Quốc phòng, quân đội và hàng loạt doanh nghiệp quốc phòng nước này đã cộng tác để lập ra Quỹ Công nghệ tiên tiến (NGTF) tài trợ cho những dự án phát triển công nghệ vũ khí. NGTF là nhà tài trợ chính cho Trung tâm Phát triển vũ khí tự hành (TAS) đặt trụ sở tại Brisbane. Mỗi năm NGTF giao cho TAS khoảng 10 triệu AUD để nghiên cứu phát triển AI vì mục tiêu quốc phòng.

Không ít tập đoàn vũ khí trong và ngoài Úc đang sử dụng sản phẩm nghiên cứu của TAS. Có thể kể đến mẫu xe tăng "mini" Warfighter Unmanned Ground Vehicle do Công ty Cyborg Dynamics sản xuất. Mỗi chiếc drone thiết giáp như vậy có thể được lắp súng đại liên, súng phóng lựu, tên lửa chống tăng, v.v... để làm "mũi nhọn" trong những cuộc tiến công bộ binh.

Mẫu Cerberus GLH của công ty Skyborne Technologies là máy bay không người lái cỡ nhỏ, có thể tháo ra và mang vác bằng ba lô, nhưng lại sở hữu khẩu súng phóng lựu 40mm chuyên để tấn công mục tiêu cố thủ đang cố thủ đằng sau tường hay trong nhà. Hay mẫu drone "cảm tử" OWL của Insitu Pacific (công ty con của Tập đoàn Boeing) được thiết kế để làm thay nhiệm vụ của tên lửa hành trình. Loại máy bay này có tầm bay hơn 200 km và ở trên không được gần 30 phút trước khi hết nhiên liệu.

Úc “chạy đua” vũ khí hoá AI -0
Mẫu Warfighter Unmanned Ground Vehicle do công ty Cyborg Dynamics sản xuất.

Úc đã xây dựng Trung tâm Hàng không vũ trụ Wellcamp ở thành phố Toowoomba, bang Queensland với hy vọng thúc đẩy ngành công nghiệp hàng không dân sự & quân sự. Tập đoàn Boeing đang trong quá trình hoàn thành việc xây dựng nhà máy ở Wellcamp chuyên chế tạo mẫu máy bay không người lái MQ-28 Ghost Bat cho không quân Úc.

MQ-28 thực chất là một chiếc máy bay phản lực chiến đấu thu nhỏ. Boeing và không quân Úc hy vọng rằng trong tương lai rất gần, mỗi khi phi công chiến đấu Úc cất cánh thì sẽ có hai, ba chiếc MQ-28 đi theo để hộ vệ và hỗ trợ tấn công. Việc đào tạo phi công chiến đấu tốn rất nhiều thời gian và tiền bạc, vậy nên có những chiếc MQ-28 được điều khiển tự động bởi AI sẽ giảm bớt phần nào gánh nặng nguồn lực của quân đội Úc.

Điểm chung của Warfighter Unmanned Ground Vehicle, Cerberus GLH, OWL và MQ-28 là chúng đều sử dụng mẫu AI Athena được TAS và một số tập đoàn vũ khí cùng phát triển. Trí tuệ nhân tạo Athena giúp cho vũ khí không người lái tự động xác định và theo dấu mục tiêu.

Binh sỹ chỉ cần chỉ định mục tiêu cho khí tài, sau đó thiết bị sẽ truy xuất các cơ sở dữ liệu dân cư, địa lý, tình báo quốc phòng, v.v... để xác định mục tiêu ở đâu và con đường ngắn nhất đến mục tiêu. Có thông tin cho biết Athena AI đang có mặt trong những chiếc drone trinh thám và theo dõi được cục hải quan Mỹ sử dụng tại biên giới phía nam nước này.

Tranh cãi

Tuy công dụng của vũ khí không người lái trên chiến trường hiện đại là không thể chối cãi, nhưng vẫn có những ý kiến cho rằng ngành quốc phòng nhiều nước đang quá "khuyếch trương" khả năng của các loại khí tài này.

Bà Stacie Pettyjohn, chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu an ninh Tân Hoa Kỳ, nhận xét: "Một chiếc drone cảm tử không thể nào có khả năng sát thương bằng với một viên đạn lựu pháo. Trong khi đó một viên đạn pháo vừa rẻ hơn drone, lại vừa có thể được bắn liên hoàn. Trong chiến tranh giữa các quân đội chính quy, số lượng, tầm bắn và tính hủy diệt của vũ khí bao giờ cũng được đặt lên trên tính chính xác. Vũ khí điều khiển từ xa đang tìm được chỗ đứng trong chiến tranh đường phố, chiến tranh chống khủng bố; nhưng vận mệnh trên chiến trường vẫn sẽ được quyết định bởi thiết giáp, pháo binh và không quân".

Việc Úc phát triển vũ khí điều khiển bằng AI khiến nhiều nhà quan sát tỏ ra lo ngại. Tháng 3/2023, hơn 100 chuyên gia luật quốc tế, nhà hoạt động vì hòa bình, v.v... đã cùng ký tên vào một lá thư gửi Thủ tướng Anthony Albanese nhằm kêu gọi làm minh bạch các khoản đầu tư vào AI và quốc phòng của chính phủ.

Bộ trưởng Quốc phòng Úc Richard Marles trong bài phát biểu trả lời bức thư này đã nói: "Hiện vẫn chưa có bất kỳ một định nghĩa nào về vũ khí tự hành được cộng đồng quốc tế công nhận rộng rãi... Chính phủ Úc đang xem xét mọi trường hợp nhằm bảo đảm an ninh quốc gia trong khi tiếp tục giữ vững cam kết tôn trọng quyền con người và các điều luật về chiến tranh".

Úc “chạy đua” vũ khí hoá AI -0
Rất có thể máy bay không người lái sẽ được điều khiển hoàn toàn bằng AI trong tương lai.

Công ước Liên hợp quốc về Vũ khí thông thường là văn bản pháp luật quốc tế quan trọng nhất trong việc quản lý sản xuất và sử dụng vũ khí. Nhờ công ước mà việc sử dụng mìn sát thương cá nhân, vũ khí gây cháy (như bom napalm), vũ khí laser, v.v... bị hạn chế và giám sát nghiêm ngặt, giảm thiểu thiệt hại lâu dài cho dân thường lẫn môi trường.

Nhưng công ước này được ký vào năm 1980 và đã trở nên lạc hậu. Hơn 90 nước thành viên Liên hợp quốc ủng hộ ý tưởng sửa đổi công ước để thêm lệnh cấm vũ khí sử dụng AI, nhưng họ gặp phải sự phản đối cực kỳ gay gắt từ các cường quốc như Mỹ, Nga, Israel, Ấn Độ và Úc. Ngoài ra còn có 64 quốc gia trên thế giới chưa ký kết vào bản công ước.

Vào cuối tháng 4 vừa qua, 1.000 đại biểu đến từ 144 nước đã tham gia hội thảo về vũ khí tự hành tổ chức tại Vienna, Áo. Chủ đề chính của hội thảo là tính hợp pháp của vũ khí điều khiển bởi AI, trách nhiệm của các bên "vũ khí hóa" AI, và việc mở rộng bộ khung luật pháp kiểm soát vũ khí toàn cầu.

Về cơ bản thì AI là mạng lưới thuật toán dùng để xử lý các hệ thống cơ sở dữ liệu. AI không có khái niệm đúng-sai và không có khả năng cảm thông như con người. Quả thật là có nhiều công ước, hiệp ước quốc tế quy định về các thức tổ chức chiến tranh sao cho nhân đạo nhất nhưng luật pháp cho dù có chặt chẽ đến đâu cũng không thể gọi là hoàn hảo nếu như thiếu đi đạo đức, lòng cảm thông, v.v... của con người. Nhiều nhà quan sát lo ngại rằng để cho AI nắm 100% điều khiển vũ khí và ra các quyết định trên chiến trường sẽ gây ra những thảm họa nhân đạo khó lường.

Trước sức ép từ dư luận Úc, Brisbane đã phải thành lập hai tổ chức khác nhau chuyên nghiên cứu về tính hợp pháp của AI trong chiến tranh gọi tắt là REAIM và PDRDMAI. Tuy vậy ngay từ khi hai tổ chức trên mới được thành lập, Úc đã tuyên bố rằng mọi kết quả nghiên cứu của hai tổ chức sẽ không được sử dụng trong quá trình lập pháp của nước này.

Brisbane cũng từng nhiều lần khẳng định rằng bất kỳ động thái nào liên quan đến việc sử dụng vũ khí AI của quân đội nước này không bị ràng buộc bởi những công ước, quy chuẩn quốc tế. Đấy là dấu hiệu cho thấy rõ ràng rằng Brisbane hiện đang không sẵn sàng từ bỏ lợi thế công nghệ AI quốc phòng của họ và sẽ còn tăng cường đầu tư mạnh vào lĩnh vực này.

Lê Công Vũ
.
.