Thú ngao du của các vị vua Việt
Thời phong kiến, đất đai trong nước không chỗ nào không của nhà vua, vua muốn đến đâu cũng được. Nhưng, hiếm có vị vua nước Việt nào ngao du nhiều như Vua Lý Cao Tông, "Đại Việt sử ký toàn thư" từng viết: "Vua ngự đi khắp núi sông"…
Thông thường, vì sức khỏe, vì công việc, hay vì an ninh, các vị quân vương thời xưa hầu hết chỉ sống trong kinh thành, trừ những lần ra ngoài tế lễ thần linh, yết bái lăng mộ tổ tiên. Do đó, ngay từ thời nhà Chu bên Trung Quốc hình thành chế độ phong kiến, mỗi khi "thiên tử" tuần du đều được coi là sự kiện lớn, sử sách đều ghi chép cẩn thận.
Ở Việt Nam cũng không phải ngoại lệ, mỗi lần vua xuất xa giá ra khỏi kinh thành, đều được biên chép trong chính sử. Lý do của các lần xuất xa giá của vua Việt chủ yếu là đi bái yết lăng tẩm tổ tiên, như các vua Lý về Đình Bảng (Từ Sơn, Bắc Ninh), các vua Trần về Long Hưng (Thái Bình) hay hành cung Vũ Lâm (Hà Nam), Thiên Trường (Nam Định). Các vua nhà Lê thường hằng năm đều về bái yết lăng mộ tiên vương ở Lam Kinh (Thọ Xuân, Thanh Hóa), hay vua nhà Nguyễn cũng thường tuần du ra tế ở miếu Triệu Tường, làng Miêu Gia Ngoại (Hà Trung, Thanh Hóa), nơi thờ phụng chúa khởi nghiệp của nhà Nguyễn là Nguyễn Hoàng.
Tuy nhiên, các vua nhà Nguyễn như Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị đều tiến hành các chuyến "Bắc tuần" nhân dịp đón nhận sắc phong của vua nhà Thanh ở thành Thăng Long, khi sứ nước Thanh nhất quyết không chịu vào Phú Xuân làm lễ tuyên phong. Chỉ sau thời Vua Tự Đức, khi thực dân Pháp đã áp đặt nền bảo hộ lên đất nước ta thì quan hệ bang giao giữa Việt Nam với nhà Thanh chấm dứt, các vua Nguyễn không còn nhận sắc phong của triều Thanh nữa. Các vua cuối triều Nguyễn như Thành Thái, Khải Định, Bảo Đại đều thường xuyên đi tuần du, thăm thú khắp cả miền Nam, miền Bắc nhưng đều theo kế hoạch và sắp xếp của người Pháp.
Ngoài ra, rất nhiều lần các vị vua nước ta đã thân hành cầm quân ra trận, đánh từ các trại người dân tộc thiểu số (sử gọi là người Man ở miền núi phía Bắc), cho đến các vùng phía Tây Thanh Hóa, Nghệ An, Diễn Châu... Nhiều vị vua thân chinh cầm quân đánh trận ở bên ngoài, từ Chiêm Thành, Ai Lao, Bồn Man... thậm chí Vua Trần Thái Tông khi đánh các trại Vĩnh An, Vĩnh Bình của nước Tống còn dong thuyền vượt hẳn sang châu Khâm, châu Liêm.
Vua đầu tiên sáng lập nhà Lý là Lý Thái Tổ có công dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long cũng là người thường xuyên bận rộn những chuyến xuất hành vì quốc sự. Như năm Thuận Thiên thứ 3 (1012), vua thân đi đánh Diễn Châu (Nghệ An ngày nay). Khi về đến Vũng Biện (vùng biển Biện Sơn ở Tĩnh Gia, Thanh Hóa), gặp lúc trời đất tối sầm, gió sấm dữ dội, vua đốt hương khấn trời xin soi xét, khấn xong, gió sấm đều yên lặng. Lý Thái Tổ cũng thường xuyên đi xem núi sông, như khi vua đến bến đò Cổ Sở (ở Hoài Đức, Hà Nội), đêm chiêm bao gặp tướng Lý Phục Man, đã sai quan dân lập đền thờ.
Vua Lý Thái Tông, bên cạnh những chuyến hành quân đánh trận hay đi cày ruộng tịch điền ở Đỗ Động Giang (khoảng vùng Thanh Oai, Hà Nội ngày nay), đi châu Lạng bắt voi, cũng có những chuyến xuất hành thú vị, giống như các lãnh đạo ngày nay đi thăm và khánh thành công trình vậy. Đó là chuyện vào năm 1035, sau khi vua xuống chiếu bắc cầu Thái Hòa ở sông Tô Lịch, tháng 9, cầu bắc xong, sử chép rằng "vua ngự đến xem, sai các quan hầu làm thơ". Trước đó, khi nhà vua ngự đến chùa Trùng Quang núi Tiên Du, đã sai dựng kho Trùng Hưng để chứa kinh. Năm 1043, nhà vua cũng ngự đến chùa cổ Tùng Sơn ở châu Vũ Ninh (Quế Võ, Bắc Ninh ngày nay), thấy dấu người vắng vẻ, nền móng nứt hở, trong chùa có cái cột đá lệch nghiêng sắp đổ. Vua thở than, ý muốn sai sửa chữa nhưng chưa kịp nói thì cột đá bỗng tự đứng thẳng lại. Vua lấy làm lạ, sai Nho thần làm phú để nêu rõ việc linh dị.
Vua Lý Thánh Tông thì hay đi các chùa quán đề cầu tự, vì đến tuổi 40, nhà vua vẫn chưa có con trai nối dõi, "Toàn thư" chép rằng, mỗi khi xa giá đi đến đâu, con trai con gái đổ xô đến xem không ngớt, duy có lần đến thôn Thổ Lỗi ở Thuận Thành (nay là Phú Thị, huyện Gia Lâm, Hà Nội), có một người con gái hái dâu cứ nép trong bụi cỏ lan. Vua trông thấy, gọi đưa vào cung, được vua yêu, phong làm Ỷ Lan phu nhân.
Cũng giống Vua Lý Thái Tông, năm 1117, tháng 3, Vua Lý Nhân Tông ngự đến núi Chương Sơn, tức núi Ngô Xá ở xã Yên Lợi, huyện Ý Yên, tỉnh Hà Nam, để khánh thành bảo tháp Vạn Phong Thành Thiện. Để ca tụng nhà vua, sử quan viết rằng khi vua ngự đến thì "có rồng vàng hiện".
Noi gương tiên tổ sáng lập triều đại, Vua Lý Anh Tông cũng thường xuyên tuần du khắp đất nước. "Toàn thư", nhân sự kiện năm 1171, đã viết: "Vua đi tuần các hải đảo, xem các hình thế núi sông, muốn biết dân tình đau khổ và đường đi xa gần thế nào". Khi cử Tô Hiến Thành làm Đô tướng, Đỗ An Di làm phó, đem 2 vạn quân đi tuần các nơi ven biển Tây Nam, Vua Lý Anh Tông cũng thân hành đi tiễn đến cửa biển Thần Đầu ở Đại An (cửa biển Thần Phù, Nga Sơn, Thanh Hóa) mới trở về. Năm 1172, mùa xuân, tháng 2, Vua Lý Anh Tông lại đi tuần các hải đảo ở địa giới các phiên bang Nam Bắc, vẽ bản đồ và ghi chép phong vật rồi về.
Cũng ngự khắp núi sông nhưng Vua Lý Cao Tông lại không được ca ngợi như các vị tiên vương, vì sử viết: "Vua ngự đi khắp núi sông, phàm ngự đến đâu mà có thần linh đều cho phong hiệu và lập miếu để thờ". Sử thần Ngô Sĩ Liên phê bình rằng như vậy là "vua xây dựng không ngớt, ngao du không chừng mực". Mùa đông, năm 1199, Vua Lý Cao Tông ngự đến tận phủ Thanh Hóa bắt voi. Sự kiện này sử quan chỉ chép mà không tỏ thái độ khen chê.
Vua Trần Minh Tông khi làm thượng hoàng, cũng đi tuần thú lên tận đạo Đà Giang (vùng Sơn La, Lai Châu ngày nay), rồi đích thân đi đánh man Ngưu Hống. Năm 1334, thượng hoàng Minh Tông cũng đi tuần thú đạo Nghệ An, rồi đích thân cầm quân đánh Ai Lao.
Nhưng, so với các vị vua nước Việt, thượng hoàng Trần Nhân Tông là người chu du xa nhất, khi ngài đi chơi sang tận Chiêm Thành. "Toàn thư" chỉ cho biết vắn tắt sự kiện diễn ra vào năm 1301: "Tháng 2, nước Chiêm Thành sang cống", rồi đến "Tháng 3, thượng hoàng đi chơi các địa phương, sang Chiêm Thành". Có thể là thượng hoàng đi cùng với sứ đoàn nước Chiêm về chăng? Đến tháng 11, sử viết là thượng hoàng từ Chiêm Thành về. Như vậy, chuyến đi của Trần Nhân Tông ra nước ngoài kéo dài trong khoảng 9 tháng.
Chúng ta chỉ có thể biết rằng, thượng hoàng và đoàn tùy tùng đi bằng đường biển, như cách mà Trần Khắc Chung đã thực hiện khi giải cứu Huyền Trân công chúa từ Chiêm Thành về sau đó. Việc thượng hoàng gặp vua Chiêm thế nào, đi chơi những đâu, không sử sách nào ghi chép lại, chỉ biết rằng thượng hoàng hứa gả công chúa cho vua Chiêm là Chế Mân, đến tháng 2 năm 1305, vua Chiêm Thành mới sai sứ sang dâng lễ vật cầu hôn, đến 6 năm 1306, hôn lễ được thực hiện và vua Chiêm lấy châu Ô và châu Lý dâng lên nhà Trần làm lễ vật dẫn cưới. Vua Trần Anh Tông đã cho đổi tên hai châu này thành châu Thuận và châu Hóa, chính là vùng Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế ngày nay.
Có lẽ học được tính của vua cha nên Vua Trần Anh Tông cũng là người thích rong chơi. Lúc còn trẻ, đêm đêm ngài thường ngồi kiệu đi chơi khắp phố phường, đến rạng sáng mới về. Có lần, kiệu vua còn bị bọn vô lại không biết ném gạch trúng khiến vua chảy máu đầu, thị vệ phải hô lên "Kiệu vua đấy!", bọn kia mới hoảng sợ bỏ chạy. Hôm sau thượng hoàng thấy vua băng bó trên đầu, hỏi ra biết chuyện, cũng chỉ lắc đầu với vị vua con thích rong chơi... không khác gì mình.
Ngoài để lại những dòng văn trong sử sách, các chuyến tuần du của vua chúa cũng nước ta cũng còn được lưu lại qua những bức văn bia, như bài thơ của Vua Lê Thánh Tông khắc trên núi Truyền Đăng ở Hạ Long, Quảng Ninh năm 1468, nhân chuyến tuần du ra lộ An Bang để duyệt quân. Lưu giữ bút tích quý giá của vị vua anh minh có văn tài và võ trị, núi Truyền Đăng mang tên núi Bài Thơ đến ngày nay.
Triều Nguyễn, ngoài Vua Gia Long suốt cuộc đời bôn ba tranh đấu với nhà Tây Sơn, đã đi suốt đất nước từ Nam ra Bắc, thì Vua Minh Mạng cũng có những chuyến tuần du được khen ngợi, như khi đi thăm Quảng Nam năm 1837, nhà vua đã cho đặt những chiếc trống đăng văn trước các sở hành cung, để người dân ai có điều gì oan uổng được đánh trồng tâu bày. Cũng như cha và ông, khi đi ra Bắc nhận sắc phong của vua Thanh, Vua Thiệu Trị cũng tuần du các địa phương trên đường. Chuyến đi kéo dài trong mùa xuân năm 1842 và sử triều Nguyễn chép rằng: "Cờ đi tới đâu cũng xét quan lại, chỉnh binh nhung, làm tốt, gia ơn khắp tới dân chúng. Già trẻ nơi làng mạc thấy bóng cờ đều mừng vui, quan chức các địa phương họp lễ cống đến triều yết".
Ngoài thượng hoàng Trần Nhân Tông đi thăm Chiêm Thành khi đã truyền ngôi và Vua Bảo Đại sang Pháp học tiếp sau khi về nước đăng quang thì trong số các vị vua nước Việt, Khải Định là người duy nhất công du nước ngoài lúc đang tại vị. Đó là chuyến thăm Pháp kéo dài từ ngày 15-5-1922 đến ngày 10-9-1922, nhân dịp nước Pháp tổ chức hội chợ thuộc địa tại thành phố Marseilles. Sự góp mặt của nhà vua nước An Nam cũng là cách để thực dân Pháp tuyên truyền cho sự thành công của chế độ bảo hộ họ đặt ra ở Đông Dương. Vua Khải Định cũng nhân chuyến đi này gửi gắm thái tử Vĩnh Thụy cho cựu Khâm sứ Trung kỳ Charles để du học tại Pháp.