Tìm chân dung các vị vua Việt
Thời xưa, dân thường tuyệt đối không được phép nhìn mặt vua. Khi xa giá của nhà vua đi ra ngoài, dân chúng đều phải quỳ rạp bên đường, đầu cúi sát đất, ai dám ngẩng đầu lên nhìn “long nhan” đều bị khép vào trọng tội là khi quân, phạm thượng. Vua là một biểu tượng tối cao, triều đình cũng không vẽ tranh chân dung nhà vua ban bố cho toàn quốc để nhân dân biết “mặt rồng”.
Tuy nhiên, sau khi các vị vua Việt băng hà, triều đình vẫn vẽ tranh, đúc tượng để thờ. “Đại Việt Sử ký toàn thư” cho biết, đời Vua Lê Thái Tông, năm Thiệu Bình thứ 2 (1435), vào tháng 8, ngày 22, triều đình đúc xong tượng vàng của Lê Thái Tổ và Quốc Thái mẫu, đã sai nhà sư làm phép điểm nhãn rồi rước vào Thái miếu để thờ. Như vậy, việc đúc tượng tiên vương để thờ đã có từ thời Lê. Chỉ tiếc rằng sau đó, do những biến thiên của lịch sử, hầu hết tượng thờ như vậy đều không còn. Hiện, chúng ta chỉ có thể chiêm ngưỡng tranh thờ Vua Lê Hoàn, tượng thờ các vua Ngô Quyền, Lê Hoàn, các vua Trần, hay tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông được thờ ở tháp Huệ Quang, chùa Hoa Yên, Yên Tử (Quảng Ninh). Nhưng, bức tượng Phật hoàng bằng đá độc đáo này cũng được tạo tác vào thờ Lê trung hưng, sau khi Phật hoàng viên tịch đã vài trăm năm.
Ở triều đại phong kiến gần chúng ta nhất là triều Nguyễn, mãi đến khi người Pháp sang, mới ghi lại chân dung các vị vua từ Đồng Khánh, Hàm Nghi trở về sau qua ảnh chụp. Còn các vua đầu triều Nguyễn, đời sau chỉ hình dung về diện mạo các vị qua nét vẽ của các họa sĩ người Pháp mà thôi.
Dù vậy, người Việt chúng ta đã có cơ hội rất hiếm hoi được biết long nhan của một vị vua trong lịch sử. Đó là khi lăng mộ Vua Lê Dụ Tông ở Thọ Xuân, Thanh Hóa bị xâm phạm, chính quyền quyết định khai quật để giữ gìn, bảo vệ thi hài nhà vua. Từ di hài được bảo tồn khá nguyên vẹn sau mấy trăm năm, có thể thấy Vua Lê Dụ Tông là một người đàn ông ngoài 50 tuổi có tóc hoa râm được cắt ngắn theo kiểu nhà tu, cằm có chòm râu thưa màu đen có vài sợi đã điểm bạc, răng bị rụng vài chiếc. Nhưng, do thi hài đã được táng quá lâu, phần da thịt đã bị khô hết, nên đời sau cũng không thể diện kiến chân dung chính xác của vị vua từng trị vì nước ta từ năm 1705 đến 1729.
Về dung mạo Vua Lê Dụ Tông, sử cũ có ghi lại vài dòng để chúng ta tham khảo, qua mô tả về chân dung cháu nội ngài là Vua Lê Hiển Tông, với những tính từ rất... tiêu chuẩn: “Duy Diêu râu rồng, mắt phượng” (Khâm định Việt sử thông giám cương mục). Còn trước khi Lê Hiển Tông làm vua, chú của ông là hoàng tử Duy Thần, người gọi mẹ chúa Trịnh Giang là Vũ Thái phi bằng cô, được thái phi nuôi trong phủ chúa từ bé nên được chúa đưa lên ngôi (tức Lê Ý Tông), với lý do “Duy Thần có diện mạo giống tiên đế (Vua Lê Dụ Tông)”.
Chân dung các vị vua nước ta được ghi chép vào chính sử có lẽ bắt đầu từ Vua Lý Thái Tổ. Nhưng, các sử quan thời xưa thường miêu tả các vị quân vương bằng những câu văn rất khái quát, ít khi đi vào chi tiết. “Đại Việt Sử ký toàn thư” chỉ viết về Vua Lý Thái Tổ là “bé đã thông minh, vẻ người tuấn tú khác thường”. Về Vua Lý Thái Tông, sử quan không tả lại dung nhan nhà vua mà nhấn mạnh vào nét đặc biệt trong tướng pháp: “Vua có 7 cái nốt ruồi sau gáy, như sao thất tinh (tức chòm sao Bắc Đẩu)”.
Dung mạo Vua Lý Thánh Tông có lẽ được ghi lại cụ thể nhất: “Vua trán dô mặt rồng, tay dài quá gối”. Tới Vua Lý Thần Tông, sử quan chép khá ẩn ý: “Tuy thân mang ác tật nhưng rồi chữa lành, cũng là nhờ có ý trời cả”. Chỉ dã sử chép rằng nhà vua mắc bệnh, mọc lông đầy cơ thể, ngứa ngáy khó chịu, khiến người cuồng loạn, triều đình phải làm cũi vàng nhốt vua trong đó, phải sau khi được quốc sư Nguyễn Minh Không chữa chạy, bệnh tình của nhà vua mới hết.
Sang đến thời Trần, vị vua đầu tiên là Trần Thái Tông được các sử quan dùng phương pháp so sánh với vị vua khai sáng triều Hán của Trung Quốc để mô tả diện mạo nhà vua: “Vua mũi cao, mặt rộng, giống như Hán Cao Tổ”, dù chắc rằng họ cũng không ai biết vẻ mặt Hán Cao Tổ thế nào.
Phật hoàng Trần Nhân Tông, người được đời Lê tạc bức tượng đá an vị trong tháp Huệ Quang ở Yên Tử, trong “Toàn thư” được miêu tả chủ yếu qua thần thái, với những tính từ tốt đẹp nhất: “Thuần túy đạo mạo, sắc thái như vàng, thể chất hoàn hảo, thần khí tươi sáng. Hai cung (Thượng hoàng Trần Thái Tông và vua cha Trần Thánh Tông) đều cho là lạ, gọi là Kim Tiên đồng tử”. Cũng như Vua Lý Thái Tông, Vua Trần Nhân Tông được nhấn mạnh về nốt ruồi trên vai: “Trên vai bên trái có nốt ruồi đen, cho nên có thể cáng đáng được việc lớn”.
Trong khi đó, Vua Trần Minh Tông được sứ giả nước Nguyên khen ngợi là “nhẹ nhõm như người tiên”, khi chứng kiến vua mặc áo tràng vạt bằng là màu vàng, đội mũ có thao ban yến tiếp sứ đoàn. Sau đó, khi có sứ nước ta sang nước Nguyên, có người Nguyên hỏi rằng: “Tôi nghe đồn thế tử (tức nhà vua, vì nhà Nguyên vẫn coi Thượng hoàng mới là vua nước ta) có vẻ người thanh tú, nhẹ nhõm như thần tiên, có phải không?”. Sứ nước ta khôn khéo trả lời rằng: “Đúng như thế, song cũng tiêu biểu cho phong thái cả nước vậy”. Lúc tiếp sứ giả nói trên, Vua Trần Minh Tông mới có 14 tuổi.
Vị vua khai sáng triều Lê là Lê Thái Tổ được sử sách đương thời dành những đoạn văn bay bổng để mô tả khá kỹ từ tướng mạo đến dáng vẻ. Trong “Đại Việt Sử ký toàn thư” cũng chép nhưng ở sách “Lam Sơn thực lục” còn ghi chi tiết hơn: “Lúc nhỏ, tinh thần và vẻ người coi rất mạnh mẽ, nghiêm trang; mắt sáng, miệng rộng, mũi cao, mặt vuông; vai trái có 7 nốt ruồi; đi như rồng, bước như hổ, tóc, lông đầy người, tiếng vang như chuông, ngồi như hùm ngồi! Kẻ thức giả biết là bậc người cực sang! Kịp khi lớn, thông minh, khôn, khỏe, vượt hẳn bọn tầm thường”.
Sử sách không tả về diện mạo Vua Lê Nhân Tông, chỉ nói vua “vẻ người tuấn tú, đường hoàng, dáng điệu nghiêm trang” nhưng khi viết về Vua Lê Thánh Tông thì cũng sử dụng hết các mỹ từ để mô tả: ”Vua sinh ra thiên tư tuyệt đẹp, thần sắc khác thường, vẻ người tuấn tú, nhân hậu, rạng rỡ, nghiêm trang, thực là bậc thông minh xứng đáng làm vua, bậc trí dũng đủ để giữ nước. “Toàn thư” chép thêm một giai thoại thần bí để giải thích về một chi tiết trên gương mặt nhà vua: Tục truyền rằng, thái hậu khi sắp ở cữ, nhân thử thả chợp mắt, mơ thấy mình đến chỗ Thượng đế, Thượng đế sai một tiên đồng xuống làm con thái hậu, tiên đồng chần chừ mãi không chịu đi, Thượng đế giận, lấy cái hốt ngọc đánh vào trán chảy máu, sau tỉnh dậy, rồi sinh ra vua, trên trán vẫn còn dấu vết lờ mờ như thấy trong giấc mơ, mãi đến khi chết, vết ấy vẫn không mất.
Con trai Vua Thánh Tông là Lê Hiến Tông được tả chi tiết hơn về dung mạo “vua sinh ra, dáng vẻ thiên tử, mũi cao, mặt rồng, thần thái trang nghiêm, tươi đẹp khác thường”. Nhưng, đời Lê sơ chỉ sau Vua Lê Túc Tông đã dần đi vào suy vong với những vị vua bạo tàn, hoang dâm và ăn chơi như Lê Uy Mục, Lê Tương Dực, khiến sử sách gọi họ là “vua quỷ, vua lợn”. Điều này được ghi cả vào trong chính sử, như chuyện khi sứ nhà Minh sang gặp Vua Lê Uy Mục, đã viết hai câu thơ rằng:
“An Nam tứ bách vận vưu trường
Thiên ý như hà giáng quỷ vương?”.
Tức là: Vận nước An Nam còn dài đến 400 năm, vậy mà ý trời thế nào mà lại giáng sinh vua quỷ?
Hoặc sau đó, năm 1513, khi sứ đoàn nhà Minh gồm Chánh sứ Phạm Hy Tăng và Phó sứ Trạm Nhược Thủy sang phong vương, sau khi gặp mặt Vua Tương Dực, Hy Tăng đã nói với Nhược Thủy rằng: “Quốc vương An Nam mặt thì đẹp mà người lệch, tính thích dâm, là vua lợn, loạn vong sẽ không lâu đâu”. Sau, quả nhiên, Vua Tương Dực bị Trịnh Duy Sản giết, nước ta rơi vào loạn lạc.
Đến thời Lê Trung hưng, dung mạo các vị vua Lê lại được tả bằng những từ rất ước lệ, như Vua Lê Kính Tông là “vua tướng mạo hùng vĩ”, Vua Lê Huyền Tông thì “vẻ người đoan nghiêm”, chỉ có Vua Lê Thần Tông được tả kỹ hơn là “sống mũi cao, mặt rồng, vẻ người thanh tú”.
Vua Quang Trung là một nhân vật đặc biệt cả về sự nghiệp lẫn phương diện cá nhân nên dù chép về kẻ thù, bộ sử triều Nguyễn “Đại Nam liệt truyện” (phần Truyện Ngụy Tây) đã mô tả khá kĩ chân dung ngài: “Huệ tiếng vang như chuông, mắt sáng như ánh điện, mưu lược thiện chiến, người người đều kinh sợ".
Một bộ sách khuyết danh có tiêu đề “Tây Sơn lược thuật”, ra đời đầu triều Nguyễn, cũng dùng những từ mang màu sắc thần thoại để tả Vua Quang Trung: “Huệ có một con mắt nhỏ nhưng cái tròng rất lạ, ban đêm ngồi không có đèn thì ánh sáng từ mắt soi sáng cả chiếu...". Trong tiểu thuyết lịch sử “Hoàng Lê nhất thống chí”, các tác giả thuộc Ngô gia văn phái cũng miêu tả tương tự: “Quang Trung là người cao lớn, tóc quăn, da sần, tiếng nói sang sảng như chuông. Kỳ lạ nhất là cặp mắt sáng như chớp, có thể nhìn rõ mọi vật trong đêm tối, nó khiến nhiều người khi thấy đều run sợ, hãi hùng... không một người nào dám nhìn thẳng vào mắt ông”.
Chúng ta không thấy các sử quan nhà Nguyễn chép về dung mạo Vua Gia Long nhưng trong ghi chép của Michel Đức Chaigneau, chúng ta được biết: “Vua Gia Long da trắng, mắt sáng, chòm râu hoàn toàn bạc và dày hơn râu những người đàn ông khác trong xứ”. “Vua Gia Long cao trên trung bình, thân thể cường tráng, tướng đạo mạo, đáng kính tương xứng với tầm vóc, nét mặt đầy trang nghiêm và có sắc diện, chứng tỏ một tâm hồn cao đẹp”, ông viết tiếp.
Đặc biệt, Michel Đức còn tả kỹ rằng: “Hai bên má của nhà vua có hai hột cơm đen đều mọc râu, tạo thành hai chòm râu nhỏ hai bên, cạnh chòm râu lớn ở chính giữa nhưng không hoàn toàn pha trộn vào nhau”. Viên sủng thần mang hai dòng máu Pháp - Việt này cũng cho biết Vua Minh Mạng cũng có hai nốt ruồi đúng chỗ như vậy, người ta bảo rằng đó là dấu vết riêng của nhà Nguyễn.