Thiên kiến xác nhận bịt mắt chúng ta
Tại thị trấn Dayton, Ohio vào cuối thế kỷ 19, người dân địa phương đã quen với tiếng cãi vã từ căn phòng nhỏ phía trên một cửa hàng xe đạp trên phố West Third. Hai anh em Wilbur và Orville Wright mở cửa hàng vào năm 1892, trước khi nỗi ám ảnh về máy bay có người lái bao trùm họ. Ở tầng dưới, họ sửa và bán xe đạp. Tầng trên, họ cãi nhau về máy bay.
Chưa học đại học, nhưng đã phát minh ra máy bay
Charles Taylor, người làm việc cho công ty xe đạp nhà Wright, mô tả rằng căn phòng tầng trên “gây sợ hãi với những cuộc tranh cãi”. Ông nhớ lại: “Những ngày ấy, các chàng trai này nghiên cứu đủ loại lý thuyết và thỉnh thoảng họ sẽ tranh luận gay gắt. Họ hét vào mặt nhau những điều khủng khiếp. Tôi không nghĩ là họ phát điên nhưng chắc chắn là rất nóng tính”.
Chúng ta đã quen với thực tế là anh em nhà Wright đã phát minh ra máy bay đến nỗi bản chất đáng kinh ngạc trong thành tựu của họ đã bị lu mờ. Sự thật là Wilbur và Orville chẳng có nền tảng nào đủ để làm ra một cỗ máy vĩ đại cỡ ấy: họ không phải nhà khoa học hay kỹ sư có trình độ. Họ chưa từng học đại học hay gắn bó với một công ty lớn nào. Trên thực tế, trước khi thành công, họ hầu như không có gì đáng chú ý.
Vậy thì làm thế nào những con người bình thường này có thể giải một trong những câu đố kỹ thuật lớn nhất lịch sử?
“Từ khi chúng tôi còn là những đứa trẻ” - Wilbur viết, “em trai tôi Orville và tôi đã sống cùng nhau, làm việc cùng nhau và trên thực tế, cùng suy nghĩ”. Vế cuối không có nghĩa rằng họ tư duy giống nhau. Trái lại là đằng khác: cả hai kết hợp với nhau thông qua tranh biện. Chính cha của họ, ông Milton Wright, là người dạy họ cách lập luận hiệu quả. Sau bữa ăn tối, Milton sẽ đưa ra một chủ đề và định hướng các con tranh luận sôi nổi nhất có thể mà không thiếu đi sự tôn trọng. Sau đó, ông bảo họ đổi bên và bắt đầu lại. Trong cuốn tự truyện viết về anh em nhà Wright, người chấp bút Tom Crouch viết: “Theo thời gian, họ sẽ học cách lập luận hiệu quả hơn, đưa ra các ý tưởng qua lại bằng tranh luận trước khi sự thật hé lộ”.
Có một câu chuyện được kể lại trong sách về lần một người bạn của gia đình Wright tỏ ra khó chịu với cách hai anh em tranh luận. Wilbur đã giải thích vì sao tranh biện lại quan trọng với họ: “Không có sự thật nào mà không pha trộn sai lầm, và không có sai lầm nào mà không có ít nhiều sự thật. Nếu một người quá vội phủ nhận sai lầm, anh ta có thể bỏ qua một vài sự thật đi kèm với nó, và khi chấp nhận lý lẽ của người kia, anh ta chắc chắn sẽ nhận ra một vài lỗi của mình. Tranh luận trung thực chỉ đơn thuần là một quá trình chọn lọc các chùm tia bị lẫn màu khỏi mắt để cả hai đều có thể nhìn được rõ ràng...”.
Mô tả của Wilbur Wright chính xác là những gì mà người Hy Lạp đã công nhận từ thời cổ đại. Triết gia Socrates tin rằng, cách tốt nhất để xua tan ảo tưởng và xác định những ngụy biện là thông qua tranh luận. Các cuộc tranh biện của ông tại quảng trường thành Athens thường thu hút những trí thức được kính trọng nhất của thành bang. Kỹ thuật ưa thích của ông là mời ai đó nói trước những gì họ tin (về bản chất của công lý, lời nói hoặc hạnh phúc chẳng hạn) trước khi hỏi lại họ tại sao và làm thế nào họ có thể chắc chắn đến như vậy. Cuối cùng thì dưới sự chất vấn dai dẳng, sự tự tin mong manh ban đầu sẽ dần tróc vỏ và rơi xuống.
Thiên kiến xác nhận che mờ chân lý
Agnes Callard, phó giáo sư triết học tại Đại học Chicago và là chuyên gia về xã hội Hy Lạp cổ đại, cho rằng Socrates là người đã đặt nền móng cho một trong những phát kiến sáng lập của tư tưởng phương Tây, mà bà gọi là “phân công nghịch lý nhận thức”, trong đó việc của một bên là đưa ra các giả thuyết và bên kia bẻ gãy chúng. Phép biện chứng cũng dựa trên nền tảng này: đầu tiên, ta có chính đề, tức là một lý thuyết hay một ý tưởng nào đó, và như mọi thứ trong vũ trụ này, đều có các mặt đối lập của nó, tạo ra “phản đề”. Cuộc tranh đấu giữa chính đề và phản đề sẽ dẫn đến hợp đề, là một chính đề mới ở một trình độ cao hơn nhờ loại bỏ được những điều thiếu thuyết phục. Cứ thế, các chính đề mới sẽ ra đời.
Trong một tháng qua, chúng ta chứng kiến hai cuộc thảo luận rầm rộ trên mạng xã hội về những sự kiện liên quan đến giáo dục: Một là vụ hiệu trưởng cầm quyền trượng ở lễ trao bằng tốt nghiệp và hai là vụ giám thị không nhắc thí sinh ngủ gục trong giờ làm bài. Đáng tiếc là trong những cuộc tranh luận về lĩnh vực đáng lưu tâm bậc nhất của một xã hội tiến bộ, chúng ta thấy thiếu tinh thần Socrates trầm trọng: Hai phe, một ủng hộ và một phản đối, kiên quyết bảo vệ sự “đúng toàn diện” của mình, và tất nhiên là không có một giải pháp đúng đắn, tức hợp đề nào được đưa ra sau những cuộc cãi nhau kiểu này.
Ở vụ thứ nhất, ngôi trường có hiệu trưởng cầm quyền trượng đã phải giải trình, một giải pháp cực đoan của những người không đồng tình với ý tưởng này. Ở vụ thứ hai, một số người có ảnh hưởng trên mạng xã hội còn đòi cho thí sinh... thi lại, một giải pháp cũng cực đoan không kém của những người ủng hộ. Các sự kiện xảy ra chỉ là lý do để hai phe thể hiện cái tôi của mình.
Năm 1966, nhà tâm lý học người Anh Peter Wason đã thực hiện một thí nghiệm đơn giản để giải thích về định kiến trong mỗi người. Hãy nhìn vào 4 thẻ trong hình dưới và giả sử mỗi thẻ đều có số ở một mặt và một chữ cái ở mặt kia, nhiệm vụ của bạn là chứng minh quy tắc sau đúng hay sai: “Tất cả các thẻ có nguyên âm ở mặt bên này đều có số chẵn ở mặt bên kia”. Bạn cần lật thẻ nào để làm được điều đó?
Đó có vẻ là một sai lầm nhỏ, nhưng nói lên một khía cạnh cơ bản trong nhận thức con người: Chúng ta có xu hướng tìm kiếm bằng chứng xác nhận cho niềm tin (trong trường hợp bài toán trên là xác nhận quy tắc), thay vì tìm kiếm những lập luận bác bỏ nó.
Lỗ hổng này được gọi là thiên kiến xác nhận (confirmation bias), trở thành một trong những phát hiện được chứng minh rõ rang nhất trong tâm lý học. Các biến thể của nó là vô số. Trong một nghiên cứu mang tính bước ngoặt năm 1979, các nhà tâm lý học đã chọn ra những sinh viên có quan điểm kiên định chống lại án tử hình, sau đó trình bày cho họ hai báo cáo về những nghiên cứu được hư cấu về chuyện tử hình chẳng giúp ích cho việc làm suy giảm tội phạm.
Tiếp theo, các nhà nghiên cứu yêu cầu các sinh viên đánh giá các bài báo này. Đúng như dự kiến, họ tỏ ra đặc biệt yêu thích phương pháp luận của bất kỳ bài báo nào ủng hộ quan điểm ban đầu của họ.
Đó có vẻ là một lỗi nhận thức nghiêm trọng của con người?
Các nhà tâm lý học người Pháp Hugo Mercier và Dan Sperber cho rằng không phải. Theo họ, nếu thiên kiến xác nhận làm suy yếu khả năng tìm ra chân lý của mỗi chúng ta, thì bởi vì tìm kiếm chân lý không phải chức năng của nó. Thay vào đó, nó giúp chúng ta tranh luận có hiệu quả hơn. Thiên kiến xác nhận chỉ là một đặc điểm, không phải lỗi nhận thức. Nó tối đa hóa sự đóng góp mà mỗi cá nhân tạo ra cho tập thể, bằng cách thúc đẩy họ tạo ra thông tin và lập luận mới. Nhưng, trước hết, chúng ta phải ngồi lại được với nhau và dám tranh luận, thay vì chìm đắm trong buồng vang nhận thức của riêng mình. Cây quyền trượng và chuyện ngủ quên sẽ đi vào lãng quên như mọi trend (xu hướng) tầm phào trên mạng xã hội, nếu thiếu đi một thái độ tranh biện thực sự.