Từ hoạt cảnh thời Victoria đến TikTok của hiện tại: Những sân khấu đa màu sắc
Mạng xã hội là sân khấu kịch của nhân loại. Mỗi ngày, chúng ta theo dõi hàng triệu video của cả dân chuyên nghiệp lẫn nghiệp dư, đủ mọi lứa tuổi, trên các nền tảng phổ biến như TikTok. Tiến sĩ Kim Beil tin rằng lúc chúng ta vui đùa bằng cách “thả” cảm xúc với mấy video TikTok là thời điểm chúng ta vô thức làm sống lại những hoạt cảnh từ nhiều thế kỷ trước.
Tiêu khiển tại gia
Những năm gần đây, TikTok bùng nổ, trở thành một nền tảng cho phép người dùng tạo video với hiệu ứng độc đáo. Mọi thứ đều có thể xuất hiện trên TikTok, từ hát nhép cho đến hài kịch hay khiêu vũ, tràn ngập biểu cảm, bình luận khác nhau. Xu hướng hiện đại này khá giống với trào lưu “tiêu khiển tại gia” cực kỳ thịnh hành từ những năm 1840 ở phương Tây. Ít ai biết rằng, con người vào thời kỳ đó cũng đã tạo ra nhiều thứ tương tự như TikTok. Tiến sĩ Kim Beil tìm thấy vài tấm ảnh đen trắng chụp lại cảnh vài người ngồi chơi đố chữ, rồi tự diễn kịch câm hay chế ra mấy hoạt cảnh siêu ngắn trên một sân khấu chỉ hai màu đen trắng.
Trong quá khứ, chúng ta luôn muốn đặt chân vào giới thượng lưu, bắt đầu từ thay đổi cách hành xử và thể hiện bản thân. Kim Beil tin rằng việc tự mình ngồi trước gương để “hiệu chỉnh” cách nói chuyện, giống như chúng ta của ngày nay ngồi quay TikTok trước màn hình điện thoại trong phòng, khiến những người e dè hay ngại ngùng tự tin hơn, tránh mọi ánh mắt săm soi của người ngoài. Như cách vị tiến sĩ miêu tả: một anh nông dân hoàn toàn có thể tự nghĩ mình thuộc giới quý tộc mà không sợ bị gã nhà giàu ngoài cửa cười chê.
“Tiêu khiển tại gia” biến chúng ta thành những diễn viên không chuyên, và ngay cả khi ai đó đã quá mệt mỏi vì phải diễn, họ cũng sẽ tìm cách để xả vai, trở lại đời thường. “Phu nhân của bá tước Lão râu xanh” trong đồng thoại Pháp Blue Beard Tableau chẳng hạn, tự mình nằm xuống bất động, cho mình được nghỉ ngơi đôi chút, nghĩ mình là một dân thường trước khi quay lại với thực tế giàu có quyền lực nhưng đầy mâu thuẫn. TikTok cũng như thế, mở ra sân khấu xuyên biên giới, nơi chúng ta hóa thân vào bất cứ nhân vật nào mình thích, để thỏa mãn não bộ đang muốn kiếm tìm niềm vui.
Sử gia người Hà Lan Johan Huizinga tranh luận rằng “tiêu khiển tại gia” không chỉ là trò vui, mà bắt đầu đan xen nhiều yếu tố xã hội. Theo đó, trò chơi bấy giờ, đơn giản như chơi bài, đấu thể thao không chuyên hay mấy trò trốn tìm con nít, hướng đến thúc đẩy việc duy trì các mối quan hệ xã hội, ngay cả khi trò chơi đã kết thúc. TikTok giờ đây cũng vậy, một nút chia sẻ video hài hước hay nhảy nhót đến bạn bè cũng giúp những con người trên thế giới ảo, và thật, xích lại gần nhau hơn.
Cách đây gần 100 năm, Johan Huizinga khơi lại tranh luận nổi tiếng với tác phẩm “Người đàn ông đang chơi”. Đáng chú ý, ông coi “tiêu khiển tại gia” đi trước lịch sử, sở hữu năng lực ma thuật khiến con người cảm thấy gần gũi, thân mật, sẻ chia và gắn kết. Ngoài ra, “tiêu khiển tại gia” giúp quên đi thực tế, tạm thời tách mình khỏi không gian xã hội chúng ta không thích, để tiếp tục cuộc sống bằng năng lượng tích cực nhất. Nghĩ về hiện tại, chẳng phải đây là điều loài người tìm kiếm thông qua TikTok trong thời gian giãn cách đến mỏi mệt vì COVID-19 hay sao?
Sân khấu trong nhà
Nghiên cứu những video TikTok triệu lượt xem, Kim Beil khẳng định bản chất của TikTok tựa sân khấu trong nhà thế kỷ 19. Mục đích sau cùng của cả hai, dù khác nhau về cách thể hiện và năng lực khoa học công nghệ, đều xây dựng một sàn diễn để con người bộc lộ cảm xúc đa chiều, nhìn sâu vào tính đa dạng trong cuộc sống chỉ bằng cách... ở bên trong một không gian nào đó. Nhiều nhà văn thế kỷ 19 ca ngợi các sàn diễn không chuyên truyền tải “những dòng cảm xúc sâu lắng, vực dậy cảm hứng sống”, nhập vai đa dạng từ kẻ bịp bợm tới viên chỉ huy quyền lực, hay bà nội trợ nhạy cảm cùng ông chồng say xỉn.
Hãy tưởng tượng chúng ta tự sắm ba vai khác biệt trong cùng một vở kịch, ban đầu là một ông sếp cằn nhằn về việc mở hay đóng cửa văn phòng vì COVID-19. 1 giây sau, sếp hóa thành cô nhân viên đang lựa đồ đến công sở, trăn trở với câu hỏi: “nay phải mặc gì?”, trước khi chuyển mình thành một anh chàng học việc, diện bộ vest lịch lãm nhưng phải hét lên vì công việc quá căng thẳng. TikTok hay sân khấu trong nhà đều đem lại cảm giác muốn được tìm hiểu thêm về nhân vật, và chính sự “dở dang, chóng vánh” khiến chúng ta đồng cảm để tham gia vào những video ngắn ấy bằng... tâm trí.
Có người nói: quay TikTok giống diễn hoạt cảnh của nhiều thế kỷ trước. Tức là, một nhóm người tìm cách trình diễn một bức tranh hoặc một cảnh trên sân khấu, tận dụng đạo cụ sẵn có, phục trang nổi bật, đi kèm hiệu ứng ánh sáng. Điểm khác biệt duy nhất là hoạt cảnh im lặng, không cần quá nhiều chuyển động, ngôn từ, được coi như loại hình giải trí đơn giản nhất. Giữa khán giả và diễn viên tồn tại “màn sương mỏng” kích thích trí tò mò của bất kì ai, lại tựa bộ lọc hình ảnh trên TikTok để giúp hoá trang, tăng tính thẩm mỹ cho người sản xuất nội dung.
Trong “Ngôi nhà của những tấm gương”, Edith Wharton khắc hoạ số phận bi thảm của người đẹp Lily Bart dựa trên hình tượng quý cô Lloyd trong bức chân dung của họa sĩ Joshua Reynolds - người đã thống trị đời sống nghệ thuật Anh vào giữa và cuối thế kỷ 18. Wahrton tin rằng ảo giác tạo ra từ một hoạt cảnh phụ thuộc phần lớn vào năng lực cảm nhận và tưởng tượng của khán giả thay vì tài năng của kẻ diễn. Tương tác hai chiều động - tĩnh tạo nên thứ cảm xúc lẫn lộn giữa thực và ảo, cho phép chúng ta bước vào một thế giới khác nhưng vẫn có thể trở lại đời thực khi hoạt cảnh, hay video TikTok, kết thúc.
Thời khắc nổi loạn
Nghiên cứu của Kim Beil liên quan đến sự thay đổi ngôn ngữ hình thể, đặc biệt là dấu hiệu của “phá cách, nổi loạn, có phần kì dị” trong nội dung biểu hiện, càng khiến người xem hưng phấn. Bà nhận định sân khấu thời Victoria mang tầm nhìn vượt qua mọi giới hạn chịu đựng của con người bấy giờ, vốn dĩ quen với “an toàn”, để khơi dậy cảm hứng khác thường, phóng đại, thậm chí có phần phi xã hội.
Chẳng hạn, nhiều người thích hoạt cảnh đan xen nỗi sợ ma cà rồng, rồi diễn lại lo âu bệnh tật nơi đô thị bao trùm cảnh chết chóc, hệt phát cắn đầu tiên chí mạng của ma cà rồng. Phức tạp hơn, cái đầu “rớt khỏi cổ” trong “Chúng ta làm gì tối nay?” (1873) in đậm dấu ấn kinh dị, hay người đàn bà đoan trang trong “Lão râu xanh” bỗng hóa kẻ giết người, trên gương mặt xinh đẹp vẫn y nguyên vẻ lạnh lùng.
Tương tự, giới trẻ thời nay nổi bật với cá tính TikTok, chuộng mấy ứng dụng kì quái biến mình thành ma quỷ để tiêu khiển lúc buồn chán. Trào lưu #DeviousLicks trên TikTok khuyến khích học sinh phá hoại các vật dụng trong nhà vệ sinh, làm trò nghịch ngợm trêu giáo viên khiến nhiều trường học bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Chưa hết, trào lưu #VampireFangs làm đẹp gắn răng nanh ma cà rồng bằng keo siêu dính một thời rất nổi trên TikTok gây nhiều tranh cãi.
TikTok khai thác cá tính nổi loạn của học sinh khi quay trở lại “bình thường mới”. Nhiều hoạt cảnh thời Victoria cũng hướng tới trường học, phải nhắc tới “Những khung cảnh hoạt họa” (1868) của Tony Denier miêu tả sự hỗn loạn của ngôi trường làng bởi những cậu trai quậy phá khi thầy hiệu trưởng “vắng nhà” ít hôm. Còn với “Trò đùa học đường” (1858), chúng ta phát hiện sự tinh quái của học trò thông qua nét vẽ biếm họa thầy cô để tự giải trí.
Tất nhiên, TikTok cũng đủ thông minh để khai thác cả đời tư người trưởng thành. Từ khuôn viên đại học đông đúc cho tới công sở nhàm chán, nhiều video quay cảnh ngày đi làm cuối cùng, kết thúc bằng hashtag #QuitMyJob. Thêm chút vũ đạo, nhiều bạn trẻ kể lại câu chuyện mà giới nghiên cứu gọi là “thời kỳ nghỉ việc ồ ạt” từ mùa thu năm 2021, phần lớn bắt nguồn từ giấc mơ “muốn tự do, làm tùy thích”.
Nhìn lại những trào lưu TikTok cùng hoạt cảnh thời Victoria, Kim Beil kết luận các loại hình giải trí, dù tiến hành bằng bất cứ hình thức nào, đều giải phóng con người khỏi sự tù túng, biến khung cảnh thân thuộc nhất trở nên huyền ảo. Con người liên tục vận động để không ngừng khám phá những điều mới mẻ. Dù với hoạt cảnh hay TikTok, họ vẫn luôn cố gắng tạo ra sản phẩm lạ để thể hiện bản thân, lôi cuốn người khác vào một thế giới mà ở đó nhiều thông điệp được truyền tải.
Vị tiến sĩ tiếp tục hành trình đi tìm những giá trị tương đồng, dần nhận ra thời điểm con người Zoom với nhau vì giãn cách, rồi sáng tạo nội dung TikTok, họ đang đưa bản thân mình quay ngược về quá khứ “tiêu khiển tại gia”. Sự sắp xếp các phân cảnh và đạo cụ sân khấu trong hoạt cảnh thời Victoria, với nến và rèm tạo điểm nhấn, phản ánh khởi đầu đơn sơ. Trải qua thời gian, hoạt cảnh dần biến đổi, được tô vẽ ấn tượng nhờ hiệu ứng hình ảnh - âm thanh của TikTok, tạo nên những lát cắt cuộc sống thú vị, tràn đầy ý nghĩa...