Tarot và bản chất của truyện kể
Tarot, một nghệ thuật cổ xưa với biết bao huyền thoại thêu dệt xung quanh nguồn gốc của nó, người thì bảo nó bắt nguồn từ thời kỳ Phục Hưng ở Ý, người cho rằng nó thậm chí còn xa xưa từ thời Ai Cập cổ, thậm chí có cả thuyết quả quyết rằng Tarot chính là một trong những di sản của nền văn minh đã mất trên lục địa Atlantis.
Năm ngoái, viện bảo tàng Whitney ở New York tổ chức một buổi triển lãm về hội họa - điêu khắc hiện đại nước Mỹ trong 3 thập niên đầu thế kỷ 20 và giữa rất nhiều tác phẩm nổi tiếng của Georgia OKeeffe, Isamu Noguchi, Man Ray, có một nơi mà rất nhiều những vị khách ghé qua đều tụ cả lại: Một chiếc bàn bày 78 quân trong bộ bài Tarot mang tên Rider - Waite do nữ họa sĩ minh họa Pamela Colman Smith thực hiện và ngày nay đã bán cả trăm triệu bản trên toàn thế giới. Hình ảnh của những nhân vật như Chàng khờ dưới ánh mặt trời, Ẩn sĩ cầm cây đèn, Ác quỷ đầu trâu... thậm chí đã trở nên quen thuộc với cả những người chẳng mấy đoái hoài đến Tarot.
Tarot, một nghệ thuật cổ xưa với biết bao huyền thoại thêu dệt xung quanh nguồn gốc của nó, người thì bảo nó bắt nguồn từ thời kỳ Phục Hưng ở Ý, người cho rằng nó thậm chí còn xa xưa từ thời Ai Cập cổ, thậm chí có cả thuyết quả quyết rằng Tarot chính là một trong những di sản của nền văn minh đã mất trên lục địa Atlantis.
Nhưng, vì sao một thứ nghệ thuật thần bí từ thời tiền khoa học, tiền công nghệ, tiền hiện đại, bỗng chốc lại hồi sinh như một trào lưu trong những năm qua? Chẳng khó khăn gì để bắt gặp những người xem tự nhận rằng mình có thể xem Tarot, họ có mặt ở khắp nơi, trong những quán cà phê, những quán bar, cả trong văn phòng nơi ta làm việc. Họ có khả năng giúp những quán cà phê đông khách hơn. Ngay cả nếu như bạn chỉ đơn thuần là một người xem Tarot nghiệp dư mới bập bõm tìm hiểu bộ môn này, ngay lập tức, rất nhiều người sẽ bu xung quanh, nhờ bạn giải đáp những thắc mắc về tình duyên, cuộc đời, vận may, vận rủi. Tarot trở thành một tiểu văn hóa. Vì sao?
Tôi vẫn nhớ lần đầu tiên mua một bộ Tarot với chủ đề những chú mèo. Chẳng phải vì tôi biết đọc Tarot mà chỉ đơn giản vì những quân Tarot được vẽ quá đẹp. Mỗi quân, nói như nhà nghiên cứu Kim Huggens trong cuốn “Tarot nhập môn” từng được xuất bản vài năm trước ở Việt Nam, “giống như một bảo tàng nghệ thuật thu nhỏ”. Có hàng ngàn bộ Tarot khác nhau và mỗi bộ mang một phong cách nghệ thuật không trùng lặp.
Đâu phải ngẫu nhiên mà người ta đặt bàn Tarot trong gian phòng đầy những tác phẩm nghệ thuật của các bậc thầy? Thậm chí, nhà tạo mẫu trứ danh Christian Dior, người có thói quen đi xem Tarot trước mỗi show diễn thời trang, còn mượn những hình họa trên các cỗ bài Tarot để thiết kế nên một bộ chén đĩa xa xỉ. Mà chẳng nói đâu xa, chính danh họa Salvador Dalí từng vẽ một bộ Tarot lấy cảm hứng từ hội họa châu Âu cộng hưởng cùng tinh thần siêu thực quái đản, dị thường nơi ông. Dalí còn không ngần ngại lấy chính hình ảnh mình để đưa vào lá Pháp sư, trong khi chân dung vợ ông được đưa vào lá Nữ hoàng.
Và nếu như một bức tranh tĩnh luôn có thể chứa đựng một câu chuyện lớn thì một lá Tarot cũng như vậy. Nghệ thuật Tarot không hẳn là nghệ thuật tiên đoán tương lai hay nhìn sâu quá khứ, đôi khi, nó giống như một nghệ thuật kể chuyện hơn.
Bạn có biết có một motif thần thoại độc nhất tồn tại trong vô vàn những truyền thuyết, sự tích từ Đông sang Tây? Nhà nghiên cứu văn học so sánh giàu ảnh hưởng bậc nhất của thế kỷ 20, Joseph Campbell từng đúc kết rằng, mọi câu chuyện trên đời hầu như đều chỉ quy lại một motif mà thôi và đó là hành trình của người hùng. Người hùng rời khỏi nhà, nghe theo tiếng gọi của một cuộc phiêu lưu, trải qua một quá trình thụ giáo gồm những thử thách gian nan và cuối cùng, đạt tới sự vượt ngưỡng, được phong thần và nhận những ân huệ tối thượng. Motif ấy là như nhau từ truyền thuyết Gilgamesh đến câu chuyện Chúa Jesus, từ Amaterasu thần mặt trời Nhật Bản đến đức Phật. Lý thuyết của Campbell về sau đã được áp dụng cho những câu chuyện ăn khách nhất mọi thời đại, như “Harry Potter” hay “Chiến tranh giữa các vì sao”.
Thực ra, sự sắp xếp của những lá bài Tarot cũng có thể đọc như một câu chuyện người hùng, với lá đầu tiên, lá số 0 là lá Chàng khờ và sự tăng tiến của cỗ bài hoàn toàn có thể được diễn giải như hành trình của Chàng khờ, theo đó, lá Cỗ xe có thể được hiểu như sự ra đi của chàng rời khỏi nơi ấm êm, còn Chén Thánh chính là phần thưởng cao nhất mà Chàng khờ có thể đạt tới. Cứ như thế, nếu đúng như quan điểm của Yuval Noah Harari, rằng con người là một sinh vật thích kể chuyện, chính nhờ cùng nhau tin vào những câu chuyện không có thật mà xã hội người tiến hóa được như hôm nay, thế thì có gì khó hiểu đâu khi người ta khó mà phòng thủ trước hấp lực của cỗ bài Tarot. Vì Tarot là một tòa lâu đài của những câu chuyện thần kỳ.
Điều làm nên sự đặc biệt của Tarot đó là người ta không cần phải là những nhà ngoại cảm mới có thể đọc được cỗ bài này. Bất cứ ai cũng có thể đọc được nó, dù tất nhiên, mỗi người sẽ có một trình độ khác nhau. Chẳng có gì thần bí nơi những người xem Tarot, họ giống như tất cả chúng ta và ngược lại, chúng ta cũng có thể học cách đọc Tarot như họ. Bạn chỉ cần một chút trực giác, sự kiên nhẫn, sự nhạy cảm với những câu chuyện và sự tò mò với hệ thống những biểu tượng. Đến đây, chúng ta sẽ hiểu vì sao nhà phân tâm học Carl Gustav Jung lại đề xuất Tarot như một công cụ mở ra cõi vô thức của con người.
Theo Jung, biểu tượng luôn là các sản phẩm của tự nhiên và tự phát. “Chưa từng có thiên tài nào ngồi xuống với cây bút hay cây cọ trong tay và nói: “Bây giờ tôi sẽ sáng tạo ra một biểu tượng”. Những biểu tượng cùng các nguyên mẫu của nó thường là những di chỉ cổ xưa, những dạng thức tinh thần mà con người được thừa kế trong tâm trí từ nhiều thế hệ tổ tiên đi trước.
Tuy nhiên, con người trong thế giới hiện đại đã tách mình khỏi các kết nối với tự nhiên, dùng ánh sáng chói chang của văn minh chiếu vào những thần thoại và những thần thoại - giống như sinh vật chỉ có thể sinh trưởng trong bóng tối của cái chưa biết - khi bị đẩy ra dưới mặt trời khoa học thì cháy sém. Nhưng, sâu trong vô thức vẫn còn sót lại những biểu tượng nguyên thủy ấy, kêu đòi ta tìm lại thế giới đã mất. Jung cho rằng đó là lí do khiến con người ta nằm mơ.
Và, cũng có thể, đó là lý do khiến Tarot với hệ hình ảnh tràn ngập những nguyên mẫu, những thần thoại, truyền thuyết và biểu tượng dễ kích thích, những ký ức cổ sơ bên trong con người cùng lòng ham mê chủ nghĩa thần bí đã bị giấu đi trong thời đại công nghệ. Một điều đáng lưu ý, đó là trên thế giới, người ta quan sát được rằng Tarot đã có sự trở lại mạnh mẽ hơn cả trong khoảng thời gian dịch bệnh COVID-19 - một biến cố không thể lường trước thay đổi cuộc sống, nằm ngoài sự dự đoán của các nhà khoa học và khiến cả một hệ thống xã hội hiện đại tưởng như được xây dựng vô cùng tinh vi bỗng lộ ra đầy điểm yếu và hết sức mong manh. Có những thời điểm, khi khoa học tỏ ra lúng túng, con người bỗng chốc nhận ra tầm quan trọng của trực giác, của vô thức, của lòng kính trọng và sự giao cảm hồn nhiên với vũ trụ.
Một trong những nhà văn lớn của nửa sau thế kỷ 20, Italo Calvino từng dựa vào những cỗ Tarot để viết nên thiên tiểu thuyết “Lâu đài của những số phận giao thoa”. Ông đã viết bằng cách này, đầu tiên, ông lấy ra một cỗ bài Tarot, xếp các lá lên bàn và rồi từ mỗi hàng dọc, hàng ngang, hàng chéo, ông viết ra một câu chuyện mà ông tưởng tượng được từ hình ảnh những lá bài được sắp xếp đầy ngẫu nhiên ấy. Kết quả của quá trình đọc bài tarot này đã tạo nên một cuốn tiểu thuyết độc nhất vô nhị, không giống bất cứ một mô hình tiểu thuyết nào trước đó, phá vỡ mọi cấu trúc truyền thống và khuôn khổ sáng tạo, khiến chúng ta phải đặt câu hỏi về bản chất của truyện kể và văn chương, rằng bản thân chúng có ý nghĩa nên ta đã kể ra chúng, hay vì ta kể ra chúng mà ta gán cho chúng một ý nghĩa?
Thực ra thì ý nghĩa mà ta đọc được trên Tarot có khi không phải điều Tarot muốn nói với ta, mà chỉ là lời ta cố tình “nhét” cho nó mà thôi. Nhưng, gán ghép cũng được, bởi thực ra khi ta bắt đầu cố gắng viết nên một câu chuyện và đặt ra ý nghĩa cho thế giới, thì đó cũng là lúc ta bắt đầu tận dụng sức mạnh lớn nhất trong trí tuệ của con người.