Trao vàng “dữ liệu” cho người lạ

Thứ Năm, 30/03/2023, 08:27

Vào giữa tháng 3, sau khi vụ án bán dữ liệu khách hàng được đưa ra xét xử, tôi đã thử thống kê lại xem mỗi tháng mình nhận được bao nhiêu cuộc gọi chào mời đủ thể loại, từ đầu tư chứng khoán, bảo hiểm, tiền điện tử, tín dụng...

“Ăn cắp” dữ liệu tràn lan

Con số thống kê làm tôi giật mình: 128 cuộc, tức hơn 4 cuộc gọi từ số lạ trung bình mỗi ngày, chưa kể đống tin nhắn spam ngập trong hộp thư. Sau đó, mỗi khi nhận được cuộc gọi, tôi đều hỏi xem người gọi lấy số từ đâu. Thường là họ ấp úng, rồi thú nhận rằng mình “nhận được một danh sách và cứ thế bốc máy lên gọi mỗi ngày”.

Tất nhiên là chuyện truy ra xem ai đã “ăn cắp” dữ liệu của tôi là vô phương, không chỉ vì chính cán bộ nhà mạng cũng bán dữ liệu của khách hàng. Tôi chợt nhớ ra rằng mình, cũng như nhiều người, từng nhập và gửi rất nhiều thông tin cá nhân lên mạng, vì sự tiện lợi.

Trao vàng “dữ liệu” cho người lạ -0

Lấy ví dụ, bạn làm một thẻ tín dụng, mà không muốn trực tiếp đến ngân hàng. Bạn gửi ảnh căn cước công dân và các thông tin cá nhân cho nhân viên ngân hàng qua Zalo. Hoặc, nhờ dịch vụ xin visa, bạn cũng dễ dàng gửi các tài liệu qua mail hoặc Zalo. Ngày nay, khi chúng ta mua hàng ở bất cứ đâu, câu cửa miệng của nhân viên cũng là “cho em xin họ tên và số điện thoại của anh/chị”.

Vô tình, chúng ta để dấu vết danh tính của mình ở khắp nơi trên mạng và các nhà cung cấp dịch vụ, vốn lấy được các dữ liệu này quá dễ dàng, không hề có ý thức bảo mật chúng. Một người bạn của tôi kể rằng anh liên tục bị một đối tượng gọi để thông báo rằng... bạn anh đang nợ tín dụng một ứng dụng trên mạng và “ông nhắc nó trả nhanh cho bọn tôi”.

Có thể chúng ta vẫn nghĩ rằng dữ liệu của mình không có gì đáng giá, nhưng lịch sử nói rằng không. Từ năm 1947, nhà tâm lý học Roger Barker đã thành lập “Trạm tâm lý vùng Trung Tây” ở Oskaloosa, Kansas (Mỹ) và mở ra một kỷ nguyên mà những điều tầm thường trong cuộc sống được thu thập lại tỉ mỉ trước khi được phân tích, đánh giá và xếp loại rất chi tiết, để phục vụ cho nhiều mục đích.

Một văn bản trong số đó, nghe qua, có vẻ tầm thường: “Cậu bé Raymond 7 tuổi, vào 7 giờ sáng Thứ ba, ngày 26/4/1949, uể oải mang chiếc tất vào chân trái, chậm chạp thức dậy ra khỏi giường, trong khi bà mẹ nói đùa: “Con không thể mở mắt ra nổi sao?”.

Với các chi tiết nhỏ này, Barker đã cho tổng hợp, phân loại và tạo ra nguồn tài nguyên quý giá cho các nghiên cứu xã hội học cũng như tâm lý ở địa phương nói riêng và sau này là nước Mỹ nói chung. Các dữ liệu hành vi này sẽ được sử dụng ở một loạt dự án mang tính cách mạng tại nước Mỹ sau này, từ việc xây trường học ở Kansas, đến các tiệm làm đẹp ở Middletown.

Giao trứng cho ác

Kể từ đó tới nay, khai thác dữ liệu cá nhân đã trở thành một ngành công nghiệp hàng tỷ USD. Vào năm 2012, Wal-Mart đã tạo ra 2,5 petabyte dữ liệu liên quan đến hơn 1 triệu giao dịch của khách hàng mỗi giờ. Trong cùng năm ấy, Facebook báo cáo rằng họ đang xử lý khoảng 2,5 tỷ mẩu nội dung (liên kết, bình luận), 2,7 tỷ lượt thích và 300 triệu lượt tải ảnh lên mỗi ngày.

Các luồng dữ liệu cá nhân có thể cung cấp tấm bản đồ, không chỉ cho biết bạn đang ở đâu, mà còn cho bạn biết nơi bạn muốn đến, thậm chí cả sở thích, ước muốn, đam mê. Nó được tạo ra từ việc tập hợp các dữ liệu hành vi khổng lồ, ngày nay là các luồng nhấp chuột cùng những lựa chọn điều hướng chúng, mà từ đó người nắm dữ liệu có thể tạo ra ảnh hưởng lên đám đông, thậm chí định nghĩa lại các mối quan hệ, phạm trù.

Cho đến giờ, các tập đoàn lớn đã leo thang rất nhanh trong việc khai thác dữ liệu cá nhân. Cuối năm 2018, Ủy ban Bảo vệ dữ liệu  (DPC) của Ireland, cơ quan giám sát các tập đoàn theo Luật Bảo vệ dữ liệu chung châu Âu đã mở hơn một chục cuộc điều tra nhắm vào các con khủng long công nghệ bao gồm Facebook, Google, Twitter và Apple.

Trao vàng “dữ liệu” cho người lạ -0

Tháng 7/2019, Ủy ban Thương mại Mỹ phạt Facebook 5 tỷ USD vì để lộ dữ liệu cá nhân của 50 triệu người dùng. 2 tháng sau, họ phạt tiếp Google 150 triệu USD vì thu thập dữ liệu trẻ em bất hợp pháp thông qua YouTube.

Cuộc tấn công rầm rộ vào hành vi khai thác dữ liệu cá nhân trái phép bắt nguồn từ nhận thức sâu sắc rằng bất kỳ chủ thể nào nắm được dữ liệu trong tay thậm chí có thể kiến tạo một hệ thống mà những người dùng thậm chí có xu hướng hành động... chống lại lợi ích của chính họ.

Hãy thử tưởng tượng một người “nghiện” Facebook: Anh ta sẽ đốt thời gian của mình trên mạng xã hội đôi lúc nhiều hơn cả cuộc sống thật, bị các gã khổng lồ công nghệ điều hướng hành vi tiêu dùng, lẫn sở thích, thậm chí là tác động vào nhận thức về những vấn đề sâu sắc nhất như chính trị, xã hội, tư tưởng.

2 năm sau khi nhận số tiền đầu tư khổng lồ và nổi tiếng trên toàn cầu nhờ internet, Google vẫn là một công ty khởi nghiệp dạng tiềm năng, chưa thể kinh doanh có lãi. Năm 2000, tung ra sản phẩm Google AdWords, nền tảng quảng cáo tận dụng dữ liệu của những người đã sử dụng và tương tác với Google. Trong vòng chưa đầy 4 năm sau, công ty đạt mức tăng trưởng gần 4.000%.

Cùng năm đó, Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ đã khuyến nghị với Quốc hội nước này rằng quyền riêng tư trên thế giới trực tuyến cần phải được quy định chặt chẽ. Tuy nhiên, sau vụ tấn công ngày 11/9/2001 vào tòa tháp đôi ở New York, mối lo ngại về an ninh đã đẩy lùi các nhu cầu về quyền riêng tư.

Sự phát triển khủng khiếp của Facebook, nền tảng mà mọi người dùng đều tự nguyện cung cấp những thông tin cá nhân sâu sắc nhất cho nó, đã làm dấy lên những lo ngại mới. Năm 2014, nữ đạo diễn Laura Poitras thậm chí còn thốt lên trong một cuộc trả lời phỏng vấn tờ Washington Post: “Facebook là một món quà cho các cơ quan tình báo”.

Các cuộc gọi làm phiền để chào mời đủ thứ chỉ là bề nổi của một quá trình khai thác tinh vi những dữ liệu cá nhân của người dùng, với lợi nhuận có thể lên đến hàng triệu USD ở các thị trường quy mô nhỏ. Đi xa hơn sự phiền toái, một loạt các vụ lừa đảo gần đây, điển hình như những cuộc gọi thông báo rằng “con anh/chị bị tai nạn đang ở bệnh viện”, đến từ việc dữ liệu cá nhân của chúng ta đã bị lộ, từ số điện thoại đến địa chỉ nhà, tên tuổi con cái.

Cho nên lần tới, nếu một nhân viên cửa hàng, nhân viên tín dụng, hoặc bất kỳ ai muốn bạn gửi giấy tờ nhân thân hoặc cung cấp số điện thoại, hãy mạnh dạn nói “không”. Đằng sau các chi tiết bình thường có thể là rất nhiều thứ bất thường. Đừng cho đi tài sản quý giá trên không gian số của bạn một cách dễ dàng.

Ban Cầm
.
.