Thủy quân Đại Việt: Hình thành và luyện tập

Thứ Ba, 28/02/2023, 12:35

Thủy quân Đại Việt từng cùng quân dân làm nên những chiến thắng lẫy lừng như Bạch Đằng, Vân Đồn, chinh phạt Chiêm Thành… Nhưng, sử sách ghi lại về sự thành lập thủy quân nước ta thời sơ khai thế nào, luyện tập và trang bị ra sao vẫn còn sơ lược.

Thủy quân Đại Việt được hình thành thế nào, hiện cũng không có tài liệu ghi rõ. Khi biên soạn cuốn “Binh chế chí” trong bộ “Lịch triều hiến chương loại chí”, nhà bác học Phan Huy Chú cũng cho rằng “quy chế về y phục, khí giới trận đồ, võ nghệ, từ các đời Lý, Trần về trước, không xét rõ được”.

Thủy quân Đại Việt: Hình thành và luyện tập -0
Trận thủy chiến trên sông Bạch Đằng. Tranh minh họa: ST

Trong các cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng, Bà Triệu, sử sách Trung Quốc chỉ ghi quân ta dùng quân bộ hoặc có viết về voi chiến. Thời An Dương Vương cũng chưa đề cập đến trận thủy chiến nào. Phải sang thời Tiền Lý, “Đại Việt sử ký toàn thư” viết Triệu Quang Phục đem 2 vạn quân rút vào đầm Dạ Trạch, dùng thuyền độc mộc đêm đêm ra đánh quân của Trần Bá Tiên theo lối đánh du kích.

Chiến công đầu tiên về thủy quân được ghi trong lịch sử nước ta là trận thủy chiến Bạch Đằng năm 938, dưới quyền chỉ huy của Ngô Quyền, đánh tan quân Nam Hán. Tuy nhiên, sử sách cũng không ghi rõ thủy quân của nhà Ngô được tổ chức thế nào, sức mạnh đến đâu.

Đến khi Vua Đinh Tiên Hoàng dựng nền tự chủ, vào niên hiệu Thái Bình năm thứ 5 (974), quy định về quân đội có 10 đạo, cũng chỉ là quân bộ, chưa thấy nói đến quân thủy. Thời Đinh Phế Đế, năm 979, phò mã Ngô Nhật Khánh dẫn thuyền quân Chiêm Thành hơn nghìn chiếc vào cướp, muốn đánh thành Hoa Lư, theo hai cửa biển Đại Ác và Tiểu Khang, gặp gió bão nổi lên, thuyền đều lật đắm, Nhật Khánh cùng bọn người Chiêm đều chết đuối, chỉ có thuyền của vua Chiêm thoát trở về nước. Tuy nhiên, sử không ghi thủy quân Đại Cồ Việt đương đầu với chúng ra sao.

Chiến công trên sông Bạch Đằng năm 981 của Vua Lê Hoàn khiến cho thủy quân nhà Tống bại, nhưng cũng không được ghi rõ thủy quân nước ta đánh thế nào, ngoài các chi tiết “vua sai binh sĩ đóng cọc ngăn sông”. Chi tiết về chuẩn bị thủy quân của Vua Lê Hoàn chỉ được sử viết về sự kiện năm 982, khi nhà vua chuẩn bị dẫn quân đi đánh Chiêm Thành, sau khi hai sứ thần của nước ta bị vua Chiêm bắt giữ. “Toàn thư” viết: “Vua giận, sai đóng chiến thuyền sửa binh khí, tự làm tướng đi đánh, chém Phê Mị Thuế tại trận. Chiêm Thành thua to...”. Do chiến dịch diễn ra xa xôi, nên kéo dài đến một năm, đoàn quân mới trở về kinh sư.

Do quân thủy đi đánh Chiêm Thành đoạn qua Thanh Hóa ra đường biển gặp sóng to khó đi lại, năm 983, nhà vua sai người đào kênh, sử viết “đào xong, thuyền bè đi lại đều thuận tiện”. Sự kiện bang giao với nhà Tống diễn ra năm 990 cũng cho thấy năng lực đi biển của thuyền bè Đại Cồ Việt. Đó là khi nhà Tống sai Tống Cảo, Vương Thế Tắc mang chế sách sang phong thêm cho vua hai chữ là "Đặc tiến", vua sai Nha nội chỉ huy sứ là Đinh Thừa Chính đem 9 chiếc thuyền dẫn 300 người đến Thái Bình quân (tức Liêm Châu tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc) đón, theo cửa biển mà vào, nửa tháng đến sông Bạch Đằng, theo nước triều mà đi. Theo “Toàn thư” thì: “Mùa thu, tháng 9, đến trạm Nại Chinh ở Trường Châu. Vua ra ngoài giao để đón, bày thủy quân và chiến cụ để khoe”. Bài tấu của Tống Cảo gửi lên vua Tống sau chuyến đi cũng tả là vua nước ta “cho dong hết chiến thuyền thủy quân ra, nói là diễu binh”.

Sức mạnh của thủy quân Đại Cồ Việt còn gây cho nhà Tống phiền phức vào 995, vì Vua Lê Hoàn “cậy có núi biển hiểm trở, hơi buông thả cho dân biên giới lấn cướp vào cõi của nhà Tống”. Chuyển vận sứ Lộ Quảng Tây nước Tống là Trương Quan, Binh mã giám áp trấn Như Hồng thuộc Khâm Châu là Vệ Chiêu Mỹ đều tâu lên vua Tống rằng chiến thuyền của Giao Chỉ hơn trăm chiếc, xâm phạm trấn Châu Hồng, cướp bóc cư dân và lương thực rồi đi.

Trong nước, năm 1001, Vua Lê Hoàn đem thủy quân đi đánh giặc Cử Long ở vùng Cẩm Thủy, Thanh Hóa ngày nay. Trận này, giặc bày trận hai bên bờ chống lại, thủy quân triều đình bị hãm ở giữa sông, vua cũ của nhà Đinh là Vệ vương Đình Toàn trúng tên chết tại trận. Vua Lê Hoàn kêu trời 3 tiếng rồi thúc quân đánh, do đó giặc tan vỡ.

Sang đến nhà Lý, sử sách cũng ghi lại nhiều chi tiết về thủy quân nước ta, như mùa thu năm 1037, Vua Lý Thánh Tông “ngự điện Hàm Quang xem đua thuyền”. Đến năm 1043, vì lý do 16 năm sau khi Lý Thái Tổ mất mà Chiêm Thành không sai sứ sang, nên Vua Lý Thái Tông định sang năm sẽ đi đánh Chiêm Thành, “xuống chiếu sai đóng các chiến thuyền hiệu Long, Phượng, Ngư, Xà, Hổ, Báo, Anh Vũ hơn vài trăm chiếc”. Qua những ghi chép này, chúng ta bắt đầu biết tên các chiến thuyền của nhà Lý.

Điều này cũng giống như thời Lý Nhân Tông, vào tháng 7 năm 1119, nhà vua cho đóng 2 chiếc thuyền Cảnh Hưng và Thanh Lan, cùng “xuống chiếu cho các quân đóng thuyền chiến, sửa đồ binh giáp”, vì vua muốn thân đi đánh động Ma Sa (tức châu Đà Bắc, Hòa Bình sau này). Còn trước đó, năm 1106, “Việt sử lược” chép rằng: "Tháng 11, vua sắp có việc lôi thôi với nhà Tống, sai đóng thuyền Vĩnh Long 2 đáy và đóng chiến hạm". Đến đầu năm 1124 thì Vua Lý Nhân Tông tiếp tục cho đóng thuyền Trường Quang kiểu 2 lòng.

Sức mạnh của thủy quân Đại Việt đã được chứng minh trong chiến dịch Lý Thường Kiệt đánh 2 châu Khâm, Liêm năm 1075, hay năm 1128, thời Vua Lý Thần Tông, khi người Chân Lạp vào cướp hương Đỗ Gia ở Nghệ An, dù chúng có đến hơn 700 chiếc thuyền, mà nhà vua xuống chiếu sai bọn Nguyễn Hà Viêm ở Thanh Hóa và Dương Ổ ở châu ấy đem quân đánh, phá được.

Về chiến thuyền thời Lý, theo sách “Việt sử lược”, mỗi chiếc có 25 chiến thủ, 23 tay chèo, thuyền chèo ngược xuôi, nhanh như gió; đó là thứ thuyền hẹp và dài, dùng để xông đánh thuyền giặc. Chiến thuyền thời Lý còn gọi là thuyền Mông Đồng, có hiệu quả trong cả vận tải cũng như khi chiến đấu. Đến năm 1152, thời Vua Lý Anh Tông, ta lại thấy chi tiết triều đình cho làm 2 chiếc thuyền Vĩnh Diệu, Thanh Lan.

Cũng như thời Lý, thủy quân Đại Việt thời Trần không chỉ phục vụ các chiến dịch phá Tống, bình Chiêm, mà còn tấn công cả sang đất Tống. Đó là sự kiện diễn ra cuối năm 1241, Vua Trần Thái Tông thân hành cầm quân đi đánh các trại Vĩnh An, Vĩnh Bình của nước Tống phía đường bộ, vượt qua châu Khâm, châu Liêm, tự xưng là Trai Lang, bỏ thuyền lớn ở trong cõi, chỉ đi bằng các thuyền nhỏ Kim Phụng, Nhật Quang, Nguyệt Quang. Người châu ấy không biết là vua, đều sợ hãi chạy trốn. Đến sau biết là vua mới chăng xích sắt giữa sông để chặn đường thủy. Khi trở về, vua sai nhổ lấy vài chục cái neo đem về.

Sau chiến dịch đưa thủy quân đánh Chiêm Thành năm Nguyên Phong thứ 2 (1252), nhà Trần chuẩn bị đương đầu với quân Mông Cổ hùng hậu chuẩn bị xâm lược. Đến năm 1257, khi giặc tiến vào nước ta, Vua Trần Thái Tông đã lệnh cho các tướng đem quân thủy bộ ra ngăn giữ biên giới, theo sự tiết chế của Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn. Các chiến dịch lớn trong cuộc kháng chiến chống Mông Cổ lần thứ nhất đều có sự góp sức của thủy quân, như trong trận rút lui trên sông Lô, Vua Trần Thái Tông phải nhờ Lê Phụ Trần lấy ván thuyền chắn tên cho. Đến trận Đông Bộ Đầu thì cả vua và thái tử đều ngự lâu thuyền, đón đánh, phá tan được giặc.

Sau chiến thắng quân Mông lần thứ nhất, tháng 3 năm 1262, Vua Trần Thánh Tông, đã "xuống chiếu cho các quân chế tạo vũ khí, chiến thuyền; quân thủy, lục tập trận ở chính bãi phù sa sông Bạch Hạc". Sau đó, nhờ việc thủy quân lộ Đông Hải của ta đi tuần biên giới đến núi Ô Lôi vào tháng 2 năm 1265, mà quân ta biết được kỳ hạn quân Nguyên sang xâm lược sau đó. Để chuẩn bị cuộc kháng chiến chống quân Nguyên lần thứ hai, tháng 10 năm 1283, Vua Trần Thánh Tông thân hành dẫn các vương hầu điều quân thủy bộ tập trận.

Khi quân Nguyên kéo sang năm 1285, đã có lần thủy quân nhà Trần thua, tan vỡ, nhưng chung cuộc, thủy quân nhà Trần đã cùng quân bộ phản công quân giặc rất mãnh liệt, từ trận Đại Mang, đến trận cửa sông Thanh Hóa, khiến Ô Mã Nhi chỉ còn một chiếc thuyền trốn thoát.

Khi cuộc chiến này vừa dứt, nhà Trần đã chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc chiến thứ ba, qua mệnh lệnh của Vua Trần Nhân Tông năm 1286 lệnh cho Hưng Đạo vương đốc thúc vương hầu, tôn thất điều động quân lính, chế tạo vũ khí, thuyền bè. Trận chiến lần này lại ghi nhiều chiến công thủy quân Đại Việt, như Phán thủ thượng vị Nhân Đức hầu Toàn đem thủy quân đánh ở vụng Đa Mỗ, khiến giặc chết đuối rất nhiều, ta bắt sống 40 tên và thu được thuyền ngựa, khí giới. Trận Vân Đồn, thủy quân nhà Trần đánh tan đoàn thuyền của giặc Nguyên ngoài biển Đại Bàng, bắt được 300 chiếc thuyền, khiến quân Nguyên bị chết đuối rất nhiều. Đặc biệt, trong trận Bạch Đằng “long trời lở đất”, thủy quân ta đã tiêu diệt toàn bộ hạm đội nhà Nguyên, bắt 400 chiến thuyền.

Trong cuộc kháng chiến chống quân Minh xâm lược, ít thấy vai trò của thủy quân. Tuy nhiên, sau khi lên ngôi, ngay năm Thuận Thiên thứ 2 (1429), Vua Lê Thái Tổ đã ra lệnh cho các tướng hiệu và quân nhân các vệ quân 5 đạo tập trận thủy và trận bộ. Đến thời Lê Thánh Tông, năm Quang Thuận thứ 6 (1465), “Toàn thư” chép rằng vua ban trận đồ luyện tập quân thủy bộ. Trận đồ về thủy quân có đến 9 phép, gồm các phép: Trung hư, thường sơn xà, mãn thiên tinh, nhạn hàng, liên châu, ngư đội, tam tài, thất môn, yển nguyệt. Về thủy trận, nhà vua ban hành quân lệnh gồm 30 điều.

Tháng 2 năm 1467, Vua Lê Thánh Tông lại đại giá đi tuần, ban phép tập trận, ngày 20 tập trận trung hư ở Lỗ giang (khúc sông Hồng thuộc huyện Lý Nhân, Hà Nam ngày nay), ngày 23 tập trận tam tài, trận thất môn ở Vỹ giang (tức sông Ông Vỹ thuộc huyện Vũ Thư, Thái Bình ngày nay), ngày 26 tập trận ngư đội, trận nhạn hàng ở sông An Cha, tập trận thường sơn ở ngã ba Bạch Hạc.

Việc luyện tập tích cực này giúp thủy quân của triều Lê sơ tiếp tục nối tiếp các triều tiền Lê, Lý, Trần giành nhiều chiến thắng trong các cuộc chiến tranh với Chiêm Thành sau đó.

Lê Tiên Long
.
.