Tương lai nào cho IS?

Thứ Sáu, 12/05/2023, 14:35

Ngày 30/4, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tuyên bố lực lượng tình báo nước này đã tiêu diệt thủ lĩnh của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng Abu Hussein al-Qurashi tại Syria. Vậy là chỉ sau 6 tháng cầm đầu IS, Abu Hussein al-Qurashi đã phải chịu chung số phận với những kẻ tiền nhiệm. Câu hỏi đặt ra là rồi đây kẻ nào sẽ tiếp tục ngồi "ghế nóng" và tương lai của IS sẽ ra sao…

Cuộc đột kích 4 giờ

Trong thông báo ngày 30/4, Tổng thống Erdogan nói rằng, sau một thời gian dài lần theo dấu vết kẻ cầm đầu IS từ cuối năm 2022 này, Cơ quan Tình báo quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ (MIT) đã tiêu diệt Abu Hussein al-Qurashi trong một cuộc tấn công ở Syria. Các nguồn tin an ninh và địa phương của Syria cho biết cuộc đột kích diễn ra ở thị trấn Jandaris phía Bắc Syria, nơi do các nhóm đối lập do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn kiểm soát và là một trong những nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong trận động đất ngày 6/2 ở cả Thổ Nhĩ Kỳ và Syria.

Tương lai nào cho IS? -0
Hình ảnh được cho là Abu al-Hussein al-Husseini al-Qurashi khi được bổ nhiệm tháng 11/2022
Ảnh: Jamestown Foundation.

Theo Hãng thông tấn Thổ Nhĩ Kỳ Anadolu, ngày 29/4, sau khi xác định tòa nhà tại một trang trại bỏ hoang, vốn được sử dụng làm trường học Hồi giáo là nơi ẩn náu của Qurashi, lực lượng đặc nhiệm thuộc MIT đã tiến hành chiến dịch kéo dài 4 giờ để bao vây trùm khủng bố. Đặc nhiệm MIT đã cho nổ tung bức tường đá bao quanh ngôi nhà, trước khi tiến vào nhà qua lối cửa sau và cửa sổ bên hông. Hình ảnh được công bố cho thấy một phần ngôi nhà hai tầng đã bị hư hại. Qurashi đã kích nổ đai bom tự sát khi nhận ra mình sắp bị bắt. Không có đặc nhiệm Thổ Nhĩ Kỳ nào thiệt mạng hoặc bị thương trong vụ tấn công.

Ngay sau khi thông tin trên được công bố, người phát ngôn của Lực lượng Dân chủ Syria do Mỹ hậu thuẫn xác nhận: "Thủ lĩnh IS là Abu Hussein al-Qurashi đã bị tiêu diệt ở Jandaris".

Abu Hussein al-Qurashi là thủ lĩnh tối cao thứ tư của IS bị tiêu diệt trong những năm gần đây. Điều đáng nói là vào thời điểm tháng 2/2022, sau khi Abu Ibrahim Al-Hashemi bị lực lượng đặc nhiệm Mỹ tiêu diệt trong một chiến dịch truy lùng ở miền Nam Syria, IS đã lựa chọn thủ lĩnh thay thế, khi đó có 4 nhân vật "chạy đua" vào vị trí này, bao gồm: Abu Khadija, lãnh đạo của IS ở Iraq; Abu Muslim, thủ lĩnh của nhóm ở tỉnh Anbar; Abu Salih, một kẻ thân cận với 2 thủ lĩnh bị tiêu diệt trước đó là Baghdadi và Qurayshi; nhân vật thứ 4 là Abu Yasser al-Issawi, kẻ từng được Mỹ xác định là đã thiệt mạng trong một đòn không kích của liên quân quốc tế chống IS dẫn đầu bởi Washington hồi tháng 1/2021, tuy nhiên cuối cùng nhân vật được chọn lại là Abu Hussein al-Qurashi.

Tương lai nào cho IS? -0
Phiến quân IS vẫn là nỗi kinh hoàng của người dân một số quốc gia Trung Đông với những vụ khủng bố đẫm máu.

Gia nhập IS năm 2013, Abu Hussein al-Qurashi nhanh chóng thăng tiến trong hàng ngũ cầm đầu của nhóm thánh chiến. Theo mô tả của IS, y là "một chiến binh và là thành viên trung thành" của tổ chức này. Al-Quraishi bắt đầu dẫn dắt IS từ tháng 11/2022. Khi đó, người phát ngôn IS kêu gọi các thành viên của tổ chức ở tất cả các quốc gia cam kết trung thành với al-Quraishi, cho rằng hắn "là một trong những người con trung thành của IS".

Thành công của chiến dịch tiêu diệt Abu Hussein al-Qurashi lần này đã khiến cho MIT một lần nữa được ghi nhận là lực lượng tinh nhuệ trong cuộc chiến chống khủng bố. Từ nhiều năm qua, trong số các cơ quan mật vụ của Thổ Nhĩ Kỳ, MIT là một đơn vị hàng đầu đảm trách cả về chức năng tình báo và phản gián.

IS sẽ ra sao khi thủ lĩnh liên tục bị tiêu diệt?

Ở thời kỳ đỉnh cao năm 2014, IS đã chiếm đóng những vùng đất rộng lớn ở Iraq và Syria với khoảng 10 triệu dân. Thủ lĩnh IS vào thời điểm đó là Abu Bakr al-Baghdadi đã tuyên bố lập ra cái gọi là vương quốc Hồi giáo.

Trong giai đoạn 2014-2017, nhóm này đã thực hiện nhiều cuộc tấn công khủng bố ở châu Âu, trong đó có các vụ gây thương vong lớn như cuộc tấn công ở Paris (Pháp) vào tháng 11/2015, các vụ đánh bom ở Brussels (Bỉ) tháng 3/2016, vụ lao xe tải ở Nice (Pháp) tháng 7/2016, ở Berlin (Đức) tháng 12/2016 hay đánh bom ở Manchester (Anh) tháng 5/2017. Những cuộc tấn công này đã làm dấy lên nỗi sợ hãi về mối đe dọa khủng bố ở châu Âu, tạo ra các thách thức an ninh lớn cho lực lượng chống khủng bố các nước trong việc ngăn chặn các vụ việc như vậy.

Tuy nhiên, nhóm khủng bố này đã hứng chịu nhiều thất bại liên tiếp trước các chiến dịch của liên quân do Mỹ dẫn đầu và quân đội Syria được Nga hậu thuẫn.

Các lực lượng này vẫn liên tục thực hiện nhiều chiến dịch nhắm vào IS, tiêu diệt hàng loạt thủ lĩnh khét tiếng của nhóm này. Điển hình, tháng 10/2019, trong một chiến dịch ở Tây Bắc Syria, đặc nhiệm Mỹ đã tiêu diệt thủ lĩnh tối cao đầu tiên của IS là Abu Bakr al-Baghdadi, kẻ năm 2014 đã tuyên bố thành lập cái gọi là "Vương quốc Hồi giáo" tại Iraq. Hồi giữa tháng 4/2022, Mỹ đã thực hiện một cuộc tấn công bằng máy bay lên thẳng ở miền Bắc Syria.

Tương lai nào cho IS? -0
Ngôi nhà nơi Abu al-Hussein al-Husseini al-Qurashi ẩn náu bị đặc nhiệm Thổ Nhĩ Kỳ tiêu diệt hôm 29/4. Ảnh: Anadolu.

Kể từ tháng 3/2019, khi mất thành trì cuối cùng tại vùng sa mạc ở miền Đông Syria, tàn quân IS rút vào ẩn náu trong sa mạc, thỉnh thoảng tiến hành tập kích nhằm vào lực lượng người Kurd và chính quyền Syria. Hầu hết cuộc tấn công có quy mô nhỏ lẻ, nhằm vào các mục tiêu quân sự và cơ sở dầu khí ở những vùng hẻo lánh. Tuy nhiên, giới chức Mỹ cho biết những kẻ cực đoan, bao gồm hàng nghìn tay súng trung thành với IS tại các nhánh ở châu Phi, Trung Đông, Trung Á vẫn là mối đe dọa với an ninh.

Việc tiêu diệt những kẻ cầm đầu các nhóm khủng bố là một phần quan trọng chiến dịch chống khủng bố được nhiều quốc gia sử dụng, trong đó có Mỹ. Tuy nhiên, các chuyên gia chống khủng bố chưa đồng thuận về mức độ hiệu quả của hoạt động này. Theo các chuyên gia chống khủng bố, việc tiêu diệt thủ lĩnh có thể khiến những thành viên khác được phân quyền nhiều hơn và gia tăng hành vi bạo lực bừa bãi.

Trong ngắn hạn, cái chết của thủ lĩnh có thể khiến IS tạm thời "án binh bất động", nhưng điều đó không có nghĩa là tổ chức khủng bố này sẽ sụp đổ. Việc mất Abu Hussein al-Qurashi cũng có thể làm dấy lên các cuộc tấn công trả đũa như một tín hiệu về sự quyết tâm của nhóm khủng bố. Cái chết của Abu Hussein al-Qurashi khó có khả năng ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động của các nhánh của IS. IS được cho đã thiết lập các cơ sở bí mật để có thể tồn tại được ở cả Iraq và Syria, và các tư tưởng cực đoan của IS tiếp tục được truyền bá trên mạng Internet. Nhiều nhánh có chiến lược dựa nhiều vào nguồn lực địa phương và liên minh với các nhóm khác.

Các chuyên gia đều nhận định rằng cái chết của thủ lĩnh IS không đồng nghĩa với cuộc chiến chống IS đã đi đến hồi kết. Bên cạnh đó, cũng có khả năng sắp tới IS sẽ đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền trên không gian mạng về những tư tưởng thánh chiến cực đoan, đồng thời kêu gọi hành động trả thù cho Abu Hussein al-Qurashi. Đặc biệt, môi trường để tư tưởng cực đoan của IS tiếp tục phát triển vẫn còn nguyên. IS nói riêng và chủ nghĩa khủng bố nói chung sẽ tiếp tục là mối đe dọa lớn bởi thế giới hiện đang thiếu một kế hoạch và chiến lược chống khủng bố hiệu quả.

Theo các nhà phân tích, sau cái chết của Abu Hussein al-Qurashi, IS có thể sẽ chỉ định người kế nhiệm dựa trên sự cân nhắc của ban lãnh đạo cấp cao của IS, như đã từng làm trước đây. Nếu mọi việc được thực hiện theo tiền lệ, IS sẽ có thủ lĩnh trong vài tuần tới. Thủ lĩnh mới sẽ được đặt biệt hiệu để che giấu danh tính. Các thành viên trong nhóm và lãnh đạo các chi nhánh của IS trên toàn cầu sẽ được yêu cầu cam kết trung thành với thủ lĩnh mới, nhưng người này sẽ không được xuất hiện trước công chúng trong vài tháng hoặc nhiều năm, thậm chí có thể không bao giờ xuất hiện.

IS có thể mất thủ lĩnh cao nhất, song những phần tử lãnh đạo ở cấp thấp hơn sẽ tiếp tục hoạt động trong bóng tối và những đối tượng này ngày càng xảo quyệt và cực đoan hơn. IS hiện đã thay đổi phương thức hoạt động. Nhiều thành viên IS đã lựa chọn phương thức "ẩn mình chờ thời" để tiến hành các vụ tấn công khủng bố theo kiểu "con sói đơn độc". Ngoài ra, tàn quân IS cũng đang có xu hướng liên kết với các nhóm thánh chiến cực đoan trong khu vực và vẫn còn hiện diện ở Syria, Iraq, Libya hay Afghanistan... 

Ngọc Trang
.
.