Trung Quốc trong cuộc đua robot hình người
Đà bùng nổ trí tuệ nhân tạo (AI) và tiềm năng lớn của ngành robot AI hình người khiến các quốc gia đổ nhiều tỷ USD để phát triển và ứng dụng chúng vào đời sống. Và trong bức tranh toàn cầu này, các công ty Trung Quốc nổi lên như một thế lực đáng gờm, không chỉ bắt kịp mà còn từng bước vượt qua đối thủ phương Tây về cả tốc độ và quy mô sản xuất.
Từ phòng thí nghiệm ra đời thực
Thế giới đang bước vào kỷ nguyên AI bùng nổ. AI không chỉ giúp con người tìm kiếm thông tin, vẽ tranh, làm thơ, giải toán hay đào tạo ôtô tự động lái, một trong những ứng dụng mà nhân loại trông đợi nhất là tích hợp tư duy lên robot để chúng không chỉ là những cỗ máy thao tác rập khuôn theo lập trình mà còn có thể tư duy để giải quyết vấn đề linh hoạt theo yêu cầu phức tạp của chủ nhân.
Sau thời gian phát triển trong các phòng thí nghiệm, đã có những tập đoàn tiên phong ứng dụng robot AI hình người vào sản xuất. Wired đầu tháng 5/2025 tiết lộ, Công ty robot Boston Dynamics đang tích cực triển khai robot hình người trong nhà máy lắp ráp ôtô của Hyundai và sẽ hoàn tất trong năm nay, trở thành nhà máy đầu tiên sử dụng robot hình người Atlas trong sản xuất thương mại.
Tháng trước, Hyundai cam kết mua hàng chục nghìn robot từ Boston Dynamics. Trong nhà máy của Hyundai, Atlas sẽ đảm nhận nhiều nhiệm vụ từng do công nhân thực hiện, bao gồm nâng các bộ phận nặng và lắp đặt cửa xe. Robot hai chân tiên tiến này được Boston Dynamics phát triển từ năm 2009, cao 1,5 m, nặng 89kg và có thể di chuyển với tốc độ 9 km/h.

Tại Trung Quốc, nhà máy Audi-FAW đầu năm 2025 trở thành cơ sở đầu tiên ứng dụng robot hình người lắp ráp ôtô cao cấp - mẫu Walker S1 do UBTech chế tạo. Robot Walker S1 cao 1,72 m, nặng 76 kg, có thể thực hiện nhiều nhiệm vụ từ kiểm tra chất lượng hình ảnh đến vận chuyển hàng. Trong nhà máy Audi, chúng thay công nhân thực hiện nhiệm vụ kiểm tra chất lượng, bao gồm phát hiện rò rỉ chất làm mát trong hệ thống điều hòa không khí. Công việc này trước đây do con người đảm nhận, nhưng các công nhân có nguy cơ bị tổn thương đường hô hấp.
Một số nhà sản xuất lớn như BYD, Zeekr, Geely và Foxconn cũng sử dụng dòng Walker S và hơn 500 robot đã được đặt hàng. Tại nhà máy của BYD ở Thâm Quyến, Walker S1 giúp tăng hiệu quả phân loại thêm 120%, trong khi tại cơ sở Thành Đô của Lynk & Co, thời gian xử lý kho giảm 40% và chi phí lao động giảm 65%. Trước đó, Walker S1 từng xuất hiện trong các nhà máy lắp ráp iPhone của Foxconn.
Dù chưa thay thế hoàn toàn công nhân, các robot như Atlas và Walker S1 cho thấy chúng rất phù hợp làm việc trong các môi trường kín, dễ kiểm soát như công xưởng hay nhà kho. BBC mô tả robot hình người hứa hẹn trở thành một lực lượng lao động mới "không cần nghỉ lễ và tăng lương". Tiềm năng này thúc đẩy các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới đổ lượng lớn tiền bạc phát triển các mẫu robot hoặc giải pháp công nghệ phục vụ robot hình người để giúp chúng có thể phối hợp và thích nghi với nhiều nhiệm vụ hơn.
Theo New York Times, một robot hình người khác rất được chú ý là mẫu Optimus của Tesla. Tỷ phú Elon Musk mới đây tiết lộ, một đội quân "vài ngàn" con robot Optimus sẽ xuất xưởng năm 2025 để "làm những việc hữu ích" trong các nhà máy của Tesla. Trong khi đó, các hãng Nvidia và Google tập trung phát triển các mô hình "não" AI nền tảng cho robot, nổi bật là nền tảng Isaac của Nvidia và Gemini Robotics của Google.
Tại Trung Quốc, hãng Fourier Intelligence mới đây cho ra mắt robot GR-1, còn hãng Unitree trình làng G1 được mô tả là có khả năng di chuyển giống hệt con người. Các công ty châu Âu có vẻ "chậm chân" hơn, nhưng cũng đang tích cực phát triển robot hình người. Tập đoàn Neura Robotics của Đức thông báo sẽ cho ra đời robot hình người 4NE-1 vào tháng 6/2025 và khẳng định đây là mẫu robot tốt nhất thế giới. 4NE-1 cao khoảng 1,8m, nặng 80kg. Chưa rõ khả năng của loại robot này, nhưng Neura Robotics nói rằng, nó có cẳng tay rất linh hoạt để thực hiện các thao tác phức tạp.
Bên cạnh khả năng phục vụ nhà máy và kho bãi, New York Times cho biết, nhiều công ty khởi nghiệp cũng đang phát triển robot hình người để trở thành "người quản gia" trong gia đình, coi đây là một thị trường đầy cơ hội. Trong bài bình luận "Cuộc xâm lược của robot hình người", tờ này tin rằng, robot có thể học hỏi để rửa bát, lau chùi nhà cửa, gấp quần áo hoặc nấu ăn. Tuy nhiên, việc đưa robot vào từng ngôi nhà đang tạo ra những lo ngại về bí mật đời tư cá nhân, khi robot lắp camera dày đặc và ghi lại mọi thứ xung quanh nó.

Trung Quốc đang dẫn trước
Một dự báo của Morgan Stanley cho hay, nếu robot hình người bắt đầu được sử dụng đại trà từ năm 2030, khoảng một tỷ con robot kiểu này sẽ xuất hiện vào năm 2050. Riêng ngành chế tạo robot hình người có thể tạo ra doanh thu 4.700 tỷ USD, gần gấp đôi doanh số của 20 nhà sản xuất ôtô lớn nhất thế giới hiện nay cộng lại. Ngân hàng Mỹ (BoA) dự báo, doanh số bán robot hình người đạt 18.000 con trong năm 2025 nhưng sẽ tăng lên một triệu con vào năm 2030, 10 triệu vào năm 2035, tương đương mức tăng trưởng 88% mỗi năm. Những tiềm năng có thể thấy trước của robot hình người khiến số lượng các công ty đầu tư vào lĩnh vực này tăng cao, cũng đồng thời tạo ra một cuộc đua mới giữa các công ty, thậm chí các quốc gia.
Và dù những con robot hình người nguyên mẫu đầu tiên xuất hiện ở Mỹ và phương Tây, Trung Quốc ngày nay mới là nước chiếm ưu thế về số lượng robot được xuất xưởng và ứng dụng thực tế. Trong 5 năm qua, Trung Quốc có số lượng đơn xin cấp bằng sáng chế liên quan đến robot hình người đứng đầu thế giới, đạt 5.590 so với 1.442 của Mỹ, theo phân tích của Morgan Stanley. Năm 2024, các công ty Trung Quốc tung ra thị trường 35 robot hình người, chiếm 2/3 toàn cầu.
Thomas Andersson, người sáng lập Công ty nghiên cứu STIQ cho biết, có 49 công ty phát triển robot hình người trên thế giới gặt hái được những thành công bước đầu thì phần lớn đến Trung Quốc. "Chuỗi cung ứng và toàn bộ hệ sinh thái dành cho robot ở Trung Quốc rất lớn và việc lặp lại các quá trình phát triển cũng như thực hiện nghiên cứu và phát triển (R&D) thực sự dễ dàng", Andersson đánh giá. Một báo cáo khác của ngân hàng Mỹ Morgan Stanley chỉ ra rằng, 73% công ty tham gia lĩnh vực robot hình người đến từ châu Á, trong đó 56% của Trung Quốc.
Về chính sách, từ năm 2015, Trung Quốc đã công bố kế hoạch "Made in China 2025" định vị họ là nước dẫn đầu trong các lĩnh vực quan trọng và cạnh tranh nhất của nền kinh tế thế kỷ 21. ChinaDaily cho hay, từ 2023, Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc đã xác định ngành công nghiệp robot hình người là "biên giới mới trong cạnh tranh công nghệ". Bắc Kinh rất tập trung vào mục tiêu này và đã tạo ra môi trường pháp lý thuận lợi thúc đẩy phát triển. Viện Chính sách Chiến lược Australia xếp Trung Quốc ở vị trí số một về robot tiên tiến (với 34,5% kết quả nghiên cứu có tính ứng dụng cao), tiếp theo là Mỹ (19,7%), Anh, Ý và Đức.
Về sản xuất, Trung Quốc có ưu thế hơn hẳn. Trong báo cáo công bố tháng 2/2025, Morgan Stanley ước tính chi phí chế tạo một robot hình người hiện dao động trong khoảng 10.000-300.000 USD, tùy cấu hình và yêu cầu ứng dụng. Nhưng theo Reyk Knuhtsen, nhà phân tích tại công ty nghiên cứu và phân tích độc lập của Mỹ SemiAnalysis, các công ty Trung Quốc đang sản xuất robot với giá rẻ hơn Mỹ nhờ tính kinh tế theo quy mô và năng lực sản xuất vượt trội.
Robot hình người cấu tạo từ hàng nghìn bộ phận, trong đó có "não" gồm chất bán dẫn, mô hình AI tạo sinh, phần mềm mô phỏng, vốn là lợi thế của Mỹ. Theo phân tích của Morgan Stanley, 13 trong số 22 công ty đang nghiên cứu não robot có trụ sở tại Mỹ, như Meta, Microsoft, Nvidia, Palantir, và chỉ hai công ty ở Trung Quốc. Tuy nhiên, ngân hàng này ước tính chỉ 4% chi phí sản xuất robot hình người dành cho não, còn phần lớn dùng để chế tạo cơ thể với hàng loạt bộ truyền động, piston và khung xương.
Trong 64 công ty sản xuất bộ phận cơ thể cho robot, Trung Quốc có 21 và Mỹ có 17. JapanTimes dẫn lời các chuyên gia cho biết thêm, robot hình người và xe điện có mức độ tương đồng lên đến 70% thành phần cấu thành. Trung Quốc dẫn đầu thế giới về xe điện. Theo tổ chức nghiên cứu CEIP ở Washington, Trung Quốc còn dẫn đầu ngành công nghiệp pin, nắm giữ 70-90% thị phần toàn cầu.
Trong bối cảnh căng thẳng thương mại leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc, tỷ phú Elon Musk, CEO Tesla và cũng là cố vấn của Tổng thống Mỹ Donald Trump, cảnh báo các biện pháp ứng phó của Bắc Kinh liên quan đến các lô hàng nam châm đất hiếm sẽ làm chậm quá trình phát triển robot hình người Optimus đầy tham vọng của Tesla. "Nếu Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc không sớm hành động nghiêm túc và mạnh mẽ, rất khó cạnh tranh với Trung Quốc về lâu dài", William Matthews, chuyên gia tại tổ chức nghiên cứu Chatham House của Anh, nói với Business Insider.