Ta còn cần những thần thoại về “người cha” Mặt Trời tỉnh lẻ?

Thứ Sáu, 31/12/2021, 10:07

Mối quan hệ giữa con người và Mặt trời là mối quan hệ cơ bản nhất giữa người và thần, giữa người và bí ẩn của tự nhiên. Mặt trời khoan dung mà cũng khắc nghiệt chính là nguyên mẫu của tôn giáo độc thần về một người cha cao cao tại thượng, chính là tiền kiếp của Yahwei - Thiên Chúa trong tiếng Do Thái...

Hồi còn đi học, cựu Tổng thống George Bush chỉ được điểm D- môn thiên văn học ở Đại học Yale. Và có một câu chuyện vui rằng trong khi lên chiến lược tranh cử tổng thống, ông đã nghĩ ra một ý tưởng mà theo ông là rất độc đáo: lên Mặt trời. Các vị cố vấn phản đối bảo rằng Mặt trời nóng lắm. Nghe thấy thế, ông bảo, “Có sao đâu, vậy thì chúng ta lên đó vào ban đêm”.

Câu chuyện hài hước này vốn dĩ chỉ là một giai thoại được gán ghép cho nhiều chính trị gia không được yêu thích. Nhưng, có lẽ từ nay nó sẽ không gây được hiệu ứng châm biếm như trước đây nữa, bởi vào ngày 14-12 vừa qua, tàu thăm dò vũ trụ Parker Solar Probe của NASA đã lần đầu tiên chạm vào vành nhật hoa của Mặt trời, đánh dấu sự tiếp xúc trực tiếp đầu tiên của con người vào ngôi sao kỳ vĩ mà con người đã sùng kính từ buổi đầu hiện diện trên Trái đất.

Ta còn cần những thần thoại về “người cha” Mặt Trời tỉnh lẻ? -0
Những tấm ảnh mà tàu Parker Solar Probe gửi về từ vành nhật hoa của Mặt Trời.

Mặt trời. Đấng siêu phàm. Người cha đỡ đầu cho sự sống. “Tôi nhìn thấy Mặt trời và nếu tôi không thấy Mặt trời thì tôi vẫn biết nó đang ở đó. Toàn bộ cuộc sống nằm trong đây - trong việc biết rằng Mặt trời ở đó”, đại văn hào Dostoevsky đã để nhân vật người anh cả trong gia đình Karamazov thốt lên câu ấy. Mặt trời soi rọi cho tất cả nhân quần và vì vậy mà dù là người xấu hay kẻ tốt, người thắng hay kẻ bại, tất cả đều bị ám ảnh bởi Mặt trời, tất cả đều phụng thờ Mặt trời như một chân lý.

Mặt trời màu đen biểu tượng của Đức Quốc xã thì hắc ám biết bao nhiêu; còn Mặt trời chính Ngọ của Vincent Van Gogh thì ngùn ngụt sống động giữa phong cảnh tráng lệ của thiên nhiên miền Nam nước Pháp: “Mặt trời, thứ ánh sáng đẹp nhất khi được vẽ với màu vàng, phảng phất sắc lưu huỳnh nhạt, sắc chanh nhạt, sắc vàng ròng”, Van Gogh viết trong thư gửi Théo. Nhờ một tia sáng bị bẻ cong bởi Mặt trời chứng minh cho thuyết tương đối rộng mà Einstein đi vào lịch sử như một vị anh hùng khoa học. Nhưng, cũng là Mặt trời, khi được vẽ vào chiếc băng đô đeo trên đầu những phi công Kamikaze của quân đội Nhật Bản sẵn sàng lao cảm tử vào chiến tàu của phe Đồng minh thời thế chiến, lại không thể mang lại vinh quang vĩnh viễn cho họ, mà cuối cùng chỉ càng khiến cho cái chết của họ thêm phần cay đắng khi trở thành biểu tượng cho những hy sinh vô ích.

Mối quan hệ giữa con người và Mặt trời là mối quan hệ cơ bản nhất giữa người và thần, giữa người và bí ẩn của tự nhiên. Mặt trời khoan dung mà cũng khắc nghiệt chính là nguyên mẫu của tôn giáo độc thần về một người cha cao cao tại thượng, chính là tiền kiếp của Yahwei - Thiên Chúa trong tiếng Do Thái. Có nhiều tài liệu tôn giáo còn chỉ ra sự tương đồng giữa việc Chúa Jesus có 12 vị tông đồ còn Mặt trời là ông chủ bầu trời có 12 cung hoàng đạo và cảnh Judas hôn Chúa để chỉ điểm người chính là một phiên bản khác của thời điểm Mặt trời rời khỏi cung Thiên Bình để bước vào vòng tay của chòm sao Bò Cạp và nhận cú cắn đau điếng từ Bò Cạp. Vì vậy, mặc dù cùng là những thành tựu khám phá vũ trụ, thậm chí sự kiện con người lần đầu đặt chân lên Mặt trăng còn ấn tượng, quy mô và xúc động hơn nhiều nhưng nếu so với nó, sự kiện tàu vũ trụ lần đầu chạm vào Mặt trời lại mang một ý nghĩa tôn giáo lớn lao hơn. Đây là lần đầu tiên con người chạm vào thánh thần, chạm vào người cha cổ xưa, đây là lần đầu tiên con người làm một điều mà với Hồi giáo còn là cấm kị - diện kiến nhan Chúa.

Khi xem những bức hình mà Parker Solar Probe gửi về sau chuyến viễn du qua vùng khí quyển Mặt trời, những vòng sáng tạo nên do vùng từ tính bắt giữ các electron hiện lên chỉ những một nắm bụi khí hay một cơn mưa nặng hạt xám xịt. Những bức ảnh mà nếu không được chú thích thì có lẽ một người bình thường lướt Instagram sẽ bỏ qua ngay tắp lự, ở đó không có vẻ gì khải hoàn kỳ diệu như khi ta chiêm ngưỡng Mặt trời từ đằng xa, cụ thể là trên Trái đất, vào một rạng đông bên bờ biển. Tất nhiên là còn lâu chúng ta mới hiểu hết về Mặt trời, chưa kể vành nhật hoa thì mới chỉ là vòng ngoài của Mặt trời mà thôi nhưng cách mà con người lần đường được tới cả Mặt trời, cái cách mà những phần tử của Mặt trời phơi bày trần trụi trong những tấm hình kia khiến ta cũng phải tự hỏi rằng: liệu Mặt trời có thực sự thần thánh như trong truyền thuyết, thần thoại, sử thi, truyện dân gian, cổ tích hay không? Ta phải hỏi câu hỏi ấy, bởi vị thế của Mặt trời có liên hệ mật thiết tới vị thế của con người. Chúng ta đã sùng kính thần Mặt trời vĩ đại trong suốt lịch sử của mình và mất đi một điều thiêng liêng để kính ngưỡng là mất đi cột trụ của tinh thần và bệ đỡ của tâm thức.

Mặt trời đã từng khiến chúng ta thất vọng. Tập 4 cuốn “Bách khoa toàn thư thiên văn học và Vật lý thiên văn” do Paul Murdin chủ biên đã định nghĩa thế này:

Mặt Trời là một ngôi sao lùn vàng, dãy chính, loại quang phổ G2V, khối lượng 1.989×1.030 kg, đường kính 1.392.000 km, độ sáng 3,83×1.026 W và cấp sao biểu kiến tuyệt đối là +4,82.

Những con số về kích thước tuy lớn lao thật đấy nếu so cùng hành tinh nhỏ bé mà ta đang nương náu nhưng rồi thì Mặt Trời cũng là một “ngôi sao lùn vàng” bé bỏng nếu so cùng xấp xỉ 200 triệu tỷ tỷ ngôi sao đang tồn tại, nằm ở khoảng nửa đường từ tâm tới mép thiên hà - nói cách khác, một ngôi sao nhà quê, một ngôi sao tỉnh lẻ, không có gì nổi trội.

Sự “nhúng tay” của khoa học hết lần này tới lần khác khiến cho Mặt trời, người cha ban phát sự sống cho muôn loài, lộ diện chỉ là một kép phụ, một diễn viên quần chúng trên sân khấu vĩ đại của vũ trụ. Không còn đâu vẻ diễm áp của vì tinh tú trung tâm vũ trụ mà Giordano Bruno, tu sĩ và triết gia tử vì đạo, đã ngợi ca: “Apollo, thi sĩ, người mang tên, cung thủ của những mũi tên quyền lực, người đội vòng nguyệt quế, người đưa sấm truyền ở Delphi, nhà tiên tri, người chăn chiên, người thấy trước tương lai, vị thầy tu, thầy thuốc”, Mặt Trời chỉ là một ngôi sao lùn, cấp độ gần như yếu ớt nhất trong phân loại sao. Và giờ đây những thiết bị do bàn tay con người chế tạo cũng có thể trót lọt do thám Mặt trời. Tình huống này thực sự khiến cho tôi nhớ tới một bộ phim kinh điển Nhật Bản, trong đó hai anh em nhà kia tình cờ phát hiện ra người cha nghiêm khắc mà chúng luôn kính nể và tự hào hóa ra chỉ là một anh nhân viên hề chèo nịnh ông sếp lớn ở công ty. Hai anh em thất vọng và đòi tuyệt thực.

Ta còn cần những thần thoại về “người cha” Mặt Trời tỉnh lẻ? -0
Truyền thuyết Hậu Nghệ bắn rơi 9 Mặt trời của người Trung Quốc.

Con người tuy không thể đoạn tuyệt ánh Mặt trời nhưng liệu con người có nên đoạn tuyệt với những thần thoại vĩ đại về Mặt trời và sự chinh phục Mặt trời? Có ích gì khi còn đọc truyện người anh hùng Gilgamesh tìm kiếm vùng đất Mặt trời, vùng đất vĩnh hằng của sự sống và bị đám người bọ cạp ngăn cản? Có ích gì khi còn đọc thần thoại Hậu Nghệ bắn rơi 9 Mặt trời và cuối cùng khi chỉ còn 1 Mặt trời thì chàng bị đầy xuống hạ giới làm người phàm tục? Có ích gì khi còn đọc về chàng Đăm Săn đi cầu hôn Mặt trời song bất thành, cuối cùng hóa thành con ruồi chui vào mồm chị gái, sinh ra hậu duệ lại lên đường tìm Mặt Trời lần nữa? Những thần thoại này còn ý nghĩa gì nếu như giả sử có một tộc người ngoài vũ trụ sống trong một hành tinh quay quanh một ngôi sao to lớn và “bất tử” dài lâu hơn nhiều so với Mặt trời và họ bảo Mặt trời của họ thì vĩ đại hơn Mặt trời của chúng ta?

Con người hiện đại phải đối mặt với một giằng xé triết học, rằng Mặt trời chỉ là một ngôi sao tầm thường, nhưng cùng lúc, ta vẫn là nòi giống của nó, ta vẫn do Mặt trời sinh ra, ta vẫn phải “rúc” vào Mặt trời để tồn tại. Về vật chất, chỉ một sự biến đổi về vệt đen trên Mặt trời cũng có thể là nguyên nhân khiến mùa màng thất bát và khiến thị trường kinh tế suy sụp. Bạn đọc có thể tìm hiểu thêm trong cuốn “Natures Third Cycle: A Story of Sunspots” của nhà thiên văn học Arnab Rai Choudhuri. Còn nỗi thất vọng về Mặt trời, sự phủ nhận tính thiêng liêng của Mặt trời cũng khiến con người hiện đại phủ nhận thánh thần, trở thành những kẻ bơ vơ, yếu ớt và côi cút về tinh thần hơn bao giờ hết.

Nhưng, chẳng phải không đứa trẻ nào được lựa chọn người thân sinh ra mình? Cũng như thế, con người không được lựa chọn ngôi sao nào sẽ cho nó ánh sáng. Như một kẻ xuất thân hàn vi, thời khắc khi con người nhận ra rằng, người cha Mặt trời vừa vĩ đại, vừa nhỏ bé, nhưng sự nhỏ bé của người cha cũng không khiến công lao người cha thôi vĩ đại, đó là thời khắc trưởng thành của con người. Và, con người của thế kỉ này cần đến thần thoại Gilgamesh đi tìm vùng đất Mặt trời hay hai anh em sinh đôi thần Chiến tranh của người Navaho đi tìm người cha Mặt trời với tính cách thất thường cáu bẳn không phải vì ta cần tìm hiểu về Mặt trời - cái đó đã có thiên văn học - mà để ta tìm hiểu về chính mình, về sự vô tận của mình và sự hữu hạn của mình.

Đến đây, tôi chợt nhớ tới bộ phim “Kỳ nghỉ ở Rome”, có một cảnh khi nàng công chúa cải trang thành người thường do Audrey Hepburn thủ vai đi dạo phố cùng anh chàng nhà báo do Gregory Peck đóng. Họ đi qua Bocca della Verità, một chiếc mặt nạ lớn bằng cẩm thạch dựa vào bức tường bên trái của mái hiên nhà thờ Santa Maria ở Cosmedin, nhân vật của Peck đã trêu nàng công chúa bằng cách nói rằng, kẻ nào nói dối mà cho tay vào miệng của mặt nạ sẽ bị cắn đứt tay do “công lý báo thù của Mặt trời thực thi”. Nàng công chúa ngây thơ tin sái cổ và sợ hãi cho bàn tay của mình vào đấy. Gương mặt nàng hoang mang tột độ. Tất nhiên, sẽ chẳng có vị thần Mặt trời nào cắn đứt tay nàng cả nhưng có lẽ cái mà con người cần là như thế đấy: lòng kính sợ sẽ bị Mặt trời nhìn thấu, nhưng cùng lúc, cả lòng can đảm sẽ đưa tay vào thẳng Mặt trời.

Hiền Trang
.
.