Thảm họa Nivelle

Thứ Hai, 02/01/2023, 12:42

Ngày 19/12/1916, trận Verdun (mặt trận phía Tây, Đệ nhất Thế chiến) kết thúc. Phần thắng thuộc về người Pháp, nhưng những tổn thất khủng khiếp đè nặng lên quân đội cả hai phía: Sau 10 tháng giao tranh, Đức mất 434.000 lính, còn quân đội Pháp phải chịu tới 543.000 thương vong. Song, vào thời điểm các đoàn quân đều đã kiệt quệ đó, vẫn có một kế hoạch được các chỉ huy liên quân Anh - Pháp thúc đẩy: "Cuộc tiến công Nivelle". Cũng không có gì bất ngờ, khi nó kết thúc như một thảm họa đích thực.

"Người hùng ảo tưởng"

Người đưa ra đề xuất tiếp tục đánh mạnh vào phòng tuyến Hindenburg của  quân Đức ngay trong mùa xuân năm 1917 là Robert George Nivelle.

robert_georges_nivelle-213x300.jpg -0
Robert George Nivelle - người tạo nên cuộc binh biến.

Ông ta tin rằng một cuộc tấn công mạnh mẽ dọc theo sông Aisne ở miền Trung nước Pháp là chìa khóa cho một bước đột phá cực kỳ cần thiết ở Mặt trận phía Tây. Dựa trên các chiến thuật mà chính ông đã sử dụng trước đó trong các cuộc phản công thành công tại Verdun, Nivelle tin rằng mình sẽ đạt được bước đột phá này trong vòng… hai ngày. Sau đó, như ông tuyên bố, đường được mở ra để đi đến nơi mà người ta muốn, đến bờ biển nước Bỉ hoặc đến thủ đô, trên sông Meuse hoặc trên sông Rhine.

Thời thế ủng hộ Nivelle, nhất là những biến động thượng tầng chính trị. Nghị viện Pháp lúc ấy đã tước quyền tổng chỉ huy của thống chế lão luyện Joseph Joffrey - người phải chịu trách nhiệm chính về những tổn thất thảm khốc và kinh hoàng, không thể bù đắp tại Verdun (và cả trận Somme). Nivelle chính là lựa chọn thay thế đầu tiên và sáng giá nhất.

Điều này được tác giả Robert Leckie của cuốn “Đệ nhất Thế chiến” (World War 1) nhận xét đầy châm biếm: "Sự tự tin vào khả năng của tướng Nivelle sánh ngang với khả năng quyến dụ mà ông ta thực hiện đối với các chính trị gia. Cả Thủ tướng Pháp Aristide Briand lẫn Thủ tướng Anh David Lloyd George đều tin rằng: Nivell chính là sự phúc đáp cho những lời cầu nguyện của họ".

Song, "Họ không hiểu rằng những chiến thắng ở Verdun của vị tân thủ lĩnh này chỉ là những thành công trong quy mô nhỏ, đối với những mục tiêu giới hạn. Họ cũng không nhận ra rằng Nivelle có quá ít kinh nghiệm trong Bộ chỉ huy tối cao". Thế nên, họ ủng hộ "Cuộc tiến công Nivelle" nhiệt thành.

Tuy nhiên, ở một khía cạnh khác, quyền quyết định các vấn đề chiến lược quân sự của Pháp đã chuyển từ tay Joffre sang một ủy ban chiến tranh cấp bộ, những người không phải báo cáo cho Tổng Tư lệnh (là Nivelle), mà cho Bộ trưởng Chiến tranh, Louis Lyautey - một cựu thống đốc thuộc địa ở Morocco được Briand bổ nhiệm vào tháng 12/1916, cùng thời điểm mà Joffre bị sa thải.

Lyautey đã lớn tiếng công khai chế giễu kế hoạch Nivelle. Ông nhấn mạnh rằng nó sẽ thất bại. Ông không phải là thành viên duy nhất của nội các Briand chống lại cuộc tiến công, nhưng Thủ tướng Pháp vẫn tiếp tục ủng hộ Nivelle, có lẽ do khao khát một chiến thắng lớn để khôi phục niềm tin vào sự lãnh đạo của mình. Sự tình căng thẳng đến độ ngày 14/3, Lyautey từ chức. Sự bất đồng công khai đáng xấu hổ này với các bộ trưởng cũng khiến Briand buộc phải rời cương vị, ba ngày sau, 17/3.

Quay trở lại thời điểm cuối tháng 12/1916, Robert Nivelle hy vọng rằng khối lượng lớn bộ binh tiến công trên một mặt trận rộng sẽ tạo nên được bất ngờ, và mở được đột phá khẩu. Nivelle dự định sẽ công kích phòng tuyến của quân Đức từ cả phía Bắc lẫn phía Nam, để tạo thế gọng kìm hợp vây, và "xé được một lỗ thủng khổng lồ".

Ông ta còn tự tin đến mức độ phổ biến kế hoạch của mình một cách rộng rãi. Đương nhiên, quân Đức nhanh chóng nắm bắt được ý đồ của Nivelle. Thậm chí, theo nhiều nguồn, họ còn lấy được bản kế hoạch chi tiết từ tử thi của một sĩ quan Pháp trên mặt trận.

assaut-chemin-des-dames.jpg -0
Quân Pháp phơi mình xung phong dưới những làn mưa đạn.

Cuộc binh biến

Không có gì nhiều để nói về Chiến dịch Nivelle. Nó thất bại, như tất yếu phải thất bại. Bắt đầu diễn ra ngày 16/4/1917, nó khép lại chỉ sau hai tuần. Các căn cứ của Đức dọc theo sông Aisne, được xây dựng từ mùa thu năm 1914, đã chứng tỏ là thử thách quá sức đối với quân Đồng minh Anh - Pháp, vốn đã vô cùng suy kiệt sau trận Verdun. Hầu như tất cả các xe tăng Pháp, lần đầu tiên được đưa vào trận chiến, đã bị phá hủy hoặc bị sa lầy vào cuối ngày đầu tiên của chiến dịch.

Nắm được quá rõ ý đồ của Nivelle, quân Đức lùi lại khá xa. Họ rút ngắn tiết diện mặt trận xuống chỉ còn khoảng 43 km, lại được tăng cường thêm 8 sư đoàn. Do đó, thực chất, quân Đức chiếm ưu thế về quân số. Quân Đức lại được chỉ huy bởi Ludendoff - một thống chế dày dạn.

Vấn đề là, Nivelle vẫn kiêu ngạo: "Quân số của chúng càng tăng, chiến thắng của ta càng lớn lao". Ông ta bỏ ngoài tai những lời góp ý của hai vị tướng cấp cao: Tướng Micheler (chỉ huy ba đạo quân Pháp tiến công ở phía Nam) cùng tướng Petain. Petain chỉ rõ: "Chúng ta không có phương tiện để thực hiện những việc này. Thậm chí nếu thành công, chúng ta cũng không thể khai thác được chiến thắng. Chúng ta cần 500.000 binh lính sung sức cho cuộc tiến công, nhưng chúng ta có con số đó không? Không! Nghĩa là, đây là nhiệm vụ bất khả thi!".

Nhưng Nivelle vẫn khăng khăng làm theo ý mình, nhờ được "vuốt ve, xoa dịu" bởi giới chính trị gia. Thế rồi, tướng Anh - Sir Douglas - mất tới 177.000 quân khi tấn công phía Bắc phòng tuyến. Một tuần sau, ở phía Nam, tổn thất của Pháp là 187.000 người. Và Nivelle, trái với lời hứa cân nhắc hành động nếu mọi chuyện diễn ra không như ý, vẫn ra lệnh cho những người lính của mình tiến lên, hướng đến những mục tiêu phi thực tế.

Bị cản trở bởi mưa lớn và dàn trải trên một khu vực quá rộng, pháo binh Pháp chỉ phá hủy các chiến hào của quân Đức ở tiền tuyến. Nó không uy hiếp được lực lượng dự bị hoặc các đơn vị trên sườn núi Chemin des Dames. Quân Pháp phải leo dốc, băng qua bùn, vượt qua dây thép gai và đối diện súng máy. Ở nhiều khu vực, họ hoàn toàn sa lầy, và mỗi bước họ tiến lên đều phải hứng chịu các cuộc phản công dữ dội của quân Đức từ mọi hướng.

Một hệ quả tồi tệ đã xuất hiện từ đó. Ngày 29/4/1917, một cuộc binh biến bùng lên. Bắt đầu từ một trung đoàn, nó nhanh chóng "lây lan" sang toàn quân đội Pháp, như một thứ dịch bệnh. Những người lính Pháp không muốn sinh mạng của mình tiếp tục bị phung phí nữa. Họ vứt bỏ vũ khí, hạ bệ các sĩ quan, lập ra những ủy ban của mình. Ở một số đơn vị, họ đi về hậu phương. Ở những đơn vị khác, họ từ chối chiến đấu.

"Chúng tôi sẽ không làm hại các anh" - một người lính đã chiến đấu 32 tháng liên tiếp nói với một sĩ quan - "Các anh cũng chỉ bị lợi dụng như chúng tôi thôi. Nhưng chúng tôi sẽ không tuân lệnh các anh nữa. Chiến tranh phải chấm dứt".

Sau những kết cục thảm khốc ở Somme hay Verdun, quân đội Pháp không còn sức tiếp tục "xả mạng" với "Chiến dịch Nivelle" nữa. Và đương nhiên, đó cũng là dấu chấm hết của "người hùng ảo tưởng". Robert George Nivelle "xuống đài", nhường vị trí lại cho Phillippe Petain, người đã làm rất tốt công việc hàn gắn những mâu thuẫn, cũng như tái củng cố tinh thần chiến đấu cho binh sĩ. Hàng nghìn quân nhân phản loạn bị đưa ra tòa án binh, chỉ 23 người bị xử tử. Cuộc binh biến bị trấn áp, nhưng không phải là theo cách "dìm trong bể máu".

Và sau đó, quân đội Pháp không bao giờ còn mở những cuộc tấn công toàn diện nhưng vô nghĩa nữa, cho đến khi chiến tranh kết thúc. Cho đến khi quân Mỹ tham chiến, gánh nặng chiến đấu ở Mặt trận phía Tây hầu như đổ dồn lên các đơn vị lính Anh.

* "Trong khi lùi lại phía sau, quân Đức biến mọi vùng đất đã chiếm trở thành hoang mạc. Hàng nghìn ngôi nhà bị phá sập, các vườn cây trái bị san bằng, các cánh rừng bị đốt cháy, các cây cầu bị phá hủy, đường ray xe lửa bị đặt mìn, những con đường bị cho nổ tung, những nguồn nước bị bỏ độc…

* "Sao chứ, anh đang đổ trách nhiệm cho tôi đấy à? Khi mà tôi không ngừng cảnh báo anh? Anh có biết một hành động như thế gọi là gì không? Nó gọi là sự hèn nhát!" - tướng Micheler, sau khi cuộc tiến công thất bại.

Thiên Thư
.
.