Tranh cãi về “xác ướp người ngoài hành tinh” ở Peru
Bí ẩn xung quanh các “xác ướp người ngoài hành tinh” ở Peru ngày càng thu hút sự quan tâm của dư luận và các nhà khoa học, nhất là sau khi kết quả phân tích dấu vân tay mới cho thấy rằng, hài cốt gây tranh cãi này có thể không phải là của con người.
Những rãnh chéo kỳ lạ trên đầu ngón tay và chân
Nhà báo, đồng thời là nhà nghiên cứu về người ngoài hành tinh Jaime Maussan đến từ Mexico - người hồi năm ngoái đã trở thành chủ đề bàn tán khi phải giải trình trước Quốc hội Mexico về người ngoài hành tinh, mới đây lại gây tranh cãi khi công bố về hai xác chết "không phải của con người" 1.000 năm tuổi ở Peru. Cùng với tuyên bố này, Jaime Maussan còn tìm đến sự trợ giúp của các nhà khoa học Mỹ và châu Âu để xác nhận tính xác thực của 2 xác ướp nói trên.
Khi trả lời phỏng vấn hãng Daily Mail, Jaime Maussan cho hay, các “phân tích chuyên sâu hơn đang được thực hiện” và ông đang kiện chính phủ Peru để giành quyền chuyển các thi thể đến các phòng thí nghiệm tiên tiến hơn ở Mỹ. Đồng thời, Jaime Maussan tiếp tục nhấn mạnh đến ý tưởng đã gây tranh cãi trong gần một thập kỷ qua là các xác ướp có thể là “con lai” giữa người ngoài hành tinh và con người bởi các mẫu vật thu thập được chứa “30% ADN chưa giải mãi mã được”.
Cũng theo Jaime Maussan, vụ kiện mà ông đang tiến hành với số tiền là 300 triệu USD dự kiến mất khoảng 8 tháng. Trong thời gian này, ông vẫn cùng các cộng sự là những nhà khoa học ở Mỹ, Mexico và châu Âu tiếp tục các cuộc thử nghiệm.
Cùng lúc này, phóng viên chuyên mảng khoa học của Daily Mail là Matthew Phelan đã công bố một số phát hiện gây tranh cãi. Đó là những rãnh chéo kỳ lạ được tìm thấy trên đầu ngón tay và ngón chân của một xác ướp được gọi là María. Luật sư, đồng thời cũng là nhà nghiên cứu Joshua McDowell, người đang cung cấp cho những tuyên bố của Matthew Phelan, đã kiểm tra María với sự trợ giúp của 3 giám định viên pháp y độc lập từ Mỹ cho hay: "Đây không phải là mẫu dấu vân tay truyền thống của con người. Chúng tôi không thấy bất kỳ vòng lặp hoặc vòng xoáy nào trên dấu vân tay của ngón tay hoặc ngón chân”.
Trên thực tế, phân tích dấu vân tay, hay dấu vân tay “ma sát” trên da, đã là một công cụ pháp y từ năm 300 trước Công nguyên ở Trung Quốc và được hệ thống hóa lại tại Mỹ từ năm 1902. Tuy nhiên, dấu vân tay của María không khớp với bất kỳ mẫu vân tay nào của con người đã biết. Nhà nghiên cứu Joshua McDowell, với kinh nghiệm sâu rộng trong phân tích dấu vân tay cũng đã xác nhận tính độc đáo của những mẫu vân tay này.
Theo các tài liệu ghi chép, María là một trong hơn nửa tá xác ướp “người ngoài hành tinh” được Jaime Maussan đưa giới thiệu. Xác ướp này được phát hiện phủ đầy đất diatomit - một loại bột hóa thạch còn sót lại từ sinh vật phù du. Joshua McDowell lưu ý rằng, “phần lớn cơ thể của xác ướp này được phủ đầy đất diatomit. Tuy nhiên, trên những ngón tay lộ ra các đường gờ biểu bì mà dường như chủ yếu là các đường thẳng”.
Mặc dù thừa nhận sự kỳ lạ của các mẫu đường gờ thẳng, Joshua McDowell và nhóm của ông vẫn nhấn mạnh sự cần thiết phải thận trọng khi đưa ra kết luận. “Có thể điều này liên quan đến cách bảo quản da của cô ấy”, Joshua McDowell nói.
Những nghiên cứu gây tranh cãi
Các nghiên cứu và điều tra về sự kỳ lạ của các xác ướp ở Peru vẫn đang được tiến hành. Hãng tin Reuters hồi đầu năm đã đăng tải một bài viết của tác giả Marco Aquino dựa trên những phát biểu của nhà khảo cổ học tại Viện Y học Pháp lý và Khoa học Pháp y của Peru Flavio Estrada rằng, “xác ướp người ngoài hành tinh” ở Peru thực chất là búp bê làm từ xương người. Flavio Estrada mô tả, cặp xác ướp với bàn tay ba ngón riêng biệt thực chất là búp bê làm từ xương động vật ở Trái đất được ghép lại với nhau bằng keo tổng hợp hiện đại.
"Nền văn hóa của chúng ta trong quá khứ đã tạo ra Machu Picchu. Nền văn hóa của chúng ta trong quá khứ đã tạo ra Nazca Lines, họ không cần bất kỳ sự giúp đỡ nào của người ngoài hành tinh để làm điều đó. Những người đã thúc đẩy điều đó có lợi ích kinh tế và một số loại lợi ích khác", Flavio Estrada nói.
Tuy nhiên, Joshua McDowell vẫn một mực bác bỏ thông tin này vì cho rằng nó chưa thực sự thuyết phục và nếu “xác ướp người ngoài hành tinh” là giả thì cần phải có những bằng chứng sâu hơn. Vì thế, Joshua McDowell đã đưa một nhóm chuyên gia người Mỹ đến Peru, bao gồm một cảnh sát điều tra đến thành phố Denver, một nhà nhân chủng học pháp y từ Maryland và cha của ông, tiến sĩ John McDowell, một bác sĩ nha khoa pháp y đã xác định danh tính các nạn nhân của vụ tấn công khủng bố ngày 11/9/2001.
“Công việc của nhóm vẫn tiếp tục cho đến khi tìm cách khám phá bản chất thực sự của những “xác ướp người ngoài hành tinh”. Tôi đã đến Mexico một vài lần, dành nhiều ngày ở Peru. Nguồn gốc bí ẩn và đặc điểm khác thường của những di vật này vẫn đang tiếp tục gây tò mò cho các nhà nghiên cứu và công chúng, để lại nhiều câu hỏi chưa được giải đáp”, Joshua McDowell nói.
Cho đến nay, nhóm của Joshua McDowell đã làm nhiều xét nghiệm trong đó có việc quét thành phần hóa học của vật thể thông qua phương pháp huỳnh quang, một phương pháp tương tự như phần cứng trên tàu thám hiểm Mars Perseverance của NASA. Kỹ thuật không xâm lấn này đã trở nên nổi bật trong việc kiểm tra thành phần của vật liệu mà không phá hủy hoặc thay đổi vật liệu đó trong quá trình này. Nhưng các nhà nghiên cứu cũng thường xuyên báo cáo về những hạn chế của công nghệ này. Ví dụ, một nhóm các nhà khoa học môi trường ở Arizona (Mỹ) đã báo cáo vào năm ngoái rằng, các xét nghiệm huỳnh quang tia X di động của họ không xác định được chính xác hàm lượng kim loại crom, do hàm lượng sắt cao làm át đi tín hiệu của crom.
Tương tự như vậy, các nghiên cứu không xâm lấn được tiến hành trên các thi thể mà Jaime Maussan đưa ra trước Quốc hội Mexico đã khiến người đứng đầu Viện nghiên cứu khoa học sức khỏe của Hải quân Mexico tuyên bố chúng là "một bộ xương duy nhất chưa được ghép với các bộ phận khác". Nhưng Tiến sĩ John McDowell lại lưu ý rằng, tất cả các loại xét nghiệm quét không phẫu thuật này chỉ có thể cho các nhà khoa học biết một số thông tin về cấu tạo thực sự của những thi thể bất thường này.
“Chúng tôi đã tiến hành đánh giá bên ngoài tốt nhất có thể”, chuyên gia pháp y này cho biết và nhấn mạnh rằng, bất kỳ phân tích sâu hơn nào về các xác ướp đều phải được tiến hành “theo đúng tất cả các luật quốc tế liên quan đến các phát hiện khảo cổ học”.
Gần 30 năm qua, chính phủ Mỹ và Peru đã hợp tác chặt chẽ để giảm tình trạng buôn bán trái phép các hiện vật lịch sử và văn hóa vô giá của Peru, giải cứu hơn 2.000 vật phẩm bị cướp bóc và đánh cắp, hiện đã trả lại cho Peru. Chuyến đi của nhóm nghiên cứu do Joshua McDowell dẫn đầu hồi tháng 4 tới Peru đã xảy ra chuyện cảnh sát cùng giới chức Bộ Văn hóa Peru đột kích một cuộc họp báo với ý định tịch thu một trong những xác ướp mới được trưng bày mang tên Montserrat. Sự việc này sau đó thúc đẩy tiến sĩ John McDowell viết một bức thư ngỏ gửi tới giới chức Peru thông qua bài đăng tải trên tờ La Noticia Perú, trong đó ông “kính cẩn yêu cầu những người có thẩm quyền tạo điều kiện đánh giá toàn diện tất cả các thực thể bị thu hồi này”.
“Làm việc cùng nhau chắc chắn sẽ cho phép chúng ta xác định xem bất kỳ thực thể nào trong số này là những khám phá khảo cổ độc đáo và có giá trị hay là trò lừa bịp tinh vi”, bức thư của tiến sĩ John McDowell có đoạn viết và cho biết, chìa khóa là “kiểm tra trực tiếp các mẫu vật không có chất gây ô nhiễm” bởi vấn đề ô nhiễm là một rủi ro đặc biệt cao liên quan đến việc xác định niên đại bằng carbon của những xác ướp bí ẩn này.
Trước đó, một công trình nghiên cứu tại Đại học Chicago đã nêu rõ, quá trình sử dụng sự phân rã phóng xạ của một đồng vị carbon, carbon-14, để ước tính thời điểm một sinh vật sống chết có thể dễ dàng bị phá vỡ bởi carbon từ các nguồn khác. Ngay cả một chút carbon dư thừa từ ô nhiễm cũng sẽ làm sai lệch đáng kể kết quả. Ví dụ, một mẫu vật có niên đại hàng triệu năm bị ô nhiễm chỉ bởi một lượng nhỏ carbon có thể đưa ra độ tuổi không hợp lệ là 40.000 năm. Và những vấn đề này có thể trở nên khó khăn hơn trong trường hợp có bàn tay của kẻ lừa đảo.
Tiến sĩ Vật lý Bente Philippsen, người đứng đầu Phòng thí nghiệm quốc gia về xác định tuổi tại Đại học Khoa học và Công nghệ Na Uy từng giải thích: “Nếu ai đó chế tạo xác ướp người ngoài hành tinh giả từ xương động vật cổ đại. Ngày tháng carbon phóng xạ vẫn sẽ ghi là "cổ đại", tức là thời điểm động vật chết”. Tệ hơn nữa, tiến sĩ Bente Philippsen lưu ý rằng, thậm chí còn có những vấn đề nghiêm trọng hơn khi sử dụng kỹ thuật này trên các vật thể ngoài hành tinh bị nghi ngờ.
“Trên thực tế, phương pháp xác định niên đại bằng carbon phóng xạ chỉ áp dụng được với các mẫu vật từng sống trên Trái đất, vì các hành tinh khác có thể có tỷ lệ sản xuất 14C [đồng vị Carbon-14] khác nhau trong bầu khí quyển của chúng. Nếu chúng ta muốn xác định niên đại bằng carbon phóng xạ đối với hài cốt của những du khách ngoài hành tinh, chúng ta sẽ cần phải có đường cong hiệu chuẩn từ hành tinh quê hương của họ”, nhà vật lý này nhấn mạnh.