Tên lửa của Iran xuyên thủng hệ thống phòng không Israel như thế nào?

Chủ Nhật, 01/12/2024, 15:30

Trong Chiến dịch True Promise II gần đây, Iran đã phóng hơn 180 tên lửa vào các mục tiêu ở Israel, chủ yếu nhắm vào các cơ sở quân sự như căn cứ không quân và trung tâm chỉ huy. Trong khi các hệ thống phòng không của Israel đã đánh chặn được một lượng lớn các tên lửa này, một số tên lửa khác vẫn phá vỡ được hàng rào phòng thủ, gây thiệt hại không nhỏ cho chính quyền Tel Aviv.

Hành động này cũng đã làm gia tăng mức độ căng thẳng trong thời điểm vốn đang cực kỳ nhạy cảm trên khắp Trung Đông, khi nguy cơ một cuộc xung đột khu vực đang cận kề.

Kho vũ khí mở rộng của Iran

Giới quân sự nhận định, trong các cuộc tấn công trên không, Iran thường ưu tiên sử dụng các loại tên lửa Fattah và Ghadr, trong đó có tên lửa siêu thanh như Fattah-2. Tên lửa này được trang bị đầu đạn, có động cơ ở tốc độ từ Mach 5 đến Mach 20 và tầm bắn khoảng 1.500 km. Fattah-2 có thể thực hiện những thay đổi quỹ đạo đáng kể giữa chuyến bay để trốn tránh hệ thống phòng thủ trên không của Israel. Đặc biệt, Fattah-2 lần đầu tiên được sử dụng trong các cuộc tấn công bằng tên lửa vào Israel hồi đầu tháng 10 với mục tiêu là nhắm vào các cơ sở hạ tầng phòng thủ quan trọng của Israel, bao gồm cả hệ thống phòng thủ tên lửa Arrow.

Ngoài ra, tên lửa siêu thanh Fattah-1 di chuyển với tốc độ Mach 5 cũng là một vũ khí cực kỳ tiên tiến, có thể cơ động ở tốc độ siêu thanh bên trong bầu khí quyển của Trái đất và cực kỳ khó bị bắn hạ. Fabian Hinz, một nghiên cứu viên tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) khi nói về loại tên lửa này cho hay, Fattah-1 dường như có đầu đạn trên một phương tiện tái lập điều khiển, cho phép nó điều chỉnh để tránh hệ thống phòng thủ tên lửa trong một thời gian ngắn trước khi lao xuống mục tiêu. Khả năng này của Fattah-1, theo Fabian Hinz, là một cải tiến so với các tên lửa trước đó của Iran.

Tên lửa của Iran xuyên thủng hệ thống phòng không Israel như thế nào? -0
Iron Dome là hệ thống phòng thủ tên lửa di động của Israel được thiết kế để đánh chặn tên lửa và pháo tầm ngắn.

Theo báo cáo năm 2021 của Dự án đe dọa tên lửa tại CSIS, Iran có hàng nghìn tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình với nhiều tầm bắn khác nhau. Con số chính xác cho từng loại tên lửa vẫn chưa được tiết lộ. Nhưng trong một bài phát biểu trước Quốc hội vào năm 2023, Tướng Không quân Mỹ Kenneth McKenzie đã nói rằng, báo cáo từ trang web Iran Watch tại Dự án kiểm soát vũ khí hạt nhân Wisconsin cho thấy, Tehran có hơn 3.000 tên lửa đạn đạo. Quỹ đạo của tên lửa đạn đạo do Iran sản xuất đưa chúng ra ngoài hoặc gần giới hạn của bầu khí quyển Trái Đất, trước khi đầu đạn tách khỏi tên lửa, mang nó lên cao và lao trở lại bầu khí quyển rồi hướng tới mục tiêu.

Từ việc phân tích các video trên mạng xã hội được xác minh từ hiện trường vụ tấn công bằng tên lửa hồi tháng 10, các chuyên gia về vũ khí nhận định rằng, ngoài tên lửa siêu thanh Fattah-2, Iran đã sử dụng các biến thể của tên lửa đạn đạo Shahab-3. Điều phối viên nghiên cứu tại Dịch vụ nghiên cứu vũ khí (ARES) Patrick Senft khẳng định, Shahab-3 là nền tảng cho tất cả các tên lửa đạn đạo tầm trung của Iran sử dụng nhiên liệu lỏng. Tên lửa này được đưa vào sử dụng từ năm 2003, có thể mang đầu đạn nặng từ 760 kg đến 1.200 kg và có thể được bắn từ bệ phóng di động với tầm bắn khoảng 1.300 km.

Ngoài ra, Iran còn sử dụng các phiên bản nâng cấp của Shahab-3 như tên lửa Ghadr và Emad với độ chính xác cao hơn rất nhiều. Ghadr là tên lửa đạn đạo tầm trung đã được sử dụng trong các cuộc tấn công gần đây vào Israel, nhằm mục đích vượt qua các hệ thống phòng thủ tên lửa. Đặc biệt, Ghadr-110 là loại tên lửa đạn đạo có tầm bắn 1.800 km. Còn tên lửa đạn đạo Emad lại có đầu đạn cơ động, cho phép điều chỉnh trong khi bay, tăng độ chính xác so với các mẫu trước đó. Emad được thiết kế để xuyên thủng hệ thống phòng thủ tên lửa và đã tham gia nhiều cuộc tập trận quân sự lớn của Iran.

Tướng Không quân Mỹ Kenneth McKenzie nhận định, trong những năm qua, Iran đã tập trung vào việc phát triển nhiều hệ thống tên lửa khác nhau có thể vươn tới các mục tiêu ở Israel. Điều này phản ánh chiến lược của Tehran là nhằm ngăn chặn các hành động của Israel trong khu vực. Đồng thời, Iran cũng hỗ trợ và có quan hệ đối tác chiến lược với các tổ chức vũ trang, cung cấp cho họ tên lửa và công nghệ máy bay không người lái nhằm thể hiện sức mạnh vượt ra ngoài biên giới và tạo ra một mạng lưới đe dọa chống lại Israel.

Chiến lược phòng thủ của Israel

Để đáp trả, Israel vận hành một loạt các hệ thống để ngăn chặn các cuộc tấn công từ tên lửa đạn đạo có quỹ đạo đưa chúng ra khỏi bầu khí quyển cho đến tên lửa hành trình và tên lửa bay thấp. Hệ thống Iron Dome cực kỳ hiệu quả của nước này được chú ý nhiều, khá hiệu quả để chống lại tên lửa và vũ khí pháo binh đang bay tới. Đây là một hệ thống phòng không tầm ngắn với tỷ lệ thành công cao. Iron Dome có ưu điểm là có thể tấn công nhiều mục tiêu cùng lúc. Quân đội Israel cho biết, kể từ khi được đưa vào hoạt động vào năm 2011, hệ thống đã đánh chặn hàng nghìn quả đạn do Hamas và Hezbollah phóng đi. Nhưng Iron Dome lại chỉ là lớp dưới cùng trong hệ thống phòng thủ tên lửa của Israel và không phải là hệ thống được sử dụng để chống lại các tên lửa đạn đạo mạnh của Iran trong các cuộc tấn công hồi tháng 10.

Tên lửa của Iran xuyên thủng hệ thống phòng không Israel như thế nào? -0
Tên lửa Shahab-3 của Iran được nhìn thấy trước khi được thử nghiệm từ địa hình sa mạc tại một địa điểm không xác định ở Iran ngày 28/9/2009.

Theo Tổ chức Phòng thủ tên lửa (IMDO), bậc thang tiếp theo trong hệ thống phòng thủ tên lửa của Israel là David's Sling, có khả năng chống lại các mối đe dọa từ tầm ngắn đến tầm trung, sử dụng các máy bay đánh chặn tiên tiến để tấn công các mục tiêu ở khoảng cách lên tới 300 km. David's Sling - một dự án chung của Hệ thống phòng thủ tiên tiến Rafael của Israel và gã khổng lồ quốc phòng Raytheon của Mỹ, được lắp đặt vào năm 2017, thường sử dụng các tên lửa đánh chặn động năng Stunner và SkyCeptor để tiêu diệt các mục tiêu cách xa 300 km. Với phạm vi này, David's Sling có thể bao phủ cả miền Nam Lebanon cũng như Dải Gaza. Cho đến nay, David's Sling đã cung cấp một lớp phòng thủ quan trọng cho Israel chống lại các mối đe dọa tên lửa từ Iran và Hezbollah.

Phía trên Davids Sling là hệ thống Arrow 2 và Arrow 3 của Israel, được phát triển chung với Mỹ. CSIS cho hay, Arrow 2 sử dụng đầu đạn phân mảnh để phá hủy tên lửa đạn đạo đang bay tới trong giai đoạn cuối, khi chúng lao về phía mục tiêu ở tầng khí quyển trên. Với tầm bắn 90 km và độ cao tối đa 51 km, Arrow 2 được coi là bản nâng cấp của Hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot của Mỹ. Trong khi đó, Arrow 3 sử dụng công nghệ đánh chặn để đánh chặn tên lửa đạn đạo đang bay tới trong không gian, trước khi chúng xâm nhập lại bầu khí quyển trên đường đến mục tiêu.

Chưa hết, quân đội Israel cũng đang thử nghiệm một hệ thống mới có tên là Iron Beam, sử dụng tia laser để đánh chặn các đầu đạn bắn ở tầm gần. Một giám đốc điều hành cấp cao của Rafael đã tiết lộ với tạp chí kỹ thuật số Breaking Defense có trụ sở tại Mỹ hồi tháng 3 rằng, Iron Beam sẽ được đưa vào sử dụng năm 2025.

Giới quan sát nhận định, cho đến nay, Iran và Israel đều tham gia vào một cuộc chạy đua vũ trang khu vực làm gia tăng nguy cơ xung đột. Israel đã tiến hành các cuộc không kích vào các vị trí của Iran ở Syria, nhằm mục đích phá vỡ việc chuyển giao vũ khí tiên tiến cho nhóm vũ trang Hezbollah. Đáp lại, Iran đã đe dọa trả đũa, làm gia tăng khả năng xảy ra xung đột quân sự. Và các cuộc cạnh tranh tên lửa thời gian qua có thể dẫn đến leo thang căng thẳng.

Sự hiện diện của vũ khí tiên tiến và sự phổ biến tên lửa giữa các lực lượng ủy nhiệm khu vực càng làm tình hình thêm phức tạp. Các hoạt động phát triển tên lửa ở cả Iran và Israel cũng phản ánh cuộc đấu tranh rộng lớn hơn để giành quyền thống trị khu vực Trung Đông. Khi cả hai quốc gia đều tăng cường năng lực của mình, nguy cơ xảy ra xung đột quân sự ngày càng hiện hữu.

Chu Nguyễn
.
.