Trạng nguyên Giáp Hải: Từ huyền thoại trên Wikipedia đến văn bia ngoài đời

Thứ Sáu, 20/08/2021, 09:57

Tôi chơi với TS. Giáp Văn Dương nhiều năm, biết anh là dòng dõi Trạng nguyên Giáp Hải. Có những năm mở trường hè VSSS cho các bạn sinh viên, tôi vẫn trêu anh bằng bài “sử liệu học trên wikipedia” (viết tắt: wiki) về cụ Giáp Hải, để lấy ví dụ cho việc huyền thoại dân gian có sức mạnh tàn phá như thế nào đối với sử học và tri thức lịch sử nói chung.

Như có giáo sư sử học người Mĩ từng than thở với tôi, hay kêu gọi ở trên trang cá nhân của ông, rằng: ngoài những lợi ích riêng, wiki và các trang mạng xã hội đang tạo nên não của chúng ta, bằng những người vô danh sau bàn phím.

Cơn bão khủng khiếp của nó không những tạo nên tư duy của hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỉ lượt người đọc, mà còn tạo nên một lớp những học giả “wikipedia hóa”. Bạn đọc cho rằng tôi hơi quá lời chăng? Trong bài này tôi sẽ lấy một ví dụ cụ thể về trường hợp cụ thể, đó là trạng nguyên Giáp Hải, để thấy những người viết wikipedia, do không phải là các học giả, nên đã sai lầm như thế nào, vì chỉ dựa vào sách vở và huyền thoại.

van bia trang nguyen giap hai soan cho than phu giap duc ky.jpg -0
Văn bia do Giáp Hải soạn cho thân phụ Giáp Đức Kỳ, khắc 1549. Ảnh: Bảo tàng Bắc Giang. Bia đã được đề xuất là Bảo vật Quốc gia năm 2017. 

Wiki viết thế nào về Giáp Hải? Tôi xin lược thuật như sau: Giáp Hải (1515 - 1585), Nguyên quán ở làng Bát Tràng, huyện Gia Lâm, Hà Nội. Lúc bé mồ côi cha và nghèo, ở làng mẹ là làng Công Luận, huyện Tế Giang. Một hôm Giáp Hải chơi ở bến sông, có người lái buôn quê làng Dĩnh Kế bỏ xuống thuyền đem về nuôi làm con, đón thầy dạy học cho, việc học chóng tấn tới. Năm 1538 đời Mạc Đăng Doanh đỗ Tiến sĩ nhất giáp. Ông làm quan trải qua chức Thượng thư bộ Lại, kiêm Đông các đại học sĩ...

Ngoài ra, các giai thoại tràn ngập trên mạng. Ví dụ: Truyện xưa Tích cũ (http://truyenxuatichcu.com/truyen-thuyet-viet-nam/truyen-trang-nguyen-giap-hai.html) kể rằng: Giáp Hải là đứa con hoang của bà hàng nước. Bà hàng nước ở làng Công Luận, vì không lấy túi vàng của một ông thầy địa lý, nên được ông đoán cho vận mệnh rằng sau sẽ sinh con Trạng nguyên. Một hôm trời mưa tầm tã, có một ông đánh giậm  bị cảm lạnh vào quán rồi ngất, bà chăm sóc, bôi dầu, nấu cháo, cứu cho tỉnh dậy. Hỏi ra mới biết đó là một người nghèo không có tiền lấy vợ, nên luống tuổi rồi chỉ có một mình.

Đêm ấy ông nghỉ lại, nhà chật nên đành ngủ chung giường, hai người đụng chạm da thịt, nên đã cảm động. Khi ân ái chưa xong, thì ông bị phạm phòng nên đột tử. Bà sợ quá, bèn vội vàng đem đi chôn ngay trong đêm để giấu xác. Sau đêm đó, bà có thai, bị cả làng khinh rẻ, bà vẫn gắng chịu đựng và sinh ra đứa bé khôi ngô hơn người, đó chính là Giáp Hải. Khi Giáp Hải lớn lên một chút, có người lái buôn họ Giáp ở làng Dĩnh Kế, thấy Giáp Hải khôi ngô nên bắt cóc về làm con nuôi. Nguyên ủy, ông này dân chơi, mắc bệnh lậu, nên tuyệt đường con cái. Nhân thấy cậu bé ngoan ngoãn thông minh nên mới bắt về làm con.

Năm lên 6 tuổi, Giáp Hải đã nổi tiếng thần đồng, 19 tuổi đỗ Thi Hương. Khi đi học trọ, Giáp Hải từng cứu một con ba ba, nuôi trong nhà, ba ba hóa thành người con gái đẹp hàng ngày nấu cơm cho ông. Đó là con gái của vua Thủy Tề, hiện thành người để đền ơn cứu mạng. Vua Thủy Tề hỗ trợ chàng ăn học dưới thủy cung, nên lâu sau ông đã đỗ Trạng Nguyên, khi ấy 32 tuổi. Khi vinh quy bái tổ, vào ngày nắng nực, nhiều người bực tức nên nói cạnh khóe về nguồn gốc “con rơi” của Trạng. Lúc này Trạng mới nhớ ra hồi bé nhà mình ở Công Luận, nên tìm về với  mẹ. Hai mẹ con nhận ra nhau qua nốt ruồi đỏ ở chân.

Những chuyện thuật ở trên chỉ là huyền thoại, nhưng đã được các trang mạng xào xáo thêm nếm. Nguyên ủy chuyện “Trạng nguyên nốt ruồi đỏ”, được chép trong nhiều sách cổ khác nhau như “Quảng Lãm danh ngôn tạp lục”, “Nam thiên trân dị tập”,... Mỗi bản có những tình tiết sáng tác khác nhau tùy theo cảm hứng của người viết. Thực ra, vấn đề chẳng có gì là to tát, vì ai cũng biết đó là những tác phẩm văn học của người đời sau, nhằm thỏa mãn những nhu cầu tưởng tượng về một vị Trạng nguyên tài danh nhưng không rõ lý lịch.

Quay trở lại với Giáp Hải, quý vị có thể tìm trên mạng hàng loạt các câu chuyện thêu dệt khác liên quan đến nhân vật lịch sử này. Nhưng đáng buồn là, những thông tin được đưa trên cả wiki phần lớn không phải là lịch sử. Vậy Giáp Hải là ai? Và wiki và các trang mạng đã copy huyền thoại như thế nào? Liệu ông có phải là đứa con ngoài giá thú của một bà hàng nước sau lần ân ái với ông đánh giậm, dẫn đến việc đột tử của ông? Hay ông là đứa con do nhà họ Giáp bắt cóc đem về?

Wiki viết Giáp Hải sinh năm 1515, mất năm 1585. Thông tin này là sai. Theo tổng hợp từ gia phả họ Giáp và văn bia dòng họ (Lâm Giang, Trạng Nguyên Giáp Hải, Nxb Khoa học xã hội, 2009), ông sinh năm 1517, mất năm 1586. Ông tự là Tiềm Phu, hiệu Tiết Trai, người xã Dĩnh Kế, huyện Phượng Sơn, trấn Kinh Bắc (Bắc Giang).

Cụ nội là Giáp Thuận Trung, thời Hồ lánh nạn đến huyện Yên Dũng, làm Mục trưởng của hương. Ông nội là Giáp Bảo Phúc. Thân phụ là Giáp Đức Kỳ (1482 - 1549) tước Diễn Phái hầu, mẹ họ Đỗ. Cụ Đức Kỳ nhà giàu có, hay cứu chẩn người nghèo khó. Ông Giáp có vợ cả là bà họ Nguyễn sinh một trai là Giáp Hãng (trưởng nam), vợ lẽ là bà họ Đỗ sinh Giáp Hải và Giáp Thanh. Theo gia phả, họ Giáp có các con các cháu đỗ đạt có nhiều chi nhiều nhánh.

Năm 1538, Giáp Hải đỗ Tiến sĩ Đệ nhất giáp (Trạng Nguyên). Năm 1840, Mạc Đăng Doanh qua đời. Năm 1541, vì tị húy vua Mạc Phúc Hải, nên ông đổi tên thành Giáp Trừng. Khi này ông đã trải các chức Thượng thư bộ Lại, Thượng thư bộ Hình, Thượng thư bộ Lễ, Thượng thư bộ Binh, kiêm Đông các Đại học sĩ, Tri kinh diên sự Thiếu bảo, tước Luân quận công. Em trai Giáp Thanh được phong Đặc tiến Kim tử Vinh lộc Đại phu tước Sùng Cẩn tử.

Năm 1549, cụ Giáp Đức Kỳ mất, an táng tại Ngọ Sơn (Núi Ngò). Bia chôn dưới mộ do đích thân 3 con Hãng - Trừng - Thanh kính soạn. Vì giữ nhiều trọng trách, trải làm quan 5 vị trí Thượng thư trong tổng số Lục bộ, ông nhiều lần được giao trọng trách ngoại giao, đàm phán vấn đề biên giới giữa nhà Mạc và nhà Minh. Năm 1558, đời Mạc Tuyên Tông, ông làm Đề điệu ở trường thi trấn Sơn Nam. Năm 1561, đời Mạc Phúc Nguyên, khi đang giữ chức Lại bộ Tả thị lang, Giáp Trừng được cử dẫn quân đi đánh tan giặc Hoàng Đình Á.

Năm 1562, ông được giao chức Thượng thư bộ Lại, tước Kế Khê hầu. Năm 1566, đời Mạc Mậu Hợp, Giáp Trừng cùng Phạm Duy Quyết đến biên giới Lạng Sơn đón sứ thần Lê Quang Bí sau 18 năm đi sứ (1548- 1566) nhà Minh trở về. Năm 1573, ông giữ chức Tuyên phủ Đồng tri tới ải Nam Quan cùng nghị bàn với quan nhà Minh về việc giám sát biên giới. Người Minh kính nể gọi ông là Giáp Tuyên phủ. Giáp Trừng là người giỏi đối đáp và văn chương, nên đã 5 lần được triều đình giao việc đi sứ. Năm 1578, ông thăng Thượng thư bộ Lại, kiêm Đô ngự sử, Luân quận công. Thấy tình hình chính sự rối ren, ông dâng sớ nêu 6 điều cần phải tránh.

Vua Mạc Mậu Hợp tuy không nghe, nhưng thăng hàm Thiếu bảo cho ông, ông từ chối nhưng không được. Năm 1579, ông thăng chức Binh bộ Thượng thư, chưởng Lục bộ sự (nắm quyền điều hành cả 6 bộ), kiêm chức Đông các Đại học sĩ (coi việc công văn giấy tờ cho vua), coi việc ở tòa Kinh diên (thầy dạy học cho thái tử).

Cuối đời, ông tự thấy quá vinh hiển, nhiều lần xin từ chức, nhưng không được. Năm 1582, Mạc Mậu Hợp thăng tước Sách quốc công cho ông, ông từ chối không được. Năm 1585, lại thăng làm Thái bảo. Sau nhiều lần xin, đến năm 1585, Giáp Hải được cho về nghỉ. Mạc Mậu Hợp ban cho đôi câu đối: Là Trạng nguyên, là Tể tướng, Bắc Đẩu trời Nam; Đã Quốc lão, lại Đế sư [thầy của vua] được thiên hạ kính trọng” (Trạng đầu, Tể tướng, Đẩu Nam tuấn; Quốc lão, Đế sư, thiên hạ tôn). Năm 1586, ông qua đời, thọ 70 tuổi, mộ táng tại Núi Kế (núi Ông Trạng).

Giáp Hải không chỉ là nhà khoa bảng lừng lẫy, bậc tể thần của vương triều, mà còn được coi là hàng Bắc đẩu của học vấn nước Nam. Ông có các tác phẩm: “Tuy Phong tập”, “Ứng đáp bang giao tập”, “Cổ kim bang giao bị lãm”, “Cao lâu tỳ bà ký”, “Thuận minh”, “Tạ sĩ biểu”, “Kim khê”, ‘Ngọc kiều”. Nhưng phần lớn các tác phẩm này đã mất. Hiện chỉ còn: “Cổ kim bang giao bị lãm” (A.185) gồm các bài biểu, tấu, công văn, trong có chép lẫn bài của người khác, và một số văn thơ trong “Lịch triều hiến chương loại chí”, “Việt thi tục biên”, “Phong tục sử”,... và một số bài văn bia, trong đó tiêu biểu là văn bia “Tiên khảo Thái bảo Giáp phủ quân mộ chí”- bia mộ do đích thân ông soạn cho thân phụ Giáp Đức Kỳ. Bia khắc vào ngày 26 tháng 12 năm Kỷ Dậu niên hiệu Cảnh Lịch thứ 2 (1549).

Vậy là, như tôi đã trình bày, quý vị vừa đi dạo một lượt từ huyền thoại trên wiki về Trạng Nguyên Giáp Hải cho đến hành trạng của ông qua tư liệu văn bia và thư tịch cổ. Bạn đọc có thể thấy sự khác biệt quá lớn giữa những thông tin trôi nổi trên mạng với thực tế lịch sử, giữa wiki và bia đá. Nhưng các câu chuyện thêu dệt này chỉ nên thuộc phạm vi của văn học dân gian, chứ không phải trở thành những thông tin mang tính lịch sử. Đây là hệ quả của việc nhiều người cho rằng, trong huyền thoại có lịch sử, dẫn đến việc đưa cả huyền thoại vào sách giáo khoa, kiểu như dùng chuyện Sơn Tinh Thủy Tinh để minh họa cho lịch sử thời Hùng Vương, hay chuyện Trâu vàng liên quan đến sự hình thành Hồ Tây.

Trần Trọng Dương
.
.