Tản mạn về sách và... đọc sách

Thứ Hai, 14/04/2025, 09:28

Sách là “tập hợp một số lượng nhất định những tờ giấy có chữ in đóng gộp lại thành quyển”. Loài người, lúc đầu chưa có giấy, người ta viết lên các tấm đất sét, mai rùa, mảnh xương thú, da thú, các thanh tre, lụa, sau đó là giấy.

Giấy được làm từ chất xơ thực vật kết dính bằng lực liên kết hydro. Lịch sử của giấy ghi rằng: Ngài Thái Luân - một vị thái giám triều Hán được coi là người phát minh ra giấy vào khoảng thế kỉ thứ 1 sau Công nguyên?

Tản mạn về sách và... đọc sách -0

Con người làm ra giấy và giấy có giá trị lưu trữ tri thức nhân loại lớn nhất trong định dạng sách. Con người càng tinh tấn, khoa học kỹ thuật, công nghệ càng phát triển, đặc biệt với sự ra đời của Internet, thì ngày nay sách điện tử (ebook) với khả năng dung chứa vô hạn đang làm thay đổi văn hóa đọc sách. Tuy nhiên, xét đến cùng, da thú, mai rùa, sách giấy, hay sách điện tử thì cũng là phương tiện để ghi chép, in ấn chuyên chở, truyền bá và lưu giữ tri thức nhân loại.

Cứ thử nghĩ: nhân loại không có sách thì tri thức nhân loại được cất giữ vào đâu để lưu truyền, và bây giờ trái đất sẽ còn hồng hoang, tăm tối như thế nào? Không có sách, có nghĩa là không có phương tiện lưu giữ tri thức, văn hóa, lịch sử… dưới dạng chữ viết và hình ảnh thì chỉ còn cách lưu giữ thô sơ như thời tiền sử, thời cổ đại, và… truyền khẩu. Truyền miệng thì “tam sao thất bản”, lịch sử nhân loại sẽ thiếu vắng hoặc “què cụt”, hoặc nghèo nàn biết bao nhiêu?

Những bộ sử thi của Homer là Iliad và Odyssey, rồi “Sử thi Mahabharata” của Ấn Độ sẽ còn phân mảnh, tản mát, ở đẩu đâu? “Thần khúc” của Dante, “Chiến tranh và hòa bình” của Tolstoy, “Tội ác và hình phạt” của Dostoyevsky, “Triết học Hegel”, “Triết học Nietzsche”, “Học thuyết kinh tế” của Adam Smith, những phát minh của Isaac Newton, Albert Einstein, Stephen Hawking… sẽ viết trên chất liệu gì, viết ra sao? Và lưu giữ chúng như thế nào?

Thế giới sách cách chính là kho tàng khổng lồ lưu giữ tri thức nhân loại, và hình bóng cuộc đời mỗi cá nhân, có thể giúp con người nhận thức tự nhiên và xã hội, hoàn thiện nhân cách, trau dồi kiến thức, kinh nghiệm sống. Sách cũng làm tăng khả năng tư duy, khái quát, phân tích và sáng tạo của mỗi cá nhân. Đặc biệt trong thời đại văn minh công nghiệp thì sách có lợi ích giải trí rất lớn, giảm stress, chữa lành rối loạn sức khỏe thể chất và tâm thần. Có thể nói ví von ngắn gọn sách cũng là tri thức, là tâm hồn, là kinh nghiệm sống, là sức khỏe… Nhưng, không phải ai cũng nhận ra tầm quan trọng đặc biệt của sách.

Sách, đối với người này là người bạn, người thầy, lúc giữa trưa, nửa đêm gà gáy bất chợt cần kiến thức hoặc chỉ là chút giải trí, giải tỏa tâm trạng... thì sách ân cần sẵn lòng chia sẻ ngay. Sách, với người khác thì họ lại thờ ơ, hờ hững, thậm chí là nỗi khổ ải, nhọc nhằn, do một lý do gì đó buộc phải sử dụng sách cứ như... đánh vật với sách. Thời gian cứ trôi vô định, đời người này cứ nối đời người kia. Sách cũng đi qua nỗi thờ ơ, lạnh nhạt, nỗi âu lo sợ hãi, sách đi cùng nỗi vui mừng, quý báu, chằm bặp..., sách đi qua mọi sắc thái tình cảm của người đời, và tồn tại bất diệt.

Thế giới sách tồn tại bất diệt là bởi nhân loại còn đọc sách. Hết người đọc sách thì sách cũng hoàn thành sứ mệnh lịch sử, hết người đọc sách thì văn hóa nhân loại cũng đến giờ cáo chung. Cho nên Nhà văn hóa - chính trị Mahatma Gandhi nói rằng: “Không cần phải đốt sách để phá hủy một nền văn hóa. Chỉ cần buộc người ta ngừng đọc mà thôi”.

Tản mạn về sách và... đọc sách -1

Tôi đồ rằng không có cách gì buộc người ta ngừng đọc sách. Sách là tri thức, là người bạn tâm tình, có mấy ai chối từ? Cả ngàn năm nay, ai lấy sách quý nhóm lửa, gói xôi, làm ghế ngồi cứ nhóm, cứ gói, cứ ngồi; ai đọc và nâng niu những chữ “thánh hiền” cứ nâng niu cứ đọc. Thiên hạ chẳng đi về nơi hoang dã bởi những người quý sách, trọng sách. “Trái đất ba phần tư nước mắt”, mỗi người có phận sự mỗi người như “con công thì múa, con nghê thì quỳ”. Thế hệ này, qua thế hệ khác đã và đang có những con người sinh ra như để... đọc sách, để nghiên cứu, để sáng tác, để phát minh sáng chế, chứ đâu chỉ thuần người đọc chỉ vì giải trí, và chữa lành vết thương lòng. Sau rồi, chính họ và tác phẩm của họ, phát minh sáng chế của họ truyền bá tri thức, kích thích sáng tạo, ảnh hưởng, tác động, như mưa dầm thấm lâu, lúc trồi lúc trụt… có ý nghĩa khai sáng và kéo bộ phận còn lại dần dần đến với sách bằng các con đường khác nhau.

Trước năm 1945, dân ta ít đọc sách, vì 95% mù chữ, số còn lại có muốn đọc cũng rất ít sản phẩm trí tuệ in bằng chữ của loài người đến Việt Nam. Thời chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ, giặc giã liên miên, bom đạn mù trời, và sách cũng không nhiều. Những năm 70 của thế kỉ trước, cả huyện có 1 hiệu sách nhân dân bé tí, mỗi trường tiểu học có một thư viện còm, các đầu sách lèo tèo, hàm lượng tri thức không cao, không phong phú như hiện nay, muốn đọc cũng khó.

Thời bây giờ, sách ê hề, các loại sách ngoại ngữ, tin học, khoa học kỹ thuật, văn chương nghệ thuật, kỹ năng sống,... như một mâm cỗ quá nhiều món ăn, mặc cho người đọc lựa chọn, chứ không như thời bao cấp mâm cơm cũng như “mâm sách”... đơn điệu, ít món. Có thể tin được không khi người ta thống kê: một người Việt Nam chỉ đọc 0,8 quyển sách trong một năm? Nếu cứ cộng từ các bản báo cáo của nhà xuất bản, và số sách nhập khẩu chia ra đầu dân; nếu cứ lấy số người đọc sách từ các bản dân tộc thiểu số ở Xín Mần, Mù Cang Chải, hay các phum ở Mo Ray, KBang... Tây Nguyên, hoặc các xóm vắng huyện Cần Giuộc... mà kết luận Văn hóa đọc xuống cấp thì cũng dễ thuyết phục. Nhưng, thực tế có vẻ lạc quan hơn, tôi vẫn có niềm tin là dù có nhiều phương tiện nghe nhìn khác cạnh tranh, nhưng dân ta vẫn đọc sách nhiều hơn thời bao cấp, thời chiến tranh.

Vừa rồi, Bộ Thông tin và Truyền thông tôn vinh Sbooks và Nguyễn Anh Dũng - người sáng lập Sbooks cũng là tác giả bộ sách “Tư duy ngược” và “Tư duy mở” phát hành hơn 1 triệu bản. Một bộ sách trong năm 2024 đã phát hành hơn một triệu cho 100 triệu người dân, còn bao nhiêu loại sách khác ở rất nhiều chuyên ngành: văn hóa, chính trị, xã hội, kinh tế, công nghệ, ngoại ngữ, kỹ năng…? Vả lại, chúng ta đang ở thập niên thứ 3 của thế kỷ 21 - thời đại bùng nổ thông tin, thời của internet kỹ thuật số, thời của người trẻ đi đến sách bằng nhiều ngả đường. Người lớn tuổi có cái thú đọc truyền thống nằm khểnh trên giường, hay gật gù ở ghế bành... dán mắt vào sách giấy. Người trẻ, đọc sách trên mạng, cứ vào Google mà gõ, ra hết. Cũng như, người ta xem phim trên TV và YouTobe thì thôi đến rạp. Sách điện tử cũng là sách, và đọc sách điện tử cũng là đọc sách. Có ai thống kê chính xác được có bao nhiêu sách điện tử, và bao nhiêu người đọc sách điện tử?

Từ mười năm trước, tôi đã từng biết có ông Nguyễn Hồng Sanh ở thành phố Vũng Tàu lưu giữ 5 triệu cuốn sách trong nhà, ông rất muốn mua thêm sách nữa nhưng nhà đã bị chật. Cái dạo Tạp chí Văn nghệ Quân đội kỷ niệm nửa thế kỷ truyền thống, mới biết có bạn đọc lưu giữ gần đủ các số tạp chí. Người đọc sách và lưu giữ sách không hiếm. Người ta chỉ yêu quý cái gì đó khi người ta cần thiết và nhận ra giá trị của nó. Cái nhẫn bằng vàng sẽ chẳng có giá trị gì với một bộ tộc sống hẻo lánh trong rừng Amazon lấy vòng cỏ làm vương miện tình yêu. Bởi vì: những cái cần biết và những cái cần thiết là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau, nên người đọc cũng khác nhau. Từ đó, có những cách đọc và cách ứng xử với sách cũng khác nhau.

Người đọc sách để giải trí, để khỏa lấp nỗi nhọc nhằn sau những ngày lam lũ mưu sinh. Người đọc sách trải nghiệm và trau dồi kinh nghiệm sống và cảm nhận giá trị nhân văn. Người đọc sách để bồi dưỡng kỹ năng, kĩ năng sống, kĩ năng làm việc. Người đọc sách để nâng cao tri thức ở lĩnh vực mình quan tâm… Nhu cầu và mục đích đọc sách như thế nào sẽ chọn loại sách phù hợp. Người đọc sách chuyên môn, chuyên sâu sẽ khác với người đọc sách chỉ để biết, để giải trí. Người nghiên cứu, giảng dạy, người viết sách thường đọc một tác phẩm nhiều lần để hiểu, để trích dẫn, đối chiếu, so sánh… Nhưng người đọc giải trí thích thì đọc, có thể đọc lại, không hấp dẫn là bỏ sách, chẳng mấy người ngồi ghi chép những thu nhận từ sách, mà chỉ cần ghi nhớ trong đầu.

Nói về sự cần thiết phải đọc sách, lúc sinh thời, Cụ Hồ căn dặn rằng: “Bất luận làm công việc gì cũng cần phải đọc. Người mới học chữ cần đọc để không mù lại, người làm công an cần đọc để nắm tình hình. Những người làm công việc chuyên môn cần phải đọc để nâng cao trình độ. Người làm quản lý lãnh đạo cần phải đọc để quản lý, lãnh đạo tốt hơn. Làm nhà báo, nhà văn lại càng phải đọc”.

Sách và đọc sách vừa là yêu cầu của cuộc sống, vừa là nhu cầu của con người. Dù văn hóa đọc có mai một ít nhiều, nhưng chính cái sự cần thiết phải đọc sách - sự cần thiết vĩnh cửu, sách và đọc sách sẽ mãi trường tồn. 

Sương Nguyệt Minh
.
.