Tìm về những sứ quán thời xưa

Thứ Sáu, 06/05/2022, 09:39

Việc bang giao của nước ta với nước ngoài đã có từ thời xưa. Vậy thời đó, sứ thần nước ngoài đến nước ta thì ở đâu?

Sử sách cho biết, từ thời nước ta bắt đầu xây dựng nền tự chủ, nhà Đinh đã có quan hệ bang giao với nhà Tống bên Trung Quốc. Thời Đinh, Lê, kinh đô đặt tại Hoa Lư (Ninh Bình ngày nay) nên sứ nhà Tống thời đó vào tận Hoa Lư để thực hiện nghi lễ sắc phong cho các vị vua Đại Cồ Việt. Năm 987, thời Tiền Lê, sứ nhà Tống là Lý Giác vào Hoa Lư, dừng nghỉ ở chùa Sách Giang (có sách chép là Khúc Giang), Vua Lê Đại Hành sai nhà sư tên Thuận giả làm giang lệnh (người coi sông) ra đón, thù tiếp thơ văn với Lý Giác, khiến vị sứ thần này nể phục. "Đại Việt sử ký toàn thư" chép: "Khi về đến sứ quán, Lý Giác gửi thư cho Thuận. Vua đưa bài thơ cho Khuông Việt Đại sư xem, đại sư nói: "Thơ này có ý tôn trọng bệ hạ không khác gì vua Tống". Sứ quán thời Tiền Lê có lẽ nằm ở bên ngoài kinh thành Hoa Lư.

suquan-1651131626710.jpg
Sứ quán Pháp cuối thế kỷ 19 tại Huế

Đến năm 990, khi nhà Tống sai Tống Cảo và Vương Thế Tắc mang tờ chế sang sắc phong, thì sự tiếp đón của vua Lê không được chu đáo. Sử viết, Vua Lê Đại Hành cho chỉ huy sứ Đinh Thừa Chính đem 9 chiến thuyền sang tận Liêm Châu tỉnh Quảng Đông đón sứ đoàn, theo đường sông Bạch Đằng mà vào, đến trạm Nại Chính ở Trường Châu (vùng Ninh Bình ngày nay), vua thân hành để đón. Sách "Bang giao chí" trong bộ "Lịch triều hiến chương loại chí" của Phan Huy Chú cho biết, vua Lê cố tình đón tiếp sứ giả sơ sài, kiêu ngạo, khi ở nơi sứ quán đồ cung tiếp không được đầy đủ. Khi sứ sắp vào đến thành mới có gian nhà lợp tranh đề 3 chữ "Mao kính dịch", tức là trạm qua đường lợp cỏ tranh. Nhưng, khi vua ra đón sứ ở ngoại thành, "Toàn thư" viết rằng "vua bày thủy quân và chiến cụ để khoe".

Còn "Bang giao chí" cho biết chi tiết về việc vua Lê khoe quân đội: "quân dung lộng lẫy, cờ xí bày dàn khắp các nơi, vua cùng bọn Tống Cảo dong cương ngựa cùng đi". Khi mở tiệc tiếp sứ, Vua Lê Đại Hành tổ chức ở bờ sông, bày trò chơi để khách vui, vua còn đích thân xuống sông đâm cá. Dù lần này, sứ nhà Tống nghe theo lời vua Lê về việc sau này nếu có quốc thư chỉ cần giao ở đầu địa giới, sứ thần không phải sang nữa nhưng việc tiếp sứ đơn giản, ngạo mạn của nhà vua đã khiến Tống Cảo bất mãn, khi về nước đã tâu lên vua Tống toàn lời chê bai.

Theo Phan Huy Chú, việc thù tiếp sứ thần Trung Quốc thời Lý không thể khảo cứu được. Về nơi tiếp sứ, "Toàn thư" chép rằng, năm Minh Đạo thứ 3 (1044) đời Lý Nhân Tông: "Mùng một tháng Chạp, đặt trạm Hoài Viễn ở bờ sông Gia Lâm để làm quán nghỉ ngơi cho khách dị vực đến". Sách "Dư địa chí" của Nguyễn Trãi chép rằng quán Hoài Viễn ở xã Cự Linh, huyện Gia Lâm. Xã Cự Linh tồn tại đến năm 1956 mới chia thành hai xã Cự Khối và Thạch Bàn, hiện là hai phường Cự Khối và Thạch Bàn, quận Long Biên, Hà Nội. Theo tác giả Hà Văn Tấn chú thích sách "Dư địa chí" trong bản dịch in năm 1959 thì đến lúc đó quán Hoài Viễn không còn dấu tích gì nữa.

Có một sự kiện đặc biệt trong việc bang giao ở thời Lý, là năm Chính Long thứ 6 (1168), thời Lý Anh Tông, bên Trung Quốc nước Tống đang đánh nhau với nước Kim, mà tháng 8 năm đó, cả sứ nhà Tống và nhà Kim đều sang nước ta. Đây là một chuyện bang giao tế nhị nên Vua Lý Anh Tông và triều đình đã rất khéo léo khi bố trí hai sứ đoàn ở hai sứ quán khác nhau và đều tiếp đãi rất hậu nhưng không cho hai sứ gặp nhau. Tác giả "Bang giao chí" khen rằng "cách ứng tiếp thung dung, đắc thế, đủ thấy sự khôn khéo trong việc ngoại giao thời bấy giờ".

Tìm về những sứ quán thời xưa -0
Tiểu đình ghi nhớ di tích tòa Thương Bạc xưa tại Huế

Thời Trần, triều đình có những sứ quán để đón tiếp sứ thần nhà Nguyên, sứ Chiêm Thành đến nước ta. Tuy nhiên, sử sách không ghi rõ sứ quán đặt ở đâu, có lẽ vẫn nằm bên Gia Lâm, bờ Bắc sông Hồng. Năm 1281, nhà Nguyên sai sứ thần là Sài Xuân đưa Trần Di Ái, chú họ vua Trần về nước định lập làm An Nam quốc vương. Cậy là sứ của nước mạnh, Sài Xuân kiêu ngạo, vô lễ, cưỡi ngựa đi thẳng vào cửa Dương Minh, dùng roi ngựa đánh quân canh cửa toạc cả đầu, đến tận viện Tập Hiền mới xuống ngựa. Khi Vua Trần Nhân Tông sai Tư đồ Trần Quang Khải đến sứ quán tiếp kiến, Xuân nằm khểnh không dậy tiếp. Phải đến khi Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn cạo trọc đầu, mặc áo vải, giả làm nhà sư Trung Quốc vào sứ quán, Xuân mới đứng dậy vái chào và mời ngồi, sai pha trà uống nước, mọi người đều lấy làm sự lạ.

Thời Lê, triều đình tiếp đón sứ Bắc ở trạm Lã Côi (hoặc Lã Khôi, thuộc Yên Viên, Gia Lâm, Hà Nội ngày nay). Theo ghi chép về lễ sắc phong cho Vua Lê Thánh Tông năm Quang Thuận thứ 3 (1462) thì trong ngày tổ làm lễ sắc phong, "vương đem bọn kỳ lão tăng đạo ra ngoài trạm Lã Côi đón chiếu sắc và đón sứ giả". Sau các nghi lễ chào đón, vua Lê mở tiệc mừng sứ giả, đặt chỗ của sứ quay về hướng Nam, nhà vua quay mặt về hướng Bắc mời rượu. Uống rượu xong, Lê Thánh Tông dẫn các quan về thành, lưu những quan chấp sự ở lại trạm khoản tiếp sứ giả và cho quan quân ở lại túc vệ. "Đó là cái lễ cổ úy lạo ở ngoại thành", Phan Huy Chú bình luận.

Sau khi Lê Thánh Tông qua đời, Vua Lê Hiến Tông lên nối ngôi, nhà Minh sai Hành nhân ty hành nhân là Từ Ngọc sang làm lễ viếng Vua Thánh Tông và Hàn lâm viện thị giảng là Lương Chừ làm chánh sứ sang sắc phong, Vua Lê Hiến Tông sai ngự sử là Đặng Quỳ đến trạm Lã Côi đón tiếp. Lúc bọn Từ Ngọc từ trạm Thị Cầu (Đáp Cầu, Bắc Ninh) đến trạm Lã Côi, nhà vua đi thuyền Tiểu Quang đến trạm đón tiếp. Khi vua về cung, Từ Ngọc nói với học sĩ Bùi Nhân của nước ta rằng: "Nay thấy quốc vương tuổi đã lớn (lúc đó Lê Hiến Tông 38 tuổi), thực là tướng thánh nhân, tướng trường thọ, quả là phúc của nhân dân phương Nam. Sao mà học rộng và ứng tiếp công việc nhanh chóng như thế", khen ngợi mãi không thôi. "Toàn thư" ghi hành trình vào kinh thành của phái đoàn Từ Ngọc là đi từ trạm Lã Côi đến bến Thịnh Liệt (tức làng Sét, thuộc quận Hoàng Mai, Hà Nội ngày nay) rồi xuống thuyền qua sông Hồng. Sau khi làm lễ viếng tiên vương và làm lễ ra mắt nhà vua, sử viết "vua sai các quan đưa sứ thần đến sứ quán", rồi 2 ngày sau mới làm lễ sắc phong. Sau đó, Lương Chừ bị ốm, Vua Lê Hiến Tông thân hành đến sứ quán thăm ông ta.

Về quy mô ở cuối thời Lê Trung hưng, trạm Lã Côi ngoài đình của dân, làm thêm 4 dãy nhà ở hai bên tả hữu, gồm 2 dãy 7 gian 2 chái và 2 dãy 5 gian 2 chái; 2 dãy tàu ngựa, mỗi dãy 3 gian; 2 dãy điếm ngoài cửa, mỗi dãy 3 gian, đều làm bằng tre.

Theo sách "Hoàng Lê nhất thống chí" của Ngô gia văn phái, vào thời Vua Lê Thế Tông, các nước Chiêm Thành, Ai Lao thường cử sứ giả sang triều cống Việt Nam. Nhà vua cho dựng một tòa nhà gọi là Quán Sứ để tiếp đón các sứ thần đến Thăng Long. Vì sứ thần các nước này đều sùng đạo Phật nên triều đình dựng thêm một ngôi chùa cũng nằm trong khuôn viên Quán Sứ để họ có điều kiện hành lễ. Thời gian đã xóa đi dấu khu nhà Quán Sứ nhưng ngôi chùa thì vẫn tồn tại đến ngày nay ở con phố cùng tên thuộc phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Đầu triều Nguyễn, 3 vị vua đầu tiên là Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị đều phải thân hành từ Phú Xuân ra Thăng Long để nhận sắc phong của triều Thanh. Năm Gia Long thứ nhất (1802), vào mùa đông, khi nhà vua chuẩn bị ra Bắc để nhận sắc phong, đã sai Bắc Thành sửa dựng hành cung và công quán ở Gia Quất, Gia Lâm (thuộc quận Long Biên ngày nay) để đón sứ giả. Sau lễ tuyên phong diễn ra đầu năm 1804 ở điện Kính Thiên, Vua Gia Long đặt yến ở công quán Gia Quất để chiêu đãi sứ đoàn và biếu tặng vật phẩm cho chánh sứ Tế Bố Sâm cùng các tùy tùng đi theo. Đến thời Vua Thiệu Trị, từ quán sứ Gia Thụy đến các trạm tiếp sứ ở Lạng Sơn gồm 7 sở đều làm nhà lợp ngói ở chính giữa, còn các tòa xung quanh vẫn lợp cỏ tranh.

Sang đến thời Vua Tự Đức, triều Nguyễn yêu cầu nhà Thanh tổ chức lễ sắc phong ở Phú Xuân. Sau khi Vua Tự Đức lên ngôi năm 1847, năm sau, vua Đạo Quang nhà Thanh sai Án sát sứ Quảng Tây là Lao Sùng Quang làm chánh sứ và Lê Lương Trạch, Trương Như Đinh Tri làm phó sứ sang tuyên phong. Phái đoàn vào kinh đô Phú Xuân, lưu lại công quán. Công quán này có lẽ dựng cuối thời Vua Gia Long hoặc đầu đời Vua Minh Mạng, nằm ở phía trước Thừa Thiên phủ trong hoàng thành, phía Đông Bắc cửa Kẻ Trài. Đây là nơi mà năm 1827, nhân dịp lễ đản sinh hoàng thái hậu, Vua Minh Mạng đã thết tiệc lãnh sự ngoại quốc và các sứ thần Cao Miên, Ai Lao, đại diện các dân tộc thiểu số.

Năm 1875, Vua Tự Đức không muốn tiếp sứ thần ngoại quốc trong hoàng thành nên đã di dời công quán ra cửa Đông Nam (cửa Thượng Tứ) và gọi là Thương Bạc. Vị trí cũ của Thương Bạc là khoảng trụ sở Nhà văn hóa thành phố Huế hiện nay, trước tòa nhà có xây một ngôi đình gần bờ sông Hương để tiếp các thương nhân. Hiện nay, tòa Thương Bạc đã không còn dấu tích và thay vào đó là Nhà văn hóa thành phố. Chỉ riêng ngôi đình vẫn còn bên bờ sông và đến thời Vua Bảo Đại thì đình được xây lại thành ngôi lầu hình bát giác bằng các vật liệu mới như xi-măng, cốt thép và tồn tại đến ngày nay phía trước tòa Phu Văn Lâu nổi tiếng.

Lê Tiên Long
.
.