Thành công như... mèo

Thứ Sáu, 13/01/2023, 10:55

Trong thuật dùng người, có một triết lí mang tên mèo và hổ. Tương truyền mèo là thầy dạy võ của hổ.

Hổ dù có sức mạnh vô địch, khó có con vật nào bì kịp nhưng chỉ là sức mạnh võ biền. Ngược lại, mèo tuy nhỏ bé nhưng là một nhà chiến lược khôn ngoan. Khi thì mềm mại, uyển chuyển khiến người khác có thiện cảm yêu chiều, lúc cần lại nhanh như cắt, sức bền và tốc độ đều vô song nên khiến những loài vật bé nhỏ khiếp sợ. Biết hổ có tính gian hùng, mèo truyền lại cho hổ tất cả võ công, chỉ chừa lại ngón trèo cây. Bởi nếu hổ biết trèo cây sẽ chẳng khác nào mọc thêm cánh và mèo khôn ngoan cũng biết chừa đường lùi cho mình.

6-1.jpg -0
Cô mèo Choupette và nhà thiết kế Karl Lagerfield.

Chúng ta vừa chia tay năm Nhâm Dần và sang những ngày đầu tiên trong hành trình của Quý Mão. Đây là có vẻ là hai năm rất trái ngược nhau nếu xét theo câu chuyện dân gian vừa kể trên. Nhưng, đồng thời đây cũng là hai loài vật có họ hàng rất gần, mang theo những đặc tính loài vô cùng tương đồng. Nếu Nhâm Dần là vua của các loài hổ thì Quý Mão cũng không hề kém cạnh - chú mèo quý.

Theo quan niệm của người phương Đông hoặc một số nền văn hóa cổ thì mèo không phải là linh vật mang đến may mắn. Dân gian có câu: "Mèo đến nhà thì khó, chó đến nhà thì sang". Không biết các tác giả dân gian đúc kết nên câu nói này từ kinh nghiệm thực tiễn hay từ thói quen sinh hoạt của chó và mèo (mèo vốn ăn ít nhưng tinh, ngoài những lúc bắt chuột thì cả ngày thường có xu hướng nằm dài hoặc thích được vuốt ve, cưng nựng. Chó ngược lại, dễ ăn và giúp ích được nhiều việc hơn), nhưng nếu coi văn học dân gian như lăng kính đánh giá quan niệm thẩm mĩ của cha ông thì mèo đích thị là con vật không dành cho những ẩn dụ về sự no đủ hay hạnh phúc. Có thể kể sơ sơ như "ăn nhạt mới biết thương mèo", "cơm treo, mèo nhịn đói", "chỉ chó mắng mèo", "im ỉm như mèo ăn vụng"...

Tuy nhiên, chúng ta đều hiểu, tục ngữ ca dao dồn nén trong đó biết bao triết lí nhân sinh được bồi tụ qua nhiều thế hệ. Mèo lại là loài vật quá đỗi gần gũi với con người. Xét ở phương diện nào đó, mèo mang đặc tính của con người nhiều hơn chó nên thường được sử dụng như một chất liệu để ví von xa gần trong thuật đối nhân xử thế. Tuy nhiên, những định kiến về sự kém may mắn của loài mèo phần lớn đến từ những câu chuyện mang màu sắc phóng chiếu của sự tưởng tượng.

Chẳng hạn, người ta cho rằng, người chết chưa khâm liệm mà gia chủ canh không kĩ, để mèo đen nhảy qua thì người chết sẽ biến thành quỷ nhập tràng. Hay như ban đêm nghe tiếng mèo gào 7 tiếng thì chuẩn bị có người chết, gào 9 tiếng thì oan hồn sẽ về nhập vào con mèo đó để đòi mạng người sống. Tựu trung, theo văn hóa dân gian Việt Nam, linh miêu vẫn là con vật đại diện cho vận xấu mà người ta sẽ hạn chế nhắc đến khi cần điềm lành che chở.

Nói như vậy không có nghĩa dân gian thiếu đi những câu chuyện đáng suy ngẫm về mèo. Ai cũng đều biết đến câu chuyện Trạng Quỳnh bắt trộm mèo ở phủ chúa về cho ăn rau dưa, không ăn sẽ bị đòn. Chúa biết mèo đang ở nhà Trạng bèn cho người đến đòi, nhưng Trạng đưa ra phép thử: Một bên là cao lương, một bên cơm đạm bạc thì con mèo kia cắm đầu vào ăn phần cơm đã được huấn luyện. Chúa biết mà không làm gì được đành phải cho người quay về.

Câu chuyện này gợi cho ta một vấn đề: Môi trường sống là đòn bẩy rất mạnh mẽ tác động lên tính cách. Nếu không tác động thì tại sao một con mèo vốn sống trong nhung lụa, ăn sơn hào hải vị đã quen mà giờ phải lựa chọn lại chỉ ăn cơm rau sơ sài. Vậy mới biết sức mạnh của phương pháp giáo dục kiên quyết và kiên trì có hiệu quả như thế nào. Tất nhiên, ta sẽ không bàn tới tính nhân văn của phương pháp giáo dục này. Bởi, giáo dục trước hết phải phát huy những phẩm chất đẹp đẽ tiềm ẩn chứ không phải thiết quân luật để cho ra một bản chất khác hoàn toàn với nguyên gốc của đối tượng. Bản thân việc đặt hành động trộm mèo của Trạng Quỳnh cộng thêm đánh đập vật nuôi vô cớ, nếu đặt vào không gian mạng của thế kỉ 21 này hẳn sẽ nhận phải làn sóng chỉ trích vô cùng dữ dội.

Chuyển lăng kính sang đất nước láng giềng Trung Hoa ta sẽ thấy đôi chút sự khác biệt. Mặc dù cùng sử dụng sơ đồ phân loại can chi 12 con giáp nhưng Trung Hoa lại không dùng năm Mão (mèo) như Việt Nam mà thay bằng loài thỏ. Nhưng, không phải vì thế mà mèo không có chỗ đứng trong văn hóa nước bạn. Trong bộ tiểu thuyết rất đồ sộ của Trung Hoa là “Liêu trai chí dị” có câu: Dị sử thị viết: "Hoàng li hắc li, đắc thử giả hùng", dịch sang tiếng Trung hiện đại nghĩa là "Bất kể mèo vàng mèo đen, chỉ cần bắt được chuột thì đều là mèo tốt". Câu nói này được coi là nguồn cảm hứng để nhà chính trị Đặng Tiểu Bình đưa ra lời định hướng, chỉ đạo nổi tiếng về vấn đề phát triển trong nông nghiệp.

Thậm chí, giới nghiên cứu lý luận Trung Quốc đã mở rộng câu nói này thành "thuyết con mèo". Chúng ta có thể xem đây là minh chứng rất sống động trong việc đúc rút và học tập từ tinh hoa văn hóa truyền thống. Câu chuyện giá trị văn hóa không phải câu chuyện của quá khứ đã nguôi ngủ trong sách vở, ngược lại, nó rất có ý nghĩa đối với mỗi đối tượng khi biết vận dụng một cách linh hoạt. Bởi, xét cho cùng, giá trị văn hóa cũng là một thứ giá trị, nó không phải thứ cố định mà luôn biến đổi theo thời gian. Mỗi giá trị sẽ trở nên có ý nghĩa nếu nó luôn được khẳng định trong quá trình tồn tại và phát triển của con người xã hội.

6-2.jpg -0

Câu nói "mèo vàng, mèo đen" của nhà lãnh đạo Trung Hoa Đặng Tiểu Bình đã trở thành nguồn cảm hứng (chuyện ông Đặng Tiểu Bình thích đọc "Liêu trai chí dị" đến mức khi đi công tác cũng mang theo, được chính phu nhân của ông là bà Trác Lâm kiểm chứng) không chỉ về tinh thần cầu thị, lối tư duy, tác phong công việc dứt khoát mà còn là một tấm gương về việc ứng dụng những giá trị văn hóa trong công cuộc xây dựng công nghiệp hóa - hiện đại hóa. Nếu một quốc gia đã chứa đựng sẵn trong nội tại những giá trị văn hóa lâu dài mà không biết lấy đó làm căn cốt, tiền đề để phát triển thì quốc gia đó khó có thể đi lên, thậm chí là bay cao, bay xa.

Trước khi qua đời, Karl Lagerfeld - "nhà thiết kế đại tài" của làng mốt thế giới từng bày tỏ ý định để lại toàn bộ gia sản cho mèo Choupette khi ông qua đời. Tuy nhiên, bộ luật của nước Pháp ngăn cấm việc chuyển nhượng gia tài cho thú cưng. Dẫu thế, nàng mèo này vẫn có cuộc sống rất sung túc. Karl Lagerfield đã qua đời nhưng "nàng ta" vẫn được sống sung sướng trong căn biệt thự của chủ nhân. Hằng ngày có đầu bếp riêng phục vụ và nhiếp ảnh gia thực hiện nhiệm vụ "sống ảo" cho nàng. Choupette luôn sử dụng máy bay hạng thương gia trong mỗi chuyến du lịch và vẫn kiếm được bộn tiền nhờ việc tham gia đóng quảng cáo.

Có lẽ phần lớn người Việt đều sẽ cảm thấy lạ lẫm với câu chuyện này nhưng đây là những việc hết sức bình thường ở xã hội phương Tây. Một nơi mà người ta từng lập bảng xếp hạng ưu tiên như sau: Trẻ con, phụ nữ, thú cưng và... đàn ông. Không biết độ xác thực của bảng xếp hạng này là bao nhiêu nhưng việc thú cưng được đãi ngộ như, thậm chí là hơn cả con người được coi như điều hiển nhiên ở xã hội phương Tây. Nơi đây thậm chí có cả những đạo luật để bảo vệ quyền lợi và sinh mạng cho các loài động vật.

Trên thực tế là gần chục năm trở lại đây, cộng đồng người trẻ nước ta đã quan tâm nhiều hơn tới sự sinh tồn của những loài động vật thân cận với con người như chó, mèo. Mặc dù tình trạng bạo hành động vật vẫn xảy ra đáng kể nhưng các bạn trẻ đã tự thành lập những trạm cứu hộ chó mèo để ứng phó với vấn nạn này. Những chú chó già nua bị chủ hất ra khỏi nhà, những chú mèo bị đánh đập tàn tệ tới mức gãy chân hay giập nội tạng, chỉ cần có bạn báo về trạm là ngay lập tức sẽ có người đến đón các bé về chăm sóc, điều trị. Kinh phí duy trì chủ yếu dựa vào sự quyên góp ủng hộ của những tấm lòng hảo tâm.

Mặc dù còn nhiều hạn chế, song những tổ chức tình nguyện như vậy xuất hiện đã giúp ích rất nhiều trong việc cứu giúp những loài vật bé nhỏ tránh khỏi sự trục lợi từ những kẻ xấu hoặc chí ít có nơi nương tựa không bị đói khát. Xét cho cùng, một xã hội nhân văn không chỉ đơn giản là người tốt với người, người nhân đạo với người, mà xã hội đó còn phải bênh vực và bảo vệ những sinh linh yếu thế. Đó mới là một xã hội nhân văn đích thực.

Những ngày đầu xuân, tản mạn đôi chút về mèo và những giá trị văn hóa lâu bền mà chúng ta khai thác từ loài vật này. Một con vật duyên dáng, mềm dẻo, nhưng khi cần cũng rất quyết liệt và mạnh mẽ. Những đặc tính loài đó vô hình trung lại trở thành những phẩm chất cần thiết của một con người trong đời sống, nhất là khi đại dịch đã đi qua và một trang sử mới của thế giới đã được viết lại. Năm mới, chúc mọi người được như... mèo.

Ái Linh
.
.