Trống đồng thời Tây Sơn

Thứ Năm, 20/02/2025, 10:02

Sách Trình Lục đời Gia Long lại chép chuyện kể trống đồng ở núi Đồng Cổ bị Tây Sơn lấy đi, nhưng đang đi trên biển, thuyền bị gió lật chìm. Chẳng bao lâu lại thấy chiếc trống đồng ấy ở bến nước dưới chân núi Đồng Cổ…

Lũng Cú phải chăng là Trống Rồng?

Đến Lũng Cú, huyện Đồng Văn (Hà Giang), điểm cực Bắc của đất nước, chúng ta có thể nghe ai đó nói hoặc đọc ai đó viết rằng Lũng Cú gốc từ Lung Cu, nghĩa là Long Cổ hay Trống Rồng. Tên gọi này bắt nguồn từ việc Vua Quang Trung sau đại thắng quân Thanh năm 1789 đã cho đặt một chiếc trống đồng lớn tại đây làm trống hiệu như một cách khẳng định chủ quyền đất nước. Do là trống của nhà vua nên được gọi là Trống Rồng.

Trống đồng thời Tây Sơn -0

Từ đó, người Lô Lô ở Lũng Cú bây giờ sử dụng thành thạo trống đồng có nguồn gốc từ trống đồng Đông Sơn. Dưới chân Cột cờ Lũng Cú có gắn 8 mặt trống đồng Đông Sơn, vừa là biểu trưng của văn hóa Việt Nam, vừa để tưởng nhớ đến tiếng trống của Vua Quang Trung xưa.

Câu chuyện quả thực rất hay nhưng có lẽ đó là một huyền thoại thời hiện đại bởi không được xác thực từ bất cứ một tư liệu khoa học nào.

Thực ra, cách lí giải hợp lý nhất là Lũng Cú hay Lung Cu tương ứng với Long Cốc tức Hang Rồng hay Núi Rồng. Cách lý giải này phù hợp với một truyền thuyết của người Lô Lô ở đây kể: Xưa có một thời vùng đất này bị khô hạn. Một ngày bỗng có một thần rồng từ trời bay xuống ngọn núi cao nhất vùng. Thương dân, thần đã để lại đôi mắt hóa thành hai cái hồ nước trong không bao giờ cạn, bao đời nay là nguồn nước nuôi sống dân hai làng của người Lô Lô và người Mông đất này.

Trong tâm thức phương Đông, rồng gốc là biểu tượng của thần sông nước, thần mưa, tổ tiên... Các địa danh gắn với rồng phổ biến ở Việt Nam. Tên gọi Núi Rồng ở Lũng Cú nhiều khả năng gắn với truyền thuyết này.

Đúng là người Lô Lô ở Lũng Cú có tục đánh trống đồng, nhưng đó là một truyền thống lâu đời, đã có từ trước thời Tây Sơn rất lâu và phổ biến ở người Lô Lô ở nhiều nơi khác.

Bí ẩn trống đồng Đan Nê

Nếu câu chuyện trên về mối liên hệ giữa Vua Quang Trung và trống đồng Lô Lô là một huyền thoại đầy hư ảo thì câu chuyện sau về mối liên hệ giữa Nguyễn Quang Bàn, một người con trai của Quang Trung với chiếc trống đồng ở đền thờ Thần Trống Đồng ở Đan Nê, Yên Định (Thanh Hóa) tuy còn những điều bí ẩn nhưng có vẻ hiện thực hơn.

Tại ngôi đền này còn có tấm bia bằng gỗ của Nguyễn Quang Bàn cho biết năm 1790, khi Quang Bàn vâng mệnh vua cha vào làm quan đốc trấn Thanh Hóa trong hai lần cầm quân đi dẹp loạn, ông đều đến nghỉ và cầu khấn tại đền. Nhờ thần Trống đồng phù hộ, quân ông đi đến đâu, giặc tan đến đó. Cảm nhận được sự linh thiêng của thần đền, ông có hỏi các vị bô lão trong làng về sự tích thần và chiếc trống ở đền, nhưng các cụ nói không nhớ…

Năm Canh Thân (1800), ông chợt thấy ở bờ Nam sông một chiếc trống đồng rộng 1 thước 9 tấc (0,75cm), cao 1 thước 4 tấc (56cm). Trống còn nguyên vẹn, chế tác tinh xảo nhưng không rõ xuất xứ. Treo lên đánh thì thấy tiếng trống đồng giống tiếng trống da mà mạnh hơn, giống tiếng chuông mà ngắn, giống tiếng khánh mà êm... Xuân Nhâm Tuất (1802), ông sai người đưa chiếc trống vào đền để đánh khi cúng tế…

Trong lịch sử Việt Nam, Nguyễn Quang Bàn chính là người đầu tiên đã mô tả súc tích và cụ thể về kích thước, trạng thái của một chiếc trống đồng cũng như âm thanh của nó.

Về chiếc trống trên, sách “Thanh Hóa cựu chí” viết trong đền có một trống đồng có từ thời Hùng Vương, nhà Tây Sơn từng đưa về Phú Xuân, nhưng sau đó người huyện Hậu Lộc lại tìm được một cái trống như thế ở bãi sông, trình nộp lên quan trấn, sau đưa về đền, nay vẫn còn.

Sách Trình Lục đời Gia Long lại chép chuyện kể trống đồng ở núi Đồng Cổ bị Tây Sơn lấy đi, nhưng đang đi trên biển, thuyền bị gió lật chìm. Chẳng bao lâu lại thấy chiếc trống đồng ấy ở bến nước dưới chân núi Đồng Cổ…

Câu chuyện xem ra khá ly kỳ. Việc quân Tây Sơn lấy đi chiếc trống đồng ở đền đem đi có lẽ là thực. Tuy nhiên, có đúng là thuyền chở trống bị lật chìm trên biển và vì sao trống lại được phát hiện thì vẫn là những điều bí ẩn? Chúng ta có thể suy đoán, quân Tây Sơn đã lấy chiếc trống ở đền đưa về Phú Xuân, nhưng sau 10 năm tìm kiếm, Quang Bàn đã có trong tay và khéo léo trả lại chiếc trống đó cho đền.

Vì sao Quang Bàn làm việc đó?

Rất có thể, là quan đốc trấn Thanh Hóa, tìm hiểu qua sử sách, Quang Bàn chắc đã biết rõ hơn về sự tích thần Trống đồng, một vị thần tối linh đã liên tục âm phù các vị vua Việt, từ Vua Lý Thái Tông đánh giặc Chiêm và dẹp loạn Tam Vương, vua Lê Thái Tổ đánh giặc Minh, Vua Lê Trung Hưng đánh quân Mạc đến chính bản thân ông khi đi dẹp loạn… Chính vì thần Trống đồng linh thiêng như vậy nên Vua Lý Thái Tông đã xây đền ở kinh đô Thăng Long, tôn thần lên vị trí tối cao cho hội thề trung hiếu của triều đình hằng năm tại đền. Các triều Trần, Lê sau cũng đều theo tục đó.

Riêng đền ở Đan Nê, các vua Lê đều rất coi trọng việc tế lễ tại đền, còn các chúa Trịnh đã cho tôn tạo đền với qui mô hoành tráng (tới 38 gian).

Tại đền còn có bia ghi bài thơ chữ Hán của Tể tướng Nguyễn Văn Giai, vị khai quốc công thần thời Lê Trung hưng, trong đó có các câu:

Ở Yên Định, Đan Nê/ Có núi thiêng Đồng Cổ/ Dưới giữ gìn cõi đất/ Trên chống đỡ cột trời/ Vượt cao lên ngàn núi/ Thiêng hun đúc muôn đời… Nhớ công thần cao cả/ Giúp ngôi nước lâu dài/ Thần được nhiều phong tặng/ Đền mở rộng dựng xây...

Như vậy, việc Quang Bàn đưa trả trống cho đền và dựng tấm bia trên là một cách cho thiên hạ biết rằng nhà Tây Sơn cũng rất coi trọng việc thờ thần Trống đồng; và chính ông là người đã có cơ duyên được thần gửi trao việc trả lại trống đồng cho đền. Rõ ràng, điều đó sẽ đem lại tiếng thơm và uy tín cho chính ông và nhà Tây Sơn.

Năm 1932, học giả Pháp Goloubew khi đến đền đã xác định chiếc trống thờ ở đền là trống loại Heger II, mặt rộng 85cm, cao 58cm, xấp xỉ kích cỡ mà Quang Bàn đã đo. Mặt trống có mặt trời 8 tia, 4 tượng ếch, 8 vành hoa văn hình học gồm vòng tròn đồng tâm, hình thoi có chấm, hình bán nguyệt...

Tuy nhiên, vào khoảng 1947-1948, đền bị bom Pháp phá. Thời chống Mỹ, chiếc trống đồng thờ trong đền cũng mất tích. Không ai biết trống Đan Nê giờ ở đâu dù có người nói đã thấy trống Đan Nê trong Bảo tàng Paris, Pháp(?!).

Đặc sắc trống đồng Cảnh Thịnh

Khác hai câu chuyện trên, câu chuyện sau là hoàn toàn xác thực.

Năm 1800 (năm Cảnh Thịnh thứ 8), thợ đúc đồng làng Ngũ Xã, Hà Nội đã đúc một chiếc trống đồng cho chùa Nành (ở xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm nay) theo mẫu một dạng trống da thường dùng ở chùa. Chiếc trống này được gọi là “trống đồng Cảnh Thịnh” theo niên hiệu của Nguyễn Quang Toản, vị hoàng đế cuối cùng của nhà Tây Sơn.

Trống đồng Cảnh Thịnh

Trống được đúc bằng kỹ thuật khuôn sáp, một kỹ thuật đã được dùng để đúc các trống Đông Sơn sớm và đẹp nhất như Ngọc Lũ, Hoàng Hạ. Sau này, những người thợ Thanh Hóa đúc trống đồng chủ yếu bằng kỹ thuật khuôn mảnh…

Trống có dáng hình trụ, thân trống chia thành ba phần bằng các gờ nổi, giữa mặt trống có hình vòng tròn kép thể hiện mặt trời… các yếu tố ít nhiều cũng gợi tới dáng và hoa văn chính trên mặt trống Đông Sơn.

Các hoa văn chính nổi bật trên thân trống gồm Tứ Linh (Long, Ly, Quy, Phượng), Long Mã cõng Hà Đồ, Thần Quy chở Lạc Thư và Thao Thiết, các biểu tượng cổ điển tượng trưng cho đất nước thái bình thịnh trị, trời đất mưa thuận nắng hòa, người vật an khang thịnh vượng trong văn hóa phương Đông. Một số linh vật được cách điệu từ hình hoa lá, một thủ pháp lần đầu tiên xuất hiện trên trống và trong nghệ thuật cổ Việt Nam nói chung.

Phần chữ Hán trên trống cho biết rõ về sự tích trống như sau: một người làng Nành là bà Nguyễn Thị Lộc, vợ Thị nội Tổng thái giám năm 1736 đã bỏ tiền ra xây chùa. Sau này, khi chùa bị xuống cấp, bà lại bỏ ra nhiều tiền để sửa chùa. Ghi nhớ công ơn bà, dân làng đã họp bàn, đồng lòng góp công góp của để đúc trống, chuông và các lễ khí khác cúng dâng cho chùa.

Tuy nhiên, chúng ta chưa rõ ý tưởng đúc trống đồng đến từ đâu, từ quan niệm không dùng trống bịt da trâu bò vì tránh sát sinh hay từ tính trường cửu của trống đồng?

Với tính độc đáo và những giá trị đặc sắc, trống đồng Cảnh Thịnh được bảo quản tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Hà Nội và năm 2012 được công nhận là Bảo vật Quốc gia.

Tạ Đức
.
.